Thứ Sáu, 3 tháng 10, 2014

Bài ca địa mạch xã Thượng Trưng huyên Vĩnh Tường.



BẢN XÃ ĐỊA MẠCH QUỐC ÂM CA.
本社地脈國音歌

Lời dẫn: Bài ca địa mạch là một thể loại văn học thuộc ngành văn học dân gian, tuyên về mạch đất, hình thế sông núi, phong cảnh quâ hương, hình thái sinh hoạt của một làng. Hay còn có tên là “Mục lục văn”, chữ “Mục lục” có nghĩa là ghi chép riêng những chương tiết trong một thư tịch, một văn bản. Do tập thể làng xã, hoặc do người có uy tín văn học biên soạn, được làng xã xử dụng. Xuất phát từ đó, ở các làng xã tỉnh Vĩnh Phúc có một loại hình văn hóa đọc, là các bài văn “Mục lục” tuyên về sự tích các vị thần, về phong thổ của làng mình, thường được tổ chức thi đọc vào mùa xuân trong dịp lễ hội làng ở các di tích như đền, miếu, đình. Cuộc thi có thưởng, giải của làng.
Người dự thi là các nam thành viên trong làng, nhất là thanh thiếu niên tuổi học trò. Ban giám khảo là thành viên các bô lão, các chức việc trong làng, nhất là các bậc cao niên túc học.
Nhận thấy đây là một phong túc tốt đẹp, thể hiện trình độ văn hiến cao và sự thẩm mĩ tinh tế của các làng xã Vĩnh Phúc, bài đầu tiên về đề mục này, chúng tôi giới thiệu về xã Thượng Trưng. dưới đây là toàn bài.
          1. Xem dân xã trong miền phủ Vĩnh.
    Thượng Trưng ta phong cảnh nhiệm mầu.
    Kể từ Hùng Lạc (1) bấy lâu
    Tả hà (2)vẫn tiếng Phong châu (3)còn truyền.

           2. Ta xã lớn đứng trên đầu tổng (4)
     Số người nhiều đất rộng bao la
    Dân thôn chia ở làm ba
    Đình chùa miếu mạo coi là chính long.

           3. Qua cầu Giót (5) trông sang Lâm mới (6)
    Hai “tích” ngoài giáp giới Đan Giang.(7)
    Cửa đình thần bút Lâm giang (8)..
    Anh hoa nét bút khoa tràng đã lâu.

           4.Văn vẫn nhớ từ đầu Lê trước
    Phát khoa danh quan tước ầm ầm
    Đại khoa cờ biển có năm
    Bốn mươi hương cống (9), hai nhăm sinh đồ (10).

          5. Mười hai kiểu hậu Nho để lại
    Chiếu la kinh hồ hởi long châu
    Kể trong các họ thì nhiều
    Bùi, Lê, Phí, Nguyễn vẫn đều thịnh hơn.

6. Kià nhà nước có cơn bĩ thái
    Cây gỗ tròn vững trãi không sao
    Trước đền cảnh cấn thanh tao
    Hồ trong trẻo nước, sen ngào ngạt hoa.

7 Chùa (11) đứng trong ba tòa Phật ngọc
   Khắp trong ngoài đại tự đối liên
    Lầu chuông, gác trống đôi bên
    Khách thì bút mực, sư truyền kệ, kinh.

8. Ngoài Văn chỉ địa hình quý nữa
    Bút kề nghiên bảng cửa trông sang
    Dân ta sở tại đèn nhang
    Xuân thu huyện tế, lệ thường tự xưa.

9. Mấy quan lớn phong quyền chánh sứ,
    Ruộng mấy tiền cấp để cho dân
    Làm ân, ân lại nhớ ân
    Năm hai lần tế trước sân nhà thờ.

10. Ngả tư mới bây giờ họp chợ
      Cửa hàng trông sang cửa quán Đề (12),
     Ngày phiên nô nức tứ bề
     Nhiều người đông chợ đi về cũng vui.

11. Đường thiên lí tiện người xe ngựa
     Thẳng một thôi xuống thẳng phủ thiềng (thành)
     Qua cầu quán Giáp (13) thôn Chiềng (Trình) (14)
     Có chùa chuông đứng chênh vênh giữa đồng.

12. Giời sớm tối mây lồng cửa tuệ (15)
      Vãi cứ tuần tiến lễ dâng hoa
     Đầu dân thẳng xuống trông ra
     Anh linh lại có ông bà quán Đơi (16).

13. Cây cổ thụ đứng phơi mặt gió
     Giếng “tràng sinh” soi tỏ bóng giăng
     Gần xa lễ bái hương đăng
     Cầu con, cầu được thêm mừng lắm con.

14. Trong dân giảng bốn thôn từ trước,
     Rằng: đông. Nam, Đoài, Bắc rành rành
     Ruộng thờ cho chí ruộng binh
     Công bi, công thổ cũng đành chia tư.

15. Bề ngôi vọng nhất Tư văn hội (17)
     Nghị võ hàng còn dưới quan viên
     Hăm nhăm ra lễ tiên điền
     Mấy yên cõi thọ bước lên dần dần.

17. Mười năm cứ một tuần lên thọ (18)
     Rượu chè trong giầu có tùy nghi
     Thanh bình dù họa có khi
     Tháng giêng mở đám lắm nghề trò vui.

18. Thuyền lợn gạo đem phơi mặt nước
     Lửa kéo lên được trước là may
     Mâm chay, cỗ mặn đặt bày
     Bên kia Đoài Bắc, bên này Đông Nam.

19. Cây mấy đuốc sắp cơm thi nấu
     Chật sân đình có giấu ai đâu
     Giả hình đội mũ lên đầu
     Táo chù, chấu chạch, tớ hầu , thầy sai.

20. Đất xã có, người tài vẫn có
     Văn đã hay mà võ cũng hay
     Ông Trần Khoan (19) trước ra tay,
     Giấu nuôi con phượng, toan nay thành rồng.

21. Ông Quận ác ách hàng trăm trận
     Ngọn cờ quay gió thuận về triều
     Sơn Tây phó lãnh quyền cao
     Vượn quên rừng Sở (20), chim vào lưới Thang (21).

22. Người tổng lí theo đường quan chính
     Mảnh giấy vàng tước lệnh ân vua.
     Họ Bùi có cụ Cai xưa
     Thay quyền đánh giặc sức đua trận tiền.

23. Sau ông Đội con hiền lại nối
     Trong tổng nhà gặp hội binh qua
     Giặc đâu vô số đằng hà
     Cắm cờ thu phục, phủ nhà lại yên.

24. Người phúc hậu, uy quyền cũng gớm
     Sớ tâu cho “lục phẩm”, quận công.
     Lính xưa về trại hữu hùng
     Kẻ “cai”, người “đội” đều cùng làm nên.

25. Trông đúng mực bề trên huynh trưởng
     Dưới con em kính trọng một niềm
     Giữ gìn trong ấm, ngoài êm
     Có xô xát cũng không hiềm thù nhau.

26.Người thi cử đeo bầu cắp ống
    Chí cũng mong ông Cồng (22), ông Nghè (23)
     Quan trường đã hẹp phép phê
     Tài cao, đỗ muộn phá nghề cũng hay.

27. Lò “đúc” trẻ chốn này, chốn khác.
      Sẵn câu văn đài các dạy cho
      Nho nhe cũng lắm thầy Nho
      Nhưng không đến nỗi đô đô trượng hình.

28. Nhà giàu có đàn anh, đàn chị
      Con giai có chí khí ra tuồng
      Chê người tính nết huênh hoang
     Không xin đơn, nói  một gang đến giời.

29. Người cơ kiệm ăn chơi mọi vẻ
      Kẻ bán buôn sỏi mẽ kiếm tiền
      Làm ăn gái cũng cân quyền
      Áo khăn quê kệch càng nhìn càng xinh.

30. Một hai ả xuân tình cũng có
      Bởi vì ai quen gió rung cây
     Trai ta cũng lắm nghề hay
     Chèo thuyền ngư, phủ ra tay vững vàng.

31.Lọng ngang trời ra tay đạp đất
     Chí giang hồ chẳng chấp chi ai
     Tôm, cua, chắm, chép mọi loài
     Dậm cho xầy vảy, tay mai cũng chờn.

32.Kìa nói đến thợ sơn cũng khéo
     Tốt vàng son thiếp kiệu, cỗ ngai
     Bùa thiêng dẹp quỷ nên tài
     Pháp môn phù thủy, nhiều người cao tay.

33.Suy thế sự hàng xay sáo cả
     Nghề chỉ thường mà hóa vẻ vang
     Đôi tầng quang máy âm dương
     Vận lương nhà có chuyển lương nhà nghèo.

34.Được lờ lãi nuôi heo chật cũi
     Nhờ Thổ công miệng với ra tiền
     Rồi ra kể đến tư điền
     Bốn trăm tư mẫu dưới trên cấy cày.

35.Năm Tân hợi (1851) nhớ ngày vỡ nước
     Nước sông vào thêm được bồi cho
     Đồng làm chẳng tốn công phu
     Mỗi năm hai vụ lúa ngô đầy nhà.

36.Trong lại có ao quà một mé
     Bước chân ra quà mẹ, quà con.
     Bởi vì muống tốt, cần non
     Cua mông đất mọc dễ bàn tiền mua.
 
37. Thọ Trưng vốn từ xưa phụ ấp.
     Chiếu “Tư văn” năm giáp ngồi chung
     Đến khi tăng giảm binh nhung
     Phải thêm một lính vùng vằng lẩy ra.

38. Đức Bác (25) có dân ta lập trại
     Đời Cảnh Hưng (26) kể lại xa gì
     Bây giờ các họ, các chi
     Người thì văn học, người thì hào hoa.

39. Vui phong thổ (27) lắm nhà thanh lịch
     So trong vùng Lập Thạch kém ai
     Ơn trên rậm của rậm người
     Quê hương đất Tổ vẫn mùi hoa sen.

40.Trên mái nóc tiếng truyền mãi đó.
     Từ cha ông cụ mọ về sau
     Cùng dân ta lại mấy nhau
     Đường ăn, lối ở lấy câu ân tình.

41. Nay bốn bể văn minh gặp hội
     Cái trí khôn mang tới kịp người
     Già thời cưỡi ngựa rong chơi
     Sinh con thì phải tìm nơi học hành.

42. Người có chí công danh hẳn có
     Bước thân hào từ đó bước ra
     Đêm thu bày tỏ trăng ngà
     Ngẫm xem phong cảnh ngân nga một bài.

    Soạn năm Duy Tân Giáp dần (1914). Ngày mùng 07 tháng 8.
                     LÊ KIM THUYÊN sưu tầm
-------------------
Chú thích.
Bài này được sưu tầm năm 1992, tại xã Thượng Trưng huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.
1. Hùng lạc: Thời đại lịch sử dài 2622 năm (2879 – 258 Tcn), thuộc họ Hồng Bàng, quốc hiệu Văn Lang, kinh đô Phong Châu. (Việt Trì).
2. Tả hà: Bờ bên trái sông Hồng.
3. Phong Châu: Nay là huyện Vĩnh Tường.
4. Tổng: Đơn vị hành chính triều Nguyễn, cấp thứ 5 trên xã, dưới huyện.
5. Cầu Giót: Cây cầu ở xã Thượng Trưng.
6. Lâm mới:  Còn gọi là “tích” Lâm, một xóm mới lập vào cuối đời Lê.
7. Đan Giang: Tên cũ là Đan Dương, nay thuộc xã Phú Thịnh, cùng huyện.
8. Lâm Giang: Tên đọa sông chay ra tích Lâm. (“tích” ở Thượng Trưng nghĩa là khu dân cư như thôn, xóm).
9. Hương cống; Danh hiệu đõ thi Hương triều Lê, cử nhân triều nguyễn.
10. Sinh đồ: Danh hiệu thi đỗ bảng phụ triều Lê, tú tài triều Nguyễn.
11.Chùa: Chùa Bảo Quang . Nay đã xếp hạng di tích cấp Quốc gia.
12.Quán Đề, tên quán ở xã Thượng Trưng.
13.Quán Giáp,. Tên quán ở xã Thượng Trưng.
14.Thôn Trình, một thôn của xã Thượng Trưng.
15.Cửa Tuệ: Cửa Phật.
16. Quán Đơi: Cũng có tên là xóm Cá Đối, thuộc xã Thượng Trưng.
17. Hội Tư văn: Hội ở làng, chuyên lo việc giữ gìn lễ nhạc, chế đọ đạo thống của thánh nhân xưa truyền lại.
18. Thọ: Theo tục lệ xưa, người 50 tuổi bắt đầu được tính vào sổ thọ (sơ thọ); 60 tuổi là “trung thọ”; 70 tuổi là “thượng thọ”;, 80,90 thuổi là “thượng thượng thọ”. 100 tuổi là “thiên tước”, tuổi giời.
19. Tuần Khoan: Nhân vật ở xã Thượng Trưng, chưa rõ sự tích.
20.Rừng Sở: Tích xưa ở Trung quốc, vua Sở mất con hươu, mà rừng nước Sở trụi hết, rừng hết vì tìm hươu.
21. Lưới Thang: Vua Thành Thang nhà Thương (1783 – 1754 Tcn), diệt vua Trụ rối lập vương triều Thương.
22. Cống: người đỗ khoa thi Hương.
23. Nghè: Người đỗ khoa thi Hội thi Đình đỗ tiến sĩ.
24. Tân hợi: Năm 1851, đê sông Hồng vỡ ở xã Thượng Trưng.
25.Đức Bác: Nay thuộc huyện Sông Lô.
26. Cảnh hưng: Miếu hiệu vua Lê Hiển Tông (1740 – 1786).
27. Phong thổ: Phong tục và thổ nghi của một địa phương, một vùng đất.