CHÙA TÂY THIÊN Còn gọi là Tây Thiên Thiền Tự 西天禪寺 là
ngôi chùa Thiền 禪 thờ
tự theo chính phái Đại Thừa, có cấu trúc theo kiểu thức của chùa làng Việt Nam .
Theo
con số thống kê năm 1938 của làng Sơn Đình huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Yên thì
trong chùa thờ 10 pho tượng cổ bằng gỗ sơn son. (xem AJ. 1/11 Viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội-xã Sơn Đình) và 5 văn bản chữ Hán thuộc các loại hình sau đây:
Về
bia kí có 3 bia:
1. Tam Đảo Sơn Tây Thiên thiền tự 三島山西天禪寺, lập
năm Chính Hòa 25 nhà Lê
(1704). Thác bản Viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội No. 14742 – 43.
2.Tam Đảo Sơn Tây Thiên tự trùng tu lập thạch bi kí. 三島山西天寺重修立石碑記, lập năm Long Đức thứ 2 nhà Lê (1733). Thác bản No.
14761 – 62.
3. Trong chùa cón có tấm bia về Thánh
Mẫu núi Tam Đảo
Tây Thiên tự Thánh Mẫu miếu bi kí 西天寺聖母廟碑記, lập năm Duy Tân Quý sửu (1913) nhà Nguyễn.
Thác bản No.14744 – 45.
Còn có 2 văn bản về đồ tự khí là:
1. Tây thiên tự chung 西天寺鍾 là bài minh ghi trên chuông cùa Tây
Thiên. Thác bản No. 14746.
2. Tây thiên tự khánh 西天寺磬 là bài minh ghi trên chiếc khành có
trong chùa. Thác bản No. 14748 – 49.
Tiếc rằng hiện nay trên chùa chỉ còn
lại hai bia là các bia Long Đức
và bia của năm
Duy Tân. Còn thì đều
đã thất lạc cả.
Theo
các thư tịch cổ về niên đại xây dựng , các tài liệu địa chí đều khẳng định không
rõ dựng từ đời nào. Khoảng các đời Chính Hoà (1680-1705), Bảo Thái (1720-1729)
nhà Lê, nhiều lần có tu sửa, dựng bia nay hãy còn. Không thấy sách Đại Việt Sử
Kí Toàn thư chép gì về ngôi chùa này. Mãi tới đời vua Tự Đức triều Nguyễn ở thế
kỉ 19 mới thấy sách “Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục” ghi vào năm Đinh
mùi dưới triều vua Lê Dụ tông năm Bảo Thái thứ 08 ( 1727)vắn tắt như thế này: Khi tuổi đã về già, Trịnh Cương đi tuần du
không có tiết độ. Nhiều lần sai bọn hoạn quan chia nhau đi sửa dựng các chuà ở núi Độc Tôn và Tây Thiên để
phòng bị khi đi du ngoạn.
Như
vậy là ngôi chùa được xây dựng từ rất lâu năm về trước, đến năm này thì được
triều đình cho tu sửa lại. Tuy nhiên đã có những lần tu sửa chùa Tây Thiên từ
trước đó, vào năm Chính Hoà thứ 24
đời vua Lê Hi tông đã có đợt tu sửa. Sau đó đến năm Long Đức thứ 02 đời vua Lê
Đế Duy Phường là năm Kỉ sưủ (1733), lại có tu sửa. Theo nôi dung bia
lập năm Long Đức ,Sư Tăng trụ trì lúc đó là ông Thị Nội giám Nghiêm Thọ bá
Nguyễn Viết Ninh, người xã Đông Lâu, huyện Yên Phong, phủ Từ Sơn, đạo Kinh Bắc
nước Đại Việt ta xuất gia tu Phật, đổi tên là Tì khưu Huệ Minh, tên chữ là Như
Hiền thấy cảnh chùa tan hoang đã không đành tâm, mới phát lời công đức , chiêu
tập các Tăng đến cùng tu phúc. Lấy búa đập đá núi xây thành thiên cung vách
vàng, huy hoàng trở thành bảo điện. Về quy mô và thế địa chùa, đàng sau điện là
một vùng non nước rộng sâu kết thành hoa sen chín tòa. Phía trước có hai gò
chiêng trống, các gò họp thành gác phượng. Bên ngoài có cửa Tam quan cho mọi người
đi lại vào ra. Bên trong thì trên điện
trang nghiêm, như chim tư cách, như thuý đang bay, thật rực rỡ thay chẳng khác
đài xưa y hệt. Thật là ơn đức dồi dào, hiển nhiên như mới. Ai lên đến nơi,
không thể không lưu luyến, thấy cảnh vật bây giờ rất mới, vậy mà cảnh vật rỡ
ràng như xưa, chẳng khác nào vạn cổ đến nay, đất trời dựng lại, đất trời trường
tồn mãi mãi. Công đức ấy ví bằng núi cao, bền chặt, không thay đổi. Quả phúc
nhiều khác tựa nước sông, trăm đời không dịch chuyển, vạn đời còn trông thấy.
Bài
kí văn bia lần tu sửa năm này (Long Đức thứ 2 =1733) viết phần mở đầu có đoạn mô
tả về cảnh trí Tây Thiên:
蓋聞
天地覆載之間惟佛道為最大人世護持之力必陰務而有興粵觀古跡名藍莫若西天勝境禪月停停千里照依然兜率乾坤心花灼灼四時開恍爾蓬來日月收拾一壺世界渾無半點塵埃景清幽物亦清幽坦坦途通羽客趣玄妙道同玄妙凌凌跡絕凡間視瓊林仙跡則西天其第一松林也寔乃鍾靈標異國壽民祈之所焉豈可區區拳石視之哉扁曰三島山西天寺正所以表南天勝景古跡名藍也
.
Cái
văn,
Thiên
địa phúc tải chi gian, duy Phật đạo vi tối đại. Thế tượng hộ trì chi lực, tất
âm vụ nhi hữu hưng. Việt quan cổ tích danh lam, mạc nhược Tây Thiên thắng cảnh:
Thiền
nguyệt đình đình thiên lí chiếu, y nhiên đâu suất càn khôn; Tâm hoa chước chước
tứ thời khai, hoảng nhĩ bồng lai nhật nguyệt. Thu thập nhất hồ thế giới, hồn vô
bán điểm trần ai; Cảnh thanh u, vật diệc thanh u, thản thản đồ thông vũ khách.
Thú huyền diệu đạo đồng huyền diệu, lăng lăng tích tuyệt phàm gian, thị quỳnh
lâm Tiên tích, tắc Tây Thiên đệ nhất tùng lâm dã. Thực nãi chung linh tiêu dị,
quốc thọ dân kì chi sở yên. Khởi khả dĩ khu khu quyển thạch thị chi tai. Biên
viết : Tam Đảo sơn Tây Thiên thiền tự. Chính sở dĩ biểu Nam Thiên thắng cảnh cổ tích danh
lam dã.
Nghĩa
là:
Từng nghe,
Đem lại phúc ở trong cõi giời đất chỉ có
đạo Phật là lớn lao hơn cả. Sức mạnh giúp đỡ cho đời, chỉ có việc âm là có
công. Trải xem cổ tích danh lam tất phải kể đến Tây Thiên thắng cảnh:
Trăng Thiền dừng dừng nghìn dăm chiếu,
như xưa vây bọc đất trời; Lòng sao rộn rã bốn mùa vui, chẳng thể khác cảnh Tiên
ngày tháng.Thu vào một bầu thế giới, hồn không gợn bụi trần ai: Cảnh thanh u,
vật cũng thanh u, rộng rãi thẳng thông đường đạo sĩ. Thú sâu kín đạo cùng sâu
kín, nào xem nền cũ còn đâu, nhìn khắp lượt dấu Tiên, quả trong chốn tùng lâm,
Tây Thiên đứng hàng bậc nhất. Thật rõ thiêng liêng khác lạ, nước thọ dân cầu sở
chính là đây, đâu phải nhỏ nhoi như nắm tay ném đá. Nên mới đặt là Chùa Thiền Tây Thiên núi Tam Đảo , một
cổ tích danh lam dưới trời Nam
vậy!
Công việc tu sửa chùa hoàn thành mới soạn bài
minh để truyền lại về sau. Bài “minh” có câu:
粵 從 開 闢
二 氣 流 行
相 望 巍 業
一 帶 青 青
名 山 三 島
永 鎮 鳳 城
即 心 即 佛
是 色 是 形
Việt
tòng khai tịch,
Nhị
khí lưu hành,
Tương vọng nguy nghiệp
Nhất đái thanh thanh
Danh sơn Tam Đảo
Vĩnh trấn phượng thành
Tức “Tâm”, tức “Phật”
Thị sắc, thị hình.
Nghĩa
là:
Trời cao mở vận
Hai khí lưu hành
Đối nhau nên nghiệp
Một giải xanh xanh
Núi đẹp Tam Đảo
Lầu phượng mãi thành
Là “Tâm”, là “ Phật”
Rõ có nên hình.
Chuà được xây dựng cùng khuôn viên đền Mẫu Tây
Thiên ở độ cao 530m trên núi Thạch Bàn có quy mô như vậy, nhưng rồi chỉ hơn 200
năm sau đã đổ nát. Lời khai về ngôi chùa Tây Thiên năm 1938 của dân thôn Sơn
Đình cho hay: Thôn Sơn Đình có một ngôi
đền Tây Thiên và chùa Tây Thiên là nơi linh từ và danh lam thắng cảnh nhất hạt
Tam Dương.
Đền ( và chùa) này làm ở trên dãy núi Tam
Đảo, từ thôn Sơn Đình vào tới đền chùa phải trèo qua năm quả núi xa độ 6 cây số
mới tới….
Vì lâu đời như thế, nên nhiều chỗ đổ nát,
mà dân thôn Sơn Đình nghèo và ít người không thể chữa được. Nên năm Bảo Đại thứ
12 (1937) có viên chánh tổng tổng Thượng Đạt là Hà Trọng Tuy, người làng Liễn Sơn
huyện Lập Thạch xin với dân để tập phúc chữa lại, chữa theo kiểu mới, làm đền
và chùa liền nhau (chung một đốc mái). Một bên đền, một bên chùa. Chùa cũ 01
gian.
Trong
số văn bản cổ , có đôi câu đối viết về Phật:
東 土 青 年 開 智 慧
西 天 紅 日 照 光 明
Đông Thổ thanh niên khai trí tuệ
Tây Thiên hồng nhật chiếu quang minh.
Nghĩa
là:
Cõi xuân Đông Thổ mở trí tuệ
Mặt
trời Tây Thiên chiếu sáng soi.
Chữ “Đông Thổ” là chỉ về
đất đai đời Đường Trung Quốc nơi xuất xứ vua Đường cử đoàn sứ giả sang Tây
Thiên đất Phật lấy Kinh trong truyện Tây Du Kí.
Viết về nhân thế có câu:
山 名 也 歷 代 帝 王 瞻 大 佛
水 靈 馬 萬 民 族 性 仰 洪 恩
Phiên âm.
Sơn danh dã lịch đại đế vương chiêm đại Phật.
Thủy linh mã vạn dân tộc tĩnh ngưỡng hồng ân.
Nghĩa:
Núi nổi danh, đời các đế vương đều về thăm Phật.
Suối thiêng đó, vạn họ trong dân tộc hưởng ơn to.
Ở vế đối có cụm từ
“Thủy linh mã”, nghĩa là dòng nước thiêng có từ móng ngựa cào, có xuất xứ từ chữ
“mã pháo tuyền”, được bảng nhãn Lê Quý Đôn ở thế kỉ 18 giải thích như sau: “Ở
phía tây bắc chân thành Ninh Minh tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) có “Mã pháo tuyền”
(Suối ngựa cào), còn gọi là “Thái tử tỉnh” (Giếng Thái tử). Ở đây nước trong và
ngọt, đựng vào bình để hàng tuần không biến vị, uống nước ấy có thể làm tiêu hết
chứng độc. Các sứ giả (nước ta .LKT.) đi cống sau khi qua cửa quan (Tức Mục Nam
quan. LKT.) đến Minh Giang, lên thuyền, phải chứa ngay nước suối ấy đủ dùng cho
đến Lạng Sơn, không dám uống nước sông Bằng Tường. Tương truyền rằng Trấn Nam
vương (Thoát Hoan, thái tử nhà Nguyên.
LKT.) đi đánh Chiêm Thành quân sĩ uống nước Minh Giang đều bị bệnh. Sau cầu thần
thì thấy ngựa lấy chân cào đất, nước suối vọt ra, cho nên gọi là “Mã pháo tuyền”
(nghĩa là ngựa lấy móng chân cào đất, có
nước ở dưới đất chảy ra như suối. LKT.).
Ở khu vực Tây
Thiên núi Tam Đảo có suối Bát Nhã, tức là “Bát Nhã tuyền” 般 若泉 , (Chữ Bát nhã là dịch từ âm tiếng Ấn Độ là
Prajna trong ngôn ngữ Xăng-xcơ-ri nghĩa là “trí tuệ”) tức dân gian gọi là
“Suối Giải Oan”. Đó là những sự tích ẩn
ý trong vế đối kể trên vì theo quan niêm chỉ có đức Phật mới có trí tuệ này, mà
Tây Thiên núi Tam Đảo là nơi đất Phật.
Quả đáng là:
一
日 懇 求 十 方 佛
年
年 心 念 九 重 天
Nhất nhật khẩn cầu thập phương Phật
Niên niên tâm niệm cửu trùng thiên.
Nghiã
là:
Hàng ngày khẩn cầu mười phương Phật
Hàng năm tâm niệm chín tầng giời.
Cùng
trong khuôn viên chùa là khu tháp mộ của ba vị Thiền sư từng trụ trì đã viên
tịch ở nơi đây. Có danh hiệu là:
罔 山 禪
師 Võng Sơn Thiền sư.
菊 溪 禪 師 Cúc Khê Thiền sư.
覺 靈 我 Giác Linh Ngã.
Xưa
kia là mộ đất. Từ năm 1993, Sở VH-TT&TT tỉnh Vĩnh Phúc, sau khi đã xây dựng
xong Chùa Tây Thiên mới, tách khỏi khuôn viên “Đền chùa liền nhau” đã xây dựng
khu bảo tháp mới liền chùa Tây Thiên, và di các di cốt của 03 vị Thiền sư nhập
vào bảo tháp với nghi lễ trang trọng.
Mộ tháp ba vị Thiền sư. |
Từ
đây, mong sao được yên tĩnh để khách thập phương lên du lãm Tây Thiên đến với
Phật, nơi cội nguồn và phát tích của Phật giáo dòng Thiền Việt Nam được tịnh
tâm thả hồn tưởng về “trời Tây”, và đắm mình vào cảnh trí thiên nhiên Tây Thiên
kì thú.
Nơi
mà:
地 控 三 邊 橫
一 帶
山 連 七 縣 鬱
千 盤
Địa
khống tam biên hoành nhất đái
Sơn
liên thất huyện uất thiên bàn.
(Dưới
lũng ba bề non một dải
Liền trong
bẩy huyện ngổn ngang trông)
Cùng đồng thời:
九 曲 回 溪 山
百 轉
獨 高 峰 半 是
西 天
Cửu khúc hồi khê sơn bách chuyển
Độc
cao phong bán thị Tây thiên.
(Chín
suối chầu về trăm núi lượn
Chừng cao nửa
ngon ấy Tây Thiên)
Đó là cảm nhận của thi sĩ Cao Bá Quát
từ thế kỉ 19 khi ông từng trèo đèo , vượt suối đến với Tây Thiên, đến với Phật
tự.
Sơn Đông tháng 5 năm 2013.
LKT
Địa chỉ:
Thôn Quan Tử xã Sơn
Đông huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Phúc.
ĐT. 02113828069.
D Đ. 0984550547.
Email: thuyenlk@gmail.com