Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

Ghi chép ở Sơn Đông: Ý THỨC VỀ THANH GƯƠM KHAI QUỐC TRẦN NGUYÊN HÃN

Trong các sự kiện được đi vào huyền tích của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Bình Định vương Lê Lợi khởi xướng năm 1418, có huyền tích về “Bình Ngô sách” của Nguyễn Trãi và “Thanh thần kiếm” của Trần Nguyên Hãn ứng với câu ngạn ngữ trong dân gian truyền về sau “Tả tướng Gốm”, “Hữu tư Đăm” là hay nhất. Nhiều học giả đã viết hoặc đã bàn về các huyền tích này. Tôi muốn nhắc đến thanh gươm “Thuận thiên” của Bình Định vương Lê Lợi mà về sau gắn với sự “Hoàn kiếm” của Lê Hoàng đế trên hồ Lục Thủy (tên gọi trước của Hoàn Kiếm hồ ngày nay). 

Đầu tiên là trong sách “Lam Sơn thực lục” do Nguyễn Trãi soạn, rồi đến sách “Đại Việt thông sử” của Lê Quý Đôn đều có chép là thanh gươm của Lê Thận (Đặng Thận) người làng Mục Sơn Thanh Hóa đi kéo cá trên sông Lam, cá chẳng được, chỉ được một thanh sắt dài. Đêm tối có phát ra ánh sáng. Khi Đặng Thận tiến dâng cho Lê Lợi đã trở thành “Gươm Thuận thiên”: Thuận theo lòng trời. Huyền tích tưởng chỉ có thế, bởi sách sử đã có ghi và lòng người từ hơn 600 năm nay vẫn tưởng là như thế. Song, trong ngày hội thảo Khoa học cấp nhà nước về thân thế và sự nghiệp của Tả tướng quốc tổ chức tại huyện đường của UBND huyện Lập Thạch, các đại biểu về viếng di tích Trần Nguyên Hãn ở Sơn Đông, chứng kiến cảnh trời mây nước ở nơi có: Ghềnh Đông Hồ nước chảy đá trơ trơ Đền tả tướng rộng thu vầng chính khí. Và đọc các bài thơ đề viếng của các vị tiên hiền “đề bích” (đề lên tường) trong di tích như câu của TS Nho học đời vua Tự Đức Nguyễn Văn Tính :
月影藍山天子劍
“Nguyệt ảnh Lam Sơn Thiên tử kiếm”,
Câu của vị tiền bối khác:
片石長留寶劍寒
“Phiến thạch trường lưu bảo kiếm hàn”
 thì lại là cuộc gần như hành hương trở về với thời “Anh” thanh niên Trần Nguyên Hãn mài gươm nuôi chí năm nào.

Truyện kể rằng: Trong thời kì giặc Ngô (Minh) thống trị nước ta, Trần Nguyên Hãn mới bước vào tuổi thanh niên. Vì nhà nghèo (Cha mẹ lên khai hoang lập trại ở địa đầu ấp Đông Sơn) nên Trần Nguyên Hãn vẫn ngày ngày cày cuốc ở nương Gò Rạch . Trong một lần Trần Nguyên Hãn cày bật lên được một thanh sắt dài tựa như lưỡi gươm. Ông mang về nhà mài, thấy sắc bén nên cất đi vào chỗ kín. Đêm đêm thấy có ánh sáng lạ từ chỗ ấy phát ra nên càng nên biết là vật quý, mới tường đêm dem ra mài ở hòn đấ lớn bên bờ Ao Son, cạnh đường vào nhà, tức là con đường đi vào đền tả tướng quốc ngày nay. Gươm mài trong 10 năm, hòn đá có vết lõm dài đến 40 cm do công sức của người mài, cộng với lòng yêu nước “Luôn nuôi chí cứu đời giúp dân” (Đại Việt thông sử). Và thanh gươm vẫn được hàng ngày mang theo bên mình, hoặc để trong chiếc đòn ống gánh dầu dọc đi bán. Nay thì chợ Gốm, mai chọ Bồ Sao, chợ Bạch Hạc Và cũng nhân tình cờ mà có bữa cơm ăn con trai trai trên nhà bè của ông lão ngư dân thiết đãi ở cửa sông Đáy (Để Giang ). Thanh gươm được hoàn chỉnh bởi một cái chuôi gỗ được ông nhà bè cho gắn vào như là sự thiên tạo. Tình tiết cũng giống như gươm của Đặng Thận, khi đã tra chuôi vào thì không bao giờ còn rút ra được nữa. Phải chăng đây là ý trời hay thuận lòng người mà cái ý chí không thay đổi “cứu đời giúp dân” đã cố định.

Đá mài gươm nay đặt trong lăng
          Trần Nguyên Hãn mài gươm! Đó là một sự kiện có thật. Sự thật là còn hòn đá mài gươm đây, và sâu lắng với thời gian, trở thành đề tài của thơ ca người Sơn Đông, trở thành một thần tượng tâm linh. Di tích Sơn Đông phiến đá thờ. Khiến người qua đó trạnh niềm mơ. Xưa in nước biếc lung linh bóng Nay ánh gươm thiêng phẳng lặng tò. Đạp đát tiếng thơn lưu vẻ quý Vá trời cơ nghiệp lắng hồn thơ Kiếm mài sáng tỏ công phò chủ Mở mặt non sông hiệu trống cờ. Vũ Đình Nguyên, Quan Tử. Trần Nguyên Hãn tuy có cuộc sống dan dã thời ấu thơ và trưởng thành trong chuân chiên của cuộc chiến tranh ái quốc, nhưng chính ông lại có nguồn gốc lá ngọc cành vàng. Tổ 04 đời của ông là cụ Trần Nguyên Đán là quan tể tướng dười triều vua Trần Nghệ Tông (1370-1372). Là chắt 07 đời của Chiêu Minh đại vương Trần Quang Khải. Cụ Trần Quang Khải từng được vua cha Trần Thái Tông ban cho một thanh kiếm và một lá cờ trở thành nhân vật kiệt xuất đầu nhà Trần vơi hai câu tán tụng: 

一代功名天下有
兩朝忠孝世間無
 Nhất đại công danh thiên hạ hữu 
Lưỡng triều trung hiếu thế gian vô. 

“Lưỡng triều” là trìều của vua Thái Tông và Nhân Tông. Thanh gươm ấy cùng vung lên trong các cuộc đại chiến Chương Dương, Hàm Tử nay lại trở thành gươm báu truyền gia qua 06 lần người đời đến tay Trần Nguyên Hãn như một định mệnh: Gươm giời cho để phò vua cúu nước, ứng với câu sấm: “ Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần, Tả tướng Gốm”. Từ một hiện thực, tình tiết về thanh gươm đã trở nên huyền thoại, rồi đi vào huyền tích trở thành gươm “Thuận thiên” . Để đến thế kỷ thứ 19 trên đường xuất bôn “Cần vương”, ông Tôn Thất Thuyết vẫn mộng mơ có được thanh gươm như thế. Ông đã lên đền Tả tướng ngủ một đêm cầu mộng và rồi đổi lấy gươm thần mang đi. Và cả ông Xứ Nhu nưa cũng đã đến đền để nằm mộng:
Thanh dạ hữu thần nan tá mộng
Tinh chung vô kiếm dị bình Ngô…
Nghĩa:
Đêm thanh thần mộng khó vô cùng.
Bình Ngô không kiếm dễ không chừng…
Thanh gươm và đá mài gươm trở thành đề tài của một đôi câu đối và bài thơ do một vị quan đầu tỉnh về thăm rồi đề ở đền:
 
Phiên âm.
 Bạt kiếm trảm thiên kiều, Nam quốc sơn hà trung bất cải.
Hạ xa bái linh miếu Đông Sơn tú cổn vẫn như tồn.
Nghĩa:
Tuốt gươm chém “cầu giời”, sông núi nước Nam không thay đổi.
 Xuống xe vái miếu thiêng, Đông Sơn mũ đẹp vẫn như còn.
Và,
片石長留寶劍寒 Phiến thạch trường lưu bảo kiếm hàn.
 藍山雲樹草花間 Lam Sơn vân thụ thảo hoa gian.
滔滔逝水波逃靜 Thao thao thệ thủy ba đào tĩnh.
泛泛孤舟事業閒 Phiếm phiếm cô chu sự nghiệp nhàn.
忠烈一心經北寇 Trung liệt nhất tâm kinh bắc khấu.
雄威萬古鎮東山 Hùng uy vạn cổ trấn Đông Sơn.
丈頭蔾火經恢領 Trượng đầu lê hỏa kinh khôi lãnh.
 依舊山河永不刊 Y cựu sơn hà vĩnh bất san.
劂名 Khuyết danh.
Tạm dịch:
"Đá còn gươm báu chẳng còn.
Núi Lam cây cỏ muôn vàn tốt tươi
Ầo ào nước chảy về xuôi
Con thuyền thấp thoáng cảnh chơi nhẹ nhàng.
Lòng trung để giặc bàng hoàng
Hùng uy muôn thuở Đông Sơn vẫn còn.
Gậy lê ngọm lửa đã tàn.
Giang sơn sau trước vẹn tòn giang sơn."

Tôi cứ tự hỏi nếu là gươm “Thuận thiên” của vua Lê thì đã có hồ Hoàn Kiếm minh chứng rằng nhà vua đã trả lại gươm cho đất trời, còn thanh gươm ấy nếu là phải của Trần Nguyên Hãn dâng nhà vua thì đâu có còn nữa? Vậy thì chỉ có bến Đông Hồ mới là nơi minh chứng cho rằng gươm kia là của ai, còn hay mất, ở giây phút cuối cùng trên con thuyền về Đông Đô theo lệnh của nhà vua. Chỉ có hòn đá mài gươm bên bờ Ao Son thì vẫn còn ở Sơn Đông cũng như hồ Hoàn Kiếm vẫn hiện diện ở thủ đô Hà Nội mới là những vật chứng của một thời kỳ lịch sử hào hùng đã qua đi rồi mà vẫn như đang còn trước mắt.
               Tháng 03 năm 2013.

Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2013


THÔNG TIN VỀ NGÔI ĐỀN THỜ TẢ TƯỚNG QUỐC
TRẦN NGUYÊN HÃN Ở XÃ SƠN ĐÔNG.


Lê Kim Thuyên
                            
Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn 陳 元 捍 tự chìm thuyền ở bến Đông Hồ 東 湖 xã Sơn Đông, nay thuộc địa bàn thôn Đa Cai 多 該 ngày 26 tháng 02 năm Kỉ dậu (năm 1429) dưới triều vua Lê Thái Tổ húy Lợi, hưởng dương 39 tuổi. Đó là một độ tuổi đang cường tráng về thể trạng và minh mẫn về trí tuệ.
Tuy nhiên, đang thời kì ấy thì xảy ra sự việc ở bến Đông Hồ. Khi nghe tin tức khắc hoàng đế Lê Lợi đã nổi giận. Theo trong sách “Đại Việt thông sử” 大 越 通 史 của tác giả Lê Quý Đôn viết ở thế kỉ 18 thì nhà vua đã lập tức ra chiếu chỉ tịch thu nhà cửa ruộng đất, bắt giam vợ và con của ông Hãn. Nguyên thư chép là: “ Sự văn, chiếu thúc kì thê tử, điền sản” 事 聞 上 詔 叔 其 妻 子 田 . ( Bản A 1389, viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội).
Về việc này, sách “ Khâm địmh Việt sử thông giám cương mục” 欽 定 越 史 通 鑑 綱 目 của Quốc Sử quán triều Nguyễn biên soạn vào đời vua Tự Đức (1848-1883 có đoạn viết nhận xét về vua Lê Thái Tổ: “ Nhà vua… kíp khi lên ngôi, quy định thuế khóa, chia ruộng đất, ban hành luật lệnh, mở khoa thi, tổ chức quân cấm vệ, cắt đặt quan chức, tưởng lục công thần, dựng trường học…quy mô sáng nghiệp có thể là rộng lớn, nhưng hay nghi kị, đa sát, đó là chỗ kém của nhà vua. (Xem Cương mục bản dịch tập IX trang 30, nhà xuất bảnVăn Sử Địa Hà Nội năm 1969 ).
Tuy nhiên, về việc làm của mình đối với Trần Nguyên Hãn, về sau cũng có lúc nhà vua đã có tỉnh ngộ. Bằng chứng là trong cuốn “Hoàng việt xuân thu” 皇 越 春 秋, viết ở cuối thế kỉ XVI đã có ghi: “Từ sau sự việc Trần Nguyên Hãn ở sông Lô, nhà vua (Lê Lợi. LKT) vẫn thường nhắc nhở rằng: Chỉ vì Trẫm chót nghe theo lời vu cáo của người ta, nên đã triệu hồi ông Hãn về kinh đô, vậy mà gây nên họa cho ông ấy. Nếu không, ông ta đã chẳng tự gây nên nông nỗi thế. Mãi về sau, người đời vẫn cho là Trẫm bạc với công thần, đẻ tiếng cười đến nghìn năm vậy. Nói rồi, vua tự nhiên rơi nước mắt”. ( Bản viết, tờ 3b).
Viết ở thế kỉ XVIII, nhà Sử học Lê Quý Đôn cũng đã nhận xét : “ Sau này, vua Thái Tổ hối hận thương hai người bị oan (tức Phạm Văn Xảo, Trần Nguyên Hãn. LKT), lại biết bọn Lê Quốc Khí đều là hạng tiểu nhân xảo quyệt , nên rất ghét chúng”. Ông còn viết tiếp : “Về sau bọn chúng đều có việc bị đuổi, nhà vua xuống chiếu bảo các quan rằng: bọn Lê Quốc Khí, Trình Hoành Bá, Lê Đức Dư mà trong thiên hạ có kẻ mưu phản cần tố cáo cũng không cho bọn ấy được tố cáo”.
Rồi nhà vua mới sai lập đền để cầu đảo, phong cho làm Tả quốc Trung liệt đại vương, động chủ huyện Lập Thạch, ngôi đền do dân thờ tự. (Tài liệu của sách Hoàng Việt xuân thu).
1. Lịch sử xây dựng.
Đó là nguyên do để có ngôi đền thờ Tả tướng quốc ở xã Sơn Đông như sách “Đại Nam nhất thống chí” 大 南 一 統 志 tỉnh Sơn Tây, mục đền miếu ghi chép: “Đền thần Tả tướng họ Trần ở xã Sơn Đông huyện Lập Thạch, thần họ Trần, húy là Nguyên Hãn, người xã ấy”. (Bản dịch tập 04, trang 228. nhà XB KH-XH Hà Nội năm 1971). Nay thuộc về thôn Đa Cai xã Sơn Đông.
Như vậy ngôi đền đã dược dựng lên từ rất sớm, đầu thế kỉ XV. Đến thời vua Lê Nhân Tông vào năm Diên Ninh thứ nhất (1454) do ông được minh oan “trả lại gia sản ruộng đất, tha ra vợ và con” nên ngôi đền có nhiều thuận lợi để được tu sửa và mở rộng quy mô.



Bức hoành gian chính điện có 4 chữ Khai Quốc Nguyên Huân

Về việc lập đền, sách “Sơn Tây tỉnh chí” 山 西 省 志 , tài liệu Viện nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội (bản A 857, tập hạ, tờ 35b-36a) cho hay: “ Công một hậu pha trứ linh dị. Phương dân tức kì cựu trạch lập từ, tuế nguyệt chí tế” 公 沒 後 頗 著 灵 異 方 民 即 其 舊 宅 立 祠 歲 月 致 祭. Dịch là: Sau khi ông mất, trở nên linh dị. Dân địa phương nhân nền nhà cũ dựng ngôi đền, tháng năm đến làm lễ tế. Như vậy, thời gian tính từ khi khởi lập đến nay đã vào khoảng 584 năm tồn tại và phát triển. Mục “nhân vật” sách “Đai Nam nhất thống chí” 大 南 一 統 志 thì chép: Sau khi mất, thường hiển linh, người địa phương lập đền thờ, gọi là đền Tả tướng; bản triều (tức triều Nguyễn. LKT) có sắc tặng. (Xem bản dịch tập 04, NXB KHXH Hà Nội năm 1971, trang 232).
Như vậy là suốt quá trinh hơn 500 năm qua chỉ thấy sách sử viết về việc dân lập đền thờ và thờ cúng, không hề thấy nhắc nhở gì đến việc vợ và con ông trở về nơi quê cũ. nhận lại điền sản và thờ cúng ông. Hương ước làng Quan Tử chép về việc thờ cúng của dân làng là như thế này: “Ao công là Ao Cá có 01 mẫu 03 sào 10 thước để làm hương đăng ở đình Thượng”.( Xem HƯ.3423, trang15, tư liệu viện TT KH-XH Hà Nội).
Ngày nay còn lưu giữ được các thư tịch ở ngôi đền trong đó có phần chép các bài thơ “đề bích” (đề lên vách-tường) của các nhà chí sĩ xưa từng đến viếng, có những câu ý vị về ngôi đền như của các vị sau đây:
- Nguyễn Văn Tính, người  xã Cựu Hào huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định, thi đỗ TS khoa Tân Sửu niên hiệu Thành Thái 13 (1901) triều Nguyễn:
便 是 東 阿 別 有 天
 Tiện thị Đông A biệt hữu thiên.
(Ấy là mảnh trời riêng của nhà Đông A (Trần).
- Song Lãng TS người quê lúa Thái Bình:
十 載 經 輪 茅 屋 裏
Thập tải kinh luân mao ốc lí.
(Mười năm xông pha về với ngôi nhà tranh).
- 鳳 嶺 歸 來 任 故 吾
 Phượng lĩnh quy lai nhậm cố ngô.
(Trở về đỉnh gò Phượng nơi nhà xưa).
- Hoặc là như TS Nguyễn Quỳnh:
兵 火 不 恢 香 火 地
一 新 廟 貌 久 重 輝
Binh hỏa bất khôi hương hỏa địa
Nhất tân miếu mạo cửu trùng huy.
(Binh lửa không có ở nơi đây, nơi đất ông cha ở lại
Một lần làm đền miếu mới, đẹp đẽ đến chín tầng mây).
Đó đều là những chứng cớ để năm 1924, viên tuần phủ tỉnh Vĩnh Yên là TS Nguyễn Văn Bân viết trong tập địa kí “Vĩnh Yên phong thổ kí” 永 安 風 土 記 là ngôi đền tọa lạc trong khuôn viên “Nhân cố trạch khởi từ miếu” 因 故 宅 起 祠 廟.(Nhân nhà cũ, dựng đền miếu).
Về quy mô của ngôi đền xưa như thế nào thì không có tài liệu để tham khảo. Chỉ biêt qua tương truyền là có hướng nhìn thẳng ra sông Lô, là hướng tây nam theo hướng nhà cũ từ thời sinh ra Trần Nguyên Hãn, có cổng bước thẳng xuông ao Cá 泑 個, là đầu nguồn của một dòng chảy từ đó ra sông Lô qua cửa sông được gọi là Cống Khẩu 貢 口 phía bên trên bến Đông Hồ  東 湖, nơi thuyền của Tả tướng hàng ngày vẫn ra vào. Cũng do hướng ấy mà trong làng đàn ông thì nhút nhất, đàn bà thì táo tợn mà kinh tê thì kém thịnh vượng, nên về sau mới  có sự thay đổi.
Ngôi đền ngày nay tương truyền theo phong thủy là toạ giữa trán con hổ dữ trong hình cảo “mãnh hổ xuất lâm” 猛 虎 出 林 (hổ dữ lìa rừng) trong số hình thế “ngũ hổ quần dương” 五 虎 群 羊 (năm con hổ vờn con dê) của một tập hợp những đỉnh gò ở phía sau ngôi đền mà nay vẫn còn địa danh là “hổ quần” 虎 群. Con hổ đang rình bắt một con lợn đang đi ăn là hình tượng của quả gò có địa danh là Gò Hóp 塸 哈. Phía chính diện ngôi đền lầ quả gò hình tròn dân điạ phương vẫn goi là Gò Gai 塸 荄, vì là hình tròn như miệng trống nên được gọi là Gò Trống 塸 𤳢, cùng sánh với quả gò ở bên phải là Gò Rạch mà nhân dân địa phương ví là Gò Chiêng 塸 鉦: Bên chiêng, bên trống trong tâm linh thờ tự.
Theo trong hồ sơ xếp hạng của nhà Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phú lập tháng 06 năm 1983 (cấp bằng công nhận di tích Lich sử-Văn hóa cấp Quốc gia năm 1984) thì ngôi đên trước năm 2012 đã được sửa chữa 03 lần:
* Lần 01 vào thời kì đầu của triều Nguyễn là căn cứ vào các hình thế tạo dáng của các họa tiết trang trí ở các đầu bẩy nhà tiền tế.
Tuy chưa xác định được niên đại chính xác của lần tu sửa này, nhưng cũng đó là điểm khởi tạo của ngôi đền có hướng đông nam trong khuôn viên ngôi nhà cũ như hiện nay.
* Lần thứ hai tu sửa vào năm Giáp tuất là năm Tự Đức thứ 27 (1874), dòng lạc khoản này được ghi ở câu đầu phần thượng cung  嗣 德 甲 戌 貳 拾 柒 年 重 修 nên đây là phần làm thêm thượng cung để hình thành kiểu dáng chữ “Đinh” () cho ngôi đền.
* Lần thứ ba là lần cuối cùng trước năm 1945 vào năm Kỉ mão đời vua Bảo Đại (1939), trên xà dọc ngoài gian tiền tế còn hàng chữ: Bảo Đại thập tứ niên, tuế thứ Kỉ mào trùng tu. 大 拾 肆 年 歲 次 己 卯 重 修. Lần trùng tu này lát gạch hoa ở nhà tiền tê, dựng tam quan, lát sân, xây tường hoa hai bên sân từ tiền tế tới tam quan.
Tổng thể ngôi đền như vậy là có hai khối kiến trúc.
- Khối tam quan đền là một tòa nhà chồng diêm 04 mái theo kiểu “thượng thực hạ hư” hai bên đốc xây bằng gạch Bát Tràng. Hai bên đầu hồi có hai gian gác lửng để treo chiêng trống. Giữa là cửa vào cấu trúc kiểu “thượng song hạ bản” gồm 04 cánh. Có hai pho tượng lực sĩ đứng gác tạc băng gỗ mít sơn son thếp vàng, bên trên có bức hoành ba chữ đề “Tối linh từ” 最 靈 祠 (đền thiêng bậc nhất). Cổng đền có 07 bậc xây gạch từ đường cái mà lên đến sân đền dùng làm nơi thực hành lễ tế.
- Đền chính là tòa kiến trúc chữ “Đinh” () gồm 02 gian thượng cung nối với tiền tế bằng 01 gian “ồng muống” gồm 06 chiếc cột. Cửa thượng cung có xà giường, trên lắp ván mê chạm hình “lưỡng long triều nguyệt” 兩 龍 朝月, gian giữa đặt đồ thờ tự cùng cỗ long ngai bài vị ghi hàng chữ thánh tâm về tước hiệu của người. Hai bên cửa thượng cung treo một đôi câu đối thờ của tác giả là người làng Quan Tử thi đỗ hai khoa Tú tài (Tú kép) triều Nguyễn tên là Trần Danh Súy. Như sau:
藍 山 相 業 存 靈 地
瀘 水 臣 心 對 義 天
Phiên âm:
Lam Sơn tướng nghiệp tồn linh địa
Lô thủy thần tâm đối nghĩa thiên.
Là đôi câu đối hay nhất có trong đền, cả ý về sự nghiệp và kết cục của Tả tướng chữ dùng trong tiểu đối. Nghiã là:
Nghiệp tướng Lam Sơn còn linh địa
Lòng “Tôi” Lô thủy có trời hay.
Tòa tiền tế có 05 gian hai dĩ kiểu kiến trúc “tứ trụ lòng thuyền”, “chồng rường” gồm 32 chiếc cột là một kiểu kiến trúc bề thế và vững chắc. Bốn góc nhà đều có chạy đao xối. Nhang án thờ chính vị đặt chính giữa nhà tiền tế, bên trên đặt bát hương công đồng bằng gốm Thổ Hà, hai bên có đồ “lỗ bộ” xếp theo hình “chữ môn” (). Bên trên treo bức hoành bốn chữ “Khai quốc nguyên huân” 開 國 元 勳 nghĩa là công đầu mở nước khó nhọc. Nội dung bức hoành và đôi câu đối trên thâu gọn cả cuộc đời và sự nghiệp làm tướng của ông Trần Nguyên Hãn và cũng là gói trọn cả tâm linh thờ tự về ông.
Tất cả công trình kiến trúc to đẹp như vậy đều là công sức của nhân dân làng Quan Tử 官子 mà địa danh trước đó là xã Sơn Đông 山 東 xây dựng nên. Bản TT-TS của xã Quan Tử kê khai là: “Vị Trần Nguyên Hãn, thời sau khi ngài hóa hiển thánh, làng chúng tôi mới dựng đình thờ ngài”. ( Tư liệu viện TT KHXH Hà Nội FQ 4o 18/13. trang 1197).
Cũng do ngôi đền được khởi dựng từ thời Lê sơ, trùng tu nhiều lần vào đời Nguyễn nên hầu hết các cấu kiện gỗ đều đã xuống cấp nặng nề. Bởi vậy sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc được phê duyệt làm chủ đầu tư tu sửa, tôn tạo. Công việc trước hết là hạ giải công trình cũ, chọn lại những chi tiết còn đủ tốt sử dụng lại. Đồng thời mua gỗ lim (Tên khoa học Erythrophlocum fordu Oliver) từ Lào bổ sung vào phần thiếu hụt của lần tôn tạo này. Kiểu thức vẫn giữ theo nguyên vẹn kiến trúc cũ, gồm cả các họa tiết trang trí. Toàn bộ phần nội thất đều được sơn son thếp vàng lộng lẫy, màu sắc đỏ tươi hợp với di tích đền tướng.
Năm 2012, công trình được tiếp tục xây lát sân đền  và mở rộng dựng mới thêm hai nhà “tả mạc”, “hữu mạc”, làm hoàn tất nhà tam quan, tu chỉnh lăng đặt hòn đá mài gươm tương truyền là kỉ vật từ thời còn mài gươm nuôi chí lớn bên trong cây đa của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trồng khi về thăm, thành một tổng thể công trình kiến trúc uy nghi, hoành tráng, Phần ngoại thất trước đền cải tạo và xây hồ “bán nguyệt”, taọ thành cảnh quan phục vụ các dự án du lịch lịch sử-sinh thái trong tương lai. Và trước hết là phục vụ tuần lễ văn hóa du lịch do tỉnh tổ chức xuân năm 2013.
2. Thờ cúng.
Theo lời khai trong TT-TS cuả lí dịch xã Quan Tử nơi thờ ông gọi là “đình Thượng”. Đó nguyên là cái đồi ngày xưa ông mở trại làm nhà ở đấy, hợp kiểu đất sơn thủy rất là hữu tình, có vẻ nguy nga và có cây cối sầm uất. Nơi ấy cấm giết súc vật, cấm trồng trọt, cấm dân làm nhà ở đàng trước đàng sau.
Trong đền thờ bằng long ngai, bài vị và áo mũ, đai, kiếm. Tuy nhiên trong nhiều năm bài vị thất lạc nên chỉ có ngai không. Mãi đến năm 1988, để chuẩn bị cho cuộc hội thảo Khoa học cấp nhà nước về thân thế và sự nghiệp của ông mới có chương trình đi tìm về. Tuy nhiên cỗ long ngai và bài vị hiện nay hiện đang thờ được đặt gọn trong lòng cỗ long ngai cũ vốn là của khu Đức Lễ xã Sơn Bình xưa thờ ở Rừng Thần, sau khi miếu thờ không còn mới đưa về đặt ở đình Ngõa làng Lai Châu được đem về thờ phụng từ đó đến nay. Thành ra trên điện có hai cỗ long ngai lồng vào nhau và chỉ có một bài vị.
Trong năm, tại đền tế lễ vào ngày sinh là ngày 01 tháng 02 và ngày hiển thánh là 04 tháng 10. Trong hội thảo khoa học năm1988 xác định ngày mất là 26 tháng 02, từ đó nhân dân thôn Đa Cai mới có cúng tế theo ngày đó. Còn ngày 04 tháng 10 là ngày tiệc mùa. Riêng tiệc ngày sinh là ngày “Quốc tế”. Ngày ấy, các quan đầu tỉnh đại diện triều đình về làm lễ tế.
Trong năm có một ngày có lễ rước, đó là ngày 15 tháng 04, rước bài vị từ đền về đình hội sở (đình Bác cổ) để lập “đàn nội” trong ngày tế Kì an. (theo trong Hư. 3423, tư liệu viện TT KH-XH Hà Nội). Từ năm 1946, lễ rước này không còn nữa nguyên do vì tiêu thổ kháng chiến chống Pháp.
                                      L K T
* Tài liệu tham khảo:
1. Khâm định Việt sử thông giám cương mục.
Quốc sử quán triều Nguyễn.
2. Đại nam nhất tống chí.  Tỉnh Sơn Tây.
Quốc sử quán triều Nguyễn.
3. Đại Việt thông sử. Lê Quý Đôn.
4. Sơn Tây tỉnh chí.
5. Hoàng Việt xuân thu sách viết từ thế kỉ 16.
6. Nam phong tạp chí năm 1924.
7 AJ. 1/8 kho Xã chí Viện nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội.
8. Kho TT-TS Viện TT KH-XH Hà Nội.
9. Hương ước làng Quan Tử, tổng Đông Mật huyện Lập Thạch. Tư liệu viên TT KH-XH Hà Nội.
10. Hồ sơ xếp hạng di tích của nhà Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phú.
11. Tư liệu điền dã địa phương.
 * Địa chỉ: Thôn Quan Tử, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch. Vĩnh Phúc.
ĐT:  02113828069’
DĐ: 0984550547.
Email: thuyenlk@gmail.com