Chủ Nhật, 14 tháng 9, 2014

SÔNG ĐÁY HAY LÀ SÔNG PHÓ ĐÁY Ở TỈNH VĨNH PHÚC ?

SÔNG ĐÁY HAY LÀ SÔNG PHÓ ĐÁY
 Ở TỈNH VĨNH PHÚC ?
                           
  Kim Thuyên.

 Nhìn bản đồ tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay, trên bình địa có một hệ thống 04 sông chảy qua.
1. Về phía tây có sông Lô thượng nguồn từ Tuyên Quang chảy về, vào địa giới tỉnh ở xã Bạch Lưu (Sách “Địa chí tỉnh Vĩnh Phúc” NXB KHXH năm 2012 trang 23, dòng 24 chép lầm là xã Quang Yên. Thực chất là xã Quang Yên và xã Bạch Lưu đều là các xã địa đầu của tỉnh Vĩnh Phúc về phương tây bắc, nhưng xã Quang Yên ở vào phía trong, không có sông), qua  08 xã của huyện sông Lô là Đôn Nhân, Phương Khoan, Tam Sơn, Như Thụy, Yên Thạch, Tứ Yên, Đức Bác, Cao Phong, rrồi tiếp đến xã Sơn Đông huyện Lập Thạch, qua xã Việt Xuân huyện Vĩnh Tường thì đổ vào sông Hồng ở nơi Ngã Ba Hạc (Bạch Hạc).
2. Phía tây nam có đoạn sông Hồng (tức sông Bạch Hạc cũ) ôm bọc lấy từ xã Việt Xuân cùng 07 xã là các xã Bồ Sao, Cao Đại, Phú Thịnh, Lí Nhân, An Tường, Vĩnh Thịnh, Vĩnh Ninh; Cùng 04 xã nữa của huyện Yên Lạc là Đại Tự, Liên Châu, Hồng Châu, Trung Hà rồi phân lưu đổ vào huyện Mê Linh thành phố Hà Nội bắt đầu từ xã Tiến Thịnh.
3. Sông Nguyệt Đức (còn gọi là sông Cà Lồ), dòng sông chảy trong nội hạt tỉnh. Khởi nguồn là phân lưu của sông Hồng, tách ra ở xã Trung Hà huyện Yên Lạc cùng các chi lưu của nó đáng kể như sông Phan đầu nguồn ở xã Hoàng Đan huyện Tam Đảo, sông Cầu Bòn…..tạo thành hệ thống sông ngòi dài tới 86 km theo hướng tây bắc đông nam rồi đổ vào sông Cầu ở thôn Lương Phúc xã Việt Long huyện Sóc Sơn thành phố Hà Nội.
4. Cuối cùng là dòng sông Đáy, một dòng sông được nhà bác học chép Lê Quý Đôn chép trong sách “Kiến văn tiểu lục”, sách “Đại Nam nhất thống chí” dẫn trong mục sông núi tỉnh Sơn Tây như sau: “Sông Đáy phát nguyên từ địa phận huyện Đương Đạo (nay là Sơn Dương), tục gọi xứ thành Cóc, Cửa Vua, ở đây có dãy núi như cái cầu chắn ngang, nước sông luồn trong núi chảy ra, hạ lưu chảy qua địa phận các xã thuộc huyện Sơn Dương, đến địa phận xã Lữ Lương, chảy xuống địa phận các xã Sen Hồ, Tĩnh Luyện. Man Thượng, Man Hạ, Đại Hỉ, Triệu Tống, Đông Mật và Phú Hậu rồi chảy ra sông Cái, hợp với ngã ba Bạch Hạc”.
( Bản dịch. Tập 04. Nhà XB KHXH. Hà Nội 1971. Trang 209).
Xin chú giải như sau:
- Xã Lữ Lương theo sách “Các tổng xã danh bị lãm” viết vào đầu đời vua Gia Long (1802-1819) là thuộc tổng Lữ Lương huyên Tam Dương phủ Đoan Hùng trấn Sơn Tây, nay là thuộc xã Yên Dương huyện Tam Đảo.
- Xã Sen Hồ, nay là thôn Sen Hồ xã Thái Hòa huyện Lập Thạch.
- Xã Man Thượng, Man Hạ  thuộc tổng Bình Hòa huyện Lập thạch, nay là thôn Tây Thượng xã Liên Hòa và thôn Tây Hạ xã Bàn Giản.
- Xã Đại Hỉ nay là thôn Đại Lữ xã Đồng Ích.
- Xã Triệu Tống nay là thôn Triệu Xá xã Triệu Đề.
- Xã Phú Hậu nay là thôn Phú Hậu xã Sơn Đông.
Đều thuộc huyện Lập Thạch.



                                          Sông Đáy đoạn chảy ở trên cống Cầu Triệu làng Triệu Xá (Triệu Tống)

Cuối cùng thì trong phần “Phụ lục”  về “Các dòng sông lớn của nước ta” của sách “Đại Nam nhất thống chí” các tác giả đã viết: “ Sông Đáy thì nguồn tự sông Tiên tỉnh Thái Nguyên, qua Định Châu, huyện Văn Lãng mà vào huyên Sơn Dương, xuyên qua núi mà làm sông Đaý, qua các huyện Tam Dương, Lập Thạch mà vào sông Lô”. (Bản dịch tập 5. Nhà xuất bản Thuận Hóa, 1997,  trang 260).
Tuy nhiên, trong tờ bản đồ hành chính tỉnh Vĩnh Phúc 1950-1954, in trong “Địa chí Vĩnh Phúc” năm 2012, trang 148 con sông này lại đề danh là “sông Phó Đáy”. 
 Bản đồ hành chính tỉnh Vĩnh Phú 1968- 1996, in trong “Địa chí Vĩnh Phúc” năm 2012, trang 149 cũng đề danh là “ sông Phó Đáy”.
 Địa chí tỉnh Vĩnh Phúc (Sơ thảo) của Nguyễn Xuân Lân do Sở VH –TT xuất bản năm 2000 chép về con sông này như sau:
“Sông Phó Đáy phát nguyên từ Bắc Cạn, chảy qua Tuyên Quang… vào Vĩnh Phúc từ xã Quang Sơn (Lập Thạch) ở bên bờ phải và xã Yên Dương ở bờ bên trái, chảy giữa huyện Lập Thạch (bên phải) và hai huyện Tam Dương, Vĩnh Tường (bên trái) dài 41,5 km rồi đổ vào sông Lô, giữa xã Sơn Đông ( Lập Thạch) và xã Vệt Xuân (Vĩnh Tường) phía trên cầu Việt Trì độ 200m”. (Trang 76)
Theo trong thực tế thì hầu hết toàn bộ các loại hình văn bản dùng trong tỉnh Vĩnh phúc hiện nay đều có đề danh về con sông này đều là “Sông Phó Đáy”; Vậy là có sự thay đổi về tên (địa danh) của một dòng sông lớn của tỉnh Vĩnh Phúc có từ rất lâu đời, nhưng chưa hề có giải thích nguyên nhân và công bố quyết định đổi tên trong lịch sử.
Điều băn khoăn đó đã khiến chúng tôi tự đặt cho mình một cuộc truy tìm lại về tên của con sông quê hương có trong lịch sử, và được biết:
Tên sông Đáy (Nguyên thư chép là Để Giang. 底 江)  do chữ  “Đ nghĩa là “Đáy. Các văn bản xưa chép bằng chữ Hán là “Để Giang”, còn trong giao dịch bằng lời thì gọi là “Sông Đáy”.
A.Tìm lại trong kí ức địa phương.
1.Trong các thư tịch cổ địa phương các làng xã.
          Tuy chưa xác định được tên “Để Giang” xuất hiện lần đầu tiên trong văn bản nào, song Sông Đáy trong ngọc phả đền Đuông xã Bồ Sao huyện Vĩnh Tường tọa lạc bên tả ngạn sông, có đoạn chép theo nguyên thư như sau:
…..峰州地有底江近堆邊由被洪水崩破穿至山陽登道皆被水勢簇溢禾穀害多其蒲梢豔春涼臺各庄地界田近江界源入葚其崩破大害人民驚走禾穀皆崩.王即日飭東海官郎與安江二部水官禦洪水在江頭處即底江與瀘江直入白鶴三江水口交來峰州城辰底江一支穿入直破崩裂蒲梢涼臺豔春地脈界透入三島山即青龍本支也.
Phiên âm:
…Phong Châu địa hữu cận Để Giang đôi biên do bị hồng thủy băng phá xuyên chí Sơn Dương, Đương Đạo giai bị thủy thế thốc dật hòa cốc hại đa kì Bồ sao, Diệm Xuân, Lương Đài các trang địa giới điền cận giang giới nguyên nhập thậm kì băng phá đại hại, nhân dân kinh tẩu, hòa cốc giai băng.
Vương tức nhật sức Đông Hải quan lang dư An Giang nhị bộ thủy cung ngự hồng thủy tại giang đầu xứ, tức Để Giang  dữ Lô Giang trực nhập Bạch Hạc giang tam giang thủy khẩu, giao lai Phong Châu thành. Thời Đẻ Giang nhất chi xuyên nhập trực phá băng liệt Bồ Sao, Lương Đài, Diệm Xuân địa mạch giới, thấu nhập Tam Đảo sơn tức tả thanh long bản chi dã.
Nghĩa:
Ở đất Phong Châu liền con sông Đáy, miền bờ sông thường bị nạn lũ lớn phá hại. Các miền từ huyện Sơn Dương, Đăng Đạo, Tam Dương đều bị nước lũ mạnh nhiều lần làm hại hoa mầu, nhất là ở các trang Bồ Sao, Diệm Xuân, Lương Đài do gần bờ sông, nên lại càng bị phá hại thậm tệ. Nhân dân ở đó kinh hãi bỏ chạy, mọi thứ lúa mầu đều hỏng hết.
 Một ngày kia, nhà vua mới sai hai vị là Đông Hải Quan cùng với An Giang Quan là hai vị thủy quan đi ngăn chặn nạn lũ lụt tận đầu nguồn. Tức là  miền sông Đáy, sông Lô chảy thẳng vào sông Bạch Hạc, là cửa của ba sông giao nhau thuộc thành Phong Châu. Có một cho là sông Đáy chảy thẳng vào địa giới của các trang Bồ Sao, Lương Đài, Diệm Xuân. Do ngọn nước chảy xuống từ núi Tam Đảo, là chi “Tả thanh long” của miền này….
Văn bản được soạn vào ngày 25 tháng 02 mùa xuân niên hiệu Hồng Phúc năm thứ nhất (1572) đời vua Lê Anh Tông, do tác giả là Nguyễn Bính phụng soạn. Vào ngày 25 tháng giêng mùa xuân niên hiệuVĩnh Hựu năm thứ 3 đời vua Lê Ý Tông (1737) viên quan Quản giám bách thần tri điện Hùng lĩnh thiếu khanh là Nguyễn Hiền vâng mệnh kiểm lại. Văn bản do niên bát phẩm thư lại là Nguyễn Tiến Đức chép lại theo bản chính. (Lưu trữ của Viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội, Số sách là AE. 8/1).
Ngôi đền Đuông này thờ ba vị thần người thời Hùng vương, con thứ 25 của Lạc Long Quân có công trị thủy ở sông Đáy, (Di tích xếp hạng cấp Quốc gia, quyết định số 937/QĐ-BT-1993) nơi có cửa sông đổ vào sông Lô, nên trong đền còn đôi câu đối:
義 嶺 千 秋 鍾 昊 氣     Nghia Lĩnh thiên thu chung hạo khí.
底 江 一 帶 裕 餘  波    Để giang nhất đái dụ dư ba.
Nghĩa:
          Nghĩa Lĩnh nghìn thu hun khí tốt.
Để Giang một dải nước còn đầy.
2. Tìm lại trong văn bản các địa phương làng xã khác nữa.
Vì huyện Lập Thạch là nơi quê hương tôi, cũng đồng thời trong vài năm đi sưu tầm tư liệu địa phương để viết cuốn “Hai bà Trưng và các tướng của Hai Bà trên đất Vĩnh Phúc. Di tích - Sự tích” (Sách đâ xuất bản năm 2003 do ấn phẩm của Sở VH TT – TT) tôi đã có dịp đi lại nhiều lần đọc theo hai bờ sông Đáy, khảo sát tường tận các di tích dọc bờ sông, ghi chép lại tỷ mỉ đều theo các nguyên thư các câu đối trong các di tích là đình, miếu, đền các làng xã ven sông, tính từ thượng lưu ở hai xã Quang Sơn – Yên Dương trở xuống. Rất hay là các di tích đều đã được xếp hạng Lịch sử - Văn hóa, và có kết quả như sau đây:
          A. Thuộc huyện Lập Thạch.
          1. Ở đền Ẩn xã Hợp Lí bên hữu ngạn sông. Di tích thờ về thời hai bà Trưng. (Xếp hạng cấp Tỉnh-Thành phố số 341-1996) Có đôi câu đối viết:
坤 道 栽 培 民 仰 德      Khôn đạo tài bồi dân ngưỡng đức.
底 江 支 派 水 長 流      Để Giang chi phái thủy trường lưu.
Nghĩa:
Đạo Mẹ đắp bồi dân trông đức.
Để Giang chi phái nước còn dài.
2. Ở miếu làng Bến thôn Phú Cả xã Liên Hòa, tọa lạc xáp mép nước, bên hữu sông. (Xếp hạng cấp Tỉnh- Thành phố năm 1993). Di tích thờ về thời Hùng vương thứ nhất, thánh tâm bài vị ghi 4 chữ  danh hiệu 屹 峻 高 山 Ngật Tuấn Cao Sơn Có đôi câu đối:
蒲 嶺  脈 流 千 古 泰     Bồ Lĩnh mạch mưu thiên cổ thái.
底 江 遶 億 萬 年 長      Để Giang nhiễu ức vạn niên trường.
Nghĩa:
Bồ Lĩnh mạch lưu nghìn xưa lớn.
Để Giang vây ức vạn năm dài.
Bồ Lĩnh là đỉnh núi Bồ, tục danh là Bồ Muối, Bồ Gạo hai quả núi cao nhất của địa phương.
B. Huyên Tam Dương.
1. Ở miếu thôn Yên Thượng xã Yên Hòa. Di tích tọa lạc bên tả ngạn sông, thờ về thời hai Bà Trưng. (Xếp hạng Tỉnh-Thành phố năm 2004). Có đôi câu đối:
梁 山 秀 氣 化 香 遠      Lương sơn tú khí hoa hương viễn.
底 水 澄 清 月 色 光     Để thủy trừng thanh nguyệt sắc quang.
Nghĩa:
Lương Sơn cảnh đẹp hoa hương bay xa mãi.
Nước sông Đáy trong lặng trăng sáng trong.
Lương Sơn là tên quả gò có di tích tọa lạc, Để thủy là nước sông Đáy chảy xáp chân gò.
2. Ở miếu Đô Gối. Miếu của thôn Đô Gối, xã Yên Hòa, ngôi miếu thứ hai dọc triền tả ngạn sông, xáp mép nước. Di tích thứ hai về thời hai bà Trưng trong xã.
峙 對 島 山 千 歿 尺      Trĩ đối Đảo sơn thiên một xích.
峽 澄 底 水 月 光 明     Giáp trừng Để thủy nguyệt quang minh.
Nghĩa:
Đối cao Tam Đảo  nghìn lẻ thước.
Giáp lòng nước Đáy trăng sáng trong.
Đảo Sơn là núi Tam Đảo.
3. Ở đền Dầu thôn Tĩnh Luyện xã Đồng Tĩnh. Tọa lạc bên tả ngạn sông. Di tích thờ bà Quốc Mẫu Tây Thiên núi Tam Đảo, thời Hùng vương thứ 07.
油 嶺 鬱 蔥 燈 虎 炤      Du Lĩnh uất thông đăng hổ chiếu.
底 江 澄 浪 疫 龍 騰      Để giang trừng lãng dịch long đằng.
Nghĩa:
Đỉnh Du rậm rạp đèn đang chiếu.
Để Giang sóng lặng bước rồng bay.
Du Lĩnh là đỉnh núi có tên là Du, nơi có di tích tọa lạc.
4. Ở miếu Đức Bà thôn Phù Liễn xã Đồng Tĩnh tọa lạc bên tả ngạn sông. Di tích thờ cúng về thời hai Bà Trưng, (Xếp hạng cấp Tỉnh-Thành phố năm 1900). Có câu đối:
島 嶺  山 寰 鍾 旺 氣     Đảo Lĩnh sơn hoàn chung vượng khí.
底 江 水 遶 溯 源 長      Để Giang thủy nhiễu tố nguyên trường.
Nghĩa:
Đảo Lĩnh núi vòng hun khí vượng.
Để Giang nước quấn tưởng nguồn dài.
5. Ở đình làng Hoàng Vân xã Hoàng Đan. Toa lạc bên tả ngạn sông. Di tích thờ 05 vị thành hoàng là các vị có công trị thủy thời Hùng vương. (Xếp hạng cấp Tỉnh-Thành phố năm 1994). Có câu đối:
底 水 移 山 天 地 造 成 光 景 秀      Để thủy Di sơn thiên địa tạo thành quang cảnh tú.
亭 前 禪 後 古 今 心 想 繼 承 恩      Đình tiền Thiền hậu cổ kim tâm tưởng kế thừa ân.
Nghĩa:
Nước Đáy, núi Di trời đát tạo thành quang cảnh đẹp
Tiền đình, hậu Phật xưa nay tâm tuởng  nối ơn trên.
Di Sơn là núi Di, một quả gò trong làng.
Hoặc như câu:
峙 對 島 山 千 歿 尺
峽 澄 底 水 月 光 明
          Phiên âm:
Trĩ đối Đảo sơn thiên một xích
Giáp trừng Để thủy nguyệt quang minh.
Nghĩa:
           Vót cao ứng Đảo nghìn lẻ  thước
 Sóng dồi một Đáy, ánh  trăng soi.
Như vây là hình tượng con sông Đáy (Để giang) đã thực sự trở thành hình tượng núi sông trong tâm thức các miền đất này.
B.Tìm trong các trước tác là các sách địa li lịch sử.
 Từ thế kỉ 18, năm Cảnh Hưng Đinh dậu (1777), trong tác phẩm “Kiến văn tiểu lục” nhà bác học Lê Quý Đôn đã có viết về sông Đáy (Để Giang 底江), về sau được các sử thần trong Quốc Sử Quán triều Tự Đức (1848  - 1883) dẫn trong sách “Đại nam nhất thống chí” .(Đã dẫn ở đầu trang)
Về sách địa phương chí, ở thời vua Minh Mệnh triều Nguyễn, có sách “Sơn Tây tỉnh chí” 山西省誌 (Không ghi tên soạn giả. Sách của thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội – số đăng kí A. 857) trong mục sông lớn (”Đại xuyên”) tỉnh Sơn Tây (tờ 20b) không thấy chép riêng mục về con sông này. Có thể tác giả cuốn sách cho con sông này là “sông nhỏ” không đáng chép. Tuy nhiên, trong mục các sông lớn, khi chép đến sông Lô, lại có đọan ghi: 瀘江…至立石縣富厚社與底江合. “Lô giang...chí Lập Thạch huyện Phú Hậu xã dữ Để Giang hợp”, nghĩa là : Sông Lô...chảy đến xã Phú Hậu huyện Lập Thạch thì hợp với sông Đáy. Rồi ở mục đầu 彊域夾近 “Cương vực giáp cận” (bờ cõi giáp gianh) của huyện Bạch Hạc (nay là huyện Vĩnh Tường LKT) có chép:  西夾底江 “Tây giáp Để Giang” (tờ 4b) (phía tây giáp sông Đáy). Của huyện Lập Thạch thấy có chép : 東夾底江“ Đông giáp Để Giang” (tờ 5a) (phía đông giáp sông Đáy) rõ ràng có con sông Đáy là gianh giới tự nhiên của hai huyện.
Đến đời vua Tự Đức (1848 – 1883), khi biên soạn bộ sách “Đại Nam nhất thống chí”, các sử thần của Quốc sử quán lúc đó đã dẫn ghi thành một mục về “Sông Đáy” như sau: “ Ở địa phận huyện Tam Dương, phát nguyên từ sông Tiên tỉnh Thái Nguyên, một chi lưu  tách ra, tục gọi sông Đế, chảy qua địa phân châu Định và huyện Văn Lãng đến địa phận huyện Sơn Dương làm sông Đáy, lại chảy về phía đông qua địa phận huyện Lập Thạch chảy vào sông Lô rồi đổ xuống sông Bạch Hạc”. (Bản dịch tập 4, trang 209. NXB KHXH. Hà Nội năm 1971).
 Rồi đến bộ sách địa chí lớn biên soạn vào cuối triều Nguyễn là sách “Đồng Khánh địa dư chí”, bộ Địa chí do quan chức các tỉnh biên soạn theo sắc chỉ của vua Đồng Khánh (1886-1888), một bộ sách được đánh giá là “ một hồ sơ quan trọng của triều Nguyễn, ngày nay đã trở thành một tác phẩm ở vào vị trí cuối cùng của di sản thư tịch cổ Việt Nam về địa lý học” (Ngô Đức Thọ. Bản dịch trang XXV), là bộ địa chí toàn quóc, đầy đủ các tỉnh từ Cao Bằng đến Hà Tiên, trước khi Nam Kỳ lục tỉnh bị thực dân Pháp chiếm làm thuộc địa. Chính vì vậy mà địa danh nhiều làng xã, nhiều tên núi, tên sông còn giữ được các địa danh truyền thống, theo pháp lí nhà nước.
Cuốn sách đã được dịch ra 3 ngôn ngữ là Việt, Anh, Pháp bởi Ban biên tập gồm các vị Ngô Đức Thọ, Nguyễn Văn Nguyên, Philippe Papin, Phan Văn Các, Lê Việt Nga, Dương Thị The và công bố bởi sự ủng hộ nhiệt tình của hai cơ quan là:
- Viện nghiên cứu Hán Nôm, thuộc Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia.
- Viện Viễn Đông Bác cổ.
- Và sự giúp đỡ về tài chính của Quỹ Ford Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Nhà xuất bản Thê Giới Hà Nội năm 2003.
Trong mục “Tỉnh Sơn Tây”, có ghi chép về các “Đường sông”: Kể những sông lớn như sông Lô, sông Thao, sông Hạc, sông Đà. Thứ đến là sông Lôi, sông Đáy, sông Hát, sông Nguyệt Đức, sông Mỹ Giang, sông Chiết Giang.
Xem trang 905 bản dịch tiêng Việt.
 (Mỗi dặm = 720 mét; trượng= 4 mét; thước = 0,4 mét).
Tiếp nữa là con sông Đáy còn được ghi chi tiết trong các mục ghi về sông núi các huyện thuộc lưu vực nó chảy qua.
Với huyện Sơn Dương, có :
Một dòng sông nhỏ tiếp liền với giang phận tỉnh Thái Nguyên, chảy qua địa giới huyện, đến giang phận huyện Lập Thạch. Đó là sông Đáy, dài 50 dặm, rộng 5 trượng, sâu khoảng 1 trượng 2-3 thước.
Xem bản dịch tiếng Việt, trang 960.
Ở huyện Tam Dương thấy có ghi;
Một sông nhỏ tiếp liền giang phận huyện Sơn Dương chảy qua địa giới huyện đến giang phận huyện Lập Thạch. Đó là sông Đáy, dài 8 dặm 15 trượng, rộng 5 trượng, sâu khoảng 1 trượng 2-3 thước”.
Xem trang 936 bản dịch tiếng Việt.
Ở mục “sông núi huyện Bạch Hạc” (huyện Vĩnh Tường ngày nay), cũng có con sông “Một sông nhỏ tiếp liền với giang phận huyên Tam Dương, chảy qua địa giới huyện đến sông Lô. Đó là sông Đáy, dài 22 dặm, rộng 5 trượng, sâu khoảng 1 trượng 2-3 thước.
Xem trang 931 bản dịch tiếng Việt.
Với huyện Lập Thạch thì con sông này được mô tả: Một sông nhỏ tiếp liền với giang phận huyện Tam Dương, chảy qua địa giới huyện, đến sông Lô. Đó là sông Đáy. Sông chảy quanh co, dài 32 dặm, rộng khoảng 5 trượng, sâu khoảng 1 trượng 2-3 thước.
Xem trang 934, bản dịch tiếng Việt.
Như vậy tổng số độ dài chảy qua 4 huyện là 11.640mét.
Cả 4 huyện đều không có tên sông là “Phó Đáy”.
Kiểm tra thêm về tư liệu địa chí các huyện do quan chức địa phương  viết, Tôi xin giới thiệu thêm bộ sách nưã của cụ “kép tú” Vũ Lân,  người xã Sơn Đông huyện Lập Thạch, có viết sách Địa chí về  bản huyện khi đang ở chức quan Huấn Đạo huyện Lập Thạch vào đời Vua ThànhThái (1889–1907).
.

                            Ảnh theo nguyên thư bản chụp của Lê Kim Thuyên về sông Đáy trong sách của Vũ Lân.
Trong mục “Núi sông” của huyện, tác giả Vũ Lân viết:
Sông:
- Sông Lô phát nguyên từ tỉnh Tuyên Quang, chảy qua huyện. Đầu sông chảy vào từ xã Bạch Lưu Thượng, dưới đến xã Phú Hậu.
- Sông Đáy phát nguyên từ tỉnh Thái Nguyên, chảy qua huyện. Đầu sông nơi chảy vào từ xã Sơn Lý. Dưới đến xã Phú Hậu.
Hai sông hợp dòng chảy ra sông Nhĩ Hà (Sông Hồng – LKT).
 Xem Văn bản đăng trong Tạp san” Văn Hóa Vĩnh Phúc” của Sở Văn Hóa Thông Tin Vĩnh Phúc. Số 10. Tháng 6 năm 2997. Số chuyên đề huyện Lập Thạch. Trang 14.
Như vậy là từ văn bản Địa chí Quốc gia đến văn bản Địa chí cấp huyện sở tại đều xác nhận huyện Lập Thạch không có dòng sông nào là “Phó Đáy” (!) cả.
Năm 1999 tỉnh Vĩnh Yên được thành lập, gồm 1 phủ Vĩnh Tường và 4 huyện Bình Xuyên, Lập Thạch, Tam Dương cùng Yên Lạc. Cứ theo như dẫn liệu của các sách Địa chí kể trên thì Lập Thạch, Tam Dương và huyện Vĩnh Tường là vùng đất thuộc lưu vực có con sông Đáy chảy qua.
Từ năm 1999, tổ chức chính quyền cấp tỉnh Vĩnh Yên có tòa Công sứ do công chức người Pháp đứng đầu, có tất cả 21 viên thay nhau bắt đầu từ Công sứ M. M Lome cho đến năm 1937. Bên công chức người Nam có dinh Tuần phủ, có cả thảy 12 viên thay nhau bắt đầu từ ông Đỗ Phú Túc. Đến người thứ 5 là ông Nguyễn Văn Bân, người xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất tỉnh Sơn Tây (Nay là thôn Hữu Bằng huyện Thạch Thất Hà Nội) trị nhậm từ năm 1922 đến năm 1924. Ông Bân đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ khoa Tân sửu niên hiệu Thành Thái năm thứ 13 (1901), đến năm 1924 thì viết bài “Vĩnh Yên phong thổ ký” 永安風土記 đăng trên “Nam Phong tạp chí” 南風雜誌 xuất bản ở Hà Nội. Nguyên văn bằng chữ Hán (có phần dịch chữ Quốc ngữ). Về mục “sông”, ông Bân viết: hữu Để giang, Lô Giang tự Tuyên Quang lai. Thao giang tự Phú Thọ lai. Quần hội Bạch Hạc xã giang phận, danh Tam Kỳ Hạc giang”. Nguyên thư: 川有底江瀘江自宣光來洮江自富壽來均會於白鶴社江分名三岐鶴江 (Về sông, có sông Đáy, sông Lô chảy từ Tuyên quang về. Sông Thao từ Phú Thọ chảy về. Tất cả đều hợp lại ở sông Bạch Hạc, có tên là Tam Kì Hạc giang).
Tỉnh Tuyên Quang lúc này gồm cả châu Sơn Dương, nay là huyện Sơn Dương và huyên Yên Sơn thuộc đầu nguồn sông Đáy. Nơi đây nằm trong khu ATK Việt Bắc, trong cuộc Cách mạng và kháng chiến trường kì của dân tộc ta chống thực dân Pháp.
Chúng ta đều đã biết, trong số các bài thơ của chủ tịch Hồ Chí Minh viết ở chiến khu Việt Bắc trong giai đoạn khởi đầu của cuộc kháng chiến chống thức dân Pháp trong cuộc trường kì 9 năm (1946 – 1954), có 2 bải viết trên sông Đáy.
Bài thư nhất là bài “Nguyên tiêu”, viết vào ngày Rằm tháng giêng  năm Mậu Tí (1948). Toàn văn bằng chữ Hán, như sau:
元宵
今夜元宵月正圓
春江春水接春天
煙波深處談軍事
夜半歸來月滿船
Phiên âm:
Nguyên tiêu
Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên
Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên
Yên ba thâm xứ đàm quân sự
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.
Dưới đây là bản dịch của ông Xuân Thủy.
Truyện được kể rằng: Sau khi đọc xong bài thơ cho mọi người trong cơ quan chính phủ cùng nghe, Bác Hồ có nói: “Trong bài thơ, Bác có nhắc đến tên chú Xuân Thủy, vậy chú Xuân Thủy hãy dịch đi”. Và nhà thơ Xuân Thủy đã dịch như sau:
Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn mầu trời thêm xuân
Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền
Bài thơ được làm theo thể “hứng”, tức sự sau một cuộc hội nghị quân sự để bảo bí mật tuyệt đối đã được chọn địa điểm họp ở trên sông. Tuy không đề địa danh là con sông nào, nhưng rõ ràng để giữ bí mật con sông phải ở trong A T K khu Việt Bắc, Định Hóa từ ngày 20 tháng 11 năm 1947 đến tháng 01 năm 1954. Khu Định Hóa nằm trong vùng thủ đô của cuộc kháng chiến gồm một miền rộng lớn trong chiến khu Việt Bắc bao gồm Pác Bó (Cao Bằng), A T K Định Hóa (Thái Nguyên), Chợ Đồn ( Bắc Kạn), Chiêm Hóa, Sơn Dương, Yên Sơn (Tuyên Quang). Con sông chảy trong vùng đó là con sông Đáy, phát nguyên từ vùng núi Tam Tạo, huyên Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn, Đoạn trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn dài 36 Km, diện tích lưu vực là 250 Km2, lưu lượng bình quân là 8,7 m3/s. Đoạn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang là 84 Km. chảy qua các huyện Yên Sơn, Sơn Dương. Có đình Tân Trào thuộc xã Tân Trào huyện Sơn Dương tỉnh Tuyên Quang, nơi ngày 16 tháng 8 năm 1945, Bác Hồ và Trung Ương đã triệu tập các đại biểu trên khắp mọi miền Tổ quốc về họp Quốc dân Đại hội, thông qua lệnh Tổng khởi nghĩa và 10 chính sách lớn của Việt Minh, quy định quốc kì là lá cờ đỏ sao vàng. Quốc ca là bài Tiến quân ca và cử ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam, tức Chính phủ Lâm thời do cụ Hồ Chí Minh làm chủ tịch. Để rồi sáng ngày 17 tháng 8 năm 1945, thay mặt Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam, cụ Hồ Chí Minh đã đọc lời thề thiêng liêng trong lễ ra mắt Quốc dân tại đây.
Địa danh thuộc bờ tả sông.
Ở đó còn đôi câu đối thờ ghi về phong thủy ngôi đình như sau:
                                                   底江左抱靈源會
玉井右朝瑞氣鍾
Để giang tả bảo linh nguyên hội
             Ngọc tỉnh hữu triều thụy khí chung.
Nghĩa là:
Sông Đáy bên trái ôm lấy, nguồn thiêng cùng họp.
Giếng Ngọc bên phải chầu về, khí tốt tụ lại.
Rồi con sông tiếp tục chảy vào huyện Lập Thạch, Tam Đảo, Tam Dương, Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Phúc dài 41,5 Km, đổ ra sông Lô ở bến Gót làng Phú Hậu xã Sơn Đông.
 Cho nên bài thơ được sáng tác trong đêm “Nguyên tiêu” là có cơ sở trên thuyền ở đoạn sông Đáy này thuộc tỉnh Tuyên Quang. Đó là dòng sông chảy giữa lòng Việt Bắc. Ghi dấu chân Chủ tich Hồ Chí Minh qua lại nhiều lần bên đôi bờ. Và có thể nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi dọc chiều dài miền thượng nguồn con sông Đáy này. trong những tháng năm trước Cách mạng và trong cuộc kháng chiến trường kì chống thực dân Pháp.
Từ cảm hứng trong thơ “Nguyên tiêu” của Bác, năm 2003, Hội nhà văn Việt Nam đã chọn ngày rằm tháng giêng hàng năm làm “Ngày thơ việt Nam”, ghi nhận dư âm của bài thơ mãi mãi vang vọng với người Việt nam yêu thơ.
Bài thơ thứ hai Bác viết ngày 18 tháng 8 năm 1949, nghĩa là sau bài “Nguyên tiêu” hơn một năm, có đề danh là “Đi thuyền trên sông Đáy”, lúc đó cuộc kháng chiến chống Pháp cuẩ nhân dân ta đã bước vào giai đoạn chuẩn bị tổng phản công.
Nguyên văn bài thơ dẫn như sau:
Dòng sông lặng ngắt như tờ.
Sao đưa thuyền chạy, thuyền chờ trăng theo.
Bốn bề phong cảnh vắng teo,
Chỉ nghe cót két tiếng chèo thuyền nan,
Lòng riêng riêng những bàng hoàng.
Lo sao khôi phục giang san Tiên Rồng.
Thuyền về, trời đã rạng đông.
Bao la nhuốm một màu hồng đẹp tươi.
Đây có thể là cảm xúc của Bác nhân một lần đi công tác trên sông Đáy vào một đêm.
Con sông thời điểm đó vẫn có địa danh là “Sông Đáy” như tiêu đề bài thơ. Đúng như nhà thơ Tố Hữu từng nhắc đến trong bài thơ Việt Bắc viết tháng 10 năm 1954, có những câu:
Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.
Nhớ từng rừng nứa bờ tre
Ngòi Thia sông Đáy, Suối Lê vơi đầy….
Ngòi Thia ở phía nam xã Tân Trào thì vẫn còn hiện hữu, tại bến Thia  thôn Tân Lập (tên mới đặt của làng Kim Long) xã Tân Trào huyên Sơn Dương; Tỉnh Tuyên Quang đã cho dựng bia ghi nhận sự tích Cụ Hồ Chí Minh đi mảng qua sông Đáy  vào làng Kim Long hoạt động Cách mạng ngày 21 tháng 5 năm 1945. Suối Lê tức suối Lê Nin, địa danh do cụ Hồ đặt cho một con suối chảy lượn vòng dưới chân một ngọn núi cũng do cụ Hồ đặt tên là núi Các Mác, địa điểm cạnh hang Pác Bó thuộc tỉnh Cao Bằng, nơi Cụ Hồ trở về nước hoạt động cách mạng ngày 08 tháng 02 năm 1941 sau 30 năm bôn ba hải ngoại.
Trở lại với bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu. Lúc đó,  những người kháng chiến từ căn cứ miền núi trở về xuôi, Trung ương Đảng và Chính phủ rời chiến khu Việt Bắc về lại thủ đô Hà Nội. Nhân sự kiên này mà bài thơ ra đời, chưá đựng những tình cảm cách mạng của những người chiến sĩ cách mạng với chiến khu “Bốn phương lồng lộng thủ đô gió ngàn”.
Như vậy trong thời điểm lịch sử từ trong cuộc kháng chiến  năm 1947 đến năm 1954, con sông vẫn có tên là “sông Đáy” trong văn bản của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Và từ đó đến nay (năm 2014) chưa từng thấy có sự thay đổi nào về tên sông.
Vậy thì, địa danh Sông Đáy đổi thành sông ‘Phó Đáy”, hẳn là ở vào thời điểm, những năm 30 của thế kỉ 19, là thời kì thực dân Pháp mở rộng việc truyền bá “tân học” ở các tỉnh xứ Bắc Kì.  (Tôi gạch dưới)
Đó cũng là thời kì, do yêu cầu truyền bá giáo dục “Tân học” (thay cho các trường dạy chữ Nho “Cựu học”), nhất là ở các trường Pháp Việt, (Trường công do nhà nước Pháp bảo hộ lập ra), một trào lưu biên soạn sách “Địa chí” địa phương các tỉnh lần lượt được biên soan bằng chữ Pháp (do người Pháp biên soạn) và chữ Quốc ngữ do một số tác giả là người Việt, nhằm làm sách “Truyền bá” dạy về môn Địa lý – Lịch sử trong các trường Pháp Việt theo chỉ dụ mới của chính quyền Pháp. Có thể coi là một cải cách giáo dục về chương trình học theo chế đọ “bảo hộ” ở Bắc Kì..
Trong trào lưu ấy, phải kể đến ông Lotzer, quan công sứ tỉnh Vĩnh Yên (Tháng 8 năm 1931 đến tháng 4 năm 1933) biên sọan sách “Monographie de la province Vinh Yen” (Địa chí tỉnh Vĩnh Yên) // H.1933. Ông Lotzer, trong sách này có chép tên sông Đáy là “Phó Đáy”. (xem bản sao thư viện tỉnh Vĩnh Phúc)
Năm 1939, Nha Học chính tỉnh Vĩnh Yên biên soạn và phát hành cuốn “Địa chí tỉnh Vĩnh Yên” bắng chữ Quốc ngữ  (Nhà in Thụy Ký Hà Nội) theo lời chỉ dẫn của quan Công sứ lúc đó là Henri MENEAUTE tất nhiên có nhiều đoạn dẫn từ sách của công sứ Lotzer, trong đó có sông tên “Phó Đáy”. (Xem mục “Vĩnh Yên hình thế”). Tất nhiên là cuốn sách  cũng nhằm giảng dạy trong các trường Pháp Việt trong tỉnh.
Đó là các sách “Địa phương chí tỉnh Vĩnh Yên” của thời thuộc Pháp cai trị, phát hành từ  năm 1933 đến năm 1939, nghĩa là cách nay khoảng 80 năm cho xứ thuộc địa.
Trên phương diện cả nước, năm 1930, có xuất bản cuốn sách “Địa dư các tỉnh Bắc Kỳ” viết bằng chữ Quốc ngữ của nhóm soạn giả gồm 3 người là các ông Đỗ Đình Nghiêm, giáo học Trường Thực hành nam sư phạm, Ngô Vi Liễn, Tri huyện tại Tơ phiên Hải Dương và Phạm Văn Thư, Giáo học Trường Sinh Từ Hà Nội  do nhà in Lê Văn Tân ấn hành (in lại lần thứ 4 năm 1930). Cũng nhằm truyền bá về Địa lý Nhân văn của xứ Bắc Kỳ thuộc Pháp “bảo hộ” lúc bấy giờ.
Trong mục sông ngòi xứ “Bắc Kỳ hình thể” có đoạn chép: “Ở Việt Trì, Hồng Hà còn có sông Đáy tức là Hát Giang chảy vào nữa. Hát Giang hợp với Hồng Hà đến khỏi Sơn Tây thì chảy một mình xuống phía Nam, qua Phủ Lý, Ninh Bình, Phát Diệm rồi ra bể, có sông Phủ Lý (Châu Giang) và sông Nam Định (Vị Hoàng Giang) chảy thông vào. Còn Hồng Hà thì chảy qua Hà Nội, Hưng Yên rồi ra bể phân ra nhiều cửa như cửa Trà Lý, cửa Ba Lạt, vân vân”   (Xem trang 11).
Cần chú ý là ở đây các tác giả đã đổi tên sông Hát làm thành sông Đáy.
Trong mục “Sông” tỉnh Sơn Tây, thấy có chép : “Về hữu ngạn sông Hồng Hà thì có những suối chảy từ trên dãy Ba Vì xuống họp lại thành sông Con, ở phía đông thì có Sông Đáy (Hát Giang) phân địa giới  tỉnh Sơn Tây và tỉnh Hà Đông”. (Xem trang 95)
Về tỉnh Vĩnh Yên, mục thứ XXV (từ trang 107), các tác giả đã viết về sông ngòi như sau: Ở Vĩnh Yên có sông Hồng Hà, sông Cà Lồ và nhiều những lạch con, phần nhiều chảy tụ cả vào hồ Tích sơn, sông Đầm Vạc và sông Cà Lồ. Chỉ có hai con sông nhớn thời mùa nào thuyền cũng đi được mà thôi. Ở tả ngạn sông Hồng Hà thì có nhiều sông con ở trên núi Tam Đảo chảy xuống, rồi mấy con hợp lại thành sông “Tiểu Đáy” (sông Đáy Nhỏ, LKT) là một chi lưu sông Lô Giang, còn thì chảy vào sông Cà Lồ.”. Đến đây tháy các tác giả đẫ đổi tên 2 con sông:
- Sông Hát thành sông Đáy
- Sông Đáy của tỉnh Vĩnh Yên thành sông “Tiểu Đáy”.
(Xem trang 112).
Bắt đầu thấy có sự lộn xộn từ đây.
Ở mục tỉnh Tuyên Quang, các tác giả cũng chép: “Sông Lô Giang bắt đầu vào tỉnh Tuyên Quang từ Vĩnh Tuy. Những chi lưu lớn của sông ấy là sông Gâm, sông Chảy, sông Con và sông Đáy”.  (Xem trang 108)
Trong mục “Sông ngòi” tỉnh Thái Nguyên, sách ấy viết rõ: “Về phía tây bắc ở châu Định Hóa có thượng lưu sông Đáy” (Xem trang 104). Sự lộn xộn về tên sông Đáy đại loại là như thế. Chứng tỏ trong vòng 10 năm con sông Đày chưa được định danh ổn định:
- Sông Đáy là sông Hát. Ngô Vi Liễn. Năm 1930
- Sông Đáy là sông “Tiểu Đáy”. Ngô Vi Liễn năm 1930.
- Sông Đáy là sông Phó Đáy. Công sứ Lotzer, năm 1933.
- Sông Đáy là sông “Phó Đáy”. Nha Học Chính  tỉnh Vĩnh Yên. Năm 1939.
- Sông Đáy của tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Tuyên Quang., tức là phần thượng nguồn của sông Phó Đáy tỉnh Vĩnh Yên.
Năm 1941, một tác giả “tân học” nưã là ông Pham Xuân Độ, với danh chức là “kiểm học tỉnh Đoài” (Như chức Thanh tra sở Giaó dục-Đào tạo hiện nay) viết cuốn “Sơn Tây tỉnh địa chí” là theo nhu cầu của chương trình các lớp dự bị, sơ đẳng và trung đẳng thì phải học địa dư tỉnh hạt, mà những quyển luận riêng về từng tỉnh hãy còn thiếu thón. Tuy rằng các sách nói về Đông Pháp (Xứ Đông Dương thuộc Pháp. LKT) hay xứ Bắc Kỳ đã có nhiêu. Nay ông Phạm Xuân Độ, kiểm học tỉnh Đoài xuất bản quyển này thật là phải lúc (Lời tựa của viên thanh tra học chính Mougenel), thì đó là loại sách “giáo khoa” dạy về địa lý – lịch sử các địa phương.
Trong sách, ông Phạm Xuân Độ dẫn theo sách cuả ông Ngô Vi Liễn, thừa nhận : “Hát Giang, hay sông Đáy là một chi nhánh của Hồng Hà. Sông nay làm giới hạn cho tỉnh Sơn Tây về phía Hà Đông. Du khách đi từ Hà Nội đến tỉnh lộ Sơn Tây phải qua cầu Phùng – một chiếc cầu sắt kiên cố đồ sộ có 3 lối đi, giữa là lối để riêng cho xe cộ, hai bên là đường của khách bộ hành; Cầu bắc qua sông Đáy trên đường liên tỉnh số 11. Địa phận tỉnh Sơn Tây kể từ đầu cầu phía Hà Đông, nơi có biển đề. Mạn bên này tỉnh Sơn Tây đã đặt đồn binh nhỏ tức là đồn sông Đáy, bởi nơi đây là một địa điểm xung yếu về mặt phòng thủ” (Xem trang 43).
Đến đây thì con sông Đáy được đặt vào địa phận tỉnh Sơn Tây. (1930), không tọa lạc địa phận tỉnh Vĩnh Yên nữa mà trong lưu vực một đoạn của sông Hát truyền thống trong sử sách. Còn Sông Đáy của các sách Địa chí xưa thì thành sông “Tiểu Đáy”. (1930). Ông công sứ tỉnh Vĩnh Yên thì “có công” phát hiện ra sông “Phó Đáy” của tỉnh Vĩnh Yên (Năm 1933), và được nhắc lại vào năm 1939. Tài liệu giáo dục học đường.
Sau Lotzer, ông Nguyên Xuân Lân (nguyên cán bộ Thư Viên tỉnh Vĩnh Phú) “có công”  truyền  bá tên sông “Phó Đáy” trong tác phâm “Địa chí Vĩnh Phú” (Ty Văn hóa Vĩnh Phú xuất bản. Năm 1974, và từ năm 2000 là sách “Địa chí Vĩnh Phúc”, sở  Văn hóa Thông tin Thể thao Vĩnh Phúc xuất bản). Các bản đồ tỉnh Vĩnh Phúc in ấn đó do vậy đều đề danh là “Sông Phó Đáy. Có thể ông Nguyễn Xuân Lân mới chỉ biết đến sách “Monographie de la province Vinh Yen” (Địa chí tỉnh Vĩnh Yên) của công sứ Lotzer nên chỉ thấy ông giới thiệu về sông “Phó Đáy” trong sách của mình mà không có một chú giải nào thêm về con sông này..
Đó là kết quả và cũng quá trình thay đổi tên sông Đáy thành sông Phó Đáy, bị cuốn vào dòng chảy trong các sách in ấn dưới thời thuộc Pháp. Cho đến ngày nay thì tên sông Đáy đã mất hẳn về mặt văn bản ở Vĩnh Phúc và trên phạm vi cả nước, và thay vào đó là tên sông “Phó Đáy” nhan nhản trên các ấn phẩm là sách báo, bản đồ ở Trung ương và các địa phương và các trang thông tin điện tử mạng xã hội.
Lời cuối của bày này là để dẫn đến một nhận xét sau đây:
1. Đổi tên sông Hát thành sông Đáy tỉnh Sơn Tây.
Sông Hát, hay Hát Giang theo như dẫn giải của sách “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc Sử quán triêu Tự Đức (1848 – 1883) trong mục “Núi sông tỉnh Sơn Tây” thì lưu vực của sông này là: “Ở cách huyện Phúc Thọ 17 dặm , do hạ lưu sông Bạch Hạc chảy vào, cửa sông nông về mùa đông và mùa xuân có thể lội qua được, về mùa hạ và mùa thu, nước lũ đổ đến, nước từ sông này chảy về phía nam, qua các huyện, Đan Phượng và Yên Sơn, chảy quanh co 54 dặm đến địa phận huyện Chương Đức tỉnh Hà Nội thì hợp với sông Tích”.
(Xem bản dịch tiếng Việt, Tập 4. NXB KHXH Hà Nội – 1971 trang 209).
Quãng sông này còn có tên cũ là sông Hát hay Hát giang. Chỗ sông Hồng tiếp nước là Hát Môn. rồi đổ ra vịnh Bắc Bộ ở Cửa Đáy, xưa gọi là cửa Đại An hay Đại Ác thuộc huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình.
Ông Phạm Xuân Độ từng viết: Hát Giang hay sông Đáy là một chi nhánh Hồng Hà……. Sông sở dĩ có tên là Hát Giang vì chảy qua làng Hát Môn , nơi mà Hai Bà Trưng vì nước tuẫn nạn”.
Chỉ  biết, sông Hát là con sông của lịch sử  gắn liền với cuộc khởi nghĩa của  hai Bà Trưng. Trong sách “Thiên Nam Ngữ Lục” viết ở thế kỉ 17 có câu:
Hát Môn có thế dụng binh
Sông sâu làm cứ, rừng xanh làm nhà.  (Câu 1571 – 72)
Hát Môn tức là cưả Sông Hát, dân gian gọi tắt là cửa Hát. Nơi có cuộc hội thề khởi nghĩa mùa xuân năm 40 Cn của Hai Bà Trưng.
Còn từ thế kỉ 15, trên đường hành quân từ Thanh Hóa ra bao vây Đông Đô, quan Tư đồ Trần Nguyên Hãn (năm Bính ngọ 1426) dẫn hơn 100 chiến thuyền thủy quân theo dòng sông Hát ngược lên ra cửa Hát “ rồi xuôi xuống đến bến Đông Đô đàu sông Lô (sông Hồng ngày nay) phá được quân của tướng Minh là Vương Thông”. (Theo truyện Trần Nguyên Hãn trong sách Đại Việt thông sử. Lê Quý Đôn). Như vây là con sông Hát này chiếm vị thế quan trọng ở nội hạt xứ Đoài . Một địa danh lịch sử trong chiến tranh giải phóng dân tộc gần 2000 năm. Vắng bóng sông Hát trong sách Địa danh Lịch sử Việt Nam cũng tức là quên đi một di tích lịch sử sáng chói của dân tộc.
2. Do đổi tên sông Hát thành sông Đáy (Bởi kéo ngược địa danh “Cửa Đáy” của tỉnh Ninh Bình lên đến “Cửa Hát” của tỉnh Sơn Tây), mà sông Đáy ở tỉnh Vĩnh Yên nghiễm nhiên trở thành “Tiểu Đáy’, rồi lui xuống làm “Phó Đáy”.
Chí biết từ danh “Phó Đáy” là không chuẩn về mặt ngữ ngôn học. Từ “Phó” là dùng để chỉ danh chức của cấp hàm quan chức hành chính dưới chức “Chánh”, là người trực tiếp giúp việc (phó sứ đoàn, phó tổng, phó lý, phó Bí thư, phó Chủ tịch, phó các phòng ban…   ). Có thể đang ở thời điểm này, ông Lotzer đang làm quan trị nhậm ở chức Công sữ nên ông quan niệm “phó” là chức cấp dưới của ông cũng như chức “phó tổng” là chức dưới của “chánh tổng”. Cũng tương tự như sông Đáy ở tỉnh Sơn Tây là sông “Đáy lớn” (Đại Đáy) mà con sông Đáy của Vĩnh Yên  trở thành sông “Tiểu Đáy” (Phạm Xuân Độ) để rồi ông Lotzer “giáng”. xuống làm “Phó Đáy” (!). Ông có biết đâu là trong từ “phó” tiếng Việt, đứng trước danh từ còn là để chỉ về nghề nghiệp thủ công (phó mộc, phó may…). Còn được dùng trong trường hợp là để “giao cho”, để cho chịu trách nhiệm hoàn toàn (phó thác). Thí dụ như 4 câu thơ sau đây của một bà huyện quan nào đó trong giai thoại văn học “Phó cho con Nguyễn Thị Đào. Nước trong leo lẻo cắm sào đợi ai, Chữ rằng “xuân bất tái lai”. Cho về kiếm tí kẻo mai nữa già” là cho một quả phụ được tự ý đi “bước nữa”. Từ này không dùng với đất đai sông núi, là những vật thể “tĩnh”. Thí dụ Núi Sáng, thường gọi là Sáng Sơn, là ngọn núi ở huyện Sông Lô, mà không bao giờ có núi “Phó Sáng” cả hoặc sông Lô là “Phó Lô”…. từ tiêng Việt đã gọi là “Đáy” ví như đáy bể, đáy sông, đáy chum, đáy nồi ….thì còn có gì dưới nữa để mà có “phó”. Ông Lotzer khi nghĩ ra từ “phó” này, hẳn là chưa ở Việt Nam nhiều, nên ngài công sứ chưa được “sõi” ngôn ngữ tiếng Việt.
Đế sửa chữa lại, sách “Địa chí Vĩnh Phúc”, hoàn thành năm 2012, do Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc  chủ trì, nhà xuất bản Khoa học Xã hội ấn hành, đã khôi phục lại địa danh “Sông Đáy” có trong truyền thống như sau:
Sông Đáy: dài 41,5 km, chảy vào địa phận Vĩnh Phúc từ xã Quang Sơn (huyện Lập Thạch) ở bờ phải và xã Yên Dương (huyện Tam Đảo) ở bờ trái, chảy vào huyện Lập Thạch và huyện Tam Đảo,Vĩnh Tường, rồi đổ vào sông Lô, giữa xã Sơn Đông (huyện Lập Thạch) và xã Việt Xuân (huyện Vĩnh Tường)”. (Xem trang 23)
Đó là thưc tại con sông Đáy ngày nay của tỉnh Vĩnh Phúc.
                                      Tháng 9 năm 2014.
                            


























5 nhận xét:

  1. Rất thích phong cách làm việc của tác giả. Nói có sách mách có chứng. khi đưa ra dữ kiện gì thì nguồn gốc phải rõ để người đọc... có thể đối chứng. Tôi không thích kiểu viết bài của nhiều nhà nghiên cứu bây giờ, đại khái như: theo truyền thuyết thì..., theo sách xưa thì... vậy truyền thuyết là truyền thuyết của vùng nào???; sách xưa là sách xưa nào? Phải ghi rõ nguồn sách, nguyên bản chữ Hán, hình ảnh... Như thế mới gọi là nghiên cứu khoa học đích thực. Mong tách giả ngày càng đóng góp thêm nhiều bài nghiên cứu hay hơn nữa.

    Trả lờiXóa
  2. Quá tuyệt vời. Bây giờ mình mới hiểu. Xin cảm ơn tác giả rất nhiều.

    Trả lờiXóa
  3. Thôi các bác đừng vẽ vời nữa, hãy cứ để nó là sông Phó Đáy đi. Nhìn trên bản đồ thì dòng chảy của sông Phó Đáy (Tuyên Quang) cũng là thượng nguồn của sông Đáy (Hà Nam) rồi còn gì.

    Trả lờiXóa
  4. Ông tướng này lắm chuyện, vẽ vời, sông nhỏ thì là phó là đúng rồi, thích thì ông Vĩnh Phúc với Tuyên Quang cùng nhau đổi thành sông Đại Đáy đi :D

    Trả lờiXóa