Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

QUAN ÂM DI PHỤ MẪU THƯ. 觀音貽父母書



         
QUAN ÂM DI PHỤ MẪU THƯ.

       觀音貽父母書

Nênh nỗi chân bèo khách địa
Phận phù sinh liền mấy kiếp thiêu hơi.
Ngậm ngùi gốc tử cố hương
Nhời vĩnh quyết theo cùng dòng mặc lệ.
Khuất mặt gọi để sau làm dấu
Khấu đầu vâng dẫu chước càn thương.
Thưở thác sinh vào chốn hoa thôn
Phận sử mĩ dám lòe hương hiếu kính.
Khi tác hợp nhờ tay nguyệt lão
Bạn lương nhân bao rẽ mực chinh chuần.
Nghĩ một bề trọn đạo nghi gia
Để hai đức đành lòng nguyện thất.
Duyên kết tóc mới nên nhời nguyền ước
Chỉ hồng lá thắm trăm năm
Nỗi cắt râu ai giắt mối oan khiên
Cầu thước sông ô đôi bến.
Cầu ngọc đã đành ngang khúc lượn
Lầu hồng thêm để thẹn gương loan.
Mai chia cành chạnh nỗi phu thê
Chếch méch phòng duyên nghìn dặm nguyệt.
Dâu ngã bóng cảm tình phụ mẫu
Dở dang cửa đức một chồi hoa.
Hẳn sinh xưa chưa vẹn đường tu
Nên nợ cũ còn theo quả kiếp.
Hương mật đảo luống trông vời Bắc đẩu
Tiếng quyên đứt nối buổi tàn canh
Nước Giải Oan còn khơi suối Tây Thiên
Giấc bướm đi về nơi Lạc Thổ
Đã li biệt lỗi cùng nhất nhật
Phải tu hành độ lấy tam sinh.
Tưởng duyên xưa mình vẫn một mình
Cả lòng quyết thay xiêm đổi áo.
Tới cành la bước đường nửa bước
Bạch Thầy xin thắp nến dâng hương.
Mặt vâng chữ Tín là tên
Tài lắng lời răn để dạ.
Bèo bọt chôi về bể Thích
Biết thân này đã biết Phật hay Tiên.
Sồng nâu ngã xuống mầu Thiền
Dành quả ấy phải nguyền non với nước.
Khuyên con trẻ vui về thú tính
Hoa trời già sót đến niềm chay.
Ngẫm cảnh nhà khi chân nhạn khua sương
Hiếu nghĩa đôi đường còn tủi tí
Lắng tiếng kệ thưa chầy Kình nện nguyệt
“Sắc” “Không” hai chữ sẽ nguôi dần.
Thiện căn hằng khuya sớm vun trồng
Phúc ấm hoa mai sau trọn vẹn.
Dưa muối vốn ưa người với cảnh
Dám để hơi trần chướng lọt vào.
Giăng hoa khen nhà khéo sinh con,
Bỗng đem mối phong tình buộc lại.
Nghiệp còn nặng thuyền từ khôn nhẽ chối
Tình có ngay mắt tục dễ ai tin
Phép công hổ tiếng tiều tăng
Giọt nước cành dương bao rửa bụi.
Khoáng cũ nặng lòng sư trưởng
Đoá mây đỉnh Thíu cũng tuôn sầu.
Giắp vạch sòng cho tỏ mặt nhân gian
Song tu chót kẻo thẹn lòng thượng giới.
Rê chân bụi dạn dày sâu tình địa
Rã chiều già dựa mái tam quan
Vốn lòng Thiền chẳng đặng đến chân hương
Niệm Phật bái vào ngôi cửa “tự”.
Bể khổ chìm bao được nỗi Nợ trần trả chửa hai xong
Nhai sương ngâm tuyết chị cho ai
Ngoài chín tháng đôi tau con nhện mọn.
Dãi gió dầm mưa liền mấy kiếp
Rong sáu thu một xác cái ve gầy.
Phôpi pha bao quản cửa Già lam
Tười héo khôn nài cơ tạo hóa.
Cảnh vắng nào Thầy nào Tiểu
Giọt nước đồng thánh thót thưở trăng khuya.
Đèn tàn bên mộ bên con
Mồ hôi đã đầm đìa cơn gió thoảng.
Giấc trần mộng nằm lâu cũng mỏi
Hạn kim sinh biết thế là thôi.
Lỗ sinh nên phải bước bèo mây
Đôi gánh cù lao dồn lại nặng.
Vụng hóa chưa tròn duyên lỗi chốn
Một thư thề oán gửi về không
Đã quen kiếp ấy chốn song ân
Báo biết thân sau vào cửa phúc
Hồn hồ điệp từ nay muôn kiếp
Nước non diệu vợi biết con đâu
Nghĩa minh linh cũng gọi một ngày
Hương khói mai sau đành cháu đấy.
Tình dài ngắn thêm rầu khúc vượn
Đường xa xôi xin mượn cánh hồng.
Lược thuật.
Bài này của tác giả là cụ Nguyễn Mẫn Chi. Theo sách “Địa chí tỉnh Vĩnh Phúc” ( NXB KHXH Hà Nội năm 2012 trang 608 và 801) thì Nguyễn Mẫn Chi sinh năm 1762 dưới thời vua Cảnh Hưng triều Lê, người xã Thụ Ích huyện Yên Lạc, nay là thôn Thụ Ích xã Liên Châu huyện Yên Lạc.
Theo trong gia phả thì cụ Chi (Còn có tên là Liêm) là con trai của cụ Nguyễn Bình Cách thi đỗ Cử nhân đời vua Cảnh Hưng (1740-1786). Vì gia đình có 11 đời khoa bảng liên tiếp nên được nhà vua ban cho bốn chữ: “Gia hương thập thế”. Khi cụ thân sinh mất đi lúc đó cụ Chi mới 27 tuổi, gặp lúc Hoàng đế Tây Sơn Nguyễn Huệ ra Bắc, bạn của cụ lúc đó là cụ Ngô Thì Nhậm tâu với vua Quang Trung tiến cụ lên làm Thượng thư bộ Lễ , nhưng cụ nhất quyết không chịu nhận, chỉ một lòng trung thành với nhà Lê. Rồi cụ tìm nơi lẩn tránh lên làng Vĩnh Mỗ mở trường dạy học, đặt tên trường là “Lạc Trai” 樂齋( vui trong chay tịnh), đồng thời viết bài thơ này để tự ví vào việc cụ Nhậm tiến cử cụ cho vua Quang Trung cũng như cô Thị Mầu buộc cho bà Thị Kính là thông gian.
Bài thơ được truyền tụng qua nhiều người và được khen là hay. Cũng có nhiều ý kiến phê bình. Chỉ duy có cụ nghè Bột người Thanh Hóa (Tức cụ Lê Huy Du sinh năm 1757, người xã Bột Thượng huyện Hoằng Hóa, nay thuộc xã Hoằng Vinh huyện Hoằng Hóa, thi đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân khoa Đinh mùi niên hiệu Chiêu Thống I đời vua Lê Mẫn Đế.1787) có lời phê là xác đáng nhất.
Câu thứ nhất của cụ nghè Bột phê ở đoạn:
Hồn hồ điệp từ nay muôn kiếp
Nước non diệu vợi biết con đâu.
Phê: Thị tử tưởng bất khởi hĩ! 是 子 想 不 起 矣 Nghĩa là: Con đáy biết đến bao giờ. Nhưng âm “Tử” còn có một chữ nữa, viết là “Tử” , chữ này nghĩa là “Chết”, quả nhiên không được mấy ngày thì ông Mẫn Chi ra đi.
Câu phê thứ hai là ở đoạn:
Nghĩa minh linh cũng gọi một ngày
Hương khói mai sau đành cháu đấy.
Phê: Hậu thế kì phục hưng hồ! 後 世 其 復 興 乎 Nghiã là: Đời sau sẽ có nổi lên. Quả nhiên con trai cụ là Nguyễn Văn Thứ thi đỗ Tú tài đời nhà Nguyễn khai khoa ở đời vua Gia Long (1802- 1819). Cháu nội của cụ là Nguyễn Văn Ái thi đỗ Tiến sĩ ở khoa Kỉ tị (1869) đời vua Tự Đức; Chắt của cụ là Nguyễn Văn Chí thi đỗ cử nhân khoa Canh tí (1900) đời vua Thành Thái.
Vì trong sách “Địa chí Vĩnh Phúc” mới xuất bản tháng 12 năm 1912 có giới thiệu ở mục “Nhân vật-lịch sử” giới thiệu về Nguyễn Mẫn Chi, nay tôi giới thiệu tiếp văn phẩm của Cụ để bạn đọc rõ về tư tưởng và phẩm hạnh của cụ, cũng là việc làm có ý nghĩa.
Sơn Đông. Ngày tháng 06 năm 2013.
    LÊ KIM THUYÊN
Hội viên Hội VHNT tỉnh Vĩnh Phúc
   Sưu tầm và giới thiệu.
* Địa chỉ liên hệ:
Thôn Quan Tử, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét