Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2013

NỀN KHOA BẢNG HUYỆN SÔNG LÔ


NỀN KHOA BẢNG HUYỆN SÔNG LÔ

                                                          Lê Kim Thuyên
Hội viên hội Khoa học lịch sử tỉnh Vĩnh Phúc.
                                     
Đóng góp vào kho tàng văn hiến Văn chương và người hiền tài nước Đai Việt, huyện Sông Lô nói riêng và huyện Lập Thạch nói chung tuy thuộc miền đất đai khô cằn, khó canh tác từng thể hiện trong một câu ví von:
Lập Thạch đẽo đá xây chùa
Chưa mưa đã úng, nắng đuà đã khô
Nhưng cũng đã là huyện có truyền thống khoa bảng là một thành tạo cốt lõi. . Lập Thạch, đó là tên xã Lập Thạch nay thuộc xã Yên Thạch, trung tâm của huyên Lập Thạch đời Trần Lê trở về trước, nơi có  “ hòn Đá Dựng” để ra đời địa danh Lập Thạch huyện từ năm 1399, đời vua Trần Thuận tông, cách nay 612 năm gồm có 04 thôn Do Nha ( tục danh làng Ngà), Vĩnh Quang ( thường gọi xóm Chùa- nơi có ngôi chùa Long Hoa xây dựng từ đời Lí, còn quả chuông “Long Hoa tự chung” cực lớn cũng được tạo từ đó, được tục khắc vào đời Cảnh Thịnh triều Tây Sơn, thôn Đại Chung ( tục danh làng Cả) và thôn Văn Lâm. Đất ấy, nay thuộc về huyện Sông Lô.
          Tổng số văn bản Hán Nôm có trong địa bàn huyện Sông Lô  mới lập được chép lại hiện nay còn điều tra được là 38 văn bản. Gồm có 06 tấm bia chùa, 01 tấm bia đền miếu, 25 tấm bia đình, 02 tấm bia cầu, 01 tấm bia văn chỉ bằng đá, 03 quả chuông và một tấm khánh chất liệu đồng. Đó là những di sản còn lại từ nghìn năm đến trăm năm.
          Tương thích với kho di sản ấy là sự thành đạt về học nghiệp của lớp Nho sĩ huyện Sông Lô. Hiện nay rất khó thống kê danh sách các “ông cử, ông tú” là các bậc thi đỗ trung khoa, tiểu khoa trong huyện vì thư tịch tản mạn trong các nhà.Chỉ duy nhất còn 01 tấm bia đá đứt ngang thân, nay đặt trong sân chùa Vĩnh Khánh thị trấn Tam Sơn là còn đọc được 02 danh sách người thi đỗ sinh đồ ( tú tài ) đời Lê trong tổng số 12 người đỗ như Lê Chiêu Minh người xã Lạc Sơn, Hà Thế Bình người Xã Bình Sơn…..
           Để bù lại, thì danh sách các bậc thi đỗ đại khoa lại rất đầy đủ. Cụ thể kể ra như dưới đây.
Khổng Cư Lỗ.  孔居 魯
Chưa rõ năm sinh và năm mất.
Ông người xã Thạch Lỗi huyên Lập Thạch. Nay là làng Phan Giư xã Cao Phong. Thi đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Tân sửu niên hiệu Hồng Đức năm thứ 12 ( 1481) đời vư Lê Thánh tông.
Về khoa thi này, bài kí bia Văn miếu- Quốc Tử Giám Hà Nội chép:
 Năm Tân sửu đời Hồng Đức là năm 54 kể từ năm mở nước, mà là năm thứ 22 kể tù khi Hoàng thượng trung hưng. Trong các khoa thi lớn đã mở thì khoa thi này là khoa thứ 11. Số cử nhân ghi tên xin thi ở bộ Lễ có hơn 2000 người. Chọn hạng hợp cách để vào thi đình chỉ được 40 người. Việc chọn lựa thực sự đã kĩ lắm…
Ông Khổng Cư Lỗ đã đỗ danh sách thứ 12 trong số 29 vị ở hàng đệ tam giáp theo danh sách ghi trên bia. ( xem bia số 07)
Triệu Nghị Phù趙 誼符
Năm sinh 1462. Chưa rõ năm mất.
Ông người xã Đức Liệp ( Lạp ) huyện Lập Thạch. Nay thuộc thôn Nam Giáp xã Đức Bác. Thi đõ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân khoa Bính thìn niên hiệu Hồng Đức năm thứ 27 đời vua Lê Thánh tông (1496).
Sách “Đại Việt Sử Kí Toàn Thư” của Ngô Sĩ Liên chép:
Tháng 03, ngày Đinh dậu 19, vua thân hành khảo thí ở thềm son điện Kính Thiên, hỏi về đạo trị nước. Ngày 26, dẫn các sĩ nhân vào sân điện Kim Loan, vua tự xem dung mạo từng người. Ngày 27, vua ngự chính điên xướng danh.
Có truyện rằng, xét về điểm thi, ông đỗ trạng nguyên. Do khi vào sách vấn, vua hỏi ông là người ở đâu? Ông cứ ngay thẳng đáp “Thần vu Kẻ Lép”, nghĩa là tôi là người ở Kẻ Lép. Kẻ Lép là tục danh của làng Đức Liệp, quê hương ông. Tuy nhiên vua Lê Thánh tông vốn hay chữ lại cho đó là nôm na mách qué nên đã bãi học vị trạng nguyên của ông, đánh tụt xuống bảng đệ nhị giáp danh sách thứ 05, nghĩa là tới 08 bậc học vị.
Lê Đĩnh Chi. 黎 挺 之         1467 – 1511
Ông người xã Lạc Sơn ( cũng đọc là Nhạc ) huyện Lập Thạch. Nay thuốc xã Nhạo Sơn.
Ông thi đỗ danh sách thứ 11 trong số 28 người ở bảng đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân.
Khoa thi Hội tổ chức vào tháng 04. Bấy giờ có tới 5000 người thi tuyển.  nhưng số lấy đỗ chỉ có 55 người.
4. Hà Sĩ Vọng.  何 仕望           1514 – 1595
Ông người ở Tuy Phúc, thuộc về xã Yên Xá, nay Yên Xá thuộc vế xã Yên Thạch. Làm nhà ở xã Bình Sơn. Vì thế có bản khai ở xã Bình Sơn. Nay di tích họ Hà còn ở xã Như Thuỵ
Ông thi đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Ất mùi niên hiệu Đại Chính năm thứ 06 đời vua Mạc Đăng Doanh (1535), danh sách thứ 20 trong 22 người của bảng này năm ông mới 22 tuổi.
5. Hà Nhậm Đại.   何 任 大         1526 - 1595
Là em trai của Hà Sĩ Vọng.
Ông thi đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Giáp tuất niên hiệu Sùng Khang thứ 09 đời vua Mạc Mậu Hợp, danh sách thứ 11 trong số 13 người cùng bảng.
Kể trên, là 05 vị vào hàng đại khoa của Việt nam thời Nho học thịnh hành của huyện Sông Lô. Có 01 vị thi đỗ ở bảng đệ nhị, còn 04 vị thi đỗ ở bảng đệ tam.
Về những đóng góp cho quốc gia, có ông Lê Đĩnh Chi được cử làm phó đoàn đi sứ nhà Minh vào năm Đoan Khánh Đinh mão ( 1507 ) đời vua Lê Uy Mục, làm phận sự tạ ơn về việc vua Minh ban cho tế phẩm. Ông Triệu Nghị Phù làm quan ở chức Đô ngự sử ở Ngự sử đài, là quan chức cấp cao thuộc hàng chánh tam phẩm. Ông Hà Sĩ Vọng, làm quan tới chức hữu thị lang bộ Lễ, tương tương như chức thứ trưởng ngày nay. Ông Hà Nhậm Đại làm quan tới chức thượng thư ở bộ Lễ. (tương đương chức bộ trưởng ngày nay ), ông còn là nhà thơ có thi phẩm để lại ở đời.

                                      Sơn Đông. Ngày 30 tháng 08 năm 2011


* Tác giả giữ bản quyền.
Các tài liệu dùng để viết bài:
1. Kho bia viện nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội.
2. Bia tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội.
3. Đỉnh khế Đại Việt lịch triều đăng khoa lục.
Văn bản của thư viện, viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội. VHv. 2140.
4. Lập Thạch huyên văn từ TS bi.   No. 15503.
            Viện Nghiên cứu hán Nôm Hà Nội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét