Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

Về một vị thầy giáo trường làng

                   VỀ MỘT VỊ THẦY GIÁO TRƯỜNG LÀNG. 

                                        Lê Kim Thuyên 

     Đó là vị Thầy giáo triều Trần, tên đầy đủ của Ông là Đỗ Khắc Chung. Ông sinh ngày 24 tháng giêng năm Đinh mùi (năm 1247) (có thuyết nói năm Nhâm ngọ- 1222) ở làng Cam Lộ, huyện Giáp Sơn, nay thuộc tỉnh Hải Dương. Phụ thân ông là Đỗ Nhuận, mẹ là Vũ Thị Hương đều cùng người làng Cam Lộ, đều vốn hành nghề thầy thuốc. 

    Là một thanh niên hiếu học, sớm trở thành một Nho sinh túc học, Ông rất quan tâm đến sách vở và dạy bảo học trò. Trong một lần đi du lãm đến làng Gốm tức là ấp Đông Sơn, lộ Tam Đái (nay là thôn Quan Tử xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Phúc), nhận thấy nhân dân nơi đây rất chất phác, nết na hiền lành, mà lại hay làm, phong tục lại thuần hậu nhưng còn ít học hỏi về chữ nghĩa; Đồng thời nơi đây lại có cảnh quan sông núi, hình thế tươi đẹp, giao thông thuận tiện trên bến dưới thuyền, có thể thông suốt từ kinh thành Thăng Long, qua miền ngã ba Bạch Hạc lên tới đầu nguồn Tuyên Quang, Hà Giang, nên Ông mới bảo nhân dân mở lớp, dạy bảo con em trong làng học chữ.  

    Thần tích miếu làng Quan Tử (nơi thờ ông) “Sơn Đông xã đại vương phả lục” soạn năm Hồng Phúc thứ nhất (1572) (Tài liệu nhà Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc BTVP 461 CHVT. Sử T. S.01) còn ghi, dịch theo nguyên thư: “ Ông thấy ở trang Sơn Đông, huyện Lập Thạch, phủ Tam Đái, đạo Sơn Tây nhân dân chất phác, học hỏi ít. Nhưng ở đây phong cảnh non sông lại đẹp, nước quanh co vòng lượn, có sông Lô là nơi phong cảnh hữu tình. Ông bèn bảo nhân dân dựng trường học, dạy cho chữ nghĩa. Được một năm dân ấy có phong tục tốt, lại học hỏi tinh thông, trở thành nơi có lễ nghĩa. Ai cũng mến phục ông. ” Sự tích ấy lại được khẳng định lại trong bản khai Thần tích-Thần sắc của làng Quan Tử, tổng Đông mật, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Yên năm 1938 như sau: “Làng chúng tôi thờ hai vị Thành hoàng, Một vị gọi thường là quan hành khiển, tên húy là Đỗ Khắc Chung…..Nguyên là người xứ Giáp Sơn, Hải Dương (sinh ngày 24 tháng giêng). Lúc ít tuổi có tài văn võ, học hành rất thông minh; Lúc chưa hiển đạt, có đi chơi đến làng chúng tôi…thấy nhân dân phong tục thuần hậu, mà ít kẻ học hành, ngài mới lập trường dạy dân học tập. Nhờ đó nhân dân học tập thông thái, thành ra một làng biết lễ nghĩa”. ( Xem TT-TS FQ4o 18/13 từ trang 1193 Viện TT KH XH Hà Nội). Chọn thế đất trong làng có hình cảo “đông bình – tây bảng” là thế đất phong thuỷ phát về văn học, Ông cho dựng trường. Tương truyền, ngôi trường toạ trên quả gò là ngọn của ngòi bút (bút lông), đang nhúng vào khay mực, là một cái ao tròn như ô đựng mực mà cán bút là con đường làng trực diện đi vào. 04-05 ao xung quanh đều có hình thể như các ô định sẵn: Ô là khay đựng nước mài mực, ô là khay đựng thỏi mực, ô là ngăn gác bút, ô là ngăn nước rửa bút…cùng trong một chiếc nghiên mà dấu tích nay còn nhận biết rất rõ trên thực địa và trên đồ bản của Sở Địa chính Bắc Kì. (Service du cadastre du Tonkin

    Một đôi câu đối còn ở cổng di tích đã mô tả về hình tượng nơi đây: 

   Tháp ảnh nguyệt lung lô mộ bạch 

   Hương yên vân đậu đảo triêu thanh. 

   Nghĩa là: 

  Bóng tháp lồng dưới bóng trăng, nơi đây tối rồi trời vẫn tỏ 

  Sáng ra khói hương quanh quất, đảo tươi xanh. 

  Chỉ khoảng thời gian 06-07 năm sau Ông truyền thụ, dân tục nơi đây đã trở nên tốt đẹp, nền học vấn được mở mang, trở thành một vùng dân có lễ nghĩa, ai ai cũng đều mến phục Ông. Sau đó, Ông mới về triều đình đi thi và đã đỗ, rồi gia nhập giới sĩ phu triều Trần vao đời vua Thánh tông ( 1258-1272 ). Khi ấy ông vừa 28 tuổi. 

  Lại một đoan nữa TT-TS ghi tiếp: “Trong nước thời bấy giờ thái bình, ngài phụng mệnh đi tuần thú các nơi, có đến chơi ở trường dạy học cũ ở trang Sơn Đông,bấy giờ phụ lão nhân dân vừa là học trò cũ, nay thấy ngài là thầy hiển đạt có đức vọng, xin làm thần tử và xin tên hèm để thờ, ngài ưng cho, chọn lấy 20 người làng cho đi theo hầu làm đầy tớ thân và cho 05 lạng vàng để làm đền thờ. Từ đấy phụng sự, dân nhờ được linh ứng, các triều đều có sức phong và ngày trước gặp kì Hương thí, học trò thường hay làm lễ cầu khoa ở đền này”. 

   Đó là lí do để Ông Đõ Khắc Chung được nhân dân trang Sơn Đông thờ ngay từ lúc còn sống. (Thành hoàng sống). Và sau lần đó thì không có lần nào Ông quay trở lại trang Sơn Đông nữa. 

   Theo như các sách “Đăng khoa lục” hiện đang còn được lưu trữ, thì dưới triều vua Thánh tông, nhà Trần tổ chức được 02 khoa thi Thái học sinh ( tương đương học vị Tiến sĩ triều Lê và về sau). Đó là các khoa năm Bính dần niên hiệu Thiệu Long thứ 09 (năm1266) số lấy đỗ được 47 người; Khoa Ất hợi niên hiệu Bảo Phù năm thứ 03 (năm 1275), số lấy đỗ là 24 người. Các sách Đại Việt Đăng khoa lục cũng chỉ ghi danh số về khoa này vẻn vẹn có một câu: “Ất hợi. Bảo Phù tam niên. Đại tỉ thủ Thái học sinh nhị thập tứ danh ( tứ tam khôi tam danh, hoàng giáp dĩ hạ nhị thập nhất danh. Tiền nhị khoa phân Kinh, Trại trạng nguyên, chí thị phục mệnh vi nhất”. Nghĩa là: Mở khoa thi lớn lấy đỗ Thái học sinh. Tam khôi là 03 người. Còn từ hàng Hoàng giáp trở xuống là 21 người. Trước kia chia ra Kinh, Trại trạng nguyên, đến đây hợp lại làm một. Sách ghi rõ Trạng nguyên là ông Đào Tiêu, người huyện Đông Sơn, tra ra sau là xã An Hồ, huyện La Sơn, nay thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Danh sách thứ 02 là ông Quách Nhẫn người xã Song Khê huyện Yên Dũng nay thuộc tỉnh Bắc Giang thi đỗ Thám hoa. Để khuyết tên người đỗ danh sách Bảng nhãn. 

   Theo điều tra điền dã tại địa phương xã Sơn Đông thì Đỗ Khắc Chung sau thời kì dạy học 06 – 07 năm ở địa phương rồi mới ra thi, và danh sách Bảng nhãn của khoa thi năm 1275 là đề danh Ông. Bằng chứng là trong số 04 đạo sắc phong trièu Lê Cảnh Hưng hiện còn, đạo đề ngày 26 tháng 5 năm thứ 02 (1741) có câu: Ngao đồ vĩnh điện tôn an, kí trưng thần tích chi hưu, hạp cử bao phong chi điển. ( Xem trong Sắc phong VĨnh Phúc toàn tập. Sở VH- TT & DL xuất bản tháng 02 năm 2012, trang 213). Nghĩa là: Đầu Ngao xây dựng bền lâu, có trong thần tích để về sau, sao chẳng bao phong theo điển lệ

   Chữ “ ngao đầu” là chỉ về một loài rùa biển lớn ( có sách gọi là con Trạnh), được khắc trên tấm bia đá đặt trước thềm điện nhà vua. Theo lệ xưa, mỗi khoa thi Đình, người đỗ trạng nguyên được quan bộ Lễ dẫn lên đứng bên đầu ngao, coi thế là một ân vinh quốc điển trọng đại (thứ bậc của hàng tam khôi chỉ có 03 danh hiệu học vị là trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa). Vì thế, có chữ “ngao đồ” hoặc “ngao đầu” để chỉ học vị trạng nguyên. Đỗ Khắc Chung đỗ trong hàng tam khôi, ở bậc bảng nhãn cũng là Á trạng nguyên. 

    Lại nữa trong một bài văn tế tiệc về Ông ở miếu Quan Tử còn có câu viết như sau: Cầu dực nhất khoa tính tự minh sử sách chi côn hoàng (Một lần thi đỗ , tên họ ghi rõ ràng trong sách sử của nhà vua) khẳng định về khoa bảng của Ông. Từ đó, với học vị bảng nhãn Ông đủ theo quy chế hiện thời ra nhận làm quan với một chức ở Chi hậu cục, tức chức quan chuyên chọn hàng Bảng nhãn cho làm. Ông đứng đầu ở cơ quan Chi hậu cục( chi hậu cục thủ) bên cung Thánh từ, (cung của Thượng hoàng làm việc) luôn theo Thái thượng hoàng hầu về việc văn thư bút mực. Đó là chức quan bé nhỏ chép trong sách Đại Việt sử kí toàn thư năm 1280, mà vua Trần Nhân tông ví như là “ngưạ xe kéo muối”. Nguyên văn từ chữ Kì Kí sa diêm chép vào năm 1285 trong sách “Đại Việt sử kí toàn thư” và sáh “Khâm Định Việt sử thông giám cương mục”

    - Từ năm 1289 (Trần Anh tông năm Hưng Long thứ 06), ông từ chức Ngự sử đại phu được cho làm Đại an phủ sứ ở Kinh sư. (Kinh đô Thăng Long). Đây là chức quan ngoài.    

    - Năm 1303 (Anh tông năm Hưng Long thứ 11), được phong làm Nhập nội Hành khiển. Do ông là người ngoài Hoàng tộc vào làm quan trong triều nên có chữ “nhập nội” để phân biệt. Vì công trạng của ông cũng nổi bật lên từ đời vua Trần Anh tông, nên sách thần tích về ông còn ở miếu Quan Tử mới có câu mở đầu “Trần Anh tông thời…”, nghĩa là vào đời vua Trần Anh tông. 

    - Năm 1307 (Anh tông năm Hưng Long 15) , được phong làm Nhập nội Hành khiển Thượng thư tả bộc xạ.

    - Năm 1313 (Anh tông năm Hưng Long 21), được phong chức Tả phụ, tước Quan phục hầu. Đến tháng 10 năm ấy được là Á quan nội hầu. - Năm 1321 (Minh tông năm Đại Khánh 08) phong tước Quan nội hầu. 

    - Năm 1326 (Minh tông năm Khai Thái 03) từ chức Hành tả ti lang trung cho làm Thiếu bảo hành Thánh từ cung,Tả ti sự gia hàm Đông trung thư môn hạ bình chương sự, tức là chức quan tể tướng thứ hai. 

   - Năm 1330 (Hiến tông năm Khai Hựu 02), Ông chết. Được triều đình tặng chức thiếu sư. Cộng lại, cuộc đời Ông trải làm quan tới 05 triều vua, thời gian là 55 năm với các đời vua như sau: 

    - Trần Thánh tông. Từ 1275 đến 1280. 

   - Trần Nhân tông. Từ 1280 đến 1293. 

   - Trần Anh tông . Từ 1293 đến 1314. 

   - Trần Minh tông. Từ 1314 đến 1329. 

   - Trần Hiến tông. Từ 1329 đến tháng 07 năm Canh ngọ (1330) thì mất, hưởng thọ 84 tuổi. Mộ táng tại núi Phượng Hoàng nơi quê nhà. 

    Đây là một chút nhắc nhở về cống hiến của Ông ở phương diện quốc gia, căn nguyên để Ông được nhà vua ban ân điển mang họ vua: Từ họ Đỗ đổi sang họ Trần là Trần Khắc Chung năm 1289. khi Ông có công lao lớn “sang sứ” biện luận với tướng Nguyên là Ô Mã Nhi về hai chữ “Sát Thát”. 

   Một sự thật hiển nhiên là từ khi Ông từ giã đất Sơn Đông ra làm quan thì không một lần quay trở lại. Bằng cứ là còn đôi câu đối ở cổng ngôi di tích thờ Ông đã viết: 

    Đài quán y huy vân tứ hạ 

   Nhân dân phi thị Hạc trùng lai. 

  Nghĩa là: 

   Đài quán rực rỡ như xưa, bốn mùa mây buông xuống 

   Nhân dân nào thấy tuổi Hạc quay trở lại

   Ý nhắc đến ngôi trường làng xưa kia nay trở thành đền miếu nguy nga, còn người sáng lập thì không thấy một lần quay trở lại. 

    Ông được thờ cúng như vị Thành hoàng làng bởi là người Thầy đã truyền dạy chữ nghĩa, lễ giáo và mở mang trí tuệ cho dân làng, mở ra một hướng mới: hướng đầu tư vào học nghiệp của cả làng, có truyền thống hơn 700 năm nay. 

    Đến nay, dù thời gian đã xã xôi, nhân dân vẫn giừ tục lệ kiêng tên húy Thành hoàng. Không được đặt tên con khi sinh trùng tên Thành hoàng, khi phát ngôn có chữ “Chung” đọc chệnh sang âm “Chong”, hoặc “Trong”. Lại tránh cả tên húy công chúa Huyền Chân tương truyền là người tình của Ông thờ ở đền làng Hòa Loan nay thuộc xã Lũng Hòa huyện Vĩnh Tường. Các chữ khi viết hoặc khi đọc có chữ “Chân” đều đổi gọi là “Chinh” hoặc “Trinh”. 

    Về tục lệ giao hiếu, Hương lí làng Quan Tử-Sơn Đông còn khai tiếp trong TT-TS: “ Duy có làng Hòa Loan, tổng Mộ Chu huyện Bạch Hạc (nay thuộc xã Lũng Ngoại, huyện Vĩnh Tường. LKT) đối với làng Quan Tử chúng tôi, lễ giao hiếu rất là thân mật. Số là xã Hòa Loan thờ bà Huyền Chân công chúa; Nguyên bà ấy là con vua nhà Trần ( Trần Nhân Tông.LKT), trước gả cho vua nước Chiêm Thành. Gặp khi vua nước ấy băng hà, theo tục nước ấy người vợ vua yêu quý phải nhẩy vào đàn hỏa táng để chết theo chồng, hay là tuẫn táng. Vua nhà Trần thương con gái, mới sai ông Đỗ Khắc Chung sang sứ mượn cớ đi thăm quốc tang, rồi lập mưu đem được công chúa về nước. Bởi thế lễ giao hiếu hai làng không thể bỏ được, vì bỏ sợ hai làng không được yên. Còn sự giai gái hai làng muốn lấy nhau cũng được”. 

    Về việc này còn có tục lệ cổ là ngày có tiệc làng, đoàn nước nghĩa làng Hòa Loan lên dự tiệc ở Quan Tử khi về xin chiếc chiếu “đọc chúc” (chiếu thứ nhất trong bốn chiếu tế) mang vê làm “hèm” giải ở đền thờ bà Huyền Chân. Ngược lại, ngày tế tiệc làng Hòa Loan, đoàn nước nghĩa làng Quan Tử xin chiếc nồi đất cũng là vật phẩm tế mang về. Tục cũ tuy bỏ, nhưng quan hệ “ nước nghĩa” nay vẫn vẹn nguyên. 

     Cũng theo trong kê khai TT-TS của xã Quan Tử trong năm có hai ngày tiệc 24 tháng giêng (tiệc ngày sinh), 24 tháng 11 (tiệc khánh hạ) có tục lệ “hèm húy” về vật dâng cúng “có giã bánh dày trắng và cỗ nem là hèm húy của thần”. “Đó là đồ tế lễ riêng hèm thần làng chúng tôi phải sửa lễ bánh dày trắng và cỗ nem”. Công việc sửa cỗ rất là hệ trọng. 

    Trong hai tiệc ấy, làng “chia ra làm bốn giáp (đông, tây, nam, bắc), cắt giai dân trai giới, chọn gạo để giã bánh dày thờ, cắt dân đinh đong cỗ gạo đấu…, mỗi tiệc mỗi giáp đều phải sửa riêng một con lợn”. Thịt lợn ấy chọn lấy ba loại thị ngon nhất gồm phần mỡ tinh trần qua nước sôi cho cứng rồi dùng dao sắc thái nhỏ như sợi chỉ; Thịt nạc để sống rồi cũng thái nhỏ, còn phần bì lợn thì chỉ lạc lấy phần bì tinh, luộc chín kĩ, cũng thái nhỏ. Cả ba thứ ấy trộn đều rồi ướp gia vị, cuối cùng là trộn đều với bột thính gạo, Phân đều thành từng quả như cái chén nhỏ, rồi bọc lá ổi tươi, cuối cùng gói vuông lại bằng lá chuối khô, bên ngoài buộc lạt đỏ, kiểu chữ thập. Cốt sự thành kính. Cỗ ấy sau khi tế lễ xong phần lớn dùng để biếu sén các chân sắc mục trong làng đương thứ. Mỗi phần là một cái bánh dày với quả nem, đó là sự kính trọng thượng phẩm. 

     Về ý nghĩa của hèm tục này, theo điều tra điền dã địa phương, bánh dày hình tròn “tượng trời”, thuộc dương; Quả nem hình vuông “tượng đất” thuộc âm, đây là một khái niệm về “âm dương lưỡng hợp”, một ý thức về sự vuông tròn trong tình duyên và sự sinh nở, đã được nâng theo quan điểm Nho giáo. Ăn nhật với tục lệ trao đổi chiếu cúng và nồi đất vẫn còn nhớ đến ngày nay. 

    Từ năm Cảnh Trị thứ 03 đời vua Lê Huyền tông ( 1665), làng đã dựng ngôi miếu thờ Ông với sự tôn thờ Thầy Vạn đại chiêm ngưỡng (chữ của bức hoành phi treo trước thượng điện hiện đang còn, nghĩa là Vạn đời còn trông theo) còn nhiều dấu tích đến ngày nay, và đổi tên làng từ Sơn Đông sang Quan Tử: Làng con quan , khẳng định là làng học – làng quan, ước vọng chân chính của giới Nho sinh vào đời. 

     Bởi đã có thực tế trong 02 triều Lê sơ và triều Mạc trong vòng 88 năm từ Lê Nhân tông khoa Quý dậu (năm1453) đến Mạc Phúc Hải khoa Quảng Hoà Tân sửu (năm 1541) làng đã có 12 vị tiến sĩ đỗ đạt ở bậc đại khoa, hiện đứng danh sách thứ nhất trong tỉnh Vĩnh Phúc và xếp hàng thứ 20 trong danh sách đỗ đạt trong cả nước. Thời kì đó cho đến năm Thành Thái Quý mão (1903) là khoa thi Hương triều Nguyễn, cuối cùng làng còn có người đỗ cử nhân là ông Hoàng Mậu Lâm, chứng tỏ làng này không nhà nào là không có họ hàng anh em con cháu nhà quan. “Lúc ấy khoa mục thịnh hành, hương cống sinh đồ nhà nào cũng có, nên mới đặt tên là Quan Tử, lấy nghĩa là con cháu nhà quan”. (TT-TS xã Quan Tử).             Năm 1939, là năm Kỉ mão, có đợt tu sửa cuối cùng, làng đã cho di chuyển tấm bia đá Tiê n hiền liệt vị ghi danh sách 12 vị tiến sĩ Nho học từ văn chỉ của làng lập năm Tự Đức Mậu dần (năm 1878) đặt vào gian cạnh chính điện, nên di tích có thuộc tính vừa là di tích Nho giáo, vừa là di tích Nho học, duy nhất có ở tỉnh Vĩnh Phúc rất đặc biệt theo như dạng thức thờ tự ở Văn miếu Quốc tử giám Hà Nội. 

     Về kiểu dáng kiến trúc có những đặc diểm khác với các ngôi đền miếu thông thường. Trên hai bên đỉnh nóc của nhà tiền tế có lắp hai cấu kiện là hai chiếc nậm rượu đặt trên đế hai hình tượng sao Khuê có tám cánh đang chiếu tỏa, miệng bình hình tháp bút chọc thẳng lên trời như đang “viết lên trời xanh”. Trong tòa tam quan đền có ba bức phù điêu bằng gỗ đục bong, chạm nổi hình tượng “tứ linh”. Đặc biệt ở bức gian giữa có cảnh chạm nổi hình thể mang hình tượng “Cha rồng dạy con” (Phụ long giáo tử), miêu tả về thực thể thầy trò quấn quýt như là đang truyền dạy chữ nghĩa. 

     Trong khuôn viên bề thế về kiến trúc, ngôi di tích thờ Ông đã được xếp hạng, cấp bằng di tích Lịch sử-Văn hoá cấp quốc gia theo quyết định số 937/QĐ-BT-1993. Đó như là sự báo đền: Mùng 01 tết ở nhà Cha Mùng 02 nhà Mẹ Mùng 03 tết Thầy. 

                       Sơn Đông. Ngày 12 tháng 4 năm 2012.

                                             L K T. 

Liên hệ: Nhà Nghiên cứu Lịch sử địa phương. 

Hội viên Hội Khoa học- Lịch sử tỉnh Vĩnh Phúc. 

Hội viên Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc. 

ĐT: 02113.828.069. 

DĐ: 0984550547 

Email: thuyenlk@gmail.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét