Thứ Sáu, 5 tháng 12, 2014

THAM LUẬN

THAM LUẬN
Đọc tại đại hội Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Vĩnh Phúc
Lần thứ II. Năm 2014
---------------
LÊ KIM THUYÊN
Hội KH-LS tỉnh Vĩnh Phúc được thành lập ngày 13 tháng 11 năm 2009, tính đến nay là vừa được đủ 5 năm. Mọi công việc mới chỉ như bắt đầu.
Tuy nhiên, chúng ta cũng vui mừng vì Ban lãnh đạo của Hội cũng đã xuất bản được 10 số báo “Xưa – Nay”, là tờ báo ngôn luận của Hội, chứa đựng sức sống của Hội, phản ánh những thông tin về mọi sinh hoạt của Hội.
Từ những thông tin này, mà hôm nay đứng trước đại hội, tôi đề đạt 3 nguyên vọng của riêng tôi, mong được đại hội chấp thuận đưa vào chương trình công tác chung.


 1. Đổi đặt lại tên sông Đáy.
Con sông này là một trong 4 sông chảy trong nội hạt tỉnh (s. Hồng, s. Lô, s.Cà Lồ = Nguyệt Đức, s.Đáy) từ năm 1933 mang danh là “Phó Đáy” là do viên công sứ tỉnh Vĩnh Yên (từ tháng 8 năm 1931 đến tháng 4 năm 1933) người Pháp tên là Lotzer đặt ra khi ông ta viết cuốn sách “Địa chí tỉnh Vĩnh Yên” (Monographie de la province de Vinh Yen), xuất bản ở Hà Nội. Trong sách ông Lotzer đặt tên sông là “Phó Đáy”, là để tránh tên sông Đáy của tỉnh Sơn Tây do nhóm các tác giả viết sách “Địa dư các tỉnh Bắc Kì”  xuất bản năm 1930 đặt ra trong phong trào viết lại địa chí các tỉnh để dậy trong các trường Pháp Việt do người Pháp đặt ra ở xứ thuộc địa Bắc Kỳ. Do họ đã kéo ngược con sông Đáy từ cửa Đáy của tỉnh Ninh Bình, qua sông Nhuệ, tới sông Hát giang tới tận cửa Hát (Hát Môn) thuộc huyện Phúc Thọ, đặt làm “Sông Đáy”, làm mất địa danh dòng sông Hát đã đi vào lịch sử hào hùng chống xâm lăng thời Hai Bà Trưng; Đồng thời cũng làm mất đi tên Sông Đáy của tỉnh Vĩnh Phúc vốn có tên từ thế kỷ 18 chép trong tác phẩm “Kiến văn tiểu lục”của nhà bác học Lê Quý Đôn, tồn tại suốt trên 2 thế kỉ chép trong các bộ sách địa chí lớn của Việt Nam đời xưa như “Đại Nam nhất thống chi”, “Đồng Khánh địa dư chí”, cùng các sách địa phương chí như “Sơn Tây tỉnh chí”, “Vĩnh Yên phong thổ ký”, “Vĩnh Tường phủ địa dư chí”….
Hôm nay đông đủ các đồng chí Hội viên, tôi đề nghị Hội ta có văn bản khoa học báo cáo cơ quan TW, HĐND, UBND, MTTQVN tỉnh Vĩnh Phúc cho đổi tên sông trở về như trong truyền thống là sông Đáy (底江 Để giang), phù hợp với các thư tịch đang hiện còn ở các di tích đã đi vào tâm linh làng xã 2 bờ sông, cũng là phù hợp với tinh thần bảo tồn các giá trị văn hóa đích thực của dân tộc. Như ngày 18 tháng 8 năm 1949, bác Hồ viết bài thơ “Đi thuyền trên sông Đáy, chứng tỏ địa danh sông Đáy vẫn thường dùng. Năm 1954 vẫn xuất hiện trong bài thơ Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu:
…Nhớ  từng bản khói mù sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.
Nhớ từng rừng nứa bờ tre
Ngòi Thia sông Đáy, Suối Lê vơi đầy….
Ngòi Thia ở phía nam xã Tân Trào thì vẫn còn hiện hữu, tại bến Thia  thôn Tân Lập (tên mới đặt của làng Kim Long) xã Tân Trào huyên Sơn Dương; Tỉnh Tuyên Quang đã cho dựng bia ghi nhận sự tích Cụ Hồ Chí Minh đi mảng qua sông Đáy  vào làng Kim Long hoạt động Cách mạng ngày 21 tháng 5 năm 1945. Suối Lê tức suối Lê Nin, địa danh do cụ Nguyễn Ái Quốc đặt cho một con suối chay lượn vòng dưới chân một ngọn núi cũng do cụ Nguyễn đặt tên là núi Các Mác, địa điểm cạnh hang Pác Bó thuộc tỉnh Cao Bằng, nơi Cụ  trở về nước hoạt động cách mạng ngày 02 năm 1941 sau 30 năm bôn ba hải ngoại.
Cũng xin trình bầy thêm: Tên sông “phó đáy” là không chuẩn về văn pham tiếng Việt. Bởi từ “phó” trong từ điển tiêng Việt chỉ dùng trong 3 trường hợp: - Là để chỉ cấp bậc dưới chức “chánh” (trưởng) trong cơ quan hành chính xưa cũng như nay. Là “phó”của các cấp ban ngành các cơ quan nhà nước cũng như các địa phương nơi công sở.
- Đứng trước một danh từ là để chỉ về nghề nghiêp như : phó mộc (thợ mộc), phó nề (thợ xây), phó may (thợ may mặc), phó cạo (thợ cắt tóc)…
- Là để giao cho riêng một công việc “phó thác” phải hoàn thành. Xưa đã có câu về từ “phó” này:
Phó cho con Nguyễn Thị Đào
Nước trong leo lẻo cắm sào đợi ai.
Chữ rằng “xuân bất tái lai”
Cho về kiếm tý kẻo mai nữa già.
Lời phê đơn xin đi “bước nữa”  cua một thiếu phụ, tương truyền là của vị “huyện quan bà” nào đó.
Nghĩa của từ  “Đáy” là để chỉ phần dưới cùng của một vật thể. Tỷ như “đáy bát”, “đáy nồi”, “đáy chậu”, “đáy chum”, “đáy sông”, “đáy bể” (đáy bể mò kim). Đã là “đáy” rồi thì là gi có dưới nữa để mà có”phó”. Vậy “phó đáy” là sự ngô nghê về dùng từ tiếng Việt, sao lại dùng làm danh từ để đề danh một con sông ở miền quê Vĩnh Phúc văn hiến có gần 100 TS Nho học nổi tiếng một thời.
2. Viết sách “Vĩnh Phúc thông sử”. Lấy tên sách là  LỊCH SỬ TỈNH VĨNH PHÚC.
Vĩnh Phúc tọa lạc ở đỉnh của đồng bằng Bắc Bộ, xưa mệnh danh là đất Phong Châu “Bà Trưng quê ở châu Phong”. Là thuộc đồng bằng châu thổ sông Hồng với nền văn minh lúa nước của người Việt cổ. Như vậy bề dầy lịch sử là vô cùng ở trong bộ chủ Văn Lang, thời quốc gia Văn Lang các vua Hùng. Trải nhiều nghìn năm phát triển, Vĩnh Phúc đã là miền đất của 3 kinh đô Việt cổ.
Kinh đô Văn Lang ở thôn Việt Trì xã Bạch Hạc, huyện Bạch Hạc thuộc Sơn Tây của thời dựng nước.
Kinh đô Cổ Loa thời quốc gia Âu Lạc.
Kinh đô Mê Linh quốc gia Lĩnh Nam thời Hai Bà Trưng.
Rồi đến thời nước Nam Việt của Triệu Đà ở thế kỷ thứ 2 TCn, trong cuộc kháng chiến chống xâm lăng của nhà Tây Hán có căn cứ Long Động trên núi Thiết Sơn (núi Thét) thuộc xã Quang Yên huyện Sông Lô cò nhiều dấu tích về Long Động, mặt trận chống Lộ Bác Đức ở phương nam.
Đến thời quốc gia Đai Việt, thì Vĩnh Phúc là miền đất phía tây bắc tiếp liền kinh thành Thăng Long, chịu ảnh hưởng trực tiếp của nền văn hiến Thăng Long. Trong các cuộc kháng chiến chống quân Lương ở thế kỷ thứ 6, quân Nguyên Mông 3 lần ở thế kỷ 13, chống giặc Minh thế kỷ 15….trên lãnh địa của Vĩnh Phúc còn nhiều địa danh ghi dấu những chiến công lẫy lừng.
Gần đây thôi, trong thời kì chống thực dân Pháp xâm lăng, Vĩnh Phúc có núi Sáng Sơn là căn cứ của nghĩa quân Đề Thám ở đầu thế kỉ 20….Trong kháng chiến 9 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao Động Việt Nam và chính phủ nước Việt nam dân chủ cộng hòa, Vĩnh Phúc đã diễn ra các trận đánh với chiến thắng lẫy lừng như trận Khoan Bộ thu đông năm 1947, trận Xuân Trạch, mặt trận trung du trong chiến dịch Trần Hưng Đạo…rồi với các thành tích “diệt tề.trừ gian” ở vùng đồng bằng bị tạm chiếm…Quân và dân Vĩnh Phúc đã đóng góp rất nhiều về sức người, về của cải. Nhìn vào danh sách các anh hùng liệt sĩ, các bà mẹ Việt Nam anh hùng của Vnh Phúc ghi trên bia hoặc chưa có dịp để đề danh, cũng chứng tỏ sự đông góp với quốc gia là lớn lao biết giường nào!
Rồi còn trong lao động sản xuất, Vĩnh Phúc là xuất phất điểm của cây ngô đông, quê hương của “khoán hộ”, tiền đề mở ra quan hệ sản xuất mới trong nông nghiệp, của công cuộc đổi mởi đường lối quản lý nông thôn.
Bởi vậy, tiến hành công cuộc sưu tầm và viết sách “thông sử” cho Vĩnh Phúc đang là thời điểm thích hợp, hội đủ các yếu tố nhân, vật, tài lực.
Trong các năm từ khi Vĩnh Phúc trở lại với địa bàn cũ, do sự cố gắng không mệt mỏi, đã có nhiều đầu sách viết về Vĩnh Phúc được xuất bản. Đáng kể nhất là sách “Địa chí Vĩnh Phúc” do TW, HĐND, UBND tỉnh chủ trì, (công bố và ấn hành NXB KHXH Hà Nội năm 2012), là xứng tầm với tiềm năng đất nước, con người Vĩnh Phúc. Nay có thêm bộ sách “Vĩnh Phúc thông sử”, tỉnh ta sẽ trọn vẹn những ấn phẩm giớí thiệu hoàn thiện về “Đất-Người Vĩnh Phúc” , dùng làm tài liệu để biên soạn các bài giảng về lịch sử địa phương tỉnh Vĩnh Phúc trong các trường học toàn tỉnh thực hiện lời dạy của Bác Hô: “Dân ta phải biết Sử ta”.
3. Hoàn thiện sách “Danh nhân Vĩnh Phúc”.
Năm 1999 sở VH TT TT đã xuất bản sách “Danh nhân Vĩnh phúc” tập I (Chưa có tập II), năm 2000 sở GD-ĐT  in lại dùng làm tài liệu tham khảo cho các trường trong tỉnh.
Tuy nhiên, nội dung cuốn sách mới chỉ đề danh được các vị từ thời Hai Bà Trưng từ năm 40 Cn tới năm 1919, trên tiêu chí là “Người thật, việc thật”, là năm kết thúc khoa thi Hội, thi Đình mà Vĩnh Phúc có người đạt học vị TS. Sở dĩ mới được như thế vì lúc đó mới tách tỉnh, do thời lượng công việc và thời gian, chúng ta chưa đủ điều kiện để hoàn chỉnh thêm.
Nay thì địa giới toàn tỉnh đã ổn định, những tư liệu về con người Vĩnh Phúc trong lịch sử đã “xuất lộ” đầy đủ, bởi vậy tôi đề nghị Hội ta đề đạt với Tỉnh cho hoàn thiện sách DANH NHÂN VĨNH PHÚC đề danh tên tuổi những người con đất Vĩnh Phúc xứng đáng, sáng danh trong lịch sử dân tộc và trong tỉnh, bắt đầu từ thời Hùng Vương dựng nước đến năm 1975, là năm hoàn thành công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước.
Nội dung sách là viết nối vào sách “Danh nhân Vĩnh Phúc” Tập I  phần trước và phần sau, (xuất bản năm 1999). mà không có tập II. Hoàn thiện làm 1 tập.
Kính chúc các vị đại biểu “khang thái”, chúc Đại hội chúng ta thành công .
Sơn Đông. Tháng 11 năm 2014.
Hội viên  LÊ KIM THUYÊN.



































Thứ Năm, 13 tháng 11, 2014

VỀ NGÀY THÁNG NĂM SINH CỦA BÀ TRƯNG TRẮC – TRƯNG NHỊ.


Trong các nhân vật kiệt xuất của lịch sử nước Việt Nam chống ngoại xâm buổi đầu công nguyên, có bà Trưng Trắc – Trưng Nhị là anh hùng đề danh thứ nhất trong sử sách.
Tuy nhiên, những thông tin về nhân thân Hai Bà thì hết sức ít ỏi ,hiếm hoi. Tiếp cận gần gũi nhất về niên đại của Hai Bà là các sách của các nhà chép sử đời Hán (Trung Quốc) thì họ coi Hai Bà là giặc nên dưới con mắt nhìn thực dân, các sử gia ấy chỉ chép những sự kiện về đánh dẹp, mà điển hình nhất là sự đánh dẹp của Mã Viện ở những năm 42 – 43 Cn là được ghi lại rõ ràng hơn cả.
Các sách truyện truyền kì Việt Nam xưa như “Việt Điên U Linh tập” của Lí Tế Xuyên đời Trần (Biên soạn năm 1329) ghi truyện cổ nước Nam dưới dạng các truyền thuyết dã sử về Hai Bà Trưng, rồi ở cuối thế kỉ 15, có 2 ông Vũ Quỳnh, Kiều Phú soạn  sách “Lĩnh Nam Chích Quái” đều có chép đến truyện Hai Bà Trưng, nhưng cả 2 sách đều không mảy may có thông tin riêng về nhân thân Hai Bà như ngày tháng năm sinh, năm mất.
Các bộ sử có giá trị sử liệu xưa nhất của nước ta như “Đại Việt sử lược”, tuy không ghi tên tác giả biên soạn, nhưng niên đại được xác định là tác phẩm sử học biên soạn ở thế kỉ 14 (Đời Trần), ở quyển I. Mục: “Quan thú nhậm qua các thời đại” cũng chỉ chép về Bà Trưng như sau:
- “Mã Viện đời Quang Vũ nhà Hậu Hán niên hiệu Kiến Vũ năm thứ 16 (40 sau cn) có Trưng Trắc người huyện Mê Linh. Là con gái của quan Lạc tướng.
Trưng Trắc lấy chồng người huyện Chu Diên là Thi Sách.
Người vợ tính rất hùng dũng, có điều làm trái phép, Thái thú Tô Định lấy pháp luật buộc tội.
Trưng Trắc giận bèn cùng với người em gái là Trưng Nhị khởi binh ở Phong Châu.đánh phá quận huyện. Dân ở Cửu Chân và Nhật Nam đều hưởng ứng cả. Bà chiếm được 65 thành ở ngoài phía Nam nhà Hán, rồi tự lên làm vua, đóng đô ở Mê Linh.
Năm thứ 17, nhà Hán phong Mã Viện làm Phục ba Tướng quân đem quân sang đánh Bà Trưng.
Năm thứ 18, Mã Viện cho quân đi men bờ biển, dọc theo thế núi, đồn cây mở đường mà tiến có hơn ngàn dặm.. Quân Mã Viện tiến đến Lãng Bạc, rồi cùng với Trưng trắc đánh nhau. Trưng Trắc không chống cự nổi phải lui về giữ Câm Khê.”.
Ngoài ra không có thông tin gì thêm.
Cũng ở đời Trần, năm 1333, Lê Tắc một viên chức người đời Trần (theo hàng quân Nguyên Mông) biên soạn cuốn “An Nam chí lược”, được kể là bộ sách ghi nhiều tư liệu lịch sử từ đời Trần trở về trước, nhưng cũng chỉ có thông tin rất ít ỏi vè bà Trưng như sau ở phần “Tống tự” đầu sách: “Năm Kiến Võ thứ 16 (40 sau Cn), đời vua Hán Quang Võ, có người đàn bà Giao Chỉ tên là Trưng Trắc làm phản, năm thứ 19 ( 43) sai Mã Viện qua đánh dẹp yên, rồi dựng trụ đồng để làm giới hạn nhà Hán”.
Thề kỉ 15, có sách “Đại Việt sử kí toàn thư” của  Ngô Sĩ Liên thì Bà Trưng được ghi thành một Kỉ: Kỉ Trưng Nữ vương:
“…Tên húy là Trắc. Nguyên là họ Lạc, con gái của Lạc tướng huyện Mê Linh, Phong Châu, vợ của Thi Sách ở huyện Chu Diên. Thi Sách cũng là con Lạc tướng, con hai nhà tướng kết hôn với nhau….. Đóng đô ở Mê Linh.
…Mã Viện…..đánh nhau với vua. Vua thấy thé giặc mạnh lắm, tự nghĩ quân mình ô hợp, sợ không chống nổi, lui quân về giữ Cấm Khê (Cấm Khê, sử chép là Kim Khê)…”.
(Bản dịch. Theo Bản năm Chính Hòa 18 (1697). Tập 1. Trang 156. NXB KHXH. Hà Nội. 1998).
Đến triều Nguyễn, khi biên soạn bộ sử “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, các sử thần cũng không có thông tin gì mới khi viết:
Năm Canh tí. (40 sau cn). (Hán , năm Kiến Vũ thứ 16).
- Tháng 2, mùa xuân. Người con gái quận Giao Chỉ là Trưng Trắc khởi binh đánh đuổi thái thú Tô Định; Tự lập làm vua.
Vương vốn họ Lạc, lại có một họ nữa là Trưng. Là con gái quan Lạc tướng huyện Mê Linh, quận Giao Chỉ, và là vợ Thi Sách người huyện Chu Diên…..Bà tự lập làm vua, đóng đô ở Mê Linh.
- Năm Nhâm dần (42 s.cn), (Hán, năm Kiến Vũ thứ 18).
Tháng 3 mùa xuân. Quân mã Viện đến Lãng Bac, cùng quân Trưng Trắc đánh nhau và phá tan được. Trưng Trức lui giữ đất Cấm Khê.”
 (Bản dịch tập 1. NXB Giáo Dục.1998. Trang 114).
 Và có lời chú thích (nguyên văn là “lời chua”) về địa dah Cấm Khê như sau:
Cấm Khê: Sách Thủy Kinh chú của Lịch Đạo Nguyên chua rằng: Theo sách Việt chí, Cấm khê là Kim Khê, ở phía tây nam huyện Mê linh. Theo sách Nam Việt chí của Thẩm Hoài Viễn, Trưng Trắc vào trong hang Kim Khê, hai năm mới bắt được. Theo sách Phù Nam kí của Trúc Chi trên chỗ khe núi nước chảy xói vào gọi là hang. Chương hoài thái tử Lí Hiến chua cũng tức là đất huyện Tân Xương thuộc Phong Châu bây giờ. Theo thế thì Cấm Khê phải ở vào địa hạt Vĩnh Tường tỉnh Sơn Tây, nhưng chưa rõ đích là chỗ nào. Sử cũ cho là ở huyện Chân Lộc thuộc Nghệ An là nhầm. (Trang 115).
Như vậy, để tìm hiểu rõ ràng hơn về nhân thân Hai Bà thì chúng tôi nghĩ rằng cần phải tìm hiểu ở các nguồn thông tin khác, tức là tìm vào những di tích văn hóa vật thể cũng như các dấu ấn văn hóa phi vật thể hiện đang còn ở những địa phương thờ cúng. Bởi vậy chúng tôi đã tìm về với 2 nguồn tư liệu:
Một là: Những văn bản là các sách ghi chép có tính chất thống kê về di tích thờ cúng Hai Bà, mang tư chất là các sách “tự điển”. Trên tinh thần đó chung tôi dựa vào sự sao chép của thôn Lương Yên (về sau thuộc tổng Thanh Nhàn huyện Thọ Xương phủ Hoài Đức tỉnh Hà Nội trong sách “Đồng Khánh Địa dư chí”, nay thuộc phường Thanh Nhàn quận Hai Bà Trưng thành phố Hà Nội)  theo chính bản của bộ Lễ triều Lê soạn năm Lê Cảnh Hưng 24 (1763) với tên sách “Nam Việt thần kì hội lục” 南越神祇會籙 (tìm đầy đủ các vị thần nước Nam Việt), ghi chép bài vị về 2824 thần có danh sách thờ cúng, (Tư liệu Viện NCHN Hà Nội, số đăng kí A.761).
Ở bản A.761. Tờ 18a có chép 2 vị thần có hàng chữ thánh tâm:
- Duệ trí uy dũng tuy hưu phu nhân.
睿智威勇綏休夫人
- Dực thiên chế thắng bảo tín phu nhân.
翊天制勝保信夫人
Nội dung hai phu nhân chính là con gái của vị tướng triều Hùng là Trưng Trắc và Trưng Nhị. Có:
Đền thờ chính: xã Hát Môn, huyện Phú Lộc, trấn Sơn Tây.  (có sắc)
Các xã dân , huyện, trấn cùng phụng sự cộng 6 xã đều có sắc phong 4 đạo. Gồm:
Châu Đồng Nhân huyện Thanh Oai trấn Sơn Nam.
Xã Phụng Công huyện Văn Giang trấn Bắc Ninh.
Trấn Sơn Tây có:
Xã Hạ Lôi huyện Yên Lãng.
Huyện Yên Lạc có các xã Xuân Đài, xã Quan Đài, xã Tiên Đài  đếu có một đạo sắc phong. (xem tờ 18b).
Bài này nhằm cung cấp tư liệu về tĩnh Vĩnh Phúc.
Trong trấn Sơn Tây đời cuối Lê có xã Hạ Lôi huyện Yên Lãng , sau là xã Mê Linh huyện Mê Linh, cùng huyện Yên Lạc thuộc về địa giới tĩnh Vinh Phúc cũ. Đến tháng 08 năm 2008 mới tách huyện Mê Linh về thành phố Hà Nội mở rộng. Điều đó khiến trong nghiên cứu cùng phải đồng thời khảo sát tư liệu ở cả hai địa phương  cấp xã này.
Ở đền Hạ Lôi, nơi quê sinh của Hai Bà, chúng tôi chỉ còn tìm thấy 19 đạo sắc phong của các triều đại xưa gồm Lê Trung Hưng, Nguyễn Tây Sơn và Nguyễn Gia Long. Trong đó:
- Có 03 đạo sắc biệt phong bà Trưng Trắc của triều Lê và Nguyễn Tây Sơn.
- Có 03 đạo sắc biệt phong bà Trưng Nhị của triều Lê và Nguyễn Tây Sơn.
- Có 05 đạo sắc hợp phong hai vị “Trưng Nữ Vương” của triều Nguyễn từ Gia Long đến Đồng Khánh.
- Có 02 đạo sắc biệt phong của đời Khải Định cho bà Trưng Trắc, bà Trưng Nhị.
- Có 06 đạo sắc phong cho vị “Đặng Công đại vương”, tức là ông Thi Sách theo ý kiến giải thích của địa phương. (Ở Hạ Lôi hiện nay còn họ Đặng).
Hai là : Để rõ ràng hơn, chúng tôi đi tìm thêm tư liệu ở nhiều điểm khác về địa phương này. May mắn là trong kho “Thần tích” (mang kí hiệu AE) của Thư viên Viện nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội, chúng tôi tìm thấý bản thần tích xã Hạ Lôi có nhan sách “ Nam Việt Trưng Nữ Vương Trắc Nhị nhị vương ngọc phả cổ lục” 南越徵女王側貳二王玉譜古錄. Nội dung có đoạn chép:
時有雄貉將軍亦是貉龍君之苗裔時貉公年方耳順太婆陳氏端歲餘不感夢得月宮一朵杜丹花雙並發之瑞而後有孕時至甲戌年八月初一日是日天地昏黃日中似夜香風馥郁於房中瑞氣生輝於室內當此之間太婆誕生一雙女子… (xem bản AE. a11/8, tờ 1b).
Phiên âm:
“ Thời hữu Hùng Lạc tướng quân diệc thị Lạc Long Quân chi miêu duệ. Thời Lạc công niên phương nhĩ thuận, Thái bà Trần Thị Đoan tuế dư bất cảm, mộng đắc nguyệt cung nhất đóa đỗ đan hoa song tịnh phát, chi thụy, nhi hậu hữu dựng. Thời chí Giáp tuất niên, bát nguyệt, sơ nhất nhật, thị nhật thiên địa hôn hoàng, nhật trung tự dạ, hương phong phúc úc ư phòng trung, thụy khí sinh huy ư thất nội, đương thử chi gian Thái bà đản sinh nhất song nữ tử…”
Nghĩa là: Thời Hùng Vương, có ông tướng quân họ Lạc thuộc dòng dõi của Lạc Long Quân. Lúc đó ông họ Lạc tuổi đã 60, bà vợ Trần Thị Đoan đã tuổi ngoài ham muốn, nằm mộng thấy ở cung trăng có một chùm hoa có hai bông đậu đỏ cùng nở là điềm lành, sau đó Bà có thai. Đến ngày mồng 1 tháng 8 năm Giáp tuất (14 sau Cn. LKT), ngày hôm ấy, trời đất mờ ảo, ban ngày mà như đêm tối, theo gió hương thơn bay khắp trong phòng, khí lành đầy ắp  trong nhà, đúng trong lúc đó, Thái Bà sinh ra hai cô con gái
Đó là hai chị em bà Trưng Trắc, Trưng Nhị.
Tìm hiểu kĩ thêm, chúng tôi đến Viện TT KH XH Hà Nội, tiếp cận với kho văn bản là các bản khai làng xã. Làng Hạ Lôi tổng Hạ Lôi phủ Yên Lãng tỉnh Phúc Yên có bản khai vào tháng Avril năm 1938 mang số hiệu TT-TS 11893 ở trang 187, khoản thứ hai thấy chép: “Hai vua Bà Trưng là Thiềng Hoàng làng chúng tôi. Ngài là bậc tối minh, tên thường gọi là Hai Bà Trưng, tên húy bà chị gọi là Trưng Trắc, Bà em gọi là Trưng Nhị. Ngài là bực nhân thần. Thánh phụ là ông Lạc công, Thánh mẫu là bà Trần Thị Đoan, theo trong ngọc phả, hai bà cùng sinh một ngày, nghĩa là hai bà đẻ sinh đôi một ngày. Thiềng nên sinh nhật điều ở ngày mồng một tháng tám năm Giáp Tuất…”.
Ở trang 194 cùng văn bản lại thấy ghi tiếp: “ Khoản thứ năm……Mồng một tháng tám sinh nhật Hai Vua Bà là đại tiệc của dân thời đồng dân trích tiền công quỹ mua một con trâu thờ độ 50 $, theo lệ cũ mỗi xóm nuôi một năm, đến ngày tiệc đem ra nộp dân. Dân tế con trâu ấy chỉ tế ở đền hai Vua Bà”.
Đó là một thông tin.
Trở về huyện Yên Lạc, trong sách A. 761 ghi đó, theo nhiều nguồn thông tin là miền đất Cấm Khê (tức Kim Khê) nay là miền đầu nguồn sông Nguyệt Đức (sông Cà Lồ) thuộc 2 xã Nguyệt Đức và xã Văn Tiến huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Phúc, căn cứ cuối cùng của Bà Trưng cố thủ chống Mã Viện năm 42 Cn, tức là địa hạt phân phủ Vĩnh Tường tỉnh Sơn Tây dựng đặt năm Minh Mệnh thứ 13 (1832), gồm đất 2 huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay. (xem thêm Trần Trọng Kim. “Việt Nam Sử lược”. Bản in của nhà xuất bản Văn hóa Thông tin. Hà Nội 2008 trang 50). Quy đổi ra địa danh ngày nay là thôn Xuân Đài thuộc về xã Nguyệt Đức , xã Quan Đài nay là hai thôn Cẩm La, Phúc Lộc , xã Tiên Đài là thôn Tiên Đài đều thuộc xã Văn Tiến đều huyện Yên Lạc. Như vậy trong một khu quần tụ tới 6 di tích thờ bà Trưng:
- Đền Xuân Đài, ngôi thờ chung của 3 xã Xuân Đài, Quan Đài , Tiên Đài. Tư liệu hiện còn là 13 châu bản sắc phong triều Lê và Nguyễn. Duệ hiệu ghi trong lòng sắc văn như dòng thánh âm bài vị tờ chép là “Vua Bà Cung Hoàng Trưởng Nương công chúa”.  (Xem Lê Kim Thuyên.  “Sắc phong Vĩnh Phúc”. Sở VHTT và DL Vĩnh Phúc xuất bản . 2012 . Trang 849).
- Làng Xuân Đài có 2 khu nay đặt là khu 6, khu 7, một khu có miêu thờ là Xuân Đài, một khu có đình thờ là Gia Phúc đều thờ Bà Trưng.
- Đình thôn Cẩm La.
- Đình thôn Phúc Lộc.
Gọi chung là Phúc Cẩm.
- Đình làng Tiên Đài.
Theo hướng này, khi về điền dã tại địa phương, chúng tôi tìm thấy các văn bản như sau :
1. Bản TRƯNG NỮ VƯƠNG LƯỠNG VỊ THẦN TÍCH.  Ảnh tờ 1a.


徵女王兩位神蹟
Là bản chữ Hán chép tay của đình làng Phúc Lộc xã Văn Tiến, huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Phúc như sau:
Phiên âm:
Hán Kiến Xương niên gian, Hán sai Tô Định vi Nam Việt thái thú. Tô Định tính hiếu sát vi nhân,……….tàn hại dân tình ưu loạn quốc trung, anh hùng hào kiệt thâm dĩ vi hận. Thời hữu tướng quân Hùng Lạc thị, diệc Lạc Long Quân chi miêu duệ. Lạc công niên cận lục tuần, thê Trần Thị Đoan niên ngoại tứ tuần, dạ quải mộng đắc nhất chi đỗ đan lưỡng đóa hoa khai dĩ nhi hữu. Ư Giáp tuất niên, bát nguyệt, sơ nhất nhật, thiên địa u ám, nhật trung như dạ, hương khí mãn sinh phòng, hào quang chiếu sản thất, hốt nhiên sinh lưỡng nữ. Diện như ngọc kính, sắc tự ngân bình, nga mi phượng nhãn chân lãng uyển viên trung nhất mĩ hoa, thế thượng chi tiên nga dã. Phụ mẫu dưỡng dục tối ái chi. Chí tam tuế…
 Dịch nghĩa:
Trong đời Kiến Xương nhà Hán (Sách viết nhâm: Không có niên hiêu Kiến Xương. Chỉ có niên hiệu Kiến Vũ nhà Đông Hán từ năm 25 – 40 sau Cn), vua Hán sai Tô Định sang làm quan thái thú ở nước Nam Việt. Tô Định tính thích giết người…..tàn hại dân tình, làm loạn trong nước, anh hùng hào kiệt vô cùng căm giận. Lúc đó, có tướng quân triều Hùng họ Lạc, chính là dòng dõi của Lạc Long Quân.
Ông họ Lạc tuổi đã gần 60, bà vợ là Trần Thị Đoan tuổi đã ngoài 40, nằm mộng thấy giấc mộng lạ được một cành đậu đỏ nở ra được hai bông hoa. Đến năm Giáp tuất (14 Cn. LKT), ngày mồng 1 tháng 8, trời đất tối tăm, ban ngày mà tối như đêm. Khí thơm bay khắp trong phòng sinh, ánh sáng chiếu trong phòng sinh nở, rồi bỗng dưng  bà sinh ra được hai người con gái. Mặt như kính ngọc, sắc tựa bình bạc, mày ngài, mắt phượng rõ ràng trong vườn ngọc có bông hoa đẹp, chẳng khác nào tiên nga trên đời. Cha mẹ rất âu yếm nuôi nấng. Đến năm lên 3 tuổi…
Đình làng Cẩm La cũng có một văn bản như thế này. Có lẽ đều có nguồn từ một văn bản.
Để kiểm tra lại, chúng tôi tìm đến kho sách THẦN TÍCH - THẦN SẮC (TT-TS) tư liệu của viện Thông tin KHXH Hà Nội, và tìm thấy bộ lưu trữ các bản khai của các vị lí dịch các làng xã kể trên theo yêu cầu của Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO).
Ở làng Cẩm La, thống kê đề ngày 18-4-1938, có phần chép bằng chữ Hán:  TRƯNG NỮ VƯƠNG LƯỠNG VỊ SỰ TÍCH.
徵女王兩位事績.
….辰有將軍雄貉氏亦貉龍君之苗裔貉公年近六旬妻陳氏端年外四旬夜卦夢得一枝杜丹兩朵花開已而有娠於甲戌年八月初一日天地幽暗日中如夜香氣滿生房毫光炤產室忽然生兩女面如玉鏡色似銀屏蛾眉鳳眼宛朗花圓中一嫩花世上之仙娥也父母養育最愛之至三歲辰命名姊曰側公主妹曰貳娘公主…          
Xem TT-TS 13510. (trang 844).Văn bản chép chữ 辰 kiêng húy.  
Phiên âm:
…Thời hữu tướng quân tính Lạc thị, diệc Lạc Long Quân chi miêu duệ. Lạc công niên cận lục tuần, thê Trần Thị Đoan niên ngoại tứ tuần, dạ quải mộng đắc nhất chi đỗ đan lưỡng đóa, hoa khai dĩ nhi hữu thần. Ư Giáp tuất niên bát nguyệt , sơ nhất nhật, thiên địa u ám,  nhật trung như dạ, hương khí mãn sinh phòng, hào quang chiếu sản thất. Hốt nhiên sinh lưỡng nữ, diện như ngọc kính, sắc tự ngân bình, nga mi phượng nhãn, uyển lãng hoa viên, trung nhất nộn hoa, thế thượng chi tiên nga dã. Phụ mẫu dưỡng dục tối ái chi. Chí tam tuế thời mệnh danh tỉ viết Trắc công chúa, muội viết Nhị nương công chuá.
Dịch nghĩa:
Lúc đó  có tướng quân họ Lạc, là dòng dõi của Lạc Long Quân. Ông họ Lạc tuổi đã gần 60, bà vợ là Trần Thị Đoan tuổi ngoài 40, đêm nằm mộng lạ được một ành đậu đỏ có hai bông nở ra như có chửa. Năm Giáp tuất (14 Cn. LKT.), ngày mồng 1 tháng 8, trời đất tối tăm, ban ngày mà như đêm tối, khí thơm khắp phòng sinh, ánh sáng chiếu đầy phòng đẻ. Bỗng nhiên sinh ra hai người con gái, mặt như kính ngọc, sắc tựa bình bạc, mày ngài, mắt phượng, như hoa trong vườn, trong có  một bông hoa đẹp nhất, thực như tiên nga trên cõi đời vậy. cha mẹ nuôi nấng rất là yêu quý. Đến năm lên ba tuổi, cô chị đặt tên là nàng Trắc công chuá, cô em là nàng Nhị công chuá
Tuy sách có đề danh là “sự tích” là loại hình văn bản gần với lịch sử hơn là “thần tích” nhiều huyền thoại, song nội dung thì cũng như bản của đình Phúc Lộc; có lẽ cũng từ một văn bản gốc mà ra, vì hai làng một thời kì có địa danh chung là “Phúc Cẩm”.
Một văn bản chép tay chữ Hán trong TT-TS thôn Gia Phúc làng Xuân Đài tổng Vân Đài huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Yên như sau:
NAM VIỆT TRƯNG ĐẠI VƯƠNG LƯỠNG VỊ NGỌC PHẢ LỤC.
南越徵大王兩位玉譜籙
...時有雄貉將軍亦是貉龍君之苗裔時貉公年將耳順太婆陳氏端歲餘不感夢得一朵杜丹雙花並發之瑞而後有孕時甲戌年八月初一日是日天地昏黃日中似夜香風馥郁於生房瑞氣光輝於產室當此之間太婆陳氏端產得一雙女子面如玉鏡非塵色似銀屏弄月蛾眉鳳眼粉臉紅唇果是蓬瀛朗宛之花嬌非是世常之有…  
Lưu trữ viện TT KH XH Hà Nội. Số 13506. trang 797-796.
Phiên âm:
Thời hữu Hùng Lạc tướng quân diệc thị Hùng Lạc tướng quân chi miêu duệ. Thời Lạc công niên tương nhĩ thuận, thái bà Trần Thị Đoan tuế dư bất cảm, mộng đắc nhất đóa đỗ đan song hoa tịnh phát chi thụy, nhi hậu hữu dựng. Thời Giáp tuất niên, bát nguyệt, sơ nhất nhật, thị nhật thiên địa hôn hoàng, nhật trung tự dạ, hương phong phúc úc  ư sinh phòng, hương khí quang huy ư sản thất. Đương thị chi gian thái bà Trần Thị Đoan sinh đắc nhất lưỡng nữ tử, diện như ngọc kính phi trần, sắc tự ngân bình lộng nguyệt. Nga mi phượng nhãn phấn kiểm hồng thần, quả thị bồng doanh lãng uyển chi hoa kiều, phi thị thế thượng chi hữu
Dịch nghĩa:
Lúc đó có ông tướng quân triều Hùng họ Lạc dòng dõi của Lạc Long Quân. Ông họ Lạc tuổi đương 60, thái bà Trần Thị Đoan tuổi ngoài ham muốn, nằm mộng thấy mọc lên một cây đậu đỏ có hai hoa cùng nở cho là điềm lành, sau đó có thai. Lúc đó là năm Giáp tuất (14 Cn), ngày mòng 1 tháng 8, ngày hôm ấy giời đất mờ aỏ ban ngày mà tối như đêm, hương thơm tỏa khắp nơi phòng sinh, khí thơm sáng đầy nơi phòng đẻ. Đúng lúc đó thái bà Trần Thị Đoan sinh một lần được hai con gái, mặt như  kính ngọc trên đời, đẹp như bình bạc dưới trăng. Mày ngài, mắt phượng, má phấn, môi hồng, y như hoa mềm mỏng dễ thương trong vườn nơi tiên cảnh, trên đời chưa hề có được
Còn dưới đây là lời khai của lí dịch địa phương các xã kể trên viết băng chữ Quốc ngữ:
- “Làng Xuân Đài, xã Xuân Đài thuộc tổng Vân Đài huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Yên”.
Hiện thờ hai vua bà là Trưng Trác, Trưng Nhị”.
“ Thờ ngài ở miếu, gọi là miếu Vua bà cuả 3 xã” (Xuân Đài, Quan Đài, Tiên Đài).( TT-TS Số 13506 trang 712).
* Kê khai TT-TS thôn Gia Phúc xã Xuân Đài tổng Vân Đài huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Yên như sau:
 “Hai vị thành hoàng tên hiệu là Trưng nữ vương tên là Trưng Trắc, Trưng Nhị”.
Sự tích ba ngài xưa vẫn có sách để lại. Ngày sinh ngày mồng một tháng tám. Ngày hóa ngày mồng tám tháng ba. Ngày lên làm vua ngày mồng bẩy tháng riêng. Ngài có công đánh giặc Tầu là Tô Định….”    
Lưu trữ Viện TT KH XH Hà Nôi.  TT-TS 13506. trang 777.
Thôn Gia Phúc cùng với thôn Xuân Đài nay đều thuộc xã Nguyệt Đức, chính là nơi có tọa lạc ngôi đền Xuân Đài. ngôi đền mà trong lời khai về xã Xuân Đài là: Làng Xuân Đài, xã Xuân Đài thuộc tổng Vân Đài huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Yên”. Trong năm có các ngày tiệc lệ có cúng tế là:
- Ngày mùng 7 tháng giêng là ngày tiệc “tức vị” (ngày vua lên ngôi).
- Ngày mùng 8 tháng 3 là ngày “Thánh hóa”. (ngày mất)
- Ngày mùng 1 tháng 8 là tiệc sinh nhật. (tiệc ngày sinh)
Xem Sđd trang 779.
* Bản kê khai làng Cẩm La đề ngày 18-4-1938 cho hay:
Chúng tôi là kì lão chức dịch thôn Cẩm La xã Vân Đài, tổng Vân Đài huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Yên lập biên bản khai thần tích và dân tục như sau này xin đệ trình bản huyên quan xét…”
Thành hoàng hai vị Trưng Nữ vương. Trưng Trắc nữ vương và Trưng Nhị nữ vương”.
Ngài là nhân thần.
Ngài sinh ngày mồng 1 tháng 8, hóa ngày mồng 8 tháng 3.Ngày mồng 7 tháng giêng là ngày yến hưởng khao quân để đi đánh ông Tô Định..”(trang 835)
Chúng tôi thờ ngài ở đình” (trang 386)
Về sự thờ cúng thì trong năm có 3 ngày tiệc về sự thần là:
- Ngày mùng 7 tháng giêng là ngày khao quân.
- Ngày mùng 1 tháng 8 là ngày sinh nhật
- Ngày mùng 8 tháng 3 là ngày hóa nhật.
Sđd trang 837.
 Đó là những gì mà trong quá trình điền dã ở 2 xã Nguyệt Đức và Văn Tiến huyện Yên Lạc nơi có địa danh Cấm Khê (Kim Khê) theo sử “Cương mục” mà chúng tôi thu lượm được.
2. Tại các di tích, còn nguyên các bài vị thờ, hoành phi câu đối , sắc phong về Hai Bà Trưng (Xem trong “Hai Bà Trưng và các tướng của Hai Bà trên đất Vĩnh Phúc. Di tích-sự tích” (Sở VH TT-TT Vĩnh phúc xuất bản năm 2003. Trang 41). “Sắc phong Vĩnh Phúc” (Sở VH TT và DL Vĩnh Phúc xuất bản năm 2012. Các trang 849. 915). “Câu đối ở các di tích Vĩnh Phúc”. (Sở VH TT và DL Vĩnh Phúc xuất bản năm 2013 . Trang 303).
Qua các nguồn thông tin kể trên cả về chính sử đến dã sử, chúng tôi thu lượm được nhiều thông tin để xác minh có độ tin cậy:
 - Trong các sách sử kí chỉ thấy chép bà Trưng là người huyện Mê Linh. Hiện có xã Mê Linh huyện Mê Linh tỉnh Vĩnh Phúc, nay thuộc về thành phố Hà Nội mở rộng. Có đền thờ bà ở quê sinh là làng Hạ Lôi. Di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt.
- Sử điền dã cho thấy Bà Trưng có họ cha là họ Lạc. “Lạc công” (ông họ Lạc), là một vị tướng quân của Hùng Vương. Bà mẹ họ Trần tên họ đầy đủ là Trần Thị Đoan. Chỉ đến khi xưng vương với đề danh là Trưng Trắc, Trưng Nhị. Sử sách chép là “Trưng thị”mà thành họ Trưng. Bà sinh ra ngày mùng 1 tháng 8 năm Giáp tuất (năm 14 sau Cn). Bà Trắc là chị, Bà Nhị là em, hai chị em sinh đôi.
Như vậy năm Hai Bà khởi nghĩa là năm Canh tí (năm 40 sau Cn), lúc đó hai bà ở độ tuổi 26 – 27.
Sau khi mất, Hai Bà được nhân dân nơi căn cứ kháng chiến cuối cùng lập đền thờ, thành một quần thể di tích, cùng suy tôn Hai Bà là Thành hoàng.
Không chỉ phải trong sử sách mà trong tâm thức các bà không những chỉ là nhân vật của lịch sử mà đã trở thành tâm linh thờ cúng của thần thánh, đi vào phong tục tập quán trong nếp sống làng xã, hòa đồng trong sinh hoạt văn hóa lễ hội.
Như vậy là từ nguồn thông tin ở miền này đã minh chứng đầy đủ theo cách chép Hai Bà  đứng vào bậc “phu nhân” là bậc của các vua chúa. (vợ vua các chư hầu gọi là “phu nhân”, hoặc là phẩm trật nhà vua phong cho vợ  các quan nhất phẩm, tức là hàng mệnh phụ) .
Về nhân thân, Hai Bà có rõ ràng quê hương sinh quán, có cha, mẹ, có ngày tháng, năm, sinh. Có ngày mất (tử trận, hi sinh vì nước). Hiện diện là vị “nhân thần”, là anh hùng dân tộc.
Chỉ tiếc rằng chưa bao giờ có tổ chức ngày sinh của Hai Bà theo như quốc lễ với các vị anh hùng dân tộc khác trong lịch sử.
Tháng 8 năm Giáp ngọ (2014), thành phố Hà Nội dự kiến tổ chức kỉ niệm ngày sinh của Hai Bà, nhưng vì chưa có nguồn tài liệu có độ tin cậy để minh chứng. Nhân đây tôi công bố những tư liệu sưu tầm điền dã của tôi, đó cũng là thông tin địa phương ở tỉnh Vĩnh Phúc cũ đóng góp vào kho sử liệu về Hai Bà Trưng đang còn rất ít ỏi hiếm hoi của giới Sử học nước nhà.
Sơn Đông. Tháng 9 năm 2014.
Địa chỉ làng xã:
- Thôn Quan Tử xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc.
- Đ T: 02113828069.                    Di động 0984550547.




























Thứ Sáu, 3 tháng 10, 2014

Bài ca địa mạch xã Thượng Trưng huyên Vĩnh Tường.



BẢN XÃ ĐỊA MẠCH QUỐC ÂM CA.
本社地脈國音歌

Lời dẫn: Bài ca địa mạch là một thể loại văn học thuộc ngành văn học dân gian, tuyên về mạch đất, hình thế sông núi, phong cảnh quâ hương, hình thái sinh hoạt của một làng. Hay còn có tên là “Mục lục văn”, chữ “Mục lục” có nghĩa là ghi chép riêng những chương tiết trong một thư tịch, một văn bản. Do tập thể làng xã, hoặc do người có uy tín văn học biên soạn, được làng xã xử dụng. Xuất phát từ đó, ở các làng xã tỉnh Vĩnh Phúc có một loại hình văn hóa đọc, là các bài văn “Mục lục” tuyên về sự tích các vị thần, về phong thổ của làng mình, thường được tổ chức thi đọc vào mùa xuân trong dịp lễ hội làng ở các di tích như đền, miếu, đình. Cuộc thi có thưởng, giải của làng.
Người dự thi là các nam thành viên trong làng, nhất là thanh thiếu niên tuổi học trò. Ban giám khảo là thành viên các bô lão, các chức việc trong làng, nhất là các bậc cao niên túc học.
Nhận thấy đây là một phong túc tốt đẹp, thể hiện trình độ văn hiến cao và sự thẩm mĩ tinh tế của các làng xã Vĩnh Phúc, bài đầu tiên về đề mục này, chúng tôi giới thiệu về xã Thượng Trưng. dưới đây là toàn bài.
          1. Xem dân xã trong miền phủ Vĩnh.
    Thượng Trưng ta phong cảnh nhiệm mầu.
    Kể từ Hùng Lạc (1) bấy lâu
    Tả hà (2)vẫn tiếng Phong châu (3)còn truyền.

           2. Ta xã lớn đứng trên đầu tổng (4)
     Số người nhiều đất rộng bao la
    Dân thôn chia ở làm ba
    Đình chùa miếu mạo coi là chính long.

           3. Qua cầu Giót (5) trông sang Lâm mới (6)
    Hai “tích” ngoài giáp giới Đan Giang.(7)
    Cửa đình thần bút Lâm giang (8)..
    Anh hoa nét bút khoa tràng đã lâu.

           4.Văn vẫn nhớ từ đầu Lê trước
    Phát khoa danh quan tước ầm ầm
    Đại khoa cờ biển có năm
    Bốn mươi hương cống (9), hai nhăm sinh đồ (10).

          5. Mười hai kiểu hậu Nho để lại
    Chiếu la kinh hồ hởi long châu
    Kể trong các họ thì nhiều
    Bùi, Lê, Phí, Nguyễn vẫn đều thịnh hơn.

6. Kià nhà nước có cơn bĩ thái
    Cây gỗ tròn vững trãi không sao
    Trước đền cảnh cấn thanh tao
    Hồ trong trẻo nước, sen ngào ngạt hoa.

7 Chùa (11) đứng trong ba tòa Phật ngọc
   Khắp trong ngoài đại tự đối liên
    Lầu chuông, gác trống đôi bên
    Khách thì bút mực, sư truyền kệ, kinh.

8. Ngoài Văn chỉ địa hình quý nữa
    Bút kề nghiên bảng cửa trông sang
    Dân ta sở tại đèn nhang
    Xuân thu huyện tế, lệ thường tự xưa.

9. Mấy quan lớn phong quyền chánh sứ,
    Ruộng mấy tiền cấp để cho dân
    Làm ân, ân lại nhớ ân
    Năm hai lần tế trước sân nhà thờ.

10. Ngả tư mới bây giờ họp chợ
      Cửa hàng trông sang cửa quán Đề (12),
     Ngày phiên nô nức tứ bề
     Nhiều người đông chợ đi về cũng vui.

11. Đường thiên lí tiện người xe ngựa
     Thẳng một thôi xuống thẳng phủ thiềng (thành)
     Qua cầu quán Giáp (13) thôn Chiềng (Trình) (14)
     Có chùa chuông đứng chênh vênh giữa đồng.

12. Giời sớm tối mây lồng cửa tuệ (15)
      Vãi cứ tuần tiến lễ dâng hoa
     Đầu dân thẳng xuống trông ra
     Anh linh lại có ông bà quán Đơi (16).

13. Cây cổ thụ đứng phơi mặt gió
     Giếng “tràng sinh” soi tỏ bóng giăng
     Gần xa lễ bái hương đăng
     Cầu con, cầu được thêm mừng lắm con.

14. Trong dân giảng bốn thôn từ trước,
     Rằng: đông. Nam, Đoài, Bắc rành rành
     Ruộng thờ cho chí ruộng binh
     Công bi, công thổ cũng đành chia tư.

15. Bề ngôi vọng nhất Tư văn hội (17)
     Nghị võ hàng còn dưới quan viên
     Hăm nhăm ra lễ tiên điền
     Mấy yên cõi thọ bước lên dần dần.

17. Mười năm cứ một tuần lên thọ (18)
     Rượu chè trong giầu có tùy nghi
     Thanh bình dù họa có khi
     Tháng giêng mở đám lắm nghề trò vui.

18. Thuyền lợn gạo đem phơi mặt nước
     Lửa kéo lên được trước là may
     Mâm chay, cỗ mặn đặt bày
     Bên kia Đoài Bắc, bên này Đông Nam.

19. Cây mấy đuốc sắp cơm thi nấu
     Chật sân đình có giấu ai đâu
     Giả hình đội mũ lên đầu
     Táo chù, chấu chạch, tớ hầu , thầy sai.

20. Đất xã có, người tài vẫn có
     Văn đã hay mà võ cũng hay
     Ông Trần Khoan (19) trước ra tay,
     Giấu nuôi con phượng, toan nay thành rồng.

21. Ông Quận ác ách hàng trăm trận
     Ngọn cờ quay gió thuận về triều
     Sơn Tây phó lãnh quyền cao
     Vượn quên rừng Sở (20), chim vào lưới Thang (21).

22. Người tổng lí theo đường quan chính
     Mảnh giấy vàng tước lệnh ân vua.
     Họ Bùi có cụ Cai xưa
     Thay quyền đánh giặc sức đua trận tiền.

23. Sau ông Đội con hiền lại nối
     Trong tổng nhà gặp hội binh qua
     Giặc đâu vô số đằng hà
     Cắm cờ thu phục, phủ nhà lại yên.

24. Người phúc hậu, uy quyền cũng gớm
     Sớ tâu cho “lục phẩm”, quận công.
     Lính xưa về trại hữu hùng
     Kẻ “cai”, người “đội” đều cùng làm nên.

25. Trông đúng mực bề trên huynh trưởng
     Dưới con em kính trọng một niềm
     Giữ gìn trong ấm, ngoài êm
     Có xô xát cũng không hiềm thù nhau.

26.Người thi cử đeo bầu cắp ống
    Chí cũng mong ông Cồng (22), ông Nghè (23)
     Quan trường đã hẹp phép phê
     Tài cao, đỗ muộn phá nghề cũng hay.

27. Lò “đúc” trẻ chốn này, chốn khác.
      Sẵn câu văn đài các dạy cho
      Nho nhe cũng lắm thầy Nho
      Nhưng không đến nỗi đô đô trượng hình.

28. Nhà giàu có đàn anh, đàn chị
      Con giai có chí khí ra tuồng
      Chê người tính nết huênh hoang
     Không xin đơn, nói  một gang đến giời.

29. Người cơ kiệm ăn chơi mọi vẻ
      Kẻ bán buôn sỏi mẽ kiếm tiền
      Làm ăn gái cũng cân quyền
      Áo khăn quê kệch càng nhìn càng xinh.

30. Một hai ả xuân tình cũng có
      Bởi vì ai quen gió rung cây
     Trai ta cũng lắm nghề hay
     Chèo thuyền ngư, phủ ra tay vững vàng.

31.Lọng ngang trời ra tay đạp đất
     Chí giang hồ chẳng chấp chi ai
     Tôm, cua, chắm, chép mọi loài
     Dậm cho xầy vảy, tay mai cũng chờn.

32.Kìa nói đến thợ sơn cũng khéo
     Tốt vàng son thiếp kiệu, cỗ ngai
     Bùa thiêng dẹp quỷ nên tài
     Pháp môn phù thủy, nhiều người cao tay.

33.Suy thế sự hàng xay sáo cả
     Nghề chỉ thường mà hóa vẻ vang
     Đôi tầng quang máy âm dương
     Vận lương nhà có chuyển lương nhà nghèo.

34.Được lờ lãi nuôi heo chật cũi
     Nhờ Thổ công miệng với ra tiền
     Rồi ra kể đến tư điền
     Bốn trăm tư mẫu dưới trên cấy cày.

35.Năm Tân hợi (1851) nhớ ngày vỡ nước
     Nước sông vào thêm được bồi cho
     Đồng làm chẳng tốn công phu
     Mỗi năm hai vụ lúa ngô đầy nhà.

36.Trong lại có ao quà một mé
     Bước chân ra quà mẹ, quà con.
     Bởi vì muống tốt, cần non
     Cua mông đất mọc dễ bàn tiền mua.
 
37. Thọ Trưng vốn từ xưa phụ ấp.
     Chiếu “Tư văn” năm giáp ngồi chung
     Đến khi tăng giảm binh nhung
     Phải thêm một lính vùng vằng lẩy ra.

38. Đức Bác (25) có dân ta lập trại
     Đời Cảnh Hưng (26) kể lại xa gì
     Bây giờ các họ, các chi
     Người thì văn học, người thì hào hoa.

39. Vui phong thổ (27) lắm nhà thanh lịch
     So trong vùng Lập Thạch kém ai
     Ơn trên rậm của rậm người
     Quê hương đất Tổ vẫn mùi hoa sen.

40.Trên mái nóc tiếng truyền mãi đó.
     Từ cha ông cụ mọ về sau
     Cùng dân ta lại mấy nhau
     Đường ăn, lối ở lấy câu ân tình.

41. Nay bốn bể văn minh gặp hội
     Cái trí khôn mang tới kịp người
     Già thời cưỡi ngựa rong chơi
     Sinh con thì phải tìm nơi học hành.

42. Người có chí công danh hẳn có
     Bước thân hào từ đó bước ra
     Đêm thu bày tỏ trăng ngà
     Ngẫm xem phong cảnh ngân nga một bài.

    Soạn năm Duy Tân Giáp dần (1914). Ngày mùng 07 tháng 8.
                     LÊ KIM THUYÊN sưu tầm
-------------------
Chú thích.
Bài này được sưu tầm năm 1992, tại xã Thượng Trưng huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.
1. Hùng lạc: Thời đại lịch sử dài 2622 năm (2879 – 258 Tcn), thuộc họ Hồng Bàng, quốc hiệu Văn Lang, kinh đô Phong Châu. (Việt Trì).
2. Tả hà: Bờ bên trái sông Hồng.
3. Phong Châu: Nay là huyện Vĩnh Tường.
4. Tổng: Đơn vị hành chính triều Nguyễn, cấp thứ 5 trên xã, dưới huyện.
5. Cầu Giót: Cây cầu ở xã Thượng Trưng.
6. Lâm mới:  Còn gọi là “tích” Lâm, một xóm mới lập vào cuối đời Lê.
7. Đan Giang: Tên cũ là Đan Dương, nay thuộc xã Phú Thịnh, cùng huyện.
8. Lâm Giang: Tên đọa sông chay ra tích Lâm. (“tích” ở Thượng Trưng nghĩa là khu dân cư như thôn, xóm).
9. Hương cống; Danh hiệu đõ thi Hương triều Lê, cử nhân triều nguyễn.
10. Sinh đồ: Danh hiệu thi đỗ bảng phụ triều Lê, tú tài triều Nguyễn.
11.Chùa: Chùa Bảo Quang . Nay đã xếp hạng di tích cấp Quốc gia.
12.Quán Đề, tên quán ở xã Thượng Trưng.
13.Quán Giáp,. Tên quán ở xã Thượng Trưng.
14.Thôn Trình, một thôn của xã Thượng Trưng.
15.Cửa Tuệ: Cửa Phật.
16. Quán Đơi: Cũng có tên là xóm Cá Đối, thuộc xã Thượng Trưng.
17. Hội Tư văn: Hội ở làng, chuyên lo việc giữ gìn lễ nhạc, chế đọ đạo thống của thánh nhân xưa truyền lại.
18. Thọ: Theo tục lệ xưa, người 50 tuổi bắt đầu được tính vào sổ thọ (sơ thọ); 60 tuổi là “trung thọ”; 70 tuổi là “thượng thọ”;, 80,90 thuổi là “thượng thượng thọ”. 100 tuổi là “thiên tước”, tuổi giời.
19. Tuần Khoan: Nhân vật ở xã Thượng Trưng, chưa rõ sự tích.
20.Rừng Sở: Tích xưa ở Trung quốc, vua Sở mất con hươu, mà rừng nước Sở trụi hết, rừng hết vì tìm hươu.
21. Lưới Thang: Vua Thành Thang nhà Thương (1783 – 1754 Tcn), diệt vua Trụ rối lập vương triều Thương.
22. Cống: người đỗ khoa thi Hương.
23. Nghè: Người đỗ khoa thi Hội thi Đình đỗ tiến sĩ.
24. Tân hợi: Năm 1851, đê sông Hồng vỡ ở xã Thượng Trưng.
25.Đức Bác: Nay thuộc huyện Sông Lô.
26. Cảnh hưng: Miếu hiệu vua Lê Hiển Tông (1740 – 1786).
27. Phong thổ: Phong tục và thổ nghi của một địa phương, một vùng đất.