Thứ Hai, 28 tháng 7, 2014

MIẾU HIỆU THỜ 18 THỜI ĐẠI HÙNG VƯƠNG

MIẾU HIỆU THỜ 18 THỜI ĐẠI HÙNG VƯƠNG

Lê Kim Thuyên

Viết về lịch sử nước Nam ta, đầu tiên là bộ “Đại Viêt sử ký toàn thư” của sử thần Ngô Sĩ Liên ở thế kỉ 15 chép: “HÙNG VƯƠNG, Con của Lạc Long Quân (không rõ tên húy), đóng đô ở Phong Châu (nay là huyện Bạch Hạc).
Hùng Vương lên ngôi, đặt quốc hiệu là Văn Lang…chia nước làm 15 bộ… đều là đất thần thuộc của Hùng Vương; Còn bộ gọi là Văn Lang là nơi vua đóng đô….Vua các đời đều gọi là Hùng Vương…”.
(Xem bản dịch tập 1. NXB KHXH Hà Nôi 1998. Trang 133)
Đó là lịch sử thời sơ sử lần đầu tiên của nước nhà được chép vào chính sử.
Còn ở các di tích thờ cúng về Hung Vương trên cả nước. đến nay còn lưu giữ được số bản ngọc phả về các vua Hùng.Trong số đó có bản chính của ngôi đền Thượng thôn Cổ Tích xã Hy Cương huyện Lâm Thao tỉnh Phú Tho. Văn bản được biên soạn vào ngày tốt lành tháng 3 mùa xuân niên hiệu Hòng Đức năm thứ nhất (1470). Theo đây thì Hùng Vương có 18 thế hệ  (thường gọi là 18 đời) khởi đầu từ Kinh Dương Vương, kết thúc ở Hùng Tuyền Vương. (Bản AE 9a/31. Viện nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội}.
Tuy nhiên từ trước đó, trong các sách chép về các vương triều, lại có sách “Việt Nam thế chí” gồm 2 quyển của tác giả Hồ Tông Thốc ở đời Trần, được  tác giả Lê Quý Đôn và thiên “Văn tịch chí” của tác giả Phan Huy Chú nhắc đến:
“Quyển nhất chép thế phả 18 đời họ Hồng Bàng; quyển nhị chép thế phả họ Triệu, (Triệu Đà. LKT.) sự tích có vẻ rõ ràng nhưng lời văn phần nhiều kỳ dị, cũng có thể bổ khuyết cho sự trước”. Bài tựa của sách ấy do chính tác giả viết, được họ Phan chép lại như sau:
Sách chép về thế phả vốn có từ lâu, cốt xét các đời đã qua, để rõ nguồn gốc lưu truyền, kê cứu những điều truyền văn, để rõ những tiêu chuẩn xưa nay. Hiềm vì chuyện tin, chuyện nghi lẫn nhau, có điều chưa hợp hẳn với lòng người. Nhưng việc đời biến đổi khác nhau thì làm sao lại khỏi những điều quái gở. Nghìn năm về sau khó lòng biết được đầy đủ, mà tìm trong sách vở cũng không thể tra cứu vào đâu. Bởi vậy, ghi chép về nguồn gốc thực là nhọc lòng lắm. Có người hỏi tôi rằng: Bỏ cái lạ giữ cái thường là đạo của thánh hiền, tại sao ông lại câu nệ theo cũ, không nêu rõ lời mới để đổi hẳn thói mê hoặc của đời?”. Tôi đáp rằng: Thời Thái cổ còn hỗn mang, chưa phân biệt trời đất, ngay Trung Quốc cũng còn nhiều thuyết hoang đường, như những chuyện vá trời, húc núi, lấy chân ngao làm cột trời và mườ imặt  trời cùng mọc… Đời sau cứ theo như sách mà bàn luận, không kê cứu vào đâu được, đúng hay không đúng, vẫn còn ghi chép trong sử sách. Huống chi đất Việt ta ở vào cõi sa, sự hiểu biết cũng khác, từ thời Hồng Bàng thời gian xa cách, trong lúc mới mở mang, sách vở chưa đủ, lễ nhạc chưa làm, nếu cho là có thực thì bởi đâu mà biết? Nếu cho là không có, thì do đâu mà xét ra? Cho nên những chuyện cóp nhặt được đều do lượm lặt ở tiếng vang chuyện đồn, trích lấy đầu đuôi để cho biết rõ về phả ký tưng đời mà thôi, còn những sự tích kỳ quái, lờ mờ khó xét tạm giữ đó để chờ các bậc quân tử sau này, dám đâu xuyên tạc ra lời quái dị để mê hoặc người đời. Độc giả nên lưu tâm nhận kỹ, cố sức suy nghiệm thì ngọc và đá đều sẽ rõ ràng những hình tiếng bóng vang của những chuyện quái đản không đợi phá cũng vỡ.
“Vả lại, nước Nam ta ở vào dải đất nóng nực, trong cõi mênh mông, vua sáng suốt đời nào cũng có. Dẫu rằng núi sông rộng lớn, chia biệt mỗi lúc một khác, nhưng từ xưa đến nay, chỉ căn cứ vào tục truyền và dấu vết hỏi về dĩ vãng thì nhờ các cụ già kể chuyện, xét nghiệm ở tương lai thì có những đền miếu thờ cúng”.
“Tôi quên mình hẹp hòi quê hủ, chép sơ lược những chuyện ngụ ngôn, những điều truyền thuyết, muốn đợi các vị cao minh học rộng tiến bộ sau này, nhận rõ xét kỹ mới có thể biết được trước sau mà không tự nhầm lẫn. Nếu có ai sửa lại cho tập sách này được đúng, cho lời chép được hay, đẽo gọt kỹ càng, rồi đem in ra để mọi người thấy rõ sự việc xưa nay bà hiểu thấu dễ huyền vi, thì đó cũng là một sử ký trong truyện ký chăng! Vậy làm tựa”.
“Việt Nam thế chí” là loại sách xếp vào loại truyện ký, cũng là loại sách sử. Và từ bài tựa chép trên đây có hai lượng thông tin rất đáng chú ý:
1- Phả hệ 18 thời đại Hùng Vương.
2- Tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng ở cuối thế kỷ XIV với số lượng điểm thờ tự và điển lệ thờ cúng
Tuy nhiên, sách đã mất, nên cũng không thể biết gì hơn.
Hiện nay, ở nhiều nơi còn lưu giữ được nhiều văn bản chép thế chí 18 thời đại Hùng Vương, mang nhan sách là “ Việt Nam sử ký” trong ngọc phả của một số làng xã thờ cúng các vua Hùng với nhan sách tổng tập đề là “Việt Nam Hùng Vương ngọc phả vĩnh truyền miêu duệ tôn điệt ức vạn niên hương hỏa tự điển truy tư sùng bái” 南越雄王玉譜永傳苗裔孫侄億萬年香火祀典追思崇拜. Có niên đại xuất xứ còn sớm hơn cả bản  của Hồ Tông Thốc, với dòng lạc khoản : Thiên Phúc nguyên niên, chính nguyệt, nhị thập ngũ nhật 天福 元年正月二十五日(ngày 25 tháng giêng niên hiệu Thiên Phúc năm thứ nhất), của ghi chép thuộc về đời Lê Đại Hành ( năm 980).  Đây hẳn  là chép về các sự tích, miếu hiệu để thờ cúng nơi miếu điện. Đáng tin cậy là các bản:
- Văn bản là phần đầu tập thần tích xã Hà Lộc [đình thôn Vân Thê, tục danh đình Thia], huyện Sơn Vi, phủ Lâm Thao tỉnh Phú Thọ. Nay thuộc về thị xã Phú Thọ.
 Văn bản này được trường Viễn Đông Bắc cổ Pháp kiểm kê ngày 14/10/1943 và sao chép lại, nay tàng trong kho thần tích VNCHN Hà Nội [  Kho AE.9a/27]
- Văn bản tàng ở Hùng Vương miếu thôn Vân Luông xã Vân Phú thành phố Việt Trì, là một bản chép tay trên giấy bản khổ rộng, có niên đại soạn thảo ở phần cuối là “ Thiên Phúc nguyên niên, chính nguyệt, nhị thập ngũ nhật” “thuộc Lê Đại Hành thư kí”.  天福元年 年正月二十五日        屬黎大行書記 nghĩa là: Ngày 25 tháng giêng niên hiệu Thiên Phúc năm thứ nhất [980]. Sách chép vào đời Lê Đại Hành [980-1009] Hai văn bản kể trên có thể cùng một xuất xứ, vì hoàn toàn giống nhau về bố cục toàn tập.
- Văn bản thứ ba là phần mục: Hùng Vương thánh tổ Nam thiên đại bảo tiền Hoàng Đế cung miếu điện chép trong tập thần tích xã Vi Cương [AE.9a/15]. Là phần ghi về miếu hiệu thờ cúng các vua Hùng của làng Vi ở đền Hạ.
- Văn bản thứ 4 là thần tích của đình thôn Phú Nông làng Hoàng Xá Hạ xã Kim Xá huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Có cách ghi chép nội dung gần đúng như bản của xã Hà Lộc.
Các sách đều thống nhất chép về thời Hùng Vương đều có 18 đời (Thập bát thế  十八世). Có thứ tự sắp xếp 8 đời đầu theo trình tự của “bát quái”: Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Li, Khôn, Đoái. Cùng với 10 số nữa theo  thứ tự của “Thập can” là : Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỉ, Canh, Tân, Nhâm, Quý. Cộng là 18 “đời”.
So sánh giữa 4 văn bản này với nhau thì tuy có bố cục giống nhau, nhưng về danh xưng có một số đời còn chép không đồng nhất cũng như thứ tự trên dưới không giống nhau, nhưng về danh tính 18 dời thì đầy đủ. Tôi nghĩ rằng đây là lỗi của người chép về sau.
Nay đem theo thứ tự của bản xã Hà Lộc làm dẫn liệu những nét chính của tư liệu địa phương để viết bài này, như sau:        
Chi “càn” Kinh Dương Vương . 涇陽王
Tên húy là Lộc Tục, ở ngôi 250 năm [ chi này] dài lâu tới 271 năm. Khởi từ năm Nhâm Ngọ [2879]. Sinh ngày mồng 4 tháng giêng, cuối cùng trở về biển ở hồ Động Đình .
Lấy con gái của Đế quân, sinh con trưởng là Sùng Lãm, phong làm Lạc Long Quân, là vua hiền vào năm Bính Thìn, giữ quyền cai trị ở Phương Nam.
Dương Vương có 6 cung phi, sinh ra 14 người con giai là Hoàng Tử, sinh ra 12 người con gái là công chúa, con cháu đời sau trong họ có 36 chi, sinh cháu chắt 592 người. Vương xếp đặt sửa sang công việc, trên dưới chư hầu đều phục, khiến cho trăm bộ lạc người Man, các nước nhỏ bốn bên đều lấy lễ đối đãi. Các phương tám cõi cùng hưởng phúc đời thái bình.
Miếu hiệu: Hùng Vương Cao Hoàng Thái Tổ Đức Tông Hoàng Đế. 雄王高皇太祖德宗皇帝
[chữ đẹp truy phong sau khi đã mất]: Hùng Vương Thánh Tổ Nam Thiên Đại Bảo Đức Tông Hoàng Đế. 雄王聖祖南天大寶德宗皇帝
Chi “khảm”Hùng Hiền Vương. 雄賢王.
Tên húy là Sùng Lãm, ở ngôi 296 năm, dài lâu tới 506 năm. Tuổi Bính Thìn, sinh ngày mồng 5 tháng 5, mất ngày mồng 9 tháng giêng. Lúc sống, khi mất đều về với bể, làm đế vương Long Quân ở hồ Động Đình. Hiền Vương lấy con gái thứ của Đế Lai là Âu cơ Âu Lạc Nương ở tại núi Nghĩa Lĩnh, sinh ra một bọc trăm trứng từ đó có 100 con trai, làm thủy tổ của Bách Việt nước Văn Lang, cũng là buổi mở đầu của nền thánh, dựng lên cơ đồ rộng lớn.
Vương có 9 cung phi, sinh ra một trăm mười tám con giai làm Hoàng tử(12), 19 con gái là công chúa. Con cháu đời sau trong dòng họ có 137 chi, sinh cháu chắt 3599 người. Vương sửa sang xếp đặt công việc trong nước đều có lề lối, quy mô. Giời ban cho của quý, Thần giúp đỡ tài năng, việc nước xưa nay chưa từng có như thế.
Rồi 100 con của Vương xếp đặt trong nước làm 100 khu, mỗi người giữ một nơi, đổi làm 100 họ.
Miếu hiệu: Hùng Hiền Vương Cao Hoàng Thái Tổ Quốc Tông Quang Hưng Hoàng Đế.  雄賢王高皇太祖國宗光興皇帝
[Mỹ tự truy phong]  Hùng Vương Đại Bảo Tiền Hoàng Đế Khai Quốc Hồng Đồ Nam Thiên Thượng Thánh Tiền Đại Đế Vương Thánh Vương  雄王大寶前皇帝開國洪圖南天上聖前代帝王聖.
Chi “cấn”: Hùng Quốc Vương. 雄國王.
Tên húy là Lân Lang, ở ngôi 217 năm, chi này dài lâu tới 767 năm. Vương tuổi Canh Ngọ, sinh vào giờ Ngọ ngày mồng 5 tháng 5 cùng với 100 vương, đều là tuổi Canh Ngọ. Về sau, 100 vương cùng hóa vào giờ Thìn  ngày 12 tháng 3 khi các vương cùng ở cả trong điện.
50 vương thuận theo cha, 50 vương thuận theo mẹ. Quốc Vương đưng đầu 100 vương, trao cho 18 Vương coi sóc công việc trong nước.
Vương có 12 cung phi, sinh được 33 con giai là Hoàng tử, 18 con gái là công chúa. Nghi Vương là con trưởng giữ cơ nghiệp nhà Hùng. Vương có 15 chi, sinh được 900 người cháu chắt. Vào giờ Ngọ ngày mồng 5 tháng 5, giữa khoảng ban ngày ban mặt mà bay lên trời, hóa sinh không bao giờ mất. Từ trên đỉnh núi, ngồi trong tòa mây năm sắc vút lên không trung, hóa thành thần, muôn đời thờ cúng.
Miếu hiệu: Hùng Vương Thượng Thánh Tông Nguyên Triều Hoàng Đế.  雄王上聖宗元朝皇帝
[Mỹ tự truy phong]: Thánh Tổ Hùng Vương Nam Thiên Thượng Thánh Tiền Hoàng Đế Khai Quốc Hồng Đồ Đột Ngột Cao Sơn Cổ Việt Hùng Thị Nhất Thập Bát Thế Thánh Vương. 聖祖雄王南天上聖前皇帝開國洪圖突屼高山古粵雄氏一十八世聖王
Chi “chấn”: Hùng Hy Vương. 雄曦王.
(Bản ngọc phả xã Hy Cương AE a9/31 chép là Việp Vương 曄王)
Tên húy là Bảo Lang, ở ngôi 300 năm, chi này dài lâu tới 546 năm, sinh giờ Mão, ngày mồng 6 tháng giêng năm Tân Mùi. Hóa thân giờ Ngọ ngày 5 tháng 5 thành Kim Tiên coi 3000 tiên vương trong cửa Ngọc, sinh ra Hy Vương là con giai trưởng cho nối ngôi, cùng với 8 Vương xếp đặt công việc.
Vương có 40 cung phi, sinh được 49 con giai là hoàng tử, sinh 24 con gái là công chúa, có 69 chi con cháu đời sau, tất cả có 1591 người cháu chắt.
Thời Vương ở ngôi, dân chúng trăm họ không chịu phú tô, không có chinh chiến, vương coi trọng công việc, cấy lúa trồng dâu, cốt làm cho trong nước thật sự giàu có, khắp bốn bể đều mạnh hùng.
Miếu hiệu: Hùng Hy Vương Thần Tông Ân Trạch Hoàng Đế.  雄曦王神宗恩澤皇帝
[Mỹ tự truy phong]: Hùng Vương Viễn Sơn Thánh Vương Ân Trạch Phổ Huệ Thánh Vương.  雄王遠山聖王恩澤普惠聖王
Chi “tốn”: Hùng Hi Vương. 雄曦王.
Tên húy là Viên Lang, ở ngôi 200 năm, chi này dài lâu 599 năm, sinh ngày 15 tháng 2 năm Đinh Mão, mất ngày 20 tháng 5. Sinh Hoa Vương là con trưởng, truyền cho 5 Vương nối ngôi xếp đặt công việc trong nước.
Vương có 36 cung phi, sinh 52 con giai là Hoàng tử, 9 con gái là công chúa, con cháu đời sau có 61 chi, sinh ra cháu chắt 1600 người. Thời Vương coi xếp việc nước là thời thái bình. Dân không biết nói dối, không biết làm loạn, khắp nơi yên ổn giàu có.
Miếu hiệu: Hùng Vương Cao Tông Trợ Thắng Hoàng Đế.  雄王高宗助勝皇帝
[Mỹ tự truy phong]: Hùng Vương Ất Sơn Thánh Vương Trợ Thắng Hoàng Đế.  雄 王乙山聖王助勝皇帝
Chi “ly”: Hùng Việp Vương  雄曄王
(Bản AE a9/31 chép là Hy Vương 曦王)
Tên  húy là Pháp Hải Lang, ở ngôi  81 năm, chi này dài lâu tới 580 năm. Sinh ngày 18 tháng 5 năm Mậu Tý. Mất ngày mồng bảy tháng giêng, sinh ra Huy Vương là con giai trưởng.
Việp Vương có 48 cung phi. Sinh được 33 con giai là Hoàng Tử, 19 nữ là công chúa, con cháu đời sau có 52 chi, cháu chắt có 699 người. Thời Vương giữ nước, mọi công việc đều theo như pháp độ thời trước. Do Vương nghe theo kẻ sàm thần, mải lo việc yết trời đất, khiến giặc Ân ở phương Bắc sang xâm.
          Miếu hiệu: Hùng Việp Vương Bảo Tông Minh Vương Hoàng Đế.  雄曄王寶宗明王皇帝
          [Mỹ tự truy phong]: Hùng Vương Bách Việt Thần Linh Nam Thiên Đại Bảo Nhân Viên Minh Vương Thánh Vương.  雄王百粵神靈南天大寶仁圓明王聖王
Chi “khôn”: Hùng Huy Vương  雄暉王
          Tên huý là Long Tiên Lang, ở ngôi 200 năm dài lâu 629 năm. Sinh ngày 10 tháng 10 năm Tân Dậu, mất ngày 15 tháng 7 Vương mất ngay ở trong điện, thành Tiên bất diệt.
          Vương lấy nàng Ngọc Tiêu ở núi Tam Đảo làm chính hoàng phi. Sinh con trai là Ninh Vương nối ngôi giữ nước, truyền được 5 đời Vương cùng lo việc nước.
          Huy Vương truyền cho 7 Vương nối ngôi. Vương có 16 cung phi, sinh ra 13 con giai là Hoàng Tử, 36 con gái là công chúa. Con cháu đời sau có 59 chi, sinh cháu chắt là 710 người.
          Thời Vương giữ nước là thời thái bình, chư hầu cảm phục, nhân dân không có kẻ gian dối.
          Miếu hiệu: Hùng Huy Vương Thái Tông Nhân Minh Hoàng Đế.  雄暉王太宗仁明皇帝
          [Mỹ tự truy phong]: Hùng Vương Hiển Đức Nhân Minh Quang Thiên Phổ Hoá Thánh Vương.  雄王顯德仁明光天普化聖王
                   Chi “đoái”: Hùng Ninh Vương  雄寧王
          Tên huý là Bính Vân Lang, ở ngôi 100 năm, dài lâu tới 642 năm. Sinh ngày 15 tháng 7 năm Nhâm Thìn. Mất ngày 11 tháng 10. Sinh con trưởng là Chiên Vương nối ngôi giữ nước, truyền được 5 đời Vương.
          Minh Vương có 29 cung phi, sinh được 31 con giai là hoàng tử, 16 con gái là công chúa. Dòng giống nhà Vương có 47 chi, sinh ra cháu chắt 570 người. Vương giữ nước được thái bình.
          Miếu hiệu: Hùng Vĩ Vương [ tức Ninh Vương - LKT] Hiển Tông Duệ Trí Hoàng Đế.  雄偉王顯宗睿智皇帝
          [Mỹ tự truy phong]: Hùng Vương Thánh Văn Thần Vũ Duệ Trí Chí Đức Thánh Vương.  雄王聖文神武睿智至德聖王
Chi “giáp”: Hùng Chiêu Vương  雄昭王
          Tên huý là Quốc Tiên Lang, ở ngôi 80 năm, dài lâu 602 năm. Sinh ngày 22 tháng 8 năm Quý Tỵ. Mất ngày mồng 10 tháng 4. Sinh ra con giai trưởng là Uy Vương cho nối ngôi.
          Vương có 46 cung phi. Sinh được 33 con giai là Hoàng Tử, 9 con gái là công chúa. Dòng giống nhà Vương có 42 chi, sinh cháu chắt 559 người.
          Vương giữ cho thiên hạ được thái bình.
          Miếu hiệu: Hùng Chiêu Vương Minh Tông Thần Tông Hoàng Đế.  雄昭王明宗神皇帝
           [Mỹ tự truy phong]: Hùng Vương Dương Long Hy Lĩnh Thần Công Dũng Lược Thánh Vương.  雄王楊龍曦嶺伸神功勇略王
Chi “ât”: Hùng Uy Vương  雄威王
          Tên huý là Hoằng Hải Lang, ở ngôi 90 năm. Dài lâu đến 511 năm. Sinh ngày 15 tháng 11 năm năm Ngọ[?]. Mất ngày mồng 6 tháng . Sinh ra Trinh Vương là con trưởng cho nối ngôi, truyền cho 3 vương giữ nước.
          Uy vương có 40 cung phi, sinh ra 29 con giai là Hoàng tử, 30 con gái là công chúa. Dòng dõi nhà vương có 59 chi, sinh cháu chắt được 434 người. Xếp đặt công việc nước, việc dân trong bốn bề đều theo như lệ triều trước.
          Miếu hiệu: Hùng Uy Vương Hùng Tông Xuân Vương Hoàng Đế.  雄威王雄宗春王皇帝   
 [Mỹ tự truy phong]: Hùng Vương Hùng Đức Chiêu Nhân Quang Hiếu Xuân Vương Thánh Vương. 雄王雄德昭仁光孝春王聖王
Chi “bính”: Hùng Trinh Vương  雄禎王
          Tên huý là Hưng Đức Lang, ở ngôi 107 năm, dài lâu tới 514 năm. Sinh ngày 23 tháng 8 năm Canh Tuất. Mất ngày mồng 2 tháng giêng. Sinh Vũ Vương là con giai trưởng truyền được 5 đời vương giữ nước.
          Trịnh Vương có 36 cung phi, sinh ra 46 con giai là Nam Hoàng tử, sinh 18 con gái là công chúa.
            Vương giữ nước được yên bình.
          Miếu hiệu: Hùng Trinh Vương Đức Tông Minh Bảo Hoàng Đế.  雄禎王德宗明寶皇帝
          [Mỹ tự truy phong]: Hùng Vương Hiển Liệt, Thánh Trí Chiêu Dung  Minh Bảo Thánh Vương.  雄王顯烈聖智昭融明寶聖王
Chi “đinh”: Hùng Vũ Vương  雄武王
          Huý Hiên Đức Lang, sinh ngày 14 tháng 4 năm Bính Thân. Mất ngày 15 tháng 2. Sinh con giai trưởng là Việt Vương giữ nước. Truyền nhau được 3 đời Vương.
          Vương có 25 cung phi, sinh được 50 con giai là hoàng tử, sinh 6 con gái là công chúa. Dòng giống nhà Vương có 56 chi, sinh ra cháu chắt 305 người.
          Vương giữ nước yên bình, khắp nơi cùng phục.
          Miếu hiệu: Hùng Vũ Vương Thánh Tông Thượng Lãm Hoàng Đế.  雄武王聖宗上覽皇帝
          [Mỹ tự truy phong]: Hùng Vương Hoàng Thượng Đại Lãm Thần Trí Hoàng Đế.  雄王皇上大覽神智聖王
Chi “mậu”: Hùng Việt Vương  雄越王
          Tên huý là Tuấn Lang, ở ngôi 105 năm, lâu dài tới 502 năm. Sinh ngày 10 tháng 10 năm Kỷ Hợi, mất ngày 15 tháng 11. Sinh con trưởng là Định Vương. Truyền được 5 đời Vương giữ nước.
          Vương có 31 cung phi, sinh được 27 con giai là hoàng tử, 30 con gái là công chúa. Dòng dõi nhà Vương có 59 chi, sinh ra cháu chắt 541 người.
          Vương giữ nước được thái hoà, dân không có giặc dã.
          Miếu hiệu: Hùng Việt Vương Huy Tông Quang Phúc Hoàng Đế.  雄越王輝宗光福皇帝
          [Mỹ tự truy phong]: Hùng Vương Thiên Tâm Quang Húc Ngọc Tương Linh Ưng Thánh Vương.  雄王天心光福玉相靈應聖王
Chi “kỷ”: Hùng Định Vương  雄定王
          Tên huý là Chân Nhân Lang, ở ngôi 99 năm, lâu dài 360 năm. Sinh ngày 11 tháng 5 năm Bính Dần. Mất ngày 15 tháng 10. Sinh ra Triêu Vương là con trưởng. Truyền nhau được 3 đời vương giữ nước.
          Vương có 18 cung phi. Sinh ra 18 con giai là Hoàng tử, 22 con gái là công chúa. Dòng dõi nhà vua có 40 chi, sinh cháu chắt 309 người.
          Vương giữ nước được thái bình, bốn phương yên tĩnh.
          Miếu hiệu: Hùng Định Vương Tông Quốc Bảo Hoàng Đế.  雄定王宗國寶皇帝
          [Mỹ tự truy phong]: Hùng Vương Quốc Bảo Tuyên Đức Thần Công Thượng Trí Thánh Vương.  雄王國寶宣德神功上智聖王
Chi “canh”: Hùng Triêu Vương  雄朝王
          Tên huý là Cảnh Lang, ở ngôi 94 năm, lâu dài tới 286 năm. Sinh ngày mồng 4 tháng giêng năm Quý Sửu. Mất ngày mồng 9 tháng 9. Sinh ra Tạo Vương là con trưởng nối ngôi. Truyền được 3 đời Vương giữ nước.
          Triệu Vương có 60 cung phi, sinh được 40 con giai là hoàng tử, 16 con gái là công chúa. Dòng dõi nhà Vương có 56 chi. Sinh ra cháu chắt là 399 người.
          Vương giữ gìn trong nước được thái bình.
          Miếu hiệu: Hùng  Triêu Vương Nhân Tông Quang Đức Hoàng Đế.  雄 朝王仁宗光德皇帝
          [Mỹ tự truy phong]: Hùng Vương Nhân Chiêu Quang Đức Thần Trí Đại Nguyên Thánh Vương.  雄王仁昭光德神智大元聖王
Chi “tân”: Hùng Tạo Vương  雄造王
          Tên huý là Đức Quân Lang ở ngôi 92 năm. Lâu dài tới 273 năm. Sinh ngày 15 tháng 12 năm Kỷ Tỵ. Mất ngày mồng 9 tháng 9. Sinh ra Nghị Vương là con trưởng truyền nhau được 3 đời Vương giữ nước.
          Tạo Vương có 26 cung phi. Sinh ra được 36 con giai là hoàng tử, 7 con gái là công chúa. Dòng dõi nhà Vương có 37 chi, sinh ra cháu chắt 390 người.
          Vương giữ nước được thái bình trăm họ, trong nước được no đủ, giàu có.
          Miếu hiệu: Hùng Tạo Vương Kính Tông Thiên Bảo Tiên Triều Hoàng Đế.  雄造王敬宗天寶先朝皇帝
          [Mỹ tự truy phong]: Hùng Vương Thánh Tổ Nam Thiên Đại Bảo Tiên Triều Thánh Vương.  雄王聖祖南天大寶先朝聖王
Chi “nhâm”: Hùng Nghị Vương   雄毅王
          Tên huý là Bảo Quang Lang, ở ngôi 160 năm lâu dài tới 217 năm. Sinh ngày 15 tháng 8 năm Ất Dậu. Sinh ra Duệ Vương là con trưởng, truyền nhau được 4 đời Vương giữ nước.
          Vương có 39 cung phi, sinh được 22 con giai là hoàng tử, 15 con gái là công chúa. Dòng dõi nhà vương có 37 chi, sinh cháu chắt là 291 người.
           Vương giữ nước cơ đồ rộng rộng lớn.
          Miếu hiệu: Hùng Nghị Vương Thuỵ Tông Nam Triều Hoàng Đế.  雄毅王瑞宗南朝皇帝
          [Mỹ tự truy phong]: Hùng Vương Hoàng Bảo Thánh Tổ Nhân Hoằng Huệ Đức Thánh Vương.  雄王皇寶聖祖仁弘惠德聖王
Chi “quý”: Hùng Tuyền Vương  雄璿王
          Tên huý là Huệ Đức Lang. Ở ngôi 115 năm, lâu dài tới 227 năm. SInh ngày mồng 3 tháng 3 năm Canh Tân. Mất ngày mồng 5 tháng 5, ở trên điện vào giữa ban ngày, Vương cùng con rể là Tản Viên cùng bay lên giời thành tiên, thọ cùng giời đất. Muôn đời được làm thánh vương. Thánh Vương hết đỗi linh thiêng, kiêm bậc thượng đẳng đứng đầu bách thần.
          Vương truyền cho 5 con nối ngôi giữ nước. Trước đã truyền cho con trưởng là Kính Vương nối ngôi được 6 năm thì mất. Sau truyền ngôi cho con thứ là Cảnh Lang được 10 năm thì mất. Lại truyền ngôi cho cháu đượi 3 năm cũng mất. Rồi mới truyền cho rể hiền Tản Viên, thay Vương lập chế độ, giữ yên thiên hạ được 10 năm. Cuối cùng nhường cơ nghiệp nhà Hùng cho Thục An Dương Vương, cũng là cháu chắt họ Hùng, tông phái của đời vua Hùng trước, làm bộ chúa phụ đạo ở đời thứ 19.
          Tuyền Vương có 100 cung phi, đắm say tửu sắc. Sinh được 24 con giai là hoàng tử, 6 con gái là công chúa. Dòng dõi nhà Vua có 26 chi, sinh ra cháu chắt 194 người.
          Đến đây vận nước vào buổi các chung, cơ đồ họ Hùng ở thời kỳ cuối, 24 con giai và 4 con gái Vương đều chết nên không có người nối dõi, chỉ còn 2 con gái, một người tên là Mỵ Châu Tiên Dung công chúa đã gả cho Chử Đồng tử thành tiên bất diệt. Một người tên là Mỵ Châu Ngọc Hoa công chúa gả cho Sơn Tinh Tản Viên, cho nối ngôi trở thành con rể giỏi giang của cả nước, cũng là một vị vua hiền được 10 năm thì nhường cho Thục An Dương Vương.
          Sau đó, Tuyền Vương và Tản Viên Sơn, cha con đã cùng một ngày trở thành Tiên, biến đổi không cùng. Muôn đời xưa nay trong thiên hạ không có ai sánh được với vị đại thánh minh quân như vậy.
          Trở lên, tính ra cơ đồ nhà Hùng 18 thời đại, thay nhau truyền giữ ngôi báu là 180 đời đế vương, quy tụ nước non về một mối xa thư gìn giữ, xây dựng được 120 thành điện.
          Miếu hiệu: Hùng Tuyền Vương Thiên Tông Minh Vương Hoàng Đế.  雄璿王天宗明王皇帝
          [Mỹ tự truy phong]: Hùng Vương Thần Linh Hải Đức Minh Vương Nam Triều Thánh Vương.  雄王神靈海德明王南朝聖王
Tổng cộng niên kỷ có 18 thời đại thánh vương truyền nhau, con thánh, cháu thần đế vương các triều đại hưởng nước là 2655 năm, lâu dài tới 8618 năm. Sinh ra 980 chi hoàng tôn, công chúa. Sinh cháu chắt dòng dõi cộng là 14370 người đều có hiệu là Cổ Việt Hùng Thị Thập Bát thế thánh Vương 古粵雄氏十八世聖王. Trang cuối có ghi chép thánh tâm của các bài vị thờ cúng ở 3 “thần cung” các vua Hùng.




Miếu hiệu chép trong ngọc phả đền Vân Luông..

1. Thượng thần cung điện: Đền Thượng
Thờ 3 bài vị. Dòng thánh tâm bài vị giữa có hàng chữ “Đột Ngột Cao Sơn  突屼高山, Bên dưới chua “lưỡng cước” những mĩ tự mà các vua đời sau truy phong: Hiển linh. Thống thủy, Điện an, Hoằng tế, Phổ hóa, Minh túc, Hậu ứng, Quảng huệ.   顯靈統水奠安弘濟普化明肅厚應廣惠.
Đó là thờ về Hùng Quốc Vương 雄國王 . Thời đại khởi thủy của nhà Hùng.
Bài vị bên trái có hàng chữ: Viễn Sơn thánh vương  遠山聖王, là thờ về thời đại Hy Vương  曦王.
(Bản ngọc phả xã Hy Cương AE a9/31 chép là Việp Vương 曄王)
Bài vị bên phải có hàng chữ: Ất Sơn thánh vương  乙山聖王. Là thờ về thời đại Hi Vương
Còn các di tích thờ vua Hùng ở đền Trung, đền Hạ đến các làng xã các địa phương khác là các di tích “đồng phụng sự” đều ghi dòng thánh tâm ở bài vị giữa là Đột Ngột Cao Sơn Cổ Việt Hùng Thị Thập Bát Thế Thánh Vương” 突兀高山古粵雄氏十八世聖王 để phân biệt “chính” và “đồng”.
                                                                   Năm 1997.

         



Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

VỀ NGÔI ĐÊN TRIỀN

VỀ NGÔI ĐÊN TRIỀN
Phường Ngô Quyền thành phố Vĩnh Yên tỉnh Vĩnh Phúc
                                                         
LÊ KIM THUYÊN       
           
Thuộc về khu chợ cũ của tỉnh Vĩnh Yên đời xưa có một ngôi đền, gọi là đền Triền. Chữ “TRIỀN’’廛, từ Hán Việt có nghĩa là “chợ’’. Chữ chợ dùng để chỉ nơi công cộng đông người đến mua bán giao thương hàng hóa vào những ngày nhất định, buổi nhất định. Do vậy có thể gọi là đó đền “Chợ”, phố “Chợ”. Chợ Triền thành phố Vĩnh Yên nguyên xưa có tên là chợ “Cát” huyện Tam Dương ghi trong sách “Đại Nam nhất thống chí”, mục tỉnh Sơn Tây: “Chợ Cát ở huyện Tam Dương” (Bản dịch tập 4, trang 219. NXB KHXH Hà  Nội năm 1971). Nơi có thành phủ Đoan Hùng đóng ở xã Tích Sơn, mãi đến năm Gia Long thứ 07 (1808) mới dời đến địa phận xã Quả Cảm huyên Tây Quan nay thuộc huyện Đoan Hùng tỉnh Phú Thọ. Xã Tích Sơn từ năm ấy trở lại là lị sở của huyện Tam Dương cho mãi tới năm thành lập tỉnh Vĩnh Yên , năm 1899. Theo gia phả họ Dương, về gốc tích, ngôi “chợ Cát” có nguyên từ trước đờì ông Trạng nguyên Dương Phúc Tư (1505-1563) đời vua Mạc Phúc Nguyên (1547-1561) có con trai là Dương Cương Thiện ở thôn Đông xã Vĩnh Mỗ huyện Yên Lạc lên làm nhà ở xã Tích Sơn vừa làm nghề dạy học vừa mở một chỗ buôn bán, tục truyền vẫn gọi là “Cựu Cát thị”, tên nôm gọi là chợ Cát cũ, là ngôi chợ mà sách “Đại nam nhất thống chí” đã ghi chép. Ở Vĩnh Yên ngày nay vẫn còn có câu tục ngữ “Họ Dương lập làng, họ Hoàng đào giếng” để ghi nhận về việc này. Chợ Triền là tên sau của tên chợ Cát cũ, do vậy vốn có lịch sử gần 500 năm nay. Đến đời vua Gia Long năm thứ 7 (1808), khi xã Tích Sơn được chọn làm lị sở của huyện Tam Dương phủ Đoan Hùng tỉnh Sơn Tây, các cơ quan huyện đóng ở đồi Yên Sơn (nay đặt cơ quan Tỉnh uỷ tỉnh Vĩnh Phúc) thì thôn Triền đã thuộc về khu trung tâm thương mại của toàn huyện. Đến khi lập tỉnh Vĩnh Yên thì tên chợ là “chợ Vĩnh Yên”, đại diên cho hàng tỉnh nên thường gọi là “chợ Tỉnh”.
Tuy nhiên, tên “Triền”, nơi đặt chợ thì vẫn không mất. Đó chính là xóm Triền (xóm chợ), nay đổi gọi là phố “Chiền” thuộc phường Ngô Quyền thành phố Vĩnh Yên.
          Đến giữa thế kỷ 19, vào đời vua Tự Đức, danh sĩ nước ta thời ấy là Cao Bá Quát (1809 – 1854), trong một lần đến thăm vùng đất huyện Tam Dương, ông đã đề bài thơ ở chùa Tích Sơn, toạ lạc ở nền cũ là khu đất toà sứ Vĩnh Yên năm thành lập tỉnh 1899.
          Bài thơ được mở đầu với bốn câu như sau :
               島嶺西城片片龍
              天然秀出小孤峰
              潭開江世還三面
              山抱村居鬱幾重….
                  Đảo lĩnh tây thành phiến phiến long
                   Thiên nhiên tú xuất tiểu cô phong
                   Đàm khai giang thế hoàn tam diện
                   Sơn Bão thôn cư uất kỉ trùng…
          (Cao Chu Thần thi tập A.299 viện Hán Nôm Hà Nội.)
          Đại ý như sau:
                    Ở về phía tây của ngọn núi Tam Đảo,lớp lớp nổi lên con rồng .
                        Ngọn lẻ loi Tích Sơn là nơi giời đất ban cho cảnh đẹp.
                        Đầm mở ra ba bên, sông vòng lại.
                        Núi ôm vào một khu dân cư đông đúc…
Vậy là nhận biết điạ mạch phong thuỷ của con rồng ấy xuất phát từ núi Tam Đảo khu Chân Suối xã Hồ Sơn huyện Tam Đảo chuyển mình theo con đường 2B, qua xã Hợp Châu , vai rồng nổi lên ở đồi Yên Lập (Dốc Láp ),cổ rồng nay là đường Kim Ngọc thuộc thôn Triền, đầu rồng là đồi Yên Sơn ( xã Vĩnh Yên đời xưa ) nơi toạ lạc cơ quan Tỉnh Uỷ tỉnh Vĩnh Phúc. Dấu tích còn lại là giếng “ mắt rống” ở khu vực gần nhà Bảo Tàng Vĩnh Phúc. Khu dân cư đông đúc ấy nay có thôn “TRIÊN”, thuộc phường Ngô Quyền thành phố Vĩnh Yên bây giờ.
          Như vậy khu Triền là thuộc về một miền đất thiêng liêng của Vĩnh Yên.
          Theo tín ngưỡng nguyên thuỷ người Việt, ở đâu có người là ở đó có sự thờ tự, cho dù thần điện nơi đó có kiến trúc hoặc chưa có kiến trúc.Thờ tự để dân chúng cầu mong sự tốt lành, con người mạnh khoẻ, mùa màng bội thu, của cải dư thừa, nhà nhà ấm no hạnh phúc. Dân giầu thì nước mạnh, cơ sở để tồn tại một “quốc thái dân an”. Thờ tự là một nhu cầu văn hoá tín ngưỡng tâm linh cùng tồn tại với đời sống vật chất xã hội.
          Ngôi đền Triền được lập nên, tuy chưa xác định được niên đại khởi dựng, song về ý nghĩa xã hội không ngoài mục đích đó. Vị “thần” được thờ tất nhiên là vị giữ trách nhiệm cương vị là thần bảo hộ cho nhân dân khu Triền trong tín ngưỡng thiêng liêng và trong ước vọng yên lành về đời sống xã hội.
          Theo quan niệm Việt cổ đó là vị “ Thần Đất”, nhân dân thường gọi là thần “Bản Thổ”.
 Trong đền ngày nay đang còn bức hoành phi 4 chữ:
敬 哉 有 土
KÍNH  TAI  HỮU  THỔ
          Có nghĩa là:
          Kính vậy thay ! Là Thần Đất ( có công phù trợ).
          Bức hoành phi được lập vào đời vua Bảo Đại năm Bính tí,dương lịch là năm 1936.
          Thần Đất – Đó là vị thần trông nom, cai quản mặt đất một khu vực. Ở Việt Nam thần thường hiện hình là một ông già to béo, hiểu biết hết mọi công việc dưới trần gian.Hàng năm, cứ đến 07 ngày cuối (Từ 23 đến 30 tháng chạp) thần lại lên Thiên Đình để chầu Trời. Trong những ngày đó,mặt đất ngừng hoạt động, đến 30 tháng chạp thần  mới trở về, lúc đó mặt đất như bừng tỉnh, mọi hoạt động mới trở lại. Trong khoảng thời gian đó không ai dám động vào“Đất”của thần. Phải đợi đến ngày 02 đầu năm, sau khi làm lễ “động Thổ”,người ta mới lại dám đào xới hoặc cày bừa, nghĩa là mới dám động vào Đất của thần.
          (Ngày nay do chịu pha trộn với thần thoại Trung Hoa nên thần còn có danh hiệu là Ông Địa, nhất ở khu vực Nam Bộ).
          Theo dòng tín ngưỡng nước Việt ta, mỗi nơi (vùng hoặc tiểu vùng) đều có 01 Thần Đất (Ông Địa) trông nom trật tự và dân chúng vùng ấy. Ở
khu Triền cũng có một vị Thần Đất như vậy gäi lµ, “thÇn b¶n thæ”, thê ë miÕu.
          Trên thần đất còn có thần Thành Hoàng, đó là vị thần làm chúa tể một phương.cai quản một khu vực rộng lớn hơn che chở cho dân chúng.Do vậy Ngọc Hoàng thường hay tuyển chọn Thần Đất cho làm chức vụ Thành Hoàng một cách luân chuyển, nên gọi là 當 境 城 隍 Đương cảnh Thành Hoàng thờ ở  miếu, khi có đình là thờ ở đình.
          


Thần Thành Hoàng khu đất Triền được xác lập là như vậy. Nên thần có chức danh gọi là: 當 境 城 隍本土大王 Đương cảnh Thành Hoàng Bản Thổ đại vương.
 Trong đền còn có đôi câu đối chữ Hán, được phiên âm như sau:
名山大脈多鍾秀
樂土人來喜受廛
          Danh sơn đại mạch đa chung tú             
          Lạc thổ lai nhân hỉ thụ TRIỀN.
Nghĩa là:
          Núi thiêng, mạch lớn, nhiều linh khí
          Đất đẹp,người vui, dân TRIỀN vui hưởng.
          Đó là sự ca tụng hồn thiêng sông núi của khu đất Triền,cùng cảnh quan đời sống nơi đây.
          Tác giả của đôi câu đối này là vị quan chức làm việc ở cơ quan Bố chánh sứ tỉnh Vĩnh Yên, có học vị cử nhân Nho học, người xã Vân Phú, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, thi đỗ khoa Nhâm tí đời vua Duy Tân triều Nguyễn (năm 1912), tên là Nguyễn Trần Mô, tên hiệu là Văn Sơn Nam Cao.
Ngày nay, đền còn tên chữ gọi là 玉 寶 靈 祠 NGỌC BẢO LINH TỪ nghĩa là đền thiêng Ngọc Bảo, có cấu trúc hình chữ “Đinh” (còn gọi là hình chuôi vồ), gồm hai phần: Nhà hậu cung và nhà tiền tế.
          Trong hậu cung bài trí theo phương thức thờ “bách thần”, gồm một cỗ long ngai, bài vị cổ. Còn hai chiếc hòm có lẽ là hòm đựng sắc phong và các văn bản giấy của đền đều sơn son.
          Một bức hoành phi, một đôi câu đối như đã dẫn .
          Một trong hai gian cạnh nhà tiền tế còn hai bia đá nhỏ là “bia hậu”. Một chiếc có hàng chữ:
- Nguyễn văn Tiết, tên chữ là Phúc Tiết. Giỗ chính ngày 16 tháng 3.
- Hậu nhất là Nguyễn thị Kính hiệu là Diệu Lạc. Giỗ chính ngày 16 tháng 10.
          Đó là bia đề danh những người có công với ngôi đền từ xa xưa.
Gian giữa nhà tiền tế, bài tri ban thờ Thánh Mẫu ,gồm:
          - Tượng Mẫu Thượng Thiên, y phục sắc đỏ, toạ ở giữa.
          - Tượng Mẫu Thượng Ngàn, y phục sắc xanh, toạ bên trái.
          - Tượng Mẫu Đệ tam Thoải phủ, y phục sắc trắng, toạ bên phải.
 Các Mẫu đều thuộc hệ Tứ phủ đang được thờ tự thịnh hành ở miền Bắc nước ta hiện nay, cũng đang rất rầm rộ ở tỉnh Vĩnh Phúc.
          Tuy nhiên pho tượng Thánh Mẫu tọa ở giữa có y phục sắc đỏ lại là thần tượng của thánh mẫu Liễu Hạnh. Là một trong thần tượng “Tứ bất tử” của Việt Nam.
Chếch phía trước tượng Thán Mẫu Liễu Hạnh, có hai pho tượng nữ nhỏ hơn, Đó là tượng các bà Quỳnh Hoa, Quế Hoa, 2 vị Tiên Cô theo hầu thánh Mẫu.
Sở dĩ bài trí thờ tự như vậy vì Vĩnh Yên lúc đó có nhiều người dân ở tỉnh Hà Nam lên cư trú làm ăn. Điển hình là ông Nguyễn Trần Mô làm quan trong phủ đường (người viết hoành phi và câu đối thờ ở đền) tỉnh Vĩnh Yên.
Ông và số dân người Hà Nam khi ở quê hương có thờ bà Liễu Hạnh, vì địa bàn các tỉnh Nam Định, Hà Nam là nơi trung tâm hình thành và thờ tự Mẫu Liễu Hạnh. Sự thờ tự Mẫu Liễu với những người dân Hà Nam ở đây là để không thiếu vắng hình bóng quê nhà, ít nhất là về mặt tâm linh. Và sự thờ tự ấy được nhân dân địa phương chấp thuận, tin theo, nên đã tồn tại trong nhiều chục năm nay.
Cho nên trường hợp ba pho tượng Mẫu trông đền, cùng giống nhau ở gương mặt, vóc dáng, tư thế ngồi, và chỉ khác nhau về trang phục, thì pho tượng ở giữa chính là tượng Thánh Mẫu Liễu Hạnh.
          Ngôi đền Triền do vậy trở thành nơi cộng cảm tâm linh của hai tín ngưỡng cổ truyền của người Việt là Tín ngưỡng thờ Thần Thành hoàng và tín ngưỡng thờ Mẫu, đều là các tín ngưỡng dân gian Việt cổ.
          Về sự tích của Thánh Mẫu Liêu Hạnh đã được nữ sĩ Đoàn Thị Điểm (1705-1748) viết thành truyện “Vân Cát thần nữ” chép trong sách “Truyền kì tân phả”, còn có tên là “Tục truyền kì”.
Hàng năm vào ngày 25 tháng 2 nhân dân khu Triền vẫn thực hiện các
nghi thức tế Thần và rước kiệu Mẫu theo truyền thống địa phương vốn có.
          Ngôi đền đã được xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh thành phố năm 2012.
                                                Ngày 05 tháng 4 năm 2013.
 L K T
                                            



Thứ Tư, 9 tháng 7, 2014

ĐỀN CÔ TÂY THIÊN


ĐỀN CÔ TÂY THIÊN

Lê Kim Thuyên

          Qua ngôi đền Cậu, cứ thế tiếp tục cuộc hành trình thêm khoảng chừng 02 cây số đường núi nữa là tới ngôi đền có từ danh là “đền Cô”.
Cũng như ngôi đền Cậu, đền Cô xuất hiện từ bao giờ, chưa một ai dám đoán định. Và sao ngôi đền Cô lại toạ lạc ngay trên bờ khúc suối với cái tên đầy cởỉ mở “suối Giải oan” lại là một sự bí ẩn. Khúc suối cũng lại có tên nhà Phật “Bát Nhã tuyền” (suối Bát Nhã), tên một bộ kinh nhà Phật ( kinh Bát Nhã) nghĩa là “trí tuệ”. Theo nhà Phật, trí tuệ có hai loại hỗ trợ nhau và bổ sung cho nhau:
Văn tuệ: Nghĩa là nhờ nghe nhiều, học nhiều mà có trí tuệ ( sự hiểu biết thông minh linh lợi).
Tư tuệ: Nghĩa là nhờ suy nghĩ nhiều, thực hành nhiều, tu tập nhiều mà có trí tuệ. Ý nghĩa về sự trải nghiệm, thực hành.
Ngôi đền Cô xuất hiện như thế ở nơi có thể gọi là “ rừng sâu nước thẳm” hẳn như muốn nhắc nhở cõi thế gian điều gi trước khi lên trình nơi cửa Mẫu?
Phải chăng là rũ bỏ mọi ưu tư, phiền não, tranh cạnh nơi trần thế để về ngả vai vào lòng Mẹ mà yên hưởng sự yên tĩnh thư thái tâm hồn?
Bước chân đến đền Cô là kết thúc một hành trình lội suối mà ở thế kỉ 19 nhà thơ Cao Bá Quát từng vượt qua để lên Tây Thiên có câu miêu tả “ Cửu khúc hồi khê” ( chín khúc suối chảy về). Chín khúc suối ấy bắt đầu tính từ xã Hồ Sơn, nơi cửa ngõ rẽ vào Tây Thiên, Gồm có:
Suối Võng
Suối Cầu Tre        thuộc xã Hồ Sơn.
Suối Đầm Cả        Suối ở phía sau ngôi đền Đầm Cả, nay đang có biển lầm đề là Đền Trình, thuộc xã Tam Quan.
Suối Sơn Đình
Suối Chùa Rọ        Suối ở sau đền Thỏng.
Suối Đá Liền
Suối Đôi ( tức Suối Tối)
Suối Trường Sinh   và
Suối Giải Oan.       Đều thuộc xã Đại Đình.


Cũng như đền Cậu, ngôi đền Cô trong hệ thống Mẫu Tây Thiên là sự tích hợp văn hoá “âm – dương” trong hệ thông Mẫu Thần gắn với tín ngưỡng dân gian phồn thực của sự sinh nở. Đó là sự kết hợp hài hoà trong tâm linh, với tư duy triết học sơ khai phối cảnh với môi trưòng sinh thái. Để rồi có tâm thức dân gian, Cô là con nhà Giời toạ lạc ở đây để cùng cứu dân, giúp nước.
Ngày nay, ngôi đến được xây dựng lại khang trang, tôn nghiêm. và có tên là đền Cô Bé với nội dung thờ tự không còn giống như thuả ban đầu.
Trong đền có bức hoành phi 04 chữ    “Tứ Phủ Thánh Cô”        tức là các hàng cô thánh trong hệ Mẫu Tứ Phủ.
Có tất cả 12 Cô cho bồn phủ, là phủ Thượng Thiên, Phủ Thượng Ngàn (Nhạc phủ), phủ Thoải (Thoải Phủ), và phủ Địa (Địa Phủ) trong thiết chế về hàng “Cô” của hệ Mẫu Tứ Phủ. Đó là sự thờ cúng công đồng về hàng các Cô. Có tất cả 12 vị thuộc hàng Cô như sau:
Cô Cả: Cô thứ nhất hàng cô thuộc Thiên phủ. Gọi là Cô Đệ Nhất Thượng Thiên, Cô không về đồng.
Cô Đôi : Cô thứ hai trong hàng cô thuộc Nhạc phủ. Còn gọi là Cô Đôi Cam Đường, vì cô có đền thờ ở Cam Đường tỉnh Lào Cai. Cô là nhân thần, quê làng Đình Bảng tỉnh Bắc Ninh, nhưng lại hiển thánh ở Cam Đường. Khi về đồng thường diễn động tác đi chợ, buôn bán.
Cô Bơ: Cô thứ ba thuộc Thoải phủ. Y phục mầu trắng. Khi về đồng có động tác chèo đò bằng hai mái dầm. ( Khác chúa Thoải chèo đò bằng một mái dầm).
Cô Tư: Hầu hạ trong cung, không về đồng.
Cô Năm: Ít được nhắc đến.
Cô Sáu: Thuộc Lục cung, nhưng kém Chầu Lục một bậc. Khi về đồng có động tác múa mồi, phát lộc hoa quả.
Cô Bảy: Ít nhắc đến.
Cô Tám: Ít nhắc đến.
Cô Chín: Còn gọi là cô Chín Giếng. Đền thờ cô gọi là “ Cửu Tỉnh Linh Từ” (đền thiêng chín giếng). Về cô Chín còn có nhiều hình tượng như
Cô Chín Thiên hoặc cô Chín Sòng thuộc Thiên phủ.
Cô Chín Ngàn hoặc cô Chín Thượng thuộc Nhạc phủ.
Cô Chín Thoải thuộc Thoải phủ.
Cô Chín Sòng, thờ ở đền Sòng tỉnh Thanh Hoá, Cô là hiện thân của bà công chúa Liễu Hạnh.
Trước cổng đền Thượng Tây Thiên cũng mới có ngôi đền Cô Chín là do những năm gần đây những người phụng sự ở nhà đền đã rước chân nhang từ đền Sòng về lập đền thờ. Thêm lên một thờ tự về Mẫu Tứ Phủ.
Cô Mười: Thờ ở Đồng Mỏ tỉnh Lạng Sơn.
Cô 11: Không rõ ràng.
Cô 12: Còn gọi Cô Bé. Về đồng cô diễn động tác phát nương làm rẫy.Giá đồng về Cô,cung văn thường hát có câu:
Khăn xanh áo lá xiêm vàng
Cổ tay vòng bạc, vai cô mang nón buồm.
Cô Bé Thượng Ngàn, cô đeo nhẫn bạc kim cương.
Cô về đồng Cô phát rẫy làm nương
          Phát từ Tam Đảo Cô phát sang Thạch Bàn.
 Gánh thóc cô tra mộ, phát nương cô trồng chè.
Ai lên Thác bạc đèo mây
Thác Tiên đào thắm đắm say lòng người….
Có tất cả là 05 Cô Bé:
Cô Bé Suối Ngang. Thuộc Nhạc phủ.
Cô Bé Thác Bờ. Thuộc Thoải phủ.
Cô Bé Thoải. Thuộc Thoải phủ.
Cô Bé Đông Cuông. Thuộc Nhạc phủ.
Cô Bé Đen, tức Cô Bé Sóc. Thuộc Nhạc phủ.
Từ danh đền Cô Bé Tây Thiên của “Tứ Phủ Thánh Cô” 四 府 聖 姑có thể hiểu ra là Cô Bé Đông Cuông hay Cô Bé Thượng Ngàn thuộc về Nhạc phủ.
Nói chung các giá đồng Cô, đều thuộc phần hầu vui, tản lộc, nên cuộc sống thần và cuộc đời thực gần như hoà mục gần gũi.
Không những thế, khi về đồng các Cô ban phát rất nhiều lộc. Đầy những mâm hoa quả, gìành cho người trần, đợi người trần.m Bởi vậy mới thành một tư duy nơi cửa điện Mẫu “ Một miếng lộc Thánh bằng gánh lộc trần”.Có câu ca:
 Muốn ăn lộc hái thì về cửa Cô.
Cửa Cô hái ra lộc “tiền tươi, quả chín” đầy ắp cho thế gian.
Sự khang trang của nhà đền còn được điểm tô bằng các đôi câu đối mới đưa vào trong đợt xây dựng lại. Như những câu:
Nhật nguyệt quang minh      日 月 光 明
Thập phương cảm ứng.        十 方 感 應
Nghĩa là:
Đêm ngày sáng soi
Mười phương nhận biết.
Vạn cổ vinh quang diên thánh điện
Thiên thu huệ trạch phúc dân anh.
萬 古 榮 光 延 聖 殿
千 秋 惠 澤 福 民 英
Nghĩa là:
Vạn xưa nơi đây vẫn vẻ vang nơi thánh ngự
Nghìn năm ơn sâu để lại, vận may tốt đẹp cho dân.
Ngoài cổng, trên các cột trụ cũng có câu đối. Như câu:
Tam Đảo Tây Thiên Bát Nhã tuyền
Vạn cổ sơn hà lưu thánh địa.
Là để chỉ vị trí ngôi đền ở vào khu vức suối Bát Nhã, nơi mang tên bộ kinh lớn của nhà Phật Kinh Bát Nhã, nghĩa là “trí tuệ”.
Cùng có đôi câu đối chữ Nôm:
Chín tầng nhật nguyệt rạng rỡ
Linh điện bốn mùa đổi mới
Vừa như ngợi ca, vừa như mong ước, cầu nguyện.
                                      Sơn Đông năm 2013.