ĐỌC HOÀNH PHI CÂU ĐỐI CỔNG ĐỀN HÙNG
VƯƠNG XÃ HI CƯƠNG TỈNH PHÚ THỌ
Lê Kim Thuyên
Trong tổng công trình đền
đài núi Nghĩa Lĩnh thôn Cổ Tích xã Hi Cương huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, ngôi
tam quan ngoại (Cổng ngoài) đền Hùng là di tích mới được xây dựng vào đầu thế
kỷ XX do một thương gia ở chợ Đồng Xuân Hà Nội là bà Phạm Thị Thịnh cung tiến
vào năm 1918. Tuy là một công trình mới, nhưng tâm thức đền Hùng Vương và Quốc
Tổ thời quốc gia Văn Lang đã hội nhập và hoàn thiện nhanh chóng, làm thành một
hoà đồng trong tổng thể công trình xuyên suốt không gian và thời gian từ trên
2000 năm lịch sử thờ cúng.
Tâm thức được thể hiện
bởi 4 chữ đại tự là biểu tượng của hoành phi cùng 2 đôi câu đối khắc bên cổng.
Bức hoành phi là:
高山景行
Cao Sơn cảnh hạnh
Câu đối là:
Câu 01.
拓始開基四顧山河歸版籍
登高望遠群峰羅列似兒孫
Đọc là:
Thác thủy khai cơ tứ cố sơn hà quy bản
tịch
Đăng cao vọng viễn quần phong la liệt
tự nhi tôn.
Nghĩa:
Mở lối đắp nền, ngoảnh lại bốn bề núi sông ngày mới dựng
Lên cao nhìn khắp, nghìn trùng đồi núi cháu xum vầy.
Câu 02.
登者係遐思萬古江山締造始
佳哉猶旺氣千秋城郭鬱蔥間
Đọc là:
Đăng giả hệ hà tư vạn cổ giang sơn đế
tạo thủy
Giai tai do vượng khí thiên thu thành
quách uất thông gian.
Nghĩa:
Ghi vào đi, để muôn đời nhớ non sông ngày mới dựng
Khắp nơi đều khí tốt, nghìn năm thành quách vẫn như xưa.
Riêng về bốn chữ lớn
trong bức hoành cho đến ngày hôm nay vân có nhiều người đọc dịch khác nhau.
Có người đọc là cao sơn cảnh hành và giải nghĩa theo câu chữ của thơ
“Xa hạt” trong Kinh Thi (Trung Hoa). Nguyên thư trong thơ “Xa hạt” (chương V)
có sáu câu như thế này:
高山仰止 cao sơn ngưỡng chỉ
景行行止 cảnh hành hành chỉ
四牡騑騑 tứ mẫu phi phi
六轡如琴 lục bí như cầm
覯爾新昏 cấu nhĩ tân hôn
以慰我心 dĩ ủy ngã tâm
Trong đó chữ “Cao Sơn ngưỡng chỉ, cảnh hành hành chỉ” được
giải nghĩa tóm tắt như sau: Núi cao thì có thể ngẩng trông lên. Con đường to (Cảnh
hành) thì có thể đi được.
Đó là bài mô tả về nỗi lòng vui sướng của Chu Văn Vương khi
đi gặp người mình yêu dấu trước đêm tân hôn, thuộc về văn hóa Trung Hoa đời cổ,
không liên quan gì đến thời Hùng Vương và văn hóa Việt Nam.
Cũng câu ấy, trong sách “Lễ Kí tạp thuyết” của Chu Hy (Triết gia Trung Quốc thời Nam Tống 1127-1279) lại lí giải
là : “ Núi cao thì để người ta ngưỡng
trông. Bậc có đức hạnh lớn thì được người ta xem như khuôn mẫu mà noi theo”.
(Kinh Thi. Bản dịch
tiêng Việt, NXB Đà Nẵng năm 2003. Trang 498. Dịch giả Tạ Quang Phát). Như vậy
là trong giới nghiên cứu văn học Trung Quốc cổ điển đã có 2 cách đọc và hiểu 2
cách khác nhau. Xét ra như thế, theo cách lí giải của Chu Hy thì câu này phải đọc
âm Hán Việt là 行
Hạnh: “Cao Sơn
ngưỡng chỉ, cảnh hạnh hành chỉ”.
Bởi vì chữ “行” khi phiên
âm Hán Việt có 3 âm tự khác nhau và nghĩa giải cũng rất khác nhau. Đọc âm là
“Hành” thì là một động từ chỉ động tác “đi-chuyển động”. Đọc âm là “Hàng” thì
là một trạng từ chỉ sự thứ tự trong bày đặt như “Hàng ngũ”, “Ngân hàng”, hoặc
là “ Hàng phục”… Đọc là “Hạnh” chỉ sự
nết na, đức hạnh, đó là từ chỉ về phẩm chất đạo đức của người.
Trong bộ từ điển Hán Việt của mình, cụ Đào Duy Anh (Xem “Hán Việt từ điển giản yếu” – Quyển thượng.
In lại lần thứ hai, Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh năm 1994, trang 92)
trong phần giải nghĩa về chữ “行”
trong mục từ “景行”
tác giả đọc là “Cảnh hàng” (trang 89), chua là “Đường lớn và sáng”, và đọc bốn
chữ này là “Cao Sơn cảnh hàng”
và chua nghĩa là “Ngưỡng mộ người có đức hạnh như núi cao, đường lớn”. (trang
92).
Đến đây có điểm có thể tham góp ý kiến được về âm tự đọc là
“Hàng”, hay “Hạnh”.
Để dễ có cách đọc, cách hiểu, nên có thêm tìm hiểu về chữ “
Cao Sơn”.
Cao Sơn, 高山 nghĩa thông thường
của từ Hán Việt là trạng từ chỉ độ cao của
một quả núi: Núi cao. Từ này trái nghĩa với từ “Đê” 低
là dưới thấp trong từ tiếng Việt chỉ về sự cao thấp. Tuy nhiên, từ “cao sơn”
trong danh từ lại là tên của người có danh hiệu là Cao Sơn.
Mở rộng hơn,Với người Việt Nam thường thì ngoài tên húy (tên thường gọi, tên khai sinh), tên này
do cha mẹ đặt ra khi sinh, thường là một từ Hán Việt ngoài tên “tục” là một tên
thuần Việt. Tên này thường cũng là “tên hèm’. Đồng thời khi lớn lên còn có đặt
tên gọi khác tỏ ra có chữ nghĩa gọi là
“tên tự” (tên chữ) khi vào trường lớp
đi học. Với các vị trí thức còn đặt thêm một tên khác nữa mà ta thường gọi đó
là tên “hiệu”, chữ tên này thường được gắn với từ “Tiên sinh” để tỏ sự kính trọng.
Đến khi vào lúc lâm chung (chết) còn đặt một tên khác nữa theo tục lệ dùng để
khấn trong cúng giỗ gọi là tên “ thụy” hoặc “thụy hiệu”.
Đó là với người bình thường.
Với các bậc hoàng đế, ngoài tên thường gọi, sau khi “băng
hà” (chết) thường được triều thần
truy tôn một danh hiệu tùy theo công trạng. tính cách khi sinh thời của vị
Hoàng đế đó đem thờ cúng nơi thái miếu gọi là “miếu hiệu”. Đồng thời cũng chọn
một số chữ đẹp “Mĩ tự” dâng làm thụy hiệu (tôn
hiệu) cho vị Hoàng đế đó. Thí dụ theo như ghi chép của sử “Toàn thư” hoàng
đế Lý Công Uấn được dâng miếu hiệu là Lý Thái Tổ, còn có các chữ: “Khai Thiên,
Thống Vận, Tôn Đạo, Quý Đức, Thánh Văn, Quảng Vũ, Sùng Nhân, Thượng Thiện, Chính
Lý, Dân An, Thần Phù, Long Hiện, Thể Nguyên, Ngự Cực, Ức Tuế, Công Cao, Ứng
Chân, Bảo Lịch, Thông Huyền, Chí Áo, Hưng Long, Đại Địch, Thông Minh, Từ Hiếu
Hoàng Đế (24 mĩ tự-chữ đẹp) là để truy phong.
Đến nhà Lê, khi hoàng đế Lê Lợi băng hà, rước về táng ở
Vĩnh Lăng tại Lam Sơn, đặt miếu hiệu là Thái Tổ, đồng thời dâng tôn hiệu là :
Thống Thiên, Khải Vận, Thấnh Đức, Thần Công, Duệ Văn, Anh Vũ, Khoan Minh, Dũng
Trí, Hoàng Nghĩa, Chí Minh, Đại Hiếu Cao Hoàng Đế. (11 mĩ tự).
Đó là theo thể chế của triều đình.
Trở lại vấn đề Hùng Vương, các văn bản Ngọc phả còn lại đến
ngày nay đều ghi lịch sử về thời đại này dưới dạng truyền thuyết, truyện kí đều
có tên sách là: CỔ VIỆT HÙNG THỊ NHẤT THẬP BÁT THẾ THÁNH VƯƠNG NGỌC PHẢ CỔ TRUYỀN.
古粵雄氏一十八世聖王玉譜古傳.
Nghĩa là : Tích
xưa lưu lại của bản Ngọc phả chép truyện 18 thời đại họ Hùng nước Việt cổ.
Như bản thần tích của đình xã Hà Lộc, tổng Khải Xuân, huyên Sơn Vi tỉnh Phú Thọ. (Viện nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội AE. a9/27), cùng bản của
đình làng Vân Luông thành phố Việt Trì, bản của đình làng Hoàng Xá Hạ, xã Kim Xá huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, (tư
liệu địa phương điền dã) chép:
- Phần chép về Kỉ Hồng Bàng “Hồng Bàng thị kỉ” 鴻龐氏紀 gồm có Đế Minh, Đế Nghi hiệu nước là Xích Quỷ 赤鬼,
nay là nước Việt Nam
ta.
- Phần chép về Sử kí
nước Việt Nam “Việt Nam sử kí” 越南史記 thống kê từ con
trưởng của Đế Nghi tên húy là Lộc Tục phong là Kinh Dương Vương. Về sau được
phong miếu hiệu là Hùng Dương Vương Cao
Hoàng Thái Tổ Đức Tông Hoàng Đế 雄陽王高皇太祖德宗皇帝.
Các chữ đẹp truy phong là Hùng Vương
Thánh Tổ Cao Thiên Đại Bảo Đức tông Thánh Vương.雄王聖祖高天大寶德宗聖王
trở xuống..
Tiếp đến là Lạc Long Quân tên húy là Sùng Lãm, được miếu hiệu là Hùng Hiền Vương Cao Hoàng Thái Tổ Quốc Tông
Quang Hưng Hoàng Đế 雄賢王高皇太祖國宗光興皇帝, có
các chữ đẹp truy phong là Hùng Vương Đại
Bảo Tiền Hoàng Đế Khai Quốc Hồng Đồ Nam Triều Thượng Thánh Tiền Đại Đế Vương
Thánh Vương 雄王大寶前皇帝開國洪圖南朝上聖前代帝王聖.
Thời đại thứ 3 chép là Hùng Quốc Vương, tên húy là Lân Lang,
l;à vị Vương đứng đầu “bách vương” (trăm
con trai của Lạc Long Quân và Âu Cơ), được lập làm Hùng Vương thư nhất. Kế
đến 15 thời đại về sau đều xưng là Hùng Vương. Thời đại nào cũng chép rõ “miếu
hiệu” tôn thờ và truy phong chữ đẹp cũng để tôn thờ cho thời đại đó. Như miếu
hiệu của vị Hùng Vương thứ nhất lập ra quốc gia Văn Lang là Hùng Quốc Vương Thượng Thánh Tông Nguyên
Triều Hoàng Đế 雄國王上聖宗元朝皇帝
chữ đẹp truy phong là Thánh Tổ Hùng
Vương Nam Thiên Thượng Thánh Tiền Hoàng Đế Khai Quốc Hồng Đồ Đột Ngột Cao Sơn Cổ
Việt Hùng Thị Nhất Thập Bát thế Thánh Vương
聖祖雄王南天上聖前皇帝開國洪圖突屼高山古粵雄氏一十八世王.
Thời đại thứ 4 là Hùng Việp Vương tên húy là Bảo Lang. Miếu
hiệu là Hùng Việp Vương Thần Tông Ân Trạch
Hoàng Đế 雄曄王神宗恩澤皇帝
chữ đẹp truy phong là Hùng
Vương Viễn Sơn Thánh Vương Ân Trạch Phổ Huệ Thánh Vương 雄王遠山聖王恩澤普惠聖王.
Thời đại thứ 5 là Hùng Hy Vương, tên húy là Viên Lang, miếu
hiệu là Hùng Hy Vương Cao Tông Trợ Thắng
Hoàng Đế, 雄曦王高宗助勝皇帝 chữ đẹp truy phong là Hùng Vương Ất Vương Sơn Thánh Vương Trợ Thắng
Công Bình Hoàng Đế 雄王乙王山聖王助勝公平皇帝.
(các bài vị đề vắn tất là Hùng Vương Ất
Sơn)..... đến Hùng Tuyền Vương 雄璿王 (Có nhiều bản khác chép là Duệ Vương 睿王) cộng lầ 18 thời đại.
Như vậy, mỗi thời đại Hùng Vương đều có 2 phần chép:
- Phần chép miếu hiệu.
- Phần chép về các chữ đệp truy phong cho mỗi thời đại ấy.
Trong tín ngưỡng thờ cúng các vua Hùng, 3 cỗ bài vị ở thượng
cung đền Thượng núi Nghĩa Lĩnh có các hàng chữ “Thánh tâm” đề là:
- Bài vị giữa: Đột Ngột
Cao Sơn.
-
Bài vị bên trái: Viễn Sơn Thánh Vương.
- Bài vị bên phải: Ất
Sơn Thánh Vương.
Vây Cao Sơn, Viễn Sơn,
Ât Sơn là mĩ tự truy phong của các đời
sau của 3 thời đại Hùng Vương thứ 3, thứ 4, thứ 5 theo trong sách “Việt Nam Sử
Kí” như kể trên. Không phải là thánh tâm của các vị thần núi với nghĩa là “Núi
cao chót vót”; “Núi xa”; “Núi gần” như tác giả Vũ Kim Biên viết trong sách “LỊCH
SỬ VĨNH PHÚ” (Ty Văn hóa và Thông tin
Vĩnh Phú xuất bản năm 1991 – Trang 34).
Bởi vậy bộ sách “Đại Nam nhất thống chí”, bộ địa chí lớn nhất
của nước ta dười triều Nguyễn ở thế kỉ 19 mới viết trong mục “Đền miếu” tỉnh
Sơn Tây như sau “ Miếu Hùng Vương: Ở trên núi Hi Cương huyện Sơn Vi. Vương là
con Lạc Long Quân, truyền ngôi 18 đời đều gọi là Hùng Vương, đóng đô ở Phong
Châu, đắp thành tại xã Hy Cương, lập cung điện, sau khi mất, dân địa phương lập
miếu thờ; Bản triều năm Minh Mệnh thứ 4 (1823), rước bài vị thờ ở miếu Lịch đại
đế vương (nội cung Huế), còn dân sở tại
thì cấp sắc để phụng thờ).
( Bản dịch tập 4, trang
222, NXB KHXH Hà Nội năm 1971)
Nơi này các sách ngọc phả Hùng Vương chép là “Thượng thần
cung điện” theo tín ngưỡng thờ cúng “tam thần cung”, dân gian gọi tắt là Đền
Thượng, do làng “Trưởng tạo lệ” là “thôn Cổ Tích hương Trung Nghĩa” (sau gọi là làng Nghĩa Cương nay là Hy Cương)
đời đời thờ cúng. Còn “Trung thần cung điện”, dân gian gọi là Đền Trung do làng
Triệu Phú (làng Trẹo) thờ cúng, “Hạ thần cung điện”, dân gian gọi là Đền Hạ do
làng Vi Cương (làng Vi) thờ cúng.
Cũng như ở đền Trung, 3 cỗ bài vị thờ ở đền Hạ có số chữ ở
dòng thánh tâm đều như nhau, được thừa nhận là danh hiệu để thờ cúng Hùng
vương:
Cỗ ở giữa ghi là: Đột
Ngột Cao Sơn Cổ Việt Hùng Thị Thập Bát Thế Thánh Vương.
突屼高山古粵雄氏十八世聖王
Cỗ bên trái ghi là: Viễn
Sơn Thánh Vương.
遠山聖王
Cỗ bên phải ghi là: Ất
Sơn Thánh Vương.
乙山聖王
Đều là mĩ tự truy phong của 3 thế hệ Hùng Vương thờ cúng
trong các ngôi đền ở núi Nghĩa Lĩnh như trên.
Như vây chữ Cao Sơn ở cổng như còn hiên nay không phải nghĩa
chữ là “núi cao”, mà là chữ đầu miếu hiệu của vị hoàng đế Cao Sơn (danh từ).
Còn chữ kế tiếp là chữ kể về tính cách, đức độ của Cao Sơn chép trong thần sắc
đời Hậu Lê phong tặng viết ở dưới như: “Hiển linh. Thống thủy, Điện an, Hoằng tế,
Phổ hóa, Minh túc, Hậu ứng, Quảng huệ, Uy cảm, Diễn đức, Thịnh công, Thánh
vương”. Đó là ghi tóm tắt, trong các đạo
sắc phong của triều Lê hiện còn (Xem “Hi
Cương xã thần sắc”, tư liệu Viện nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội, bản AD a9/21),
còn đạo sắc phong sớm nhất đề ngày 10 tháng 12 năm Vĩnh Khánh thứ 2 (1730) thì trước đó đã có phong cho vị đại
vương Đột Ngột Cao Sơn 突兀高山 79 mĩ tự (chữ
đẹp) thì thấy có chữ thứ 15 là 景行 , đọc là “Cảnh Hạnh”,
nghĩa là “Đức lớn”.
Do vậy, chữ “Cảnh Hạnh”, nghĩa chữ là “Đức lớn” để chỉ công đức
của Hùng Quốc Vương. Toàn câu đọc là Cao
Sơn Cảnh Hạnh 高山景行. Là
để tuyên dương:
Đức lớn của Hoàng đế Cao Sơn là đức của “Người lập quốc” (người
dựng nước) - thành lập nhà nước Văn Lang như sử “ĐẠI VIỆT SỬ KÍ TOÀN THƯ” của sử
tần Ngô Sĩ Liên ghi chép.
Câu này hợp nghĩa với câu đối ở hai bên cổng như đã dẫn ở
trên nói về thời dựng nước.
Sau hiệp định Geneva ,
ngày 10-9-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn Đền Hùng làm nơi gặp gỡ và nói
chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong – Sư đoàn 308, căn dặn về
nhiệm vụ tiếp quản thủ đô. Cuộc gặp mặt của lãnh tụ Hồ Chí Minh với cán bộ, chiến
sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong không phải là sự tình cờ, mà là chủ đích của Người.
Lần đầu tiên, cả chặng đường dài mấy nghìn năm của lịch sử dân tộc, được Người
tổng kết trong một câu nói lịch sử nổi tiếng:
Các Vua Hùng đã có công dựng nước
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước.
Ý nghĩa của câu nói đó đặt nên ý nghĩa của hai thời kì lịch sử
dân tộc:
Đức lớn của thời các Vua Hùng là “Đức Lớn” (Cảnh Hạnh) của thời
dựng nước.
Đức lớn của thời đại Hồ Chí Minh là “Đức Lớn” (Cảnh Hạnh) của
thời giữ nước.
Sơn Đông.
Ngày 07 tháng 6 năm 2014.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét