Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

DANH NHÂN VĨNH PHÚC THỜI MẠC


BÀI THAM LUẬN DỰ HỘI THẢO KHOA HỌC
 Nhà Mạc và hậu duệ trên đất Vĩnh Phúc.
----------------------
DANH NHÂN VĨNH PHÚC THỜI MẠC
                  
           Lê Kim Thuyên
        Nhà nghiên cứu Lịch sử địa phương
        Hội viên Hội Khoa học Lịch sử Vĩnh Phúc.
                                 Hội viên Hội Văn học-Nghệ thuật Vĩnh Phúc.

          Nhà Mạc chính thức có ngôi Hoàng đế với 05 đời vua từ Mạc Đăng Dung niên hiệu Minh Đức năm thứ nhất 1527 đến Mạc Mậu Hợp niên hiệu Hồng Ninh thứ 02 (1592) thì kết thúc. Cộng là 66 năm, không lúc nào không có những nhân vật người tỉnh Vĩnh Phúc đứng trong bộ máy chính trị phò tá. Tuy hiện nay chưa tìm được những danh thần võ tướng có công lao đặc biệt giúp cho các vua nhà Mạc trong thời ổn định 12 năm ở 02 vua đầu là Mạc Đăng Dung và Mạc Đăng Doanh (1527 – 1540) cũng như những năm sau ở thời Nam Bắc triều Lê - Mạc. Nên trong những con người thuộc tỉnh Vĩnh Phúc phục vụ cho triều Mạc chỉ còn tìm thấy danh sách trong nền khoa bảng triều Mạc, chép trong các sách “Đăng khoa lục” triều Lê và tư liệu trong bi kí cũng như phả lục các họ còn ở địa phương làng xã Vĩnh Phúc mà ở hội nghị này chúng tôi tính vào hàng “Danh nhân Vĩnh Phúc thời Mạc” theo đặt hàng của Ban tổ chức.
Phải thừa nhận rằng, ở triều Mạc thời vua nào cũng tổ chức được các kì thi đại khoa để kén chọn người tài năng phục vụ cho triều đại mình. Từ năm Mạc Đăng Dung lên nắm quyền cai trị đất nước mở khoa thi đại khoa đầu tiên vào năm Minh Đức thứ 03 (1529) đến năm Mạc Mậu Hợp tổ chức khoa thi cuối cùng vào năm Hồng Ninh thứ 02 (1592) trong vòng 64 năm đã tổ chức được 22 khoa thi TS, số lấy đỗ được là 483 người, trong đó có những nhân tài kiệt suất như TN Nguyễn Bỉnh Khiêm, TN Giáp Hải.  Đáng kể nhất là ở thời của vua Mạc Mậu Hợp (1562 – 1592), tuy phải bôn ba khắp chốn ngoài kinh thành để tranh chấp về chính quyền và quân sự với các vua Lê là Anh tông và Thế tông nhà Lê ở vào thế ngày càng mòn mỏi, nhưng ông cũng đã tổ chức được 10 khoa thi, số lấy đỗ là 177 người. Cho nên có thể nói, nhà Mạc noi theo quy chế thi cử của nhà Lê và giữ rất đều đặn các khoa thi Hội trong các năm “thìn, tuất, sửu, mùi”, trong khi ấy nhà Lê khoa cử bị đứt đoạn dài tới 29 năm từ 1526, tới năm 1554 dưới triều vua Lê Trung tông Vũ Hoàng đế mới lại tổ chức được khoa “chế khoa” đầu tiên, số lấy đỗ được 13 người.
Tổng số người thi đỗ đại khoa dưới triều Mạc là 16 người.
Người Vĩnh Phúc thi đỗ TS đầu tiên là ông Hà Sĩ Vọng mà các sách ĐKL chép là người xã Bình Sơn huyện Lập Thạch. Thực ra, ông vốn là người xã Tuy Phúc huyện Lập Thạch, có nhà ở xã Bình Sơn. Nay Bình Sơn thuộc về thôn Sơn Cầu xã Như Thụy huyện Sông Lô. Có đôi câu đối ở từ đường họ Hà:
Bách thế lưu truyền, tông tổ thanh bồi lai dã viễn
Nhất đường ca tụng, tử tôn diệc diệp Vĩnh chi Tuy.
Ông thi đỗ năm 22 tuổi khoa Ất mùi niên hiệu Đại Chính năm thứ 06 đời vua Mạc Đăng Doanh (1535). Xuất thân làm quan tới chức Hữu thị lang bộ Lễ (tương đương chức thứ trưởng thứ hai), phẩm trật ở hàng “tòng tam phẩm”. Được phong tước “bá”, lấy một chữ trong tên quê hương ông, đặt là Tuy Lộc bá. Tên ông hiện còn được ghi trên bia TS huyện Lập Thạch “Lập Thạch huyện Văn từ TS bi” (Xem thác bản số 15503, kho bia Viện NCHN Hà Nội).
Người có khoa bảng cao nhất là ông Phạm Du, thi đỗ Bảng nhãn (Đệ nhị giáp TS cập đệ Đệ nhị danh) khoa Đinh mùi niên hiệu Vĩnh Định năm đầu (1547) đời vua Mạc Phúc Nguyên, năm 29 tuổi. Làm quan tới chức Tả thị lang bộ Binh (tương đương thứ trưởng thứ nhất), hàm tòng tam phẩm. Được vinh phong tước “bá”, đặt là Nghi Tuyền bá. Tên ông có trong bia “Bản huyện tiên hiền tính danh khoa thứ kí” là bia TS huyện Yên Lạc dựng năm Minh Mệnh 15 (1834) triều Nguyễn. (Xem thác bản số 14894, kho bia Viện NCHN Hà Nội) đặt trên xứ Đồng Đậu. Ông người xã Tiên Mỗ huyện Yên Lạc, nay thuộc về thị trấn huyện lị huyện Yên Lạc.
Thi đỗ ở hàng Hoàng giáp có 03 người, là các ông Bùi Hoằng, Lê Dĩnh và Dương Đôn Cương.
Đặc biệt có ông Bùi Hoằng người xã Thượng Trưng huyện Bạch Hạc nay là huyện Vĩnh Tường. Ông vốn là di duệ Hoàng tộc nhà Lê, là con trai của Thủ Chính, tên chữ là Thủ Ước, tên hiệu là Đức Trai, cháu nội của Bùi Thủ Chân, vị sơ tổ của họ Bùi ở Thượng Trưng. Theo bản “Tông tộc Bùi gia bảo” còn lưu giữ ở xã Thượng Trưng, thì Thủ Chân là con trai của Cung Vương Lê Khắc Xương, chính là Lê Thủ Chân. Câu truyện về Thủ Chân hơi dài dòng một chút. Số là, vua Lê Thái tông (con Lê Thái tổ húy Lợi) có 04 bà phi:
- Bà cả là Chiêu Nghi Dương Thị Bí sinh ra Lê Nghi Dân.
- Bà hai là Bùi Thần phi sinh ra Lê Khắc Xương.
- Bà ba là thần phi Nguyễn Thị Anh sinh ra Lê Bang Cơ.(vua Lê Nhân tông).
- Bà tư là Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao, sinh ra Lê Tư Thành. (vua Lê Thánh tông).
Năm Nhâm tuất (1442), vua Lê Thái tông băng hà đột ngột tại Lệ Chi viên. Lê Bang Cơ lúc đó mới lên 02 tuổi, được lên ngôi Hoàng đế, đặt miếu hiệu là Nhân tông, bà Anh buông rèm cầm quyền chính, quyết định việc nước. Vì là dòng đích mà không được lên ngôi vua nên mùa đông năm Kỉ mão (1459) Lê Nghi Dân đã giết vua Lê Nhân tông và Thái hậu Nguyễn Thị Anh, tự lập làm vua đặt niên hiệu là Thiên Hưng, phong cho Lê Khắc Xương làm Cung Vương, Lê Tư Thành làm Gia Vương. Các triều thần nhà Lê lúc đó cho là việc phản nghịch, nên đã xướng suất cùng nhau giáng Nghi Dân xuông tước “hầu”, rồi giết chết. Cứ lí thì Lê Khắc Xương đáng lên ngôi vua, nhưng lại có ý kiến muốn đón Tư Thành để lên ngôi. Nhưng rồi lại e cái lỗi bỏ anh lập em như vụ Bang Cơ, Nghi Dân, nên cuối cùng các triều thần cũng đến đón Cung Vương Lê Khắc Xương để lập làm vua, nhưng Lê Khắc Xương đã từ chối. Cuối cùng mới đón Lê Tư Thành lập làm Hoàng đế tức là vua Lê Thánh tông. Rồi do không hài lòng về việc này, nên Lê Thánh tông đã bức hại một số triều thần, lại bức hại cả anh trai mình. Nhân nghĩ đến chuyện xưa, khi Vua Thái tông mới lên 03 tuổi thì bà mẹ sinh là Phạm Thị Ngọc Trần mất, được giao cho  viên giám quan là Bùi Cầm Hổ nuôi dạy. Khi đã là Hoàng đế, Thái tông đã lấy con gái của Bùi Cầm Hổ để trả ơn. Thái tông và Bùi Quý phi sinh ra Lê Khắc Xương ngày 04 tháng 05 năm Canh thân (1440). Bởi vậy Lê Thánh tông mới cho Khắc Xương mang họ Bùi là họ ngoại cũng là việc trả ơn nghĩa, nhưng thực chất là loại bỏ anh trai ra khỏi họ “Hoàng tộc”. Con trai của Khắc xương là Thủ Chân mang họ Bùi từ đó và gọi là Bùi Thủ Chân, trở thành một vị “Hoàng tộc chân đất”.  Bùi Thủ Chân mang mẹ trở về xã Thượng Trưng, huyện Bạch Hạc, trở thành vị sơ tổ của họ Bùi xã Thượng Trưng. Cũng theo “Tông tộc Bùi Gia bảo” kể trên thì ở Thượng Trưng, Thủ Chân sinh 03 con trai là Đức Vĩnh, Thủ Chính, Từ Hạnh. Rồi Thủ Chính sinh ra Đức Trai, tức là Bùi Hoằng vào năm Kỉ tị (1505). Việc một ông dòng dõi “Hoàng tộc”  nhà Lê lại ra thi và làm quan với triều Mạc do đó cũng là việc dễ hiểu. Sau khi thi đỗ ở khoa thi Mậu tuất niên hiệu Đại Chính năm thứ 09 đời vua Mạc Đăng Doanh (1538), Bùi Hoằng được làm quan tới chức Tán trị Thừa chính sứ Thừa tuyên sứ ti trấn Hưng Hóa, phong hàm Gia Hạnh đại phu, ban tước “bá”: An Thủy bá. Dòng họ ông thờ bức hoành phi 03 chữ “hàn mặc hương” cùng đôi câu đối:
Tần tảo chi gia bồi hậu thực
Thư điền vô thuế tử tôn canh.
Đúng là phong vị nhà Nho thanh bần, trong sạch.
Cùng thi đỗ một khoa với ông, còn có Lê Dĩnh, cũng quê xã Thượng Trưng, cùng thi đỗ ở bảng Hoàng giáp (Đệ nhị giáp TS xuất thân) ở danh sách thứ 08 trong bảng năm 27 tuổi. Làm quan đến chức  Thừa tuyên sứ ở trấn Hưng Hóa, phẩm trật hàng tòng tam phẩm. Được vinh ban tước “bá”: Đằng Giang bá. Về trí sĩ, được tặng chức thiếu bảo.
Trong hàng Hoàng giáp còn có Dương Đôn Cương, người xã Vĩnh Mỗ huyện Yên Lạc. Thi đỗ ở khoa cùng với BN Phạm Du năm 22 tuổi, làm quan tới chức Hữu thị lang bộ Hình, hàm tòng tam phẩm. Được phong tước “bá”, đặt là Đam Giang bá. Là cháu nội của Dương Tĩnh TS đời Hồng Đức.
 Cũng ở khoa bảng triều Mạc, thuộc tĩnh Vĩnh Phúc còn có 12 vị nữa thi đỗ ở hàng Đệ tam giáp ĐTS xuất thân, có danh sách như dưới đây:
1. Hà Sĩ Vọng. Như đã kể ở trên.
2. Nguyễn Hoằng Xước. Người xã Lí Hải, nay là thôn Lí Hải xã Phú Xuân huyện Bình Xuyên. Thi đỗ khoa Mậu tuất niên hiệu Đại Chính thứ 09 đời vua Mạc Đăng Doanh (1538). Làm quan tới chức Đề hình Giám sát Ngự sử 13 đạo.
3. Vũ Doãn Tư. Người xã Sơn Đông huyện Lập Thạch, nay là thôn Quan Tử xã Sơn Đông huyện Lập Thạch. Thi đỗ khoa Tân sửu niên hiệu Quảng hòa năm đầu đời vua Mạc Phúc Hải, làm quan tới chức Tả thị lang bộ Lại.
4. Phạm Phi Hiển. Người xã Tĩnh Luyện huyện Lập Thạch, nay là thôn Tĩnh Luyện xã Đồng Tĩnh huyện Tam Dương. Thi đỗ khoa Tân Sửu niên hiệu Quảng Hòa năm đầu (1541) đời vua Mạc Phúc Hải. Làm quan tới chức phó Đô Ngự sử.
5. Tạ Hiển Đạo. Người xã Đinh Xá huyện Yên Lạc, nay là thôn Đinh Xá xã Nguyệt Đức huyện Yên Lạc. Thi đỗ khoa Giáp thìn niên hiệu Quảng Hòa thứ 04 (1544) đời vua Mạc Phúc Hải. Làm quan đến chức Hiến sát sứ, tước Quảng Xuyên bá.
6. Lê Hiến. Người xã Thụ Ích huyện Yên Lạc, nay là thôn Thụ Ích xã Liên Châu huyện Yên Lạc. Thi đỗ khoa Canh tuất niên hiệu Cảnh Lịch năm thứ 03 (1550) đời vua Mạc Phúc Nguyên. Làm quan tới chức Tả thị lang kiêm Đông các Đại học sĩ.
7. Đào Thái (có sách chép là Đào Thái Nhiệm). Người xã Liễn Sơn huyện Lập Thạch, nay là xã Liễn Sơn huyện Lập Thạch. Thi đỗ khoa Canh tuất niên hiệu Cảnh Lịch thứ 03 (1550) đời vua Mạc Phúc Nguyên. Làm quan tới chức Hiến sát sứ ở Hiến ti.
8. Nguyễn Công Phụ. Người xã Lí Hải huyện Yên Lãng, nay là thôn Lí Hải xã Phú Xuân huyện Bình Xuyên. Thi đỗ khoa Tân mùi (1571) niên hiệu Sùng Khang thứ 06 đời vua Mạc Mậu Hợp. Làm quan tới chức Thị lang. Sau khi nhà Mạc mất, ông quy thuận nhà Lê, làm quan tới chức Tham chính.
9.  Hà Nhiệm Đại. Người xã Bình Sơn huyện Lập Thạch, nay là thôn Sơn Cầu xã Như Thụy huyện Sông Lô. Thi đỗ khoa Giáp tuất niên hiệu Sùng Khang thứ 09 (1574) đời vua Mạc Mậu Hợp. Làm quan đến chức Thượng thư bộ Lễ, hàm tòng nhị phẩm.
10. Vũ Hoằng Tổ. Người xã Vân Ổ huyện Yên Lạc, nay là thôn Vân Ổ xã Vân Xuân huyện Yên Lạc. Thi đỗ khoa Canh thìn niên hiệu Diên Thành thứ 03 (1580) đời vua Mạc Mậu Hợp. Khi nhà Mạc mất, ông quy thuận nhà Lê, làm quan đến chức Tham chính.
11. Nguyễn Thế Thủ. Người xã Lí Hải huyện Yên Lãng, nay là thôn Lí Hải xã Phú Xuân huyện Bình Xuyên. Thi đỗ khoa Bính tuất niên hiệu Đoan Thái năm thắ 02 (1586) đời vua Mạc Mậu Hợp. Khi nhà Mạc mất, ông quy thuận nhà Lê, làm quan đến chức Tham chính.
12.Dương Tông. Người xã Linh Quang huyện Bình Tuyền phủ Phú bình trấn Thái Nguyên, nay là thôn Cao Quang xã Cao Minh thị xã Phúc Yên. Thi đỗ khoa Kỉ sửu niên hiệu Hưng Trị năm thứ 02 đời vua Mạc Mậu Hợp. Nhà Mạc mất, ông quy thuận nhà Lê, làm quan đến chức Thị lang.
Kể trên là các nhà khoa bảng triều Mạc, trong đó có 04 vị quy thuận về nhà Lê và đều được nhà Lê cho có quan chức, chứng tỏ khoa bảng nhà Mạc cũng trân trọng như nhà Lê vậy.
Riêng Hà Nhiệm Đại, là một vị TS có tài năng. Ông là nhà thơ có tập “Khiếu vịnh thi tập” lưu hành ở đời là tập thơ “vịnh sử” về nhà Lê, nên còn có tên “Lê triều khiếu vịnh thi tập”. Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội còn có lưu trữ. Về phẩm hạnh, ông và anh trai là Hà Sĩ Vọng khi nhà Mạc mất, các ông trở về quê quán ẩn dấu. sau vì giữ khí tiết, hai anh em ông đã đi trầm chu ở bến đò trên sông Lô, nơi xã nhà. Nay theo người dân địa phương còn lưu truyền rằng những đêm trăng thanh, gió lặng vẫn thấy hình bóng “thuyền Rồng” của các quan dưới đáy sông. Chỗ ấy nay gọi là “Vực Tơm” xã Như Thụy.
                             Sơn Đông. Ngày 27 tháng 7 năm 2012.
                                                  L. K. T.
Tài liệu tham khảo:
* Bài kí đề tên TS khoa Kỉ sửu niên hiệu Minh Đức năm thứ 03 1529).
* Đỉnh khế Đại Việt lịch triều đăng khoa lục.
* Đại Việt sử kí toàn thư. Bản khắc in năm Chính Hòa 18 (1697)
* Bản huyện cựu Lê đại khoa chư tiên sinh qua tước tính danh . Thác bản 16185.
* Lập Thạch huyện văn từ TS bi. Thác bản 15503.
* Bản huyện tiên hiền tính danh khoa thứ kí. Thác bản 14894.
* Tư liệu điền dã địa phương.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét