Thứ Ba, 14 tháng 4, 2015

VỀ CAC NHÀ KHOA BẢNG TỈNH VĨNH PHÚC Danh số 86 hay 88 vị ?

Lê Kim Thuyên

Khởi đầu ở tỉnh Vĩnh Phúc từ triều Lí (1010 – 1125) đã có người đỗ đại khoa gọi là khoa thi “Thái học sinh”, (tương đương khoa thi TS triều Lê) lấy đỗ được 5 người. Ông Phạm Công Bình người xã An Lạc, huyện An Lạc đỗ danh sách thứ nhất một khoa thi, tương đương học vị Trạng nguyên đời Trần - Lê về sau (Nay là thôn Yên Lạc xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc), mở ra nền khoa bảng của tỉnh Vĩnh Phúc, tính đến nay đã khoảng ngoài 800 năm.
Cho đến khoa thi năm Kỉ sửu niên hiệu Thành Thái I (1889), là khoa thi Đình cuối cùng có người Vĩnh Phúc thi đỗ là ông Phan Duy Bách người xã Kiên cương, nay là thôn Kiên Cương xã Ngũ Kiên huyện Vĩnh Tường. Tổng số thành đạt được 88 vị có khoa bảng tính từ học vị Phó bảng tới Trạng nguyên, là học vị đỗ cao nhất ở khoa thi Đình.
Tuy nhiên có sách chép dừng lại ở con số 86. Đó là sự tồn nghi về 2 vị là Đặng văn Bảng và Hoàng Hữu Tài. Xin kể ra như sau:

ĐẶNG VĂN BẢNG 鄧文榜
(1818 - ?)

Thi đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ khoa Quí Sửu năm Tự Đức thứ 6 – 1853 1 đời  vua Anh Tông Duệ hoàng đế. Só lấy đỗ là 7 người, gồm có 2 người đỗ Đệ nhất giáp TS cập đệ đệ tam danh (thám hoa), 1 người đỗ Đệ nhị giáp TS xuất thân (hoàng giáp),  4 người đỗ Đệ tam giáp Đồng TS xuất thân. Còn lấy thêm 6 người cho đỗ Phó bảng.
Ông Đặng Văn Bảng đỗ hàng đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân danh sách thứ nhất. Bia văn miếu Huế ghi về ông: Cử nhân, sinh năm Mậu dần (1818), thi đỗ năm 36 tuổi, Người xã Vân Cốc (雲穀), tổng Nhật Chiêu, huyện Bạch Hạc tỉnh Sơn Tây. (Xem bia số 16, Văn miếu Huế. Thác bản No. 16482 viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội). Còn sách “Quốc triều khoa bảng lục” 2 chép “làm quan đến Án sát 3 tỉnh Nghệ An” (hàm chánh tứ phẩm).

HOÀNG HỮU TÀI
(1828 - 1871)
Thi đỗ Phó bảng khoa Nhâm tuất năm Tự Đức thứ 15 (1862). Sử “Đại Nam thực lục” của Quốc sử quán triều Nguyễn chép về khoa thi này: “ Cho 2 người đỗ đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân. Bốn người đỗ đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân – lấy đỗ hàng Phó bảng 5 người”.
Hoàng Hữu Tài đỗ phó bảng danh sách thứ 5. “Cho bọn …..Phó bảng là Phạm Xuân Trạch, Nguyễn Duy Tân, Trần Doãn Đạt, Phạm Huy Lượng, Hoàng Hữu Tài”. Sách còn ghi rõ quê quán về ông: “Hữu Tài người ở Vân Cốc, Sơn Tây4.
Còn sách “Quốc triều khoa bảng lục”  chép ông “Sinh năm Mậu tí (1828) đỗ cử nhân khoa Ất mão (1855) đỗ Phó bảng năm 35 tuổi”.
Ông làm quan trải các chức tri huyện Trực Ninh (Chánh lục phẩm), rồi tri phủ Diễn Châu tỉnh Nghệ An (tòng ngũ phẩm). Sau được điều về kinh đô (Huế) giữ chức trưởng quan Vũ học đường (chánh ngũ phẩm) sung chức Khâm sai bổ vụ . Năm Tự Đức 24 (1871) ông đem quân đi dẹp loạn ở vùng Quán Tỉnh huyện Đông Ngàn (từ năm 1876 về sau là huyện Đông Anh), hi sinh tại mặt trận. Được truy tặng chức Thị giảng học sĩ. Đến năm Tự Đức thứ 33 (1880) được thờ thêm vào “đền Trung nghĩa” lập ra ở ở phía đông nam sông Hương phía mặt trước kinh thành Huế từ năm Tự Đức thứ 11 (1858), trong danh số 1532 người 5 của đợt này. Như vậy là 2 ông Đặng Văn Bảng và Hoàng Hữu Tài cùng sinh trong một làng quê là xã Vân Cốc, tổng Nhật Chiêu, huyện Bạch Hạc tỉnh Sơn Tây đời vua Tự Đức. Tức là phần đất cuả  tổng Nhật Chiểu  từ năm thành lập tỉnh Vĩnh Yên (ngày 29 tháng 12 năm 1899) là thuộc về huyện Yên Lạc cuả tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay.
Tuy nhiên hiện không còn thấy địa danh xã Vân Cốc trên bản đồ tỉnh Vĩnh Phúc nữa, Vậy  Vân  Cốc xã, Nhật Chiêu tổng, Bạch Hạc huyện thời vua Tự Đức (1848 – 1883) nay thuộc về đâu? Điều đó khiến tôi băn khoăn và tìm về nơi có địa danh Vân Cốc xã.
Trước hết, địa danh Vân Cốc thấy xuất hiện trong sử sách từ năm 1741 (niên hiệu Lê Cảnh Hưng năm thứ 2)  là do sách có chép đến “bến đò Cốc6, (bến đò ngang sang huyện Phúc Thọ tỉnh Sơn Tây cũ) ở mép tả ngạn sông Hồng nơi có bãi Vân Cốc dài tới 11 km, từng có trận thủy chiến giữa quân của triều đình với bại tướng Nguyễn Diên vốn là cháu của các thủ lĩnh khởi nghĩa nông dân là Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ. Nhớ đến sự kiện này danh sĩ Cao Bá Quát (1809 – 1854) có câu viết: “Vân Cốc, Hà Dương cổ chiến trường…” (chiến trường xưa) trong một bài thơ viết về núi Tam Đảo.
Đến đầu đời Nguyễn, xã Vân Cốc thuộc tổng Nhật Chiêu chép trong sách “Các tổng xã danh bị lãm”, bộ địa danh thời Gia Long 7 ghi địa danh các làng xã Việt Nam đầu thế kỉ 19 thì tổng thuộc huyên Bạch Hạc (thời đó, sau là huyện Vĩnh Tường, nay là thuyện Yên Lạc) gồm 10 xã là: Nhật Chiêu, Vân Cốc, Đại Tự, Cẩm Tuyền, Ái Vũ, Cẩm Khê, Cẩm Viên, Cổ Nha, Quất Lệ và Miêu Cốc (tức Dương Cốc đời Đồng Khánh do kiêng húy chữ “Miêu” là tiểu tự vua Thiệu Trị nên đổi thành “Dương Cốc”).   
Tên xã Vân Cốc còn được ghi trên quả chuông đồng “Vĩnh Tường văn miếu chung” (chuông Văn miếu phủ Vĩnh Tường), tạo năm Thiệu Trị thứ nhất triều Nguyễn – 1841 chép về việc xã Vân Cốc cùng xã Đại Tự….. cung tiến 2 sào ruộng vào Văn miếu 8 .
Đến đời Đồng Khánh (1886-1888), theo sách “Đồng Khánh địa dư chí” 9 , tổng Nhật Chiêu huyện Bạch Hạc vẫn có 10 xã gồm: Xã Nhật Chiêu, xã Cẩm Viên, xã Cẩm Trạch, xã Cổ Nha, xã Đại Tự, xã Cẩm Khê, xã Ái Vũ, xã Vân Cốc, xã Quất Cốt (cũng gọi là Duật Cốt nay là thôn Cẩm La xã Hồng Châu huyện Yên Lạc), xã Dương Cốc.
Đó là kể về văn bản chính thống ở thế kỉ 19, miền đất này vẫn bình yên.
Về thư tịch địa phương, tổng Nhật Chiêu thấy chỉ chép có 8 xã  trong sách “Vĩnh Tường phủ địa dư chí” 10 ,được viết vào khoảng sau đời Đồng Khánh gồm có các xã: Nhật Chiêu (tục gọi làng Rau), xã Cổ Nha, xã Cẩm La (tên cũ là xã Duật Cốt),  xã Cẩm Viên, xã Cẩm Trạch, xã Cẩm Khê (tức phường Trí Thủy), xã  Đại Tự  (Trí Thủy phường) “phường sông nước”, xã Ái Vũ (vô nhân- không người ở), không thấy có tên xã Dương Cốc và Vân Cốc. Như vậy là vùng đất này đã có biến động lớn cùng xuất hiện với “Trí Thủy phường” là phường sống trên sông nước. (nguyên văn chữ “Trí Thủy nghĩa là “nước chảy thông minh” ) chú giải ở 2 xã Đại Tự và Cẩm Khê. Chữ “Phường” là khối dân cư cùng làm một nghề, ở đây có thể là nghề thuộc về sông nước.
Gần đây nhất là cuốn “Địa chí tỉnh Vĩnh Yên” 11 viết năm 1939, khi kể về địa danh các làng xã  chỉ chép tổng Nhật Chiêu huyện Yên Lạc cũng chỉ có 8 xã: Nhật Chiêu, Đại Tự, Cẩm Trạch, Cẩm Viên,Trung Yên, Cổ Nha, Cẩm Hà, và Từ Hạ. Không còn thấy tên 3 xã cũ là Vân Cốc, Dương Cốc và Ái Vũ nữa !
Vì sao lại như vậy ?
Theo nhiều nguồn thông tin từ địa phương, vào khoảng các năm từ Tự Đức 33 (1880),  trở về sau, do có biến động về địa lí, bờ sông Hồng bị lở về phía  nam, bồi thổ về bờ hữu sông Hồng ( Dòng sông bên lở, bên bồi), tạo thành miền đất bãi mênh mông. Nhân dân miền này đã bồi đắp lập thành 3 xã mang tên Vân: Vân Phúc, Vân Nam, Vân Hà trong đó xã Vân Nam có thôn Vân Cốc mang “hồn” của quê Vân Cốc xưa bên bờ tả sông Hồng. Nay là đất huyện Phúc Thọ tỉnh Sơn Tây cũ.
Trong vụ lở đất kinh hoàng này, không chỉ toàn bộ làng Vân Cốc bị mất đất, còn có các làng ven sông như Dương Cốc (Miêu Cốc) cũng mất đất, dân chúng phải chuyển dời vào lập quê mới ỡ xóm Trại xã Lí Hải huyện Yên Lãng đem theo cả các đình chùa của làng này (đã xếp hạng Di tích LS – VH cấp Tỉnh-Thành phố), nên thường gọi là “Trại Cốc”, nay trở thành thôn Dương Cốc xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên là lấy lại tên cũ. Còn xã Ái Vũ (Cát Vũ) kề bên cũng chỉ còn lại 4-5 hộ dân cư (vẫn có 1 Lí trưởng), sau sáp vào xã Nhật Chiêu, để nay là 1 thôn trong 4 thôn của làng Nhật Chiêu (thôn Đông, thôn Thượng, thôn Trung và thôn Ái Vũ) xã Liên Châu huyện Yên Lạc.  Vì vậy năm 2012, khi biên soạn cuốn “Địa chí Vĩnh Phúc” 12, do TW HĐND UBND tỉnh chủ trì, ghỉ địa danh các thôn như: Nhật Chiêu (có 7 thôn mới thuộc xã Liên Châu), cùng các thôn của xã Đại Tự (có 6 từ thôn 1 đến thôn 6), thôn Cẩm Nha, Cẩm Trạch, Cẩm Viên đều thuộc xã Đại Tự, mà không thấy có tên 3 xã cũ là Vân Cốc, Dương Cốc và Ái Vũ (tức Cát Vũ). Cũng không thấy địa danh “phường Trí Thủy”.
Kết quả của sự “thiên di” đó nên khi viết sách “Quốc triều khoa bảng lục” cụ Cao Xuân Dục, một vị quan đại thần của triều đình nhà Nguyễn, ghi lại tên họ, quê quán của tất cả những thí sinh thi đỗ các khoa thi Đình dưới thời nhà Nguyễn từ khoa Nhâm ngọ (Minh Mạng thứ 3- 1822) đến khoa cuối cùng là năm Kỉ mùi (Khải Định thứ 4-1919), cụ Cao đã ghi quê quán của 2 ông khi thi đỗ là “xã Vân Cốc, huyện Bạch Hạc, tỉnh Sơn Tây” là quê gốc. Nhưng ở dòng cuối cụ lại chua chữ là “kim sáp Phúc Thọ” (今插福壽), nghĩa là nay Vân Cốc “Đặt” vào, "cắm, cấy" vào huyện Phúc Thọ, (mà không phải là "sáp nhập" (gộp vào) là năm cụ viết sách “Quốc triều khoa bảng lục” – năm 1893-, tức là huyện đối ngạn với xã Vân Cốc của huyện Bạch Hạc trước đó qua bến đò Cốc, thuộc bờ bên kia sông Hồng không cùng địa giới (còn cách cả con sông Hông). Chữ “sáp” của Cụ Cao dùng là để về sau có địa chỉ  còn  tìm hiểu, không phải là quê gốc gác của các “ông nghè”.
Dù sao, cũng do chữ “Sáp” từ đó về sau, trong nhiều sách viết về 2 ông, có chú giải về địa danh Vân Cốc khác nhau, khiến có kiến giải về quê quán hiện nay của 2 ông khác nhau.
Điển hình gần đây nhất là sách “Các nhà khoa bảng Việt Nam” 13 của các tác giả thuộc viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội, đã quy đổi quê quán của 2 ông là “xã Vân Cốc huyện Phúc Thọ tỉnh Hà Tây” (Đặng Văn Bảng), hoặc “thôn Vân Cốc xã Vân Nam huyện Phúc Thọ tỉnh Hà Tây” (Hoàng Hữu Tài). Bởi vậy khi lên Vĩnh Phúc nghiên cứu và viết sách “Truyền thống hiếu học và hệ thống Văn miếu Văn từ Văn chỉ ở Vĩnh Phúc” 14 TS Nguyễn Hữu Mùi đã không ghi danh 2 ông vào mục các vị “Danh mục đỗ đại khoa ngạch văn”, tức là không xếp 2 ông vào hàng khoa bảng của tỉnh Vĩnh Phúc. Cũng sau đó, khi viết sách "Địa chí Vĩnh Phúc" cũng TS Nguyễn Hữu Mùi lại "quên" tên 2 ông. Bởi vậy số các nhà khoa bảng mới chỉ được đề danh trên 17 bia Văn miếu tỉnh Vĩnh Phúc chỉ là 86 vị. Trong sách "Địa chí Vĩnh Phúc" do TW - HĐND - UBND Tỉnh Vĩnh Phúc chủ trì, NXB KHXH Hà Nội ấn hành năm 2012 không ghi tên 2 ông vào phần Văn hóa  Xã hội là một khiếm khuyết. 
Gần đây (ngày 02 tháng 4 năm 2015), trong mục “Đất và Người”, của “cổng Thông tin điện tử huyện Phúc Thọ” công bố trang “Những danh nhân tiêu biểu trên quê hương Phúc Thọ” có đề danh 10 vị (trong tổng số 12 vị)  là các bậc đại khoa gồm cả Đặng Văn Bảng và Hoàng Hữu Tài quê Vân Cốc (trong văn bản ghi là Hoàng Hàm Tài, có lẽ là vào máy nhầm) có thể cũng từ những thông tin này là một thông tin hồ đồ..
Vậy có thể thấy phần đất xã Vân Cốc của TS Đặng Văn Bảng và Hoàng Hữu Tài bị lở chôi đi và dân chúng trong làng khì tản đi trở thành “Sáp Phúc Thọ” (đã di sang nhập huyện Phúc Thọ ?), Điều nghi vấn này chưa thấy có thông tin  xác nhận;  Hoặc cũng có thể di vào trong cùng với dân thôn xã Đại Tự lập thành các “trại” từ trại 1 đến trại 6; “Trại Dưới”, (gồm Trung Anh + Cẩm Viên), “Trại Giữa” và “Trại Trên” như thống kê của huyện Vĩnh Lạc (Vĩnh Tường + Yên Lạc) vào những năm 1992. Để đến nay xã Đại Tự huyện Yên Lạc gồm có 16 thôn gồm Tam Kì từ 1 đến 6, Đại Tự  cũng từ 1 đến 6, cùng các thôn có tên trùng với các văn bản cổ là Cẩm Nha (tức Cổ Nha), Cẩm Trạch, Cẩm Viên và Trung An chép trong sách “Địa chí Vĩnh Phúc” do TW-HĐND-UBND tỉnh Vĩnh Phúc chủ trì biên soạn. Hiện nay dễ nhận thấy trên bản đồ huyện Yên Lạc có 3 xã nằm kề mép sông Hồng là Đại tự, Liên Châu (thôn Nhật Chiêu) và Trung Hà.
Lại thấy các làng  Vân Nam, Vân Phúc, Vân Hà đều là địa danh xuất hiện sau năm bờ tả sông Hồng bị lở năm 1888, nghĩa là sau năm TS Đặng Văn Bảng thi đỗ và ra làm quan làm quan là 70 năm, khi này ông đã 106 năm tuổi (thi đỗ năm 36 tuổi), còn PB Hoàng Hữu Tài đã hi sinh ngoài mặt trận  tới 17 năm,– 1871- là 22 năm hưởng dương 43 năm tuổi. Vậy thì chỉ thể có hòn đất trôi giạt Vân Cốc “xưa” nay được “cắm” vào địa giới  huyện Phúc Thọ, còn “Phần Hồn” với “Phần Cốt” (thịt xương) của 2 ông thì vẫn còn nằm lại ở nơi làng quê Vân Cốc từ khi sinh ra, đến khi thành đạt, cũng như khi lìa cõi trần thế về với tổ tiên.  
Sao lại bảo các ông là người của huyện Phúc Thọ được ?
  Nỡ nào các nhà nghiên cứu ngày nay lại dễ dãi “gắn” các vị đã trở thành “thiên cổ” lưu du ra khỏi nơi nguyên quán quê mình ?
Kết luận: TS Đặng Văn Bảng cùng PB Hoàng Hữu Tài mãi mãi là các nhà khoa bảng của tỉnh Vĩnh Phúc, đề danh các vị vào xã Đại tự huyện Yên Lạc là hợp lí nhất. Tạo thành con số 88 các nhà khoa bảng của miền đất 1000 năm Văn hiến Thăng Long.
 


1. Xem bia Miếu văn thánh Huế “Hoàng triều Tự Đức lục niên, Quí Sửu Hội thi khoa Tiến sĩ đề danh kỉ”, No 16482.
 2. Quốc triều khoa bảng luc, Cao Xuân Dục. Bản VHv.640. tờ 17a.
 3 . Án sát: Chức quan cai trị cấp tỉnh, thiết lập năm 1831 thời Minh Mạng, chuyên trách về việc hình sự. Thời thuộc Pháp, chức quan này bị bãi bỏ ở Nam Kì, nhưng vẫn được duy trì ở Bắc Kì và Trung Kì
4. Xem: Đại Nam thực lục – Bản dịch, NXB Giáo Dục. Hà Nội năm 2007. Tập 7 trang 1196.
5. Đại Nam thực lục.  Sđd tập 8 trang 396.
6 .Xem Việt sử thông giám cương mục. bản dịch. Tập 18. NXB Sử học Hà Nội năm 1960. Trang 10.
7. Bản dịch của Dương Thị The và Phạm Thị Hoa.NXB KHXH Hà Nội  năm1981.
8. Chuông hiện tàng ở phòng Văn hóa – Thông tin huyện Vĩnh Tường.
9. Bản dịch của nhóm biên tập Ngô Đức Thọ, Nguyễn Văn Nguyên, Philippe Papin.
NXB Thế Giới Hà Nội năm 2003.
10. Tài liệu Viên nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội.  A.1868.
11. Sách giáo khoa giảng dậy dùng trong các trường Pháp Việt. Nhà in Thụy Kí Hà Nội ấn hành năm 1939
12. Nhà XB KHXH Hà Nội ấn hành năm 2012. Xem trang 147
13. NXB Văn Học,  Hà Nội. năm 1993. Các trang 845 và 856.
14. Sở  Văn hóa Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc. Năm 2011,xem từ trang 49.

Thứ Tư, 8 tháng 4, 2015

NHỮNG ĐỀ XUẤT GÓP Ý VỀ SỰ BÀI TRÍ THỜ TỰ Ở CÔNG TRÌNH NỘI THẤT VĂN MIẾU TỈNH VĨNH PHÚC.

NHỮNG ĐỀ XUẤT GÓP Ý VỀ SỰ BÀI TRÍ THỜ TỰ
 Ở CÔNG TRÌNH NỘI THẤT VĂN MIẾU TỈNH VĨNH PHÚC.


             Tác giả: LÊ KIM THUYÊN.
Nhà nghiên cứu Lịch sử
Hội viên Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Vĩnh Phúc.
Văn miếu có xuất phát điểm ở Việt Nam là miếu thờ Khổng Tử, vị tổ của đạo Nho khi Nho học trở thành khuôn vàng thước ngọc của các nhà nước Phong kiến phương Đông trong đó có Việt Nam. Sách “Đại Việt sử kí toàn thư”  của sử thần Ngô Sĩ Liên chép rõ váo năm Canh tuất đời vua Lí Thánh tông (1070); “Mùa thu tháng 8, làm Văn miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công 1 và Tứ phối 2, vẽ tượng Thất thập nhị hiền 3,, bốn mùa cúng tế. Hoàng thái tử đến học ở đây” 4.
Trong truyền thống, tỉnh nhà cũng đã có lập Văn miếu. Đó là Văn miếu Vĩnh Yên năm 1927, nhưng hiện không còn. Ngày nay, do có điều kiện, tỉnh ta khôi phục lại văn miếu với ý nghĩa hàng tỉnh, kiến trúc quy mô, hoành tráng, để tôn thờ đạo học, đó là việc làm đúng thời và cần
 Hiện nay phần kiến trúc đã xong. Tuy nhiên, do  là “Văn miếu” nên về sự bài trí trong không gian thờ tự của hạng mục nội thất khu đền miếu chính, sao cho tương thích với nội dung và các nhân vật thờ cúng thì đây là công việc hết sức cẩn thận và hoàn mĩ sao cho đúng với thiết chế truyền thống “Nho đạo” vừa tôn nghiêm như đền miếu, vừa tôn ti trật tự, thế thứ kỉ cương theo đạo nghĩa “Thầy-Trò” nơi chốn học đường; Để về sau trở thành di tích Lịch sử - Văn hóa lớn của tỉnh: Vừa cao sang nơi “Bảng vàng-Bia đá”, vừa là pho sách “Lịch sử nền khoa bảng của tỉnh”, tiêu biểu cho nền văn hiến của tỉnh, nên tự nó vừa là công trình khoa học, vừa là công trình trí tuệ tập thể, nên tôi rất hoan nghênh và tán đồng buổi làm việc sáng hôm nay. Tuy chưa có sự bài trí chính thức trên thực địa, (vì Văn miếu chưa làm lễ khánh thành) nhưng xem trong bản “Sơ đồ thiết kế bản vẽ thi công dự án: Đầu tư xây dựng Văn miếu tỉnh Vĩnh Phúc, hạng mục : nội thất khu đền chính” (Đã được phê duyệt và thực hiện như hiện nay), thì thấy có những công việc phải bàn. Tôi may mắn được tham gia vào Hội đồng tư vấn phản biện đối với “Sắp xếp, bài trí thờ tự tại Văn miếu tỉnh”, nhân trong hội nghị này, tôi xin mạnh dạn nêu lên nhừng ý kiến cá nhân như sau.
1. Về tên đặt: Theo sơ đồ thiết kế đã phê duyệt và thì công trình gần như hoàn chỉnh, (như vậy là không có sự xê dịch về tổng thể kiến trúc) đây là công trình “Văn miếu”, theo ý ngĩa truyền thống tức là miếu thờ Khổng Tử, cùng các vị “thần” (nhân thần) hàng “Văn” thi đỗ ở bậc “đại khoa” gồm các bảng xếp hạng đỗ đạt là: Trạng nguyên, Bảng nhân, Thám hoa, Tiến sĩ và Phó bảng. Ở Vĩnh Phúc gồm có 88 vị đỗ đạt, (có danh sách kèm theo). Trong truyền thống có ở tỉnh Vĩnh Phúc thời Lê Nguyễn, các bia được lập đều đề danh các TS Nho học (xem các thác bản có ở Văn miếu  huyện Lập Thạch, huyện Yên Lạc), không thấy có bia đề danh (nghĩa là không có thờ cúng) hàng quan võ, nay lại thấy có tấm bia số 18 có tên đề là “Bia vinh danh tiến sĩ nho học ngạch võ tĩnh Vĩnh Phúc”, là một tên bia không hợp thức. Bởi vì học vị TS là ghí nhận sự thành đạt của các Nho sĩ trải qua kì thi “đại khoa” ở sân điện triều đình do nhà vua trực tiếp làm chánh chủ khảo  (nên còn gọi là “Thi đình”), người thi đỗ được bổ vào hàng quan lại “văn quan” (lục bộ và các ban trong biên chế triều đình cùng các cơ quản li địa phương trấn, phủ, huyện, nay gọi là công chức). Còn người làm quan võ được tuyển chọn qua các kì thi “võ cử” (cung tên, “lục nghệ”),  người thi đỗ gọi là “tạo sĩ”, Chưa thấy có sách nào đề danh là “Tiến sĩ ngạch võ” một cách kì quặc như tấm bia số 18 nên tôi đề nghị:
1.1. Không lập bia thờ các  “tiến sĩ ngạch võ”, vì đây là kiến trúc “văn miếu”mà không phải là “võ miếu”. Thuộc địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đời Lê Nguyễn , suốt 6 thế kỉ không có di tích nào là “võ miếu”. Bởi vậy tấm bia số 18 có bia danh “Bia vinh danh TS Nho học ngạch võ tĩnh Vĩnh Phúc” có tên bia sai, mặc dầu người đỗ các khoa “võ cử” xét về hàm cấp có thể xếp vào tương đương như TS hàng văn.
Vậy tấm bia ghi danh này không hợp thức bầy biện ở Văn miếu. Bởi nếu cứ để nguyên tên bia như trong dự án thì công trình này sẽ phải mang tên là “Văn – Võ miếu tỉnh Vĩnh Phúc” (hoặc là Võ – Văn miếu tỉnh Vĩnh Phúc), vốn không có tiền lệ và không đúng với tiêu chí dự án của công trình.
Vậy tấm bia này tuy đã lập và đề danh 5 vị  “tạo sĩ” nên cất đi để đợi khi nào tỉnh ta lập được “Võ miếu” thì sẽ sử dụng.
1.2. Văn miếu hàng tỉnh đều chỉ đề danh trên bia các vị có học vị thi đỗ “Đại khoa” của các tỉnh (Như văn miếu Xích Đằng tỉnh Hưng Yên, Văn miếu tỉnh Bắc Ninh….). Các vị đỗ “Trung khoa” (Cử nhân), “Tiểu khoa” (Tú tài) đều chưa bao giờ được đề danh ở Văn miếu hàng huyện, huống chi đây lại là Văn miếu hàng tỉnh (Xem bia Văn miếu huyên Lập Thạch, huyện Yên Lạc). Cử nhân, Tú tài thường chỉ thấy có bia đề danh ở một số (không đều khắp) văn chỉ làng xã mà thôi. Việc đem danh sách 302 vị “trung khoa” (một con số trong tỉnh còn thiếu sót nhiêu, có thể tới hàng nghin) vào thờ ở văn miếu tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tạo nên sự lộn xộn so với truyền thống thế thứ của Đạo Nho. Vậy danh sách này nên cũng chỉ để làm tư liệu tham khảo trong chương trình khảo về “nền văn hiến tỉnh Vĩnh phúc” mà không đưa vào thiết chế thờ tự ở tỉnh đường.
1.3. Không thờ danh nhân Chu Văn An trong Văn miếu tỉnh Vĩnh Phúc.  Vì lẽ Vĩnh Phúc chỉ là một đơn vị hành chính địa phương cấp tỉnh, còn Chu Văn An là thuộc phạm trù Quốc gia đã có thờ ở Văn miếu Hà Nội. Thờ tự như vậy sẽ không đúng tiêu chí “Văn miếu tỉnh Vĩnh Phúc”: Người Vĩnh Phúc thành danh về khoa bảng.
1.4. Trong bảng kê khai chép trong 17 bia TS đã lập, mới chỉ có danh sách 86 vị, còn để thiếu 2 danh sách là các ông:
- Đặng Văn Bảng. Người xã Vân Cốc, huyện Bạch Hạc, tỉnh Sơn Tây. Nơi có bến đò Cốc sang huyện Phúc Thọ tỉnh Sơn Tây cũ.
Thi đỗ Đệ tam giáp ĐTS khoa Quý sửu niệu Tự Đức năm thứ 6 (1853). Tư liệu của bia Văn miêu Huế. (bia số 16. Thác bản No.16482 Viện nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội.)
 Nay thuộc  về đất xã  Đại Tự huyện Yên Lạc.
- Hoàng Hữu Tài. Người xã Vân Cốc, huyện Bạch Hạc, tỉnh Sơn Tây. Hai vị cùng làng.
Danh sách có trong sách “Quốc triều khoa bảng lục” (của Cao Xuân Dục. Nhà in Long Cương in năm Thành Thái Giáp ngọ -1894- Bản VHv 640, Viện nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội tờ 17a).
Nay phần đất Vân Cốc ấy đã lở xuống sông Hồng vào khoảng sau đời Đồng Khánh (1886 – 11888), để tạo thành các phường Trí Thủy (phường nước chảy) trong khu vực xã Đại Tự và Cẩm Khê huyện Yên Lạc.
Nay quy đổi địa danh các ông thành người xã Vân Cốc huyện Phúc Thọ Hà Nội là lầm lẫn. Đề nghi có bia bổ sung.
Đồng thời, cũng có 2 thông tin sai lệch tiểu sử của 2 vị. Cụ thể:
- Về Phạm Công Bình: Thông tin sai về năm thi đỗ “Mậu thìn”, và tên khoa thi đỗ “Trinh Khánh tam niên” . Li do là đời vua Lí Huệ Tông (1211 – 1224) tức thái tử Sâm chỉ có một niên hiệu là Kiến Gia, và cũng không có năm Giáp tí là Mậu thìn. Đây là một thông tin mà khi ghi chép, các sách Đăng khoa lục đã nghi ngờ thì có lẽ nào nay căn cứ vào đâu mà khẳng định.
- Về Lê Đức Toản: Thông tin sai về sự tích cá nhân. Về thông tin này sai ở sự tích “tiết nghĩa” của ông. Bởi ông sinh năm 1452, mất năm 1509, hưởng dương 48 tuổi. Năm 1527, nhà Mạc mới thay ngôi vua Lê Chiêu Tông, thì lúc đó ông đã ở tuổi 76, liệu ông có còn ở cương vị chức quan đứng đầu Ngự sử đài nữa hay không ? Đây chỉ một gợi ý nhỏ. Còn thông tin về Lê Đức Toản “tiết nghĩa” có 2 nguồn khác nhau trong các sách “Đăng khoa lục” giữa bản đời Lê và bản đời Nguyên; giữ bản in và bản chép tay cũng như về sách “Lịch triều hiến chương loại chí” của tác giả Phan Huy Chú (phần Nhân vật chí), là đầu bản đời Nguyễn và sách “Đại Nam nhất thống chí” của quốc sử quán triều Nguyễn, về bia văn chỉ xã Sơn Đông cũng như Gia phả của họ Lê thôn Quan tử hiện còn. Nên do thời gian hạn chế ở đây không thể bàn được nên xin khất lại sẽ đăng tải dần trên cac phương tiên thông tin đại chúng. Tạm thời ở đây tôi đề nghị bỏ câu ghi trên mặt bia đã khắc “Khi nhà Mạc tiếm ngôi nhà Lê, ông không chịu làm quan với nhà Mạc, triều Lê trung hưng phong ông là tiết nghĩa”. Vì thông tin đó không chuẩn về sử liệu, sẽ có thể gây kiện cáo của dòng họ.
1.5. Vì đây là công trình của tỉnh, đại diện cho hàng tỉnh, nên sự thờ tự cũng xếp theo trật tự cao thấp, trên dưới của các TS trong hàng tỉnh, việc chia sự thờ tự theo hàng huyện là vô lí, không khoa học. Vỉệc thì cử khoa trường là trong phạm vi cả nước để kén người tài giỏi trong cả nước, có kén “người theo hàng huyện” đâu?. Chia như thế, bản thân sẽ có ý nghĩa cục bộ, sẽ không kén chọn được người tiêu biểu để tôn thờ. Vì rằng như huyện Tam Dương, thành phố Vĩnh Yên mỗi đơn vị cấp huyện này suốt gần nghìn năm khoa bảng chỉ đỗ được 01 vi Đệ tam giáp ĐTS xuất thân, chẳng lẽ lại đem các vị ấy vào thờ, trong khi lại loại các danh sách Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa…về học vấn xứng đáng “bậc Thầy” không được thờ ư? Như vậy thì chẳng quá lộn xộn trái với sự tôn sùng trật tự của đạo Nho ư? Riêng huyện Tam Đảo không có người đỗ đạt, không có ai trong danh sách ở văn miếu, không thấy hụt hẫng sao? Đó là những tiền đề để gợi ý những tiêu chí mới về sự bài trí thờ tự , như sau:
2. Thờ tự ở Văn miếu tỉnh Vĩnh Phúc nên như thế nào?
2.1. Tầng thượng nhà “hậu cung”. (Theo thiết kế)
- Xếp theo thể lệ thờ Khổng Tử và các vị “Tứ phối” như Văn miếu Hà Nội, gian chính giữa gồm có Bài vị (đặt trong ngai rồng) Khổng Tử. Theo thiết kế hiện tại, có hai cách bài trí:
2.1.1. Bài trí ở gian chính giữa có bài vị thờ Khổng Tử  (Vì rằng trong văn miếu nếu không thờ Khổng Tử thì không phải là Văn miếu, mặc dầu ông là người nước Lỗ thuộc Trung Quốc cổ đại). Bốn vị “tứ phối” (4 vị được phối thờ) là người của tỉnh Vĩnh Phúc xếp theo công trạng được tuyển chọn là:
1/ Ông Phạm Công Bình. Các sách Đăng khoa lục chép ông là người huyện An Lạc. Nay là thôn Yên Lạc, xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc. Thi đỗ danh sánh thứ nhất hàng Đệ nhất giáp  khoa thi Thái học sinh triều Lí. (Về năm thi đỗ còn và thi đỗ vào đời vua nào còn là vấn đề cần thảo luận cho thống nhất)
Hiện có đền thờ ở làng Yên Lạc. Di tích xếp hạng cấp Tỉnh - Thành phố. 
Lí do xếp ông vào vị thờ phối thứ nhất là bởi:
- Là người mở đầu cho nền khoa bảng tỉnh Vĩnh Phúc từ triều Lí. Lạị đồng thời là người có học vị cao nhất trong một khoa thi lấy đỗ 5 người.
- Là người có chức quan cao vào hàng “Thái phó” trước năm 1128. Có công dẹp quân Chân Lạp vào đánh phá Nghệ An: Công chống xâm lăng.
Một con người tài năng cả Văn lẫn Võ.
Bài vị của ông xếp ở hàng thứ nhất, liền bên trái bài vị Khổng Tử. (Bên đông).
2/ Ông Đào Sư Tích.
Người xã Lí Hải. nay là thôn Lí Hải, xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên.
Thi đỗ Trạng nguyên khoa Giáp dần niên hiệu Long Khánh thứ 2 đời vua Trần Duệ Tông (1374).
Chức quan Nhập nội hành khiển Hữu ti lang trung. Tương đương thủ tướng. Được thờ ở làng Lí Hải.
Bài vị xếp hàng thứ nhất, liền bên phải bài vị Khổng Tử. (Bên tây)
3/ Ông Nguyễn Duy Thì. Người thôn Hợp Lễ, thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên.
Thi đỗ cao (Hoàng giáp). Chức quan cao, đóng góp nhiều cho quốc gia Đại Việt triều Lê Trung hưng. Nội dung công trạng có trong đạo sắc phong quan chức đề ngày 19 tháng 9 năm niên hiệu Khánh Đức năm thứ 3 – 1651: “Dực vân tán trị công thần, đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu, Lại bộ thượng thư kiêm chưởng lục bộ sự. kiêm Quốc tử giám tế tửu, Hàn lâm viện thị độc, chưởng Hàn lâm viện sự, Thiếu phó, Tuyền quận công, Thượng trụ quốc, thượng trật”. Cũng theo đạo sắc này ông được gia tặng chức thái tê, ban tên “thụy” từ lúc sống là “Hạnh Độ”, là một ân điển chưa từng ai có. (Xem trong “Săc phong Vĩnh Phúc” trang 88). Có đền thờ là phủ thờ ở quê nhà.
Bài vị xếp hàng thứ 2, phía sau bài vị Phạm Công Bình.
4/ Ông Nguyễn Thiệu Tri. Người xã Xuân Lôi, huyện Lập Thạch. thượng thư bộ Hộ triều Hồng Đức vua Lê Thánh Tông, là công thần “tiết nghĩa” bậc nhất triều Lê sơ. Phối thờ Nguyễn Thiệu Tri là để đề cao lòng “trung quân ái quốc” của giới Nho sĩ, vốn là đạo đức tối thượng của Nho gia.
Bài vị của TS Nguyễn Thiệu Tri xếp hàng thứ 2 sau bài vị Đào Sư Tích.
Tuy nhiên, theo thực thể kiến trúc đã hoàn chỉnh ở Văn miếu Vĩnh Phúc sẽ thấy thiếu cân đối. Vì còn bỏ trống 2 gian “tả - hữu”, không biết sắp xếp loại “tự khí” nào cho kín.
Do vậy có thể:
2.1.2. Bài trí thờ tự theo hàng ngang.
- Gian chính tẩm, đặt bài vị Khổng Tử.
- Gian bên trái (phía đông), đặt 2 bài vị thờ phối là Phạm Công Bình (liền phia trái bài vị Khổng Tử), vì có học vị cao (Đệ nhất giáp, đệ nhất danh) từ đời Lí, là người “khai khoa” của tỉnh Vĩnh Phúc.
Tiếp là bài vị thờ phối là Nguyễn Duy Thì.
- Gian bên phải (phía tây) đặt bài vị của Trạng nguyên Đào Sư Tích (liền phía phải bài vị Khổng Tử). Tiếp là bài vị của TS Nguyễn Thiệu Tri.
Cách bài trí này sẽ khép kín các gian thờ, vẫn rõ tôn ti trật tự trên dưới, và có khoảng trồng ở phia trước để bầy biện các đồ “tự khí”, lai có chỗ để hành lễ.
Tuy vậy còn 2 gian dĩ vẫn có đất trống. Vậy nên tham khaỏ các sách “Đăng khoa lục”, tôi đề nghị bổ sung thêm 2 vị là TS Triệu Thái, người làng Hoàng Chung xã Đồng Ích huyện Lập Thạch, vì ông là người “khai khoa” ở triều Lê (khoa Minh Kinh năm Kỉ dậu-1429- thời của vua Lê Lợi), cũng đồng thời là “khai khoa” về triều Lê của khoa bảng Vĩnh Phúc. Ông còn tham gia biên soạn “Luật lệnh” triều Lê. Lại có công bang giao với nhà Minh về vấn đề biên giới Khâm Châu, đòi lại được một số châu động.
Vị thứ 2 là TS Nguyễn Văn Chất, người xã Vũ Di huyện Vĩnh Tường, thi đỗ Hoàng giáp khoa Mậu thìn niên hiệu Thái Hòa năm thứ 6 đời vua Lê Nhân Tông (1448). Làm quan tới chức Tư nghiệp (hiệu phó) Trường Quốc tử giám, Thượng thư.bộ Hộ, tham gia soạn Quốc sử, lại có công sang sứ nhà Minh, Rồi thăng đến Thượng thư, có công trình văn học biên chép thêm vào sách “Việt điện u linh” của Lí Tế Xuyên triều Trần.
Như vậy là ở thượng cung khu đền chính có 7 vị được tôn thờ gồm có bài vị Khổng Tử và 6 vị nữa đều là các đại diện tiêu biểu của nền khoa bảng tỉnh Vĩnh Phúc, như đã kể ở trên.
2.2. Tầng “hạ” (dưới) tòa hậu cung. (Theo thiết kế)
Giành riêng bài trí thờ các TS đề danh trên bia, sắp xếp theo tình tự sau trước của từng khoa thi, năm thi theo lịch đã chép trong các văn bản cổ. Hiện có 17 bia tất cả. (một số lẻ cần phân chia lại). Trên mặt bia giới thiệu sự tích về mỗi vị, không viết dài dòng như trang sách. Mà mỗi vị chỉ cần 3 lượng thông tin chuẩn sác:
- Thông tin về địa chỉ làng xã theo văn bản cổ. Quy đổi ra địa chỉ hiện thời.
- Khoa thi , năm thi đỗ và thứ bậc thi đỗ. (tài năng)
- Quan chức. (đóng góp)
Các bia sắp xếp theo trình tự lịch sử. Thứ tự các danh sách trong bia  chép theo thứ tự của văn bản bia văn miếu Hà Nội, và ghi chép trong các sách Đăng khoa lục còn ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội là theo văn bản gốc.
Việc chép danh sách trên bia của 88 vị chia thành 18 bia (Vì Vĩnh Phúc “tín” (tin theo) con số 9, mà 18 là số nhân đôi (âm dương), nên cần rất cẩn trọng.
Vấn đề câu chữ thông tin trên bia, tôi đề nghị tỉnh cần thành lập một “Hội đồng khoa hoc” để giám sát cụ thể công việc tuyển chon này. Bởi chỉ sai sót một thông tin nhỏ, sẽ mất sự chính sác  kkoa học của công trình hàng tỉnh.
Văn miếu Vĩnh Phúc là công trinh văn hóa lớn chung cho hàng tỉnh. Là di sản để lại cho mãi các thế hệ cháu chắt về sau. Chúng ta may mắn là người khởi đầu nối lại truyền thống đã đứt gẫy, đồng thời cũng là những người mở ra một đề xuất cho mai sau. Bởi vậy chẳng có gì phải vội vàng. Hôm nay làm được phần cốt yếu là nền mong kiến trúc, là sác định nội dung 88 nhà khoa bảng của tỉnh để ghi danh, con thiếu phần nào, thời gian sẽ chọn lọc cho chúng ta, chắc chắn sẽ đầy đủ hơn, tinh tường hơn, chính sác hơn, và khoa học hơn. Tôi đề nghị công trình bước khởi đầu này tạm thời dừng lại ở đây, cho làm lễ khánh thành. Chờ thời gian sẽ khỏa lấp nhưng chỗ chống hôm nay. Trên đây là những nhận xét ban đầu.
Xin chúc buổi làm việc được đồng nhất và thành công.
Sơn Đông. Ngày 11 tháng 3 năm 2015.
Chú thích:
1. Chu Công, tức Chu Công Đán. Con vua Văn Vương nhà Chu (Trung Quốc cổ đại), người định ra chế độ Lễ, Nhạc; Đặt ra nghi thức Quan (quan chức), Hôn (hôn nhân), Tang (việc tang), Lễ (nghi lễ). Không phải là Chu Văn An như đang thờ hiện nay, vì Chu Văn An là nhân vật triều Trần, sinh năm 1292-mất năm 1370.
2. Tứ phối: 4 vị cùng thờ theo chỉ Nhan Uyên, Tăng Sâm, Tử Tư, Mạnh Tử là 4 vị học trò của Khổng Tử.
3. Thất thập nhị hiền: 72 vị học trò giỏi của Khổng Tử.
4.TT. Bản kỉ thực lục. Bản dịch NXB KHXH.Hà Nội, tập I, trang 275.





 



Thứ Tư, 25 tháng 3, 2015

CÁC NHÀ KHOA BẢNG TỈNH VĨNH PHÚC

CÁC NHÀ KHOA BẢNG TỈNH VĨNH PHÚC
Bài 2,
DANH SÁCH CAC TIẾN SĨ TỈNH VĨNH PHÚC
CHÉP TRONG CÁC SÁCH ĐĂNG KHOA LỤC VIỆT NAM
Các bản:
- Lịch đại đăng khoa lục.  VHv. 650.  
- Đại Việt lịch đại tiến sĩ khoa thực lục.   A.2040;  
- Đỉnh khiết Đại Việt lịch triều đăng khoa lục.  VHv.2140/1-2 và VHv.650/1-2.
- Lịch triều đăng khoa bị khảo.  A. 485.
                            
I. Khoa thi triều Lí.
1. Phạm Công Bình. 笵公平 Người huyện An Lạc.
Thi đỗ danh sách thứ nhất hàng Đệ nhất giáp, triều Lí.
(Nay là thôn Yên Lạc, xã Đồng Văn . huyên Yên Lạc).
Triều Nguyễn sắc vua Khải Định phong là Trạng nguyên.
II. Khoa thi triều Trần.
2. Đào Sư Tích. 陶師錫 Có nhà ở xã Lí Hải.
Đỗ Trạng nguyên khoa Giáp dần, niên hiệu Long Khánh thứ 2 (1374) đời vua Trần Duệ Tông. Từ thi Hương đến thi Đình đều đỗ đầu.
(Nay là thôn Lí Hải xã Phú Xuân huyện Bình Xuyên)
III. Các khoa thi triều Lê và triều Mạc.
3. Triệu Thái. 趙泰 Người xã Hoàng Chung, huyện Lập Thạch.
Thời Vĩnh Lạc triều Minh (1403 – 1424. Trung Quốc), từng thi đỗ tiến sĩ, làm quan đến chức ở viện Hàn Lâm. Nghe tin Lê Thái Tổ khởi nghĩa, xin về nước thăm cha mẹ.  Lại ra thi ở khoa Minh Kinh (1429), đõ danh sách thứ nhất. Làm quan chức Thị ngự sử.
(Nay là thôn Hoàng Chung, xã Đồng Ích, huyện Lập Thạch).
4. Nguyễn Từ. 阮徐. Người xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch.
Thi đỗ Đệ nhị giáp TS xuất thân (Hoàng giáp) khoa Quý dậu niên hiệu Thái Hòa 11 (1453) đời vua Lê Nhân Tông.
(Nay là thôn Quan Tử, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch).
5. Nguyễn Tộ. 阮祚. Người xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch.
Thi đỗ Đệ nhị giáp TS xuất thân (Hoàng giáp) khoa Nhâm thìn niên hiệu Hồng Đức 3 (1472) đời vua Lê Thánh Tông.
(Nay là thôn Quan Tử, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch).
6. Nguyễn Đình Phương. 阮廷芳. Người xã Vũ Di, huyện Bạch Hạc.
Thi đỗ Đệ tam giáp ĐTS xuất thân khoa Nhâm thìn niên hiệu Hồng Đức 3 (1472) đời vua Lê Thánh Tông.
(Nay là thôn Vũ Di, xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường).
7. Lê Đức Toản. 黎德纘 Người xa Sơn Đông, huyện Lập Thạch.
Thi đỗ Đệ nhị giáp TS xuất thân (Hoàng giáp) khoa Giáp thìn Hồng Đức 15 (1484) đời vua Lê Thánh Tông.
(Nay là thôn Quan Tử, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch).
8. Đặng Thận. 鄧慎. Người xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch.
Thi đỗ Đệ tam giáp ĐTS xuất thân khoa Giáp thìn niên hiệu Hồng Đức 15 (1484) đời vua Lê Thánh Tông.
(Nay là thôn Quan Tử, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch).
9. Ngô Đạt Nho. 吳達. Người xã Xuân Hi, huyện Kim Hoa.
Thi đỗ Đệ nhị giấp TS xuất thân (Hoàng giáp) khoa Canh tuất niên hiệu Hồng Đức 21 (1490) đời Lê Thánh Tông.
(Nay là thôn Xuân Phương (làng He), phường Phúc Thắng, thị xã Phúc Yên).
10. Trần Hùng Quán. 陳雄觀. Người xã Nghinh Tiên huyện An Lạc.
Thi đỗ Đệ tam giáp ĐTS xuất thân khoa Canh tuất  niên hiệu Hồng Đức 21 (1490) đời Lê thánh Tông.
(Nay là thôn Nghinh Tiên xã Nguyệt Đức huyện Yên Lạc)
11. Đào Sùng Nhạc. 陶崇嶽. Người xã Nhật Chiêu, huyện Bạch Hạc.
Thi đỗ Đệ tam giáp ĐTS khoa Canh tuất đời Lê Thánh Tông.
(Nay là thôn Nhật Chiêu, xã Liên Châu, huyện Yên Lạc)                                                                                                                                                                                                
12. Đặng Điềm. 鄧恬. Người xã Sơn Đông huyện Lập Thạch.
Thi đỗ Đệ tam giáp ĐTS xuất thân khoa Canh tuất niên hiệu Hồng Đức 21 (1490) đời Lê Thánh Tông.
(Nay là thôn Quan Tử, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch).
13. Lê Khiết. 黎潔. Người xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch.
Thi đỗ Đệ tam giáp ĐTS xuất thân khoa Canh tuất niên hiệu Hồng Đức 21 (1490) đời Lê Thánh Tông.
(Nay là thôn Quan Tử, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch)
14. Ngô Kính Thần. 吳敬臣. Người xã Xuân Hi, huyện Kim Hoa.
Thi đỗ Đệ nhị giáp TS xuất thân (Hoàng giáp) khoa Quý sửu niên hiệu  Hồng Đức 24 (1493) đời Lê Thánh Tông.
(nay là thôn Xuân Phương (làng He), phường Phúc Thắng, thị xã Phúc Yên).
15. Lê Chính. 黎政. Người xã Lạc Trung, huyên An Lạc.
Thi đỗ Đệ tam giáp ĐTS xuất thân khoa Quý sửu niên hiệu  Hồng Đức 24 (1493) đời Lê Thánh Tông.
(Nay là thôn Lạc Trung, xã Trung Nguyên, huyện Yên Lạc).
16. Lê Đĩnh Chi. 黎挺之 (?   -   1511). Người xã Lạc Sơn, huyện Lập Thạch.
Thi đỗ Đệ tam giáp ĐTS xuất thân khoa Kỉ mùi niên hiệu Cảnh Thống 2 (1499) đời Lê Hiến Tông.
(Nay là xã Nhạo Sơn, huyện Sông Lô).
17. Dương Đức Giản. 楊德簡. Người xã Linh Quang huyện Bình Tuyền.
Thi đô Đệ nhị giáp TS xuất thân (Hoàng giáp) khoa Ất sửu niên hiệu Đoan Khánh I (1505) đời Lê Uy Mục.
(Nay là thôn Cao Quang, xã Cao Minh, thị xã Phúc Yên).
18. Nguyễn Phu Hựu. 阮孚佑 Người xã Sơn Đông huyên Lập Thạch.
Thi đỗ Đệ tam giáp ĐTS xuất thân khoa Ất sửu niên hiệu Đoan Khánh I (1505) đời Lê Uy Mục.
(Nay là thôn Quan Tử, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch).
19. Trần Thạch. 陳石. (1468 -   ?). Người xã Tiên Hội, huyện Yên Lạc.
Thi đỗ Đệ tam giáp ĐTS xuất thân khoa Mậu thìn niên hiệu Đoan Khánh 4 (1508) Đời Lê Uy Mục.
(Nay Tiên Hội thuộc phường Hội Hợp thành phố Vĩnh Yên).
20. Nguyễn Sùng Hựu. 阮崇祐 (1477 -   ?).  Người xã Phủ Ma, huyện Bạch Hạc.
Thi đỗ Đệ tam giáp ĐTS khoa Mậu thìn niên hiệu Đoan Khánh 4 (1508) Đời Lê Uy Mục.
(Nay là thôn Phủ Yên, xã Yên Lập, huyên vĩnh Tường).
21. Nguyễn Sư Phó (Truyền).阮師傅().  (   - 1518). Người xã Lí Hải, huyện An Lãng.
Thi đỗ Đệ tam giáp ĐTS xuất thân khoa mậu thìn niên hiệu Đoan Khánh 4 (1508) Đời Lê Uy Mục.
(Nay là thôn Lí Hải, xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên).
* . Nguyễn Duy Tường. 阮維祥 (1485-   ?). Người xã Lí Hải, huyện An Lãng.
Thi lần thứ nhất đỗ Đệ tam giáp ĐTS khoa Mậu thìn niên hiệu Đoan Khánh 4 (1508) Đời Lê Uy Mục, nhưng không nhận.Thi lần thứ 2, đỗ Đệ nhị giáp TS xuát thân (Hoàng giáp) khoa Tân mùi niên hiệu Hồng Thuận 3 (1511) đời Lê Tương Dực mới nhận quan chức.
(Nay là thôn Lí Hải, xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên). Trong danh sách này chỉ tính là 1 ông Nguyễn Duy Tường ở mục danh sách trên “Bia số 11.
22. Nguyễn Minh Khuê. 阮明奎. (1491-   ?). Người xã phú Hoa, huyện Tân Phong.
Thi đỗ Đệ tam giáp ĐTS xuất thân khoa Quý mùi niên hiệu Thống Nguyên 2 (1523) đời Lê Cung Hoàng.
(Nay là thôn Phú Đa, xã Phú Đa, huyện Vĩnh Tường).
23. Hà Sĩ Vọng. 何仕望. (1514- 1595). Người xã Bình Sơn, huyện Lập Thạch.
Thi đỗ Đệ tam giáp ĐTS xuất thân khoa Ất mùi niên hiệu Đại Chính 6  (1535) đời Mạc Đăng Doanh.
(Nay thuộc thôn Sơn Cầu, xã Như Thụy, huyên Sông Lô).
24. Bùi Hoằng. 裴弘 (1506-   ?). Người xã Thượng Trưng, huyện Bạch Hạc.
Thi đỗ Đệ nhị giáp TS xuất thân (Hoàng giáp) khoa Mậu tuất niên hiệu Đại Chính 9 (1538) đời Mạc Đăng Doanh.
(Nay thuộc xã Thượng Trưng huyện Vĩnh Tường).
25. Lê Dĩnh. 黎澒. (1512-   ?). Người xã Thượng Trưng, huyện Bạch Hạc.
Thi đỗ Đệ nhị giáp TS xuất thân (Hoàng giáp) khoa Mậu tuất niên hiệu Đại Chính 9 (1538) đời Mạc Đăng Doanh.
 (Nay thuộc xã Thượng Trưng huyện Vĩnh Tường).
26. Nguyễn Hoành Xước. 阮宏綽. (1502 - ?)
Thi đỗ Đệ tam giáp ĐTS xuất thân khoa Mậu tuất niên hiệu Đại Chính năm thứ 9 đời vua Mạc Đăng Doanh.
(Nay là thôn lí hải, xã Phú Xuân huyện Bình Xuyên).
27. Vũ Doãn Tư. 武允滋. (1418-  ?). Người xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch.
 Thi đỗ Đệ tam giáp ĐTS xuất thân khoa Tân sửu niên hiệu Quảng Hòa I (1541) đời Mạc Phúc Hải.
          (Nay là thôn Quan Tử, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch).
28. Phạm Phi Hiển. 范丕顯. (1509-  ? ). Người xã Tĩnh Luyện, huyện Lập Thạch.
Thi đỗ Đệ tam giáp ĐTS xuất thân khoa Tân sửu niên hiệu Quảng Hòa I (1541) đời Mạc Phúc Hải.
(Nay là thôn Tĩnh Luyện xã Đồng Tĩnh huyện Tam Dương).
29. Tạ Hiển Đạo. 謝顯道. (1510-  ?). Người xã Đinh Xá, huyện An Lạc.
Thi đỗ Đệ tam giáp ĐTS xuất thân khoa Giáp thìn niên hiệu Quảng hòa 4 (1544) đời Mạc Phúc Hải.
(Nay là thôn Đinh Xá xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc).
30. Phạm Du. 茫瑜. (1519-  ? ). Người xã Tiên Mỗ, huyện An Lạc.
Thi đỗ Đệ nhị giáp TS cập đệ Đệ nhị danh (Bảng nhãn) khoa Đinh mùi niên hiệu Vĩnh Định (1547) đời Mạc Phúc Nguyên.
(Nay là thôn Tiên Mỗ, xã Minh Tân, thị trấn huyện lị huyên Yên Lạc).
31. Dương Đôn Cương. 楊敦綱. (1526-  ? ). Người xã Vĩnh Mỗ, huyện An Lạc.
Thi đỗ Đệ nhị giáp TS xuất thân (Hoàng giáp) khoa Đinh mùi niên hiệu Vĩnh Định (1547) đời Mạc Phúc Nguyên.
(Nay là thôn Đông, Vĩnh Mỗ, xã Minh Tân, thị trấn huyện lị huyên Yên Lạc).
32. Lê Hiến. 黎憲. (1514-  ? ). Người Xã Thụ Ích, huyện An Lạc.
Thi đỗ Đệ tam giáp ĐTS xuất thân khoa Canh tuất niên hiệu Cảnh Lịch 3 (1550) đời Mạc Phúc Nguyên.
(Nay là thôn Thụ Ích xã Liên Châu, huyện Yên Lạc).
33. Đào Thái. 陶泰. (1516-  ? ). Người xã Liễn Sơn, huyện Lập Thạch.
Thi đỗ Đệ tam giáp ĐTS khoa Canh tuất niên hiệu Cảnh Lịch 3 (1550) đời Mạc Phúc Nguyên.
(Nay là thị trấn Liễn Sơn, huyện Lập Thạch).
34. Nguyễn Công Phụ. 阮公輔. (1532-  ? ). Người xã Lí Hải, huyện An Lãng.
Thi đỗ Đệ tam giáp ĐTS xuất thân khoa Tân mùi niên hiệu Sùng Khang 6 (1571) đời Mạc Mậu Hợp.
(Nay là thôn Lí Hải, xã Phũ Xuân, huyên Bình Xuyên).
35. Hà Nhậm Đại. 何任大. (1526- 1595). Người xã Bình Sơn, huyện Lập Thạch.
Thi đỗ Đệ tam giáp ĐTS khoa Giáp tuất niên hiệu Sùng Khang 9 (1574) đời Mạc Mậu Hợp.
(Nay thuộc thôn Sơn Cầu, xã Như Thụy, huyên Sông Lô).
36. Vũ Hoằng Tổ.武弘祖 (1550-  ? ). Người xã Vân Ổ huyện Yên Sơn.
Thi đỗ Đệ tam giáp ĐTS xuất thân khoa Canh thìn niên hiệu Diên Thành 3 (1580) đời Mạc Mậu Hợp.
(Nay là thôn Vân Ổ, xã Văn Xuân, huyện Yên Lạc).
37. Nguyễn Thế Thủ. 阮世守. (1533-  ? ). Người xã Lí Hải, huyện An Lãng.
Thi đỗ Đệ tam giáp ĐTS xuất thân khoa Bính tuất niên hiệu Đoan Thái I (1586) đời Mạc Mậu Hợp.
(Nay là thôn Lí hải, xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên).
38. Dương Tông. . (1544-  ? ). Người xã Linh Quang, huyện Bình Tuyền.
Thi đỗ Đệ tam giáp ĐTS khoa Kỉ sửu niên hiệu Hưng Trị 2 (1598) đời Mạc Mậu Hợp).
(Nay là thôn Cao Quang, xã Cao Minh, thị xã Phúc Yên).
 


DANH SÁCH CÁC PHÓ BẢNG TRIỀU NGUYỄN
(chép trong sách Quốc triều Khoa bảng lục” .VHv.640)
1. Hoàng Hữu Tài黃有財. (1828-  ? ). Người xã Vân Cốc, huyện Bạch Hạc, tỉnh Sơn Tây.
Thi đỗ Phó bảng khoa Nhâm tuất niên hiệu Tự Đức 15 (1862).
(Nay thuộc về vùng xã Đại Tự huyện Yên Lạc. Có sách viết nay là thôn Vân Cốc xã Vân Nam, huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Các nhà khoa bảng Việt Nam”. Trang 856 là nhầm lẫn).
2.  Nguyễn Đức Kì. 阮德祺. (1830-  ? ). Người xã Đông Mẫu huyện An Lạc, tỉnh Sơn Tây.
Thi đỗ Phó bảng khoa Ất sửu niên hiệu Tự Đức 18 (1865).
(Nay là thôn Đông Mẫu, xã Yên Đồng, huyện Yên Lạc).
3. Phan Duy Bách. 潘惟柏. (1845-  ? ). Người xã Kiên Cương, huyện Bạch Hạc, tỉnh Sơn Tây.
Thi đỗ Phó bảng khoa Kỉ sửu niên hiệu Thành Thái I (1889).
(Nay là thôn Kiên Cương, xã Ngũ Kiên, huyện Vĩnh Tường).
Tổng sô:
1. Danh sách các TS người tỉnh Vĩnh Phúc triều Lê có trong bia Văn miếu Hà Nội hiện nay:   43vị.
2. Danh sách cac TS người tỉnh Vĩnh Phúc triều Nguyễn có trong bia Văn miếu Huế hiện nay:    04 vị.
3. Danh sách các TS triều Lê – Mạc  chép trong các sách Đăng khoa lục Việt Nam (tư liệu Viên Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội:    38 vi
4. Danh sách các vị Phó bảng triều Nguyễn:   03 vị.
Tổng số có 88 vị .
                      Sơn Đông. LÊ KIM THUYÊN