THÔNG TIN VỀ DI DUỆ TẢ TƯỚNG QUỐC
TRẦN NGUYÊN HÃN
Lê Kim Thuyên.
Tả tướng quốc Triều vua
Lê Thái Tổ (1428-1433) là Trần Nguyên Hãn. Ông là cháu bảy đời của Thượng tướng
Thái sư Trần Quang Khải, cháu bốn đời cuả quan tể tướng đời vua Trần Nghệ Tông
(1370-1372). Sinh ngày mùng 01 tháng 02 năm Canh ngọ (1390) tại xã Sơn Đông,
sau là xã Quan Tử triều Nguyễn, nay là thôn Đa Cai xã Sơn Đông huyên Lập Thạch,
tỉnh Vĩnh Phúc, Mất ngày 26 tháng 02 năm Kỉ dậu (1429), hưởng dương 39 tuổi. Tư
liệu đã được Hội thảo Khoa học cấp Nhà nước về “Thân thế và sự nghiệp Tả tướng
quốc Trần Nguyên Hãn” tổ chức tại huyện Lập Thạch tháng 10 năm 1988 xác nhận.
Ngày nay tại di tích đền Thượng thờ Ông nhân dân và chính quyên xã sở tại vẫn tổ
chức lễ dâng hương, tế lễ vào những ngày này. Ông tham gia cuộc khởi nghĩa Lam
Sơn dưới cờ của Bình Định Vương Lê Lợi từ ngay buổi đầu, bên bờ sông Lạc Thủy
năm Mậu tuất (1418) được phong chức quan Tư đồ. Tác giả Phan Huy Chú viết “Triều
Lê, Thái Tổ khi mới dựng nước bắt đầu đặt ba chức ấy (Trần Hãn làm Tư đồ, Lê
Sát làm Tư mã, Đinh Lễ làm Tư không). (Xem “Lịch
triều Hiến chương loại chí”, “Quan Chức chí”. Bản dịch NXB KHXH. Hà Nội. Năm 1992. Tập I. Trang 462).
Trải qua 10 năm kháng
chiến chống quân Minh, do lập nhiều công lớn nên được thăng trải đến chức Thái
úy (năm 1427) đứng đầu hàng quan võ. Trong cuộc hội thề ở phía nam thành Đông
Quan tháng 11 năm Đinh mùi (1427), danh sách trong phái đoàn “hội thề” giữa hai
bên giữa Bình Định Vương Lê Lợi với quân Minh là Vương Thông, tên ông đứng thứ
hai sau tên Bình Định Vương Lê Lợi, sách lịch sử Việt Nam khẳng định “Đủ để
kính trọng như thế”.
Sau
khí đăng quang Hoàng đế, Lê Thái Tổ đã phong ông chức Tả tướng quốc, là chức
đứng hàng trên so với chức “Hữu tướng quốc” là chức của Thái tử Tư Tề, con trai
trưởng của nhà vua. “Công lao và danh vọng của Hãn thật cao tuột”.
Sau đó ít ngày, ông xin
về hưu ở quê sinh là xã Sơn Đông. Tháng 02 năm Kỉ dậu (1429), Hoàng đế Lê Lợi
có chiếu chỉ “Ra lệnh bắt hữu tướng quốc Lê Hãn để giao
quan lại xét hỏi. Lê Hãn tự sát”. (Khâm định Việt sử thông giám cương mục.
Chính biên. Quyển XV, tờ 20a. Bản dịch tiếng Việt , Tổ biên dich
Ban nghiên cứu Văn Sử Địa, biên dịch và chú giải. Nhà Xuất bản Văn sử Địa Hà
Nội năm 1959. Tập IX, trang 20).
Về sự kiên này, đến thế
kỉ 18, nhà bác học Lê Quý Đôn (1726-1784) viết sách “Đại
Việt thông sử” (bản A 1389. Viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội),
viết về cái chết của Tả tướng có đoạn nguyên thư như sau: “ …Hốt
nhiên đại phong phúc thuyền, lực sĩ xá
nhân tứ thập nhị nhân cập Hãn giai nhược tử. Duy gia đồng nhị nhân phù thủy để
ngạn đắc thoát. Sự văn, Thượng chiếu thúc kì thê tử điền sản”. Dịch là : Bỗng nhiên gió lớn nổi lên lật thuyền, 42 người lực sĩ xá nhân cùng ông
Hãn đều chết cả. Chỉ có 02 trẻ nhỏ trong nhà nổi lên bơi vào được thoát. Nghe tin
vậy, nhà vua xuống chiếu bắt giam vợ và con ông Hãn, thu lại ruộng đất, gia sản.
Mãi đến năm Diên Ninh thứ
nhất (1454), vua Lê Nhân Tông mới ban bố những điều đại xá cho cả nước , xét
thấy ông Hãn vô tội, nhà vua mới có chiếu giao trả lại ruộng đất, gia sản. Sử
của Lê Quý Đôn không thấy chép gì đến vợ và con ông Hãn ở thời kì này, nhưng
chắc rằng vợ và con ông cũng được tha ra trong kì đại xá này. Tuy nhiên mọi
thông tin từ địa phương Sơn Đông đều không thấy vợ và con ông trở về đây. Bằng
cứ là để tưởng nhớ ông nên nhân nền nhà cũ nhân dân đã lập ngôi đền miếu thờ
cúng ông. Mục “Đền miếu” trong sách “Đại nam nhất thống chí” của Quốc Sử quán triêu Nguyễn chép
“Đền thần Tả tướng họ Trần ở xã Sơn Đông huyện Lập Thạch. Thần họ Trần
húy là Nguyên Hãn, người xã này”. (Bản dich. NXB KHXH
Hà Nội năm 1971. Tập IV. Trang 228). Theo nguyên văn trong “Vĩnh
yên phong thổ kí” của
tuần phủ tỉnh Vĩnh Yên Nguyễn Văn Bân đăng trên “Nam Phong tạp chí” viết năm 1924, có đoạn như sau: “Lập
Thạch huyện, Sơn Đông xã Trần Nguyên Hãn phù Lê Thái Tổ vi Khai Quốc Công Thần,
vi xã dân phụng vi Phúc thần, nhân cố trạch khởi từ miếu”, nghĩa là: Trần Nguyên Hãn người xã Sơn Đông huyện Lập Thạch, giúp vua Lê Thái Tổ
là công thần khai quốc, dân xã thờ làm
Phúc thần, nhân nền nhà cũ dựng nên đền miếu. Nơi “cố trạch” (nhà cũ) chính là điểm tọa lạc ngôi đền
thờ Tả Tướng Quốc ngày nay. [Nguyễn Văn
Bân người xã Hữu Bằng huyên Thạch Thất tỉnh Sơn Tây, nay thuộc thành phố Hà
Nội, thi đỗ tiến sĩ khoa Tân sửu niên hiệu Thành Thái 13 (1901)].
Bản khai Thần tích-Thần sắc
của lí dịch làng Quan Tử năm 1938 cho biết : “ Nơi đình Thượng là cái đồi ngày
xưa Ngài mở trại làm nhà ở đấy, hợp kiểu đất mãnh hổ xuất lâm, sơn thủy rất là
hữu tình”. ( Xem TT-TS tư liêu Viện TT-KHXH Hà Nội FQ40
18/13 trang 1198) . “Từ bấy (Tức từ năm mất 1429, LKT) nhân dân
lập đền phụng sự đến giờ, các triều đại đều có sắc phong, thờ cúng rất là linh
ứng” (Tài liệu đã dẫn trang 1196).
Cũng do vậy mà ruộng đất
của Tả tướng do làng xã Sơn Đông, được dùng làm “công điền, công thổ”, trở nên
một phương thức xử dụng ruộng đất mới “Ruộng đất công” trên diện tích cũ ở nơi
đây. Từ đó đến năm năm 1935 thì được ghi vào Hương ước của làng Quan Tử như
sau:
“ Điều thứ 46.
Trong
làng không có nhiều công thổ, công điền để quân cấp cho dân, Chỉ có:
1.
Ruộng công ở xứ Bồ Tu là 17m, 01 thước.
2.Xứ
Trằm Xoan 14 mẫu, 01 sào, 09 thước.
3.
Ruộng lộc điền của đức Lê Tả tướng ở xứ Thanh Lâu 05 sào, 03 thước.
4. Ở
địa phận xã Xuân Lôi 14 mẫu 06 sào 04 thước.
5. Ở
địa phận xã Sơn Bình 17 mẫu, 06 sào, 10 thước.
6.
Ruộng Hậu thần ở xứ Mả Đà 04 mẫu, 02 sào, 04 thước.
7. Xứ
Đồng Mống 02 mẫu, 06 sào , 10 thước.
8.
Cái ao làng có 08 sào 02 thước.
Các
ruộng ao ấy, hàng năm Hương hội đem yết thi đấu giá lấy tiền xung quỹ.
Điều
thứ 47.
Ruộng
Hậu thần ở xứ Đông Hồ có 03 sào 08 thước thời để làm ruộng bánh thờ. (Bạch viên bính: bánh dày trắng.LKT)
Ruộng
hậu Phật ở Đông Lâm 05 mẫu, 02 sào 06 thước. Ở chùa Vĩnh Phúc có 01 mẫu 04 sào
thời để làm hương đăng 02 chùa ấy.
Ao
công là Ao Cá có 01 mẫu, 03 sào, 10 thước để làm hương đăng ở đình Thượng.(tức đền Trần Nguyên Hãn. LKT).
Điều
thứ 49.
Khi
đấu giá, ai cao giá hơn thì được thầu, trong phong bì mỗi xứ phải nộp 01 $ làm
tin, các giấy ấy giữ để hương hội lập biên bản lưu chiểu”.
(Trích trong Hương ước làng Quan Tử.Tư liệu viện TT KH XH Hà Nội. Số đăng
kí Hư. 3423).
Các loai ruộng kể trên
trừ số ruộng chùa, còn đều là ruộng “quan điền” của Tả tướng quốc còn tồn tại
đến cách mạng tháng 08 năm 1945.
Như vậy là có hai tài
liệu về Trần Nguyên Hãn có độ tin cậy khoa học sau vụ “chìm thuyền” ở bến Đông
Hồ tháng 02 năm Kỉ dậu (1429) :
- Một là di tích ngôi đền
Tả tướng do dân xã Sơn Đông xây dựng trên nền nhà cũ để thờ cúng tưởng lệ về
công đức của Người.
- Hai là các văn bản về
phương thức sử dụng ruộng đất của Trần Nguyên Hãn để lại sau khi được minh oan,
gia đình con cháu không có người nhận, biến thành ruộng đất công của làng xã.
Đó là những thực tế để
minh chứng về gia đình, di duệ Trần Nguyên Hãn không còn ai ở lại Sơn Đông từ
sau vụ “chìm thuyền” năm 1429 và cho đến ngày nay.
Vì vậy mà hiện nay (nhất là từ sau năm 1988, là năm có cuộc Hội
thảo Khoa học cấp nhà nước về thân thế và sự nghiệp của Trần Nguyên Hãn tại
huyện Lập Thạch) có nhiều người họ Trần các nơi về xã Sơn Đông nhận là di
duệ của Trần Nguyên Hãn, trở thành một vấn đề xã hội, tâm linh.
Gần đây trên mạng thông
tin xã hội (mạng Google), có đăng tải một bản gia phả về gia đình của Tả tướng
quốc trên Website về Trần Nguyên Hãn, như sau:
Chi
tiết gia đình
Là
con của Thuần Đức
Đời
thứ 11
Người
trong gia đình
Tên
Trần Nguyên Hãn.
………………………
Xin
dẫn nguyên văn như sau:
“Theo
gia phả các chi họ ở xã Sơn Đông-Việt Trì-tỉnh Phú Thọ, ông Trần Thanh San
(?.LKT) ghi lại trong cuốn gia phả tộc Trần Nguyên Thiên Nghệ Tĩnh trang
61&62 cho biết:
Tổ
Trần Nguyên Hãn có ba bà vợ:
- Bà
Cả (Không ghi tên) người làng Cao Phong, xã Văn Quán, nay thuộc xã Sơn Đông. Bà
sinh hạ được một người con trai có tên là Trần Doãn Hữu. Tự là Trung Khang.
Trước khi ông Trần Nguyên Hãn xuống thuyền về Kinh (theo nệnh của triệu hồi của
vua Lê Lợi) , Ông cho mẹ con Bà chạy trốn vào rừng Thần; sau trở lại Sơn Đông (chi
họp Trần hiện nay tại Quan Tử là hậu duệ của tổ Trần Doãn Hữu) (do tôi gạch dưới LKT).
- Vợ
thứ hai của Tổ Trần Nguyên Hãn là bà Lê Thị Tuyến (theo gia phả Minh Nông); Ông
Bà sinh hạ hai người con trai, người thứ nhất là Trần Trung Khoản; Người thứ
hai là Trần Đăng Huy, tự là Trần Trung Lương. Khi Trần Nguyên Hãn xuống thuyền
về kinh, ông cho ba mẹ con bà Tuyến chạy sang trốn sang làng Kẻ Nú, phủ Tam
Đới, huyện Phù Khang, trấn Tây Sơn. Sau người con lớn (Trần Trung Khoản) tiếp
tục bỏ đi và đổi ra họ Quách. Gia phả chi họ Trần ở thôn Hồng Hải-Minh
Nông-thành phố Việt Trì ghi: “Tự Trung Khoản nhất lang nhi viễn chi Hoàng gia
tôn phái Quách thị” và tổ Trần Đăng Huy, Tự Trung Lương đổi sang họ Đào. Hậu
duệ hiện nay là các chi họ ở vùng Bạch Hạc, Minh Nông , Việt Trì-tỉnh Phú Thọ.
- Bà
vợ thứ ba của Tổ Trần Nguyên Hãn, theo truyền thuyết ở xã Sơn Đông và báo cáo
tham luận ở cuộc hội thảo cấp nhà nước tháng 10/1988 tại huyện Lập Thạch tỉnh
Vĩnh Phúc, bà có tên là Chúa Lối, tổng Văn Bình xưa. Khi ông Trần Nguyên Hãn về
hưu đi nhận ruộng gặp Bà và thành vợ chồng. chỉ đem theo Bà Ba và con nhỏ. Theo
sách “Lê Triều Thông Sử” của Lê Quý Đôn viết: khi ông Trần Nguyên Hãn tự trầm
mình thì người ta cứu được một hài đồng tử. sau đó, Lê Lợi bắt mẹ con Bà vào
quản thúc tại kinh thành Thăng Long, tịch thu gia sản của ông”.
Đó là thông tin mới công
bố ngày 17 tháng giêng năm 2010 trên
trang gia phả do Trần Phước lập và giữ bản quyền. có tên miền http//WWW.vietnamgiapha.com, chép về Trần
Nguyên Hãn.
Là người địa phương, lại
có trên 50 năm theo dõi về đề tài nay, trước hết theo thông tin trên, xin đính
chính những sai lầm của các tác giả đã công bố trong bài. Về:
1. Các địa danh đơn vị
hành chính: Cao phong, Văn Quán là địa danh của thời hiện
tại. Đời Lê gọi Cao Phong là xã Thạch Lỗi, sau đổi là xã Hạ Phan gồm hai làng
Phan Dư, Phan Lãng xã Cao Phong bây giờ, thuộc huyện Sông Lô.
Văn Quán cũng là địa danh
cấp xã của thời hiện tại. Bao gồm hai thôn Lai Châu và Sơn Bình. Xã Sơn Bình (đời
Lê có địa danh là Sơn Tây) có khu Đức Lễ là nơi có địa điểm “Rừng Thần”, một
căn cứ của Trần Nguyên Hãn lập ra năm 1426. Sau khi ông mất đi thì dân xã ở đây
lập miếu thờ Ông ngay trên nền đồn lũy
cũ, nên gọi nơi này là “Rừng Thần”, Vậy “Rừng thần” là địa danh chỉ xuất hiện
khi ở đây có ngôi đền thờ Ông. Hiện còn ngọc phả và sắc phong do nhân dân địa
phương xã Văn Quán lưu giữ.
Cao Phong và Văn Quán là
địa danh cấp xã cũng như xã Sơn Đông. Không có “ làng Cao Phong, xã Văn Quán,
nay thuộc xã Sơn Đông”, cũng không có tổng Văn Bình như trong bài mà tác giả đã
viết. Điều đó chứng tỏ tác giả chưa thông hiểu gì về lịch sử địa lí miền đất
này.
Để tham khảo đối chiếu,
xin giới thiệu bộ Địa chí đời Gia Long “Các tổng xã danh bị lãm” do Dương Thị The – Phạm Thị Hoa
dịch và biên soạn là “Tên làng xã Việt nam đầu thế kỉ XIX”, NXB KHXH Hà Nội
1981 để tác giả Website trên tự kiểm chứng và đính chính.
2. Thông tin về Trần
Nguyên Hãn có 03 bà vợ là sai sự thật. Trong tài liệu lịch sử của nhà bác học Lê Quý Đôn chỉ thấy
nói đến vợ và con Ông không ghi số lượng, còn
như từ sách “ Khâm định Việt sử thông giám cương mục” của Quốc Sử quán
triều Nguyễn từ thế kỉ 19, được Tổ biên dịch Ban nghiên cứu Văn Sử Địa thuộc Viện
sử học biên dịch, nhà Xuất bản Văn Sử Địa xuất bản tháng 02 năm 1959 thì không
thông tin gì về vợ và con Ông. (xem tập
09, trang20)
Các tài liệu điền dã cùng
truyền thuyết về Trần Nguyên Hãn có ba bà vợ ở miền nam huyện Lập Thạch như các
xã Sơn Đông, Cao Phong, Văn Quán thì đều không thấy có. Duy chỉ có một nghi vấn
đặt ra là bà vợ của ông có thể là người làng Phan Lãng là do ông sinh ra và trưởng
thành ở đất Phan Lãng, tức là đất địa đầu xã Sơn Đông cho đến ngày nay. Dù sao
cũng chỉ là nghi vấn khi làm tư liệu địa phương của nhóm tác giả nghiên cứu về Ông
mà thôi. Nên thông tin cho rằng bà vợ cả của ông “là người Phan Lãng” chạy vào
“Rưng thần”, bà vợ hai Lê Thị Tuyến của ông chạy sang trốn sang làng Kẻ Nú,
phủ Tam Đới, huyện Phù Khang, trấn Tây Sơn là không có thật. Xét
về mặt địa lí thì Sơn Bình cũng như Kẻ Nú chỉ cách ngôi nhà của Trần Nguyên Hãn không quá 03 km đường
chim bay, chỉ có giá trị chạy trốn của một cuộc càn quét hơn là sự ẩn náu truy
tìm của một nhà nước chuyên chính đang cực mạnh.
3. Còn viết rằng “Chi
họ Trần hiện nay tại Quan Tử là hậu duệ của tổ Trần Doãn Hữu” lại là sự nhầm
lẫn, không đúng. Cả
hai bản gia phả họ Trần hiện còn ở xã Sơn Đông xưa mà các thành viên họ Trần
làng Quan Tử sao chụp chuyển cho tôi cũng như việc chi trưởng họ Trần đang cư
trú ở Tuyên Quang thì đều không thấy có nhân vật Trần Doãn Hữu.( “Hưu” dấu ngã).
Họ Trần ở thôn Quan Tử
hiện nay (Ở Gốm cũng như ở Tuyên Quang) chỉ thờ cúng từ vị “Thủy Tổ” trở xuống
là Trần Doãn Hựu, (“Hưu” dấu nặng),
thượng thư bộ Lại đời Hồng Đức (1470-1497). Theo bia TS Văn miếu Hà Nội ông
Doãn Hựu thi đỗ Đệ tam giáp Đồng TS xuất thân khoa Mậu tuất năm Hồng Đức thứ 09
đời vua Lê Thánh Tông (1478), danh sách thứ 37 trong số 50 vị thi đỗ ở bảng
này. (bia số 06). Các bia văn chỉ
huyện Lập Thạch (xem “Lập Thạch huyện Văn từ TS bi”, No.15503 Viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội), Bia văn chỉ làng Quan Tử
nay còn đặt trong miếu thờ Đỗ Khắc Chung (xem “Tiên hiền liệt vị”, No.15460 viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội) cùng các sách Đăng Khoa
Lục lưu trữ ở thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội thì tên ông đều ghi chép
thống nhất là Trần Doãn Hựu (“Hưu”dấu
nặng).
Vậy là thông tin về ông
Trần Doãn Hữu (Hưu dấu ngã) do các
hậu duệ thờ cúng ở Quan Tử là không có thực. Và do vậy các em của ông (cùng cha khác mẹ) dẫn ra trong bài đều
phải thẩm định lại trên cơ sở những bản gia phả gốc.
Có ý kiến cho rằng Trần
Doãn Hựu (“Hưu”dấu nặng) là con của
Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn cũng là điều khiên cưỡng. Vì theo như bản sách “Lịch
triều đăng khoa bị khảo”
của TS Phan Huy Ôn (bản A.485/1. tờ 56.)
thì Doãn Hựu thi đỗ TS năm 27 tuổi, cũng tức là ông sinh năm 1452 là năm Nhâm
thân, sau năm mất của Tả tướng quốc (ngày 26 tháng 02 năm Kỉ dậu 1429) là 23
năm. Hồ sơ xếp hạng ngôi từ đường họ Trần làng Quan Tử (xếp hạng cấp Tỉnh –Thành phố) cũng ghi về nhân vật được thờ là Trần
Doãn Hựu. (Hưu dấu nặng). Chẳng lẽ người đã chết tới 23 năm lại vẫn còn “sinh
con” được chăng ?
Có một thực tế là trong
hai bản gia phả họ Trần hiện nay do con cháu lưu giữ, có bản tờ bìa ghi là Trần
gia phả kính, hai bên
ghi hai hàng chữ là:
Chí
tiền nhân chi kí vãng
Khải
hậu thế chi dịch tri.
Nghĩa là:
Gia phả họ Trần như gương soi.
Ghi lại việc người xưa đã qua
Mở cho đời sau biết mà không thay đổi.
Đó có thể coi là lời giáo
huấn cho con cháu đời sau vậy.
Nội dung từ tờ thứ hai là
gia phả của chi thứ hai chép từ Trần Đạo
Nguyên trở xuống, khởi đầu có các hàng chữ nay theo nguyên thư phiên âm và dịch
là:
Trần gia phả văn
Mộc chi hữu bản, bản cố tức chi diệp mậu. Hà chi hữu nguyên, nguyên
viễn tức chi lưu hệ. Phàm quyết nhân sinh khởi bất do hồ. Truy sóc Trần tộc
Thủy Tổ Thượng thư dĩ lai, trữ trục khai tiên, tụ thành nhất tộc. Kì vi minh
đức dã, viễn hĩ.
Dịch là:
Cây tất có gốc, gốc bền thì cành lá tươi tốt. Sông tất có
nguồn, nguồn xa thì các nhánh quấn quýt. Phàm trong nhân sinh đều như thế cả.
Tìm ngược trở lại, họ Trần từ vị Thủy Tổ là Thượng thư đến nay, đan dệt với
nhau họp thành một họ, cũng là để sáng công đức vậy, sâu xã lắm!
Trong đoạn văn trên ở đầu
gia phả rất đáng lưu ý ở câu cuối: “ Kì vi minh đức dã, viễn hĩ”. Đó là câu giáo huấn con cháu đời
sau hiểu rõ ý nghĩa sâu sa của việc vì sao mà Trần Doãn Hựu lại lập ra một họ
Trần mới ( không theo họ Trần cũ của cha
ông) mà ông là vị Tổ mở đầu: Thủy tổ. Một việc làm rất nhân văn, nay có giá trị là một thực thể
góp phần vào việc nghiên cứu về làng xã, về văn hóa các dòng họ.
Ảnh tờ 2 gia phả họ Trần chi thứ 02 chép về Trần Doãn Hựu
Thực tế là trước khi cha
mẹ Trần Nguyên Hãn lên lánh nạn ở địa đầu xã Sơn Đông thì ở đó đã có họ Trần.
Khi Trần Nguyên Hãn “chìm thuyền” năm 1429 thì chỉ có Ông và gia đình vợ và con
bị di lụy. Còn họ Trần ở Sơn Đông không ảnh hưởng gì. Triều đình vua Lê Thái Tổ
biết vậy và cho đến triều đình Vua Lê Thánh Tông cũng biết vậy, nên khoa thi
năm 1478 ông Doãn Hựu ra thi vẫn khai lí lịch là họ Trần và ông đã thi đỗ. Danh
sách ghi trên bia Văn Miếu (Hà Nội) và các sách Đăng khoa lục đời sau (Tư liệu Viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội), đều ghi là họ Trần tên là Doãn Hựu không hề
có sự thay đổi. Sau Ông lại làm quan tới chức Thượng thư bộ Lại là chức quan ở
đầu hàng tòng nhị phẩm giữ công việc quan tước, chọn bổ, xét hạch, thăng giáng
và các việc điền bổ (chức khuyết), cấp cho bổng lộc, tức là làm công việc tổ
chức của triều đình.
Tuy nhiên thì dù sao ông
cũng là người họ Trần ở trang Sơn Đông, nơi mà trước đó mới chỉ hơn 50 năm vẫn
còn “nhãn tiền” vụ án “Trần tộc” động trời. Khiến ông không khỏi có sự lo xa
cho mình và cho gia tộc với chức quan cũng rất cao sang trong triều đình ở nơi
ông. Bởi vậy, để cắt đứt với mọi quá khứ, để cho cuộc sống yên lành, tránh mọi
hiềm nghi trong chốn quan trường, ông mới lập ra một họ Trần mới bằng cách tập
hợp tất cả người trong làng xã có họ Trần thành họ do ông là “Thủy Tổ” (ông Tổ mở đầu) (nghĩa là trên đó không còn có ai). Và để tránh con cháu đời sau sao
nhãng, trong phần mở đầu gia phả họ Trần mới có lời “phả văn” như trên. Họ Trần này của Trần Doãn Hựu vẫn quây quần sinh tụ trên 500 năm nay và vẫn thờ tự
Trần Doãn Hựu là “Thủy Tổ”, vậy sao lại kết luận họ Trần ở làng Quan Tử ngày
nay là di duệ của Tả tướng Trần Nguyên Hãn được!
Xin nhắc lại: Truyền
thuyết ở Sơn Đông chưa bao giờ nghe nói Trần Nguyên Hãn có ba bà vợ (Tôi gạch dưới.LKT). Hai bản ngọc phả ở
đền Thượng và ở khu Đức Lễ mà chúng tôi chép được từ thập kỉ 90 của thế kỉ XX
không hề chép gì về các bà vợ của ông. Nên thông tin về Trần Nguyên Hãn có ba
bà vợ là thông tin thiếu cơ sở khoa học.Thông tin về bà vợ thứ ba của Trần
Nguyên Hãn là “Bà Chúa Lối” là không thực tế. Trong hội thảo khoa học về “Thân
thế và sự nghiệp của Trần Nguyên Hãn” ở cấp quốc gia tháng 10 năm 1988 tại trụ sở UBND huyện Lập
Thạch không hề có báo cáo nào về “Bà Chúa Lối” người tổng Văn Bình là vợ thứ ba
của Trần Nguyên Hãn như thông tin trong
bài. (Cũng đính chính là huyên Lập
Thạch không có tổng Văn Bình). Có lẽ đó là một thông tin đã theo kiểu “gia
dĩ truyền ngôn” mà viết (!). Về mục này xin xem “kỉ yếu Trần Nguyên Hãn” Sở VH-TT tỉnh Vĩnh Phú đã xuất bản.
Vậy “Bà
Chúa Lối” là ai ?
Để chuẩn bị cho Hội thảo,
đoàn chúng tôi gồm ba người là anh Nguyễn Chiến Thắng, phụ trách Tuyên giáo ĐW
xã Sơn Đông, chị Văn Kim Chung cán bộ nhà Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phú cùng lên điền
dã ở xã Xuân Lôi, tức là làng có di tích về “Bà Chúa Lối”.
Tại đây, trong khu vườn
nhà ông Nguyễn Thiệu Thăng ở thôn Cây Bún có một ngôi đền thờ “Bà chúa Lối”, cùng với bản chép
lại văn bia về bà có tên là “Hoàng Việt Thái Chiêu mộ chí”, là văn bia mộ về bà. Nội dung chép
bà có tên đầy đủ là Nguyễn Thị Ngọc Lãng, là cháu nội của quan Thượng thư bộ Hộ
Nguyễn Thiệu Tri đời Lê Hồng Đức. (Nguyễn
Thiệu Tri thi đỗ TS cùng khoa với Trần Doãn Hựu). Bà là thứ phi của Mạc
Đăng Dung triều Mạc, vào những thập niên thứ 03, thứ 04 của đầu thế kỉ 16, cách
xa hàng 100 năm nên chẳng có liên quan gì tới Trần Nguyên Hãn. Trong hội thảo
Khoa học về nhà Mạc ở Vĩnh Phúc năm 2012, tư liệu đó đã được dòng họ Mạc công
bố. Lại thêm một bằng chứng xác nhận bản vietnamgiapha.com do tác giả là Trần
Phước lập ra đăng tải trên các Website về Trần Nguyên Hãn là sự chắp vá thiếu độ
tin cậy khoa học.
Trong bài tác giả còn
viết: “Theo sách “Lê Triều Thông Sử” của Lê Quý Đôn viết: khi ông Trần Nguyên
Hãn tự trầm mình thì người ta cứu được một hài đồng tử. sau đó, Lê Lợi bắt mẹ
con Bà (tức bà chúa Lối LKT) vào quản thúc tại kinh thành Thăng
Long, tịch thu gia sản của ông.” Nhà bác học Lê Quý Đôn không hề viết như thế.
Theo nguyên thư cụ Đôn chỉ viết có hai câu như sau:
- Về việc thuyền chìm: “Hốt nhiên đại phong phúc thuyền. Lực sĩ xá
nhân tứ thập nhị nhân cập Hãn giai nhược tử. Duy gia đồng nhị nhân phù thủy để
ngạn đắc thoát”. Nghĩa
là : Bỗng nhiên gió lớn nổi lên, thuyền
chìm.42 lực sĩ xá nhân cùng ông Hãn đều chết cả. Chỉ có hai trẻ nhỏ trong nhà
nổi lên bơi vào bờ là được thoát.
- Về gia sản vợ và con của Trần Nguyên
Hãn: “Sự văn, Thượng chiếu thúc kì thê tử điền sản”. Nghĩa là : Nghe tin, nhà vua xuống
chiếu bắt giam vợ và con, tịch thu gia sản ruộng đất. Ngoài ra không có chữ
nào khác nữa.
Như vậy thì vợ và con cuả
Trần Nguyên Hãn đều chỉ bị vua Lê Lợi giam cầm, sau khi ông được minh oan thì
đều còn sống và đã đã được tha ra.
Về vấn đề này, bài của
tác giả Trần Nhật Độ đăng trên báo Văn Hóa số sau tết Bính tí (1996) có tiêu đề
“ Một cụm di Lịch sử-Văn hóa và cách mạng cần được xếp hạng và bảo vệ” (xem trang 03, mục Kinh tế-Xã hội). Sau đó là báo Nhân Dân cuối tuần số 29 (389) ra ngày 14 -7- 1996
trong mục Đất nước-Con người viết về “Dòng dõi Trần Nguyên Hãn”, bài của Nguyễn Ngọc Hạnh, cùng có chung thông tin như sau: Trần
Quốc Duy hiệu Pháp Độ, là con của anh hùng dân tộc Trần Nguên Hãn đời Lê. Sau
khi cha được minh oan thì Trần Quốc Duy được vua Lê Thánh Tông mời ra làm quan
ở chức “Thiết khoa chế lễ” là chức quan chuyên trông coi lễ nghi kỉ cương trong
triều. Sau 28 năm trong ghế quan trường ông xin thôi việc. Sau đó về Thanh Hóa
nghỉ ngơi 06 năm, rồi ông cùng con trai thứ ba về định cư lập nghiệp tại xã Phú
Hữu huyện Đông Thành (nay là xã Nhân Thành huyện Yên Thành tỉnh Nghệ An). Ở đây
hai cha con ông lập ấp khai hoang. Ông đã cùng một người họ Phạm chiêu mộ dân nghèo
phiêu tán cụm thành làng sinh cơ lập nghiệp, mở ra một vùng kinh tế trù phú,
dân cư đông đúc trên một diện tích rộng lớn thuộc tổng Thái Xá. (nay nằm ở phía
đông hai huyện Diễn Châu, Yên Thành).
Trần Quốc Duy không chỉ lo cho dân về kinh tế đời sống, mà còn chăm lo
đến việc học hành, khuyến khích việc học, mở trường lớp cho con em trong vùng.
Những con em nghèo mà thông minh được nuôi cho ăn học.Một số người sau đó đã
hiển đạt. Chính vì những cống hiến đó mà sau khi ông qua đời, để tỏ lòng biết
ơn , nhân dân địa phương đã tôn ông làm Thành hoàng làng xã. Triều Lê Hi Tông
chính thức cấp công điền thờ cúng. Các triều đại kế tiếp nhau đều có sắc phong.
Nay còn lưu giữ được sắc phong đời vua Khải Định.
Các bài báo đều có nhận
xét chung, hoàn cảnh xuất thân của Trần Quốc Duy là rất vẻ vang. Hậu duệ của
ông đã phát triển ngót 200 chi họ hầu khắp các huyện thuộc ba tỉnh Thanh-
Nghệ-Tĩnh. Qua các thời đại có nhiều đời vinh hiển, có công với đát nước như
thời cần vương có con cháu tham gia, trong đó, có nhà thờ họ ở Đan Trung là cơ
sở của phong trào cần vương.
Thời Lê trung hưng có
Trần Đăng Dinh làm quan đến chức tể tướng, Trần Khiêm Thủ có tước quận công.
Thời Tây Sơn, nhiều con
cháu tham gia đạo quân của vua Quang Trung. Thời Nguyễn có Trần Đình Phong thi
đỗ TS khoa Kỉ mão năm Tự Đức 32 (1879). Thời đại ngày nay có đồng chí Trần Phú
tổng bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, Trần văn Cung ( một yếu nhân
của tổ chức thanh niên cách mạng đồng chí Hội), Trần Phúc, Trần Đình Kiều. Sau
này còn có Thượng tướng Trần văn Quang (chủ tịch Hội cựu chiến binh Việt nam).
Thiếu tướng Trần Ân (nguyên phó tư lệnh Quân khu IV), Thiếu tướng Trần văn Trí.
Anh hùng được phong trong
hai cuộc kháng chiến có anh hùng liệt sĩ Trần Can, anh hùng Trần Chử, anh hùng
Trần văn Trí.
Nhiều con cháu là cán bộ
trung cao cấp của Đảng, Nhà nước và quân đội. Nhiều người là nhà khoa học, giáo
sư, tiến sĩ.
Nhà thờ Đan Trung (xã
Diễn Thắng huyện Diễn Châu) thờ bài vị Trần Pháp Độ được làm hồ sơ cấp bằng di
tích Lịch sử-Văn hóa cấp Quốc gia.
Đây là một phả hệ về dòng
dõi Trần Nguyên Hãn như sau:
Sơn Đông. Ngày 08 tháng 04 năm 2013.
Lê Kim Thuyên
Nhà Nghiên cứu Lịch sử địa phương
Hội viên hội Khoa học Lịch sử tỉnh
Vĩnh Phúc.
Hội viên hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh
Vĩnh Phúc.
Người quê làng Quan Tử xã Sơn Đông.
Địa chỉ liên hệ: Thôn Quan Tử, Xã Sơn
Đông, Huyện Lập Thạch, Tĩnh Vĩnh Phúc.
ĐT: 02113.828.069.
DĐ: 0984550547