Thứ Ba, 1 tháng 4, 2014

ĐỀN THƯỢNG Ở TÂY THIÊN



ĐỀN THƯỢNG Ở TÂY THIÊN

LÊ KIM THUYÊN

Từ đền Cô theo con đường độc đạo đi lên, là đường dẫn đến ngôi đền ở vị thế cao nhất trên lưng chừng ngọn Thạch Bàn, ấy là đền Thượng Tây Thiên.

Gọi là “Tây Thiên” với nghĩa “Trời Tây” là để cùng nghĩa với Tây Trúc là nơi ngự của Phật. Tây Thiên ở đây là cái nôi của Phật giáo Việt Nam.

Nhưng Tây Thiên cũng để chỉ là bầu trời tây cuả kinh thành Thăng Long, nơi quốc gia Đại Việt của nhà Lý đầu tiên định đô, là bao hàm một quốc gia có chính thể tự cường. Tây Thiên Tam Đảo là bức trường thành phên dậu ở phương Tây của kinh đô ấy.

Ngôi đền Thượng (gọi là đền Thượng vì ngôi đền có độ cao nhất trong hệ thống) thờ bà Quốc Mẫu Lăng Thị Tiêu 凌 氏 椒. Tự điển nhà Lê năm 1763 chép rõ ràng: “ Xem trong quốc sử” và sách “ Lĩnh Nam chích quái”, Tam Đảo là dãy núi giữa núi Tổ của nước Nam ta… Thần núi họ Lăng, tên là Tiêu, lại có tên nữa là bà Cẩm Giang, là người thôn Đông Lộ, huyện Tam Dương. Thần do tinh tuý tốt đẹp của đỉnh cao nhất núi Tam Đảo mà sinh ra, cốt cách chẳng phải tầm thường, theo giữa vực sâu mà biến hoá, thoát ẩn, thoắ hiên, linh ứng lớn lao rõ ràng…..Đến nay nước, cầu dân cúng đều theo nguyện vọng mà đáp lại.

Các sách Địa chí cổ nước ta chép ở mục “Đền miếu” ( trong cả nước rằng) về ngôi đền Tây Thiên như sau: Ở xã Sơn Đình, huyện Tam Dương, không biết có từ năm nào. Có pho tượng đồng đến nay vẫn còn.”

“ Tương truyền: Nước ta ở thời thuộc Minh ( 1407-1427), có người họ Lưu,tên là Nhân Chú và Phạm Cuống đi buôn dầu từ Thái Nguyên đi qua đây, đêm vào ngủ trọ trong đền, thần được báo mộng cho biết việc Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn.Tỉnh dậy, hai ông liền tìm vào theo Lê Lợi đánh giặc Minh. Sau ngày thắng lợi, hai ông được phong công thần. Biết thần hiển linh giúp đỡ, mới xin vua phong cho Thần là “ Trụ Quốc Thái phu nhân thượng đửng thần”. Các đời Minh Mệnh (1820-1840), Thhiệu Tri( 1841-1847) đều sắc tặng là “ Trấn an, Trợ thuận, Tĩnh trọng Tam Đảo Sơn Trụ Quốc Thái phu nhân chi thần”.

Đền toạ lạc trên độ cao 530m so với độ cao mực nước biển trên ngọn Thạch Bàn cao 1585m, là ngọn cao nhất trong 03 ngọn núi quần tụ lại như 03 hòn đảo bồng bềnh trong mây nên gọi là Tam Đảo. Bởi vậy mà danh sĩ Cao Bá Quát mơi có câu thơ định vị “Độc cao phong bán thị Tây Thiên” 獨 高 峰 半 是 西 天 (chừng cao nửa ngọn ấy Tây Thiên).

Từ cửa rừng (đền Thỏng) đi lên, theo chỉ dẫn của người địa phương, theo lối cũ phải vượt qua 05 quả núi mới tới. Cách xa độ 6-7 cây số lội suối trèo đèo. Ngày nay đã có đường, có bậc bằng đá lát bê tông. Từ năm 200 có hệ thống xe điện từ Đền Thỏng lên đến ga cáp treo đầu tiên ở khu vực Đền Cậu dãn đến Đền Thượng.

Sự tích về bà Quốc Mẫu Lăng Thị Tiêu còn được chép trong ngọc phả Hùng Vương ở thời đại thứ 07 Hùng Chiêu Vương như sau:

Buổi đầu lên ngôi. Nhà vua nghiêm khắc chuyên về chính trị.Bãi bỏ khí giới, không dùng việc quân, chăm lo sức dân, mở mang nền giáo hoá để mở mang trí tuệ. Đúc kiếm báu,( Thiên linh kiếm), ấn báu( Thiên linh ấn) làm báu vật của quốc gia, để giữ yên cho xã tắc vững bền mãi mãi.

Từ đó trong nước không còn mối lo, triều đình yên tĩnh.

Các quan bề tôi thấy vậy mới dâng lên nhà vua lời tâu rằng:

- Nghe đồn trên núi Tam Đảo có nhiều các vị Tiên đến hội.

Nhà vua vốn là người rất coi trọng việc quỷ thần nên nghe lời, mở cuộc kinh lí lớn để cùng đến xem xét phong cảnh. Thế rồi đoàn quan quân từ kinh thành Phong Châu, ngựa xe nườm nượm lên đường.


Lễ hội Tây Thiên 2014



Khi đi đến nơi mới thấy nơi đây quả là núi non thật đẹp như gắm, như vóc. Như hàng nghìn các lâu đài lớp lớp sáng loá. Vách núi xanh biếc, dòng suối trong xanh, muôn lớp trên mặt nước lăn tăn gợn sóng. Hoa cỏ đua chen, cảnh trí tươi đẹp. Nho nhỏ nơi đầu núi có một ngôi chùa tên gọi Tây Thiên.

Thế rồi, nhà vua cho dựng đàn tràng, soạn sửa lễ chay sai các quan bề tôi làm lễ triều yết.

Rồi nhà vua vào làm lễ yết. Lập đàn ở nơi đầu núi, mở hội 07 ngày 07 đêm để cho trai gái 04 phương về dự hội vui. Lại đến chùa Phù Nghì lập vọng Tiên đàn, câu trời đất mong được gặp Tiên.

Nhà vua sớm “đảo” (cầu phúc với thần linh), tối “ cầu” ( xin). Cả chim chóc nơi núi rừng cũng được nghe đọc kinh, cá lội dưới khe cũng đến nghe giảng kệ.

Việc công đức được tròn quả, nhà vua lại đến núi Thạch Bàn để xem xét cảnh Tiên. Mới thấy rằng ở nơi non nước một bầu chẳng khác nào như toạ lạc vào chốn bồng lai. Rồi nhà vua lại đến chùa Phù Nghì lập ra Vọng Sơn đàn, lập triều đình uy nghi để cầu đức Hoàng thiên.

Nhà vua vào làm lễ rồi quỳ khấn rằng:

- Nguyện có trời đất xét soi, nay nếu gặp được Thần Tiên thì quả đã cho kiếp ba sinh được tròn hưởng yên vui vậy.

Khấn xong, nhà vua làm lễ bái tạ, rồi ở lại đó 03 ngày. Vậy mầ Thần Tiên vẫn chẳng thấy. Nhà vua bồi hồi lo lắng không rõ vì sao lễ lại không thành, mới đến ngự ở đầu núi rồng dựng đàn “ Vọng Tiên”, bền lòng lầm rầm khấn vái.

Đêm ấy, thấy có thần linh mách bảo:

- Người mà nhà vua cầu mong đang ở phía tây núi lớn, nếu trở lên thì không gặp được. Cứ đi về xuôi thì sẽ gặp. Cứ đến chân núi sẽ gặp người ở cửa rừng. Nhà vua còn được nghe thần đọc 04 câu thơ rồi mới trở ra về.

Quả nhiên trên đường trở về, đến dưới chân núi thì bắt gặp một người con gái xinh đẹp, vóc dáng lạ thường, đang đứng cạnh ngôi miếu bên đường để xem nhà vua giá ngự.

Nhà vua vừa lòng về sắc đẹp, mới nhận đem về cung. Rồi xa giá trở về đô thành Phong Châu lập làm chính vương phi.

Chưa đầy 01 năm sau thì Ngọc Tiêu có thai sinh được 01 con trai, phẩm chất thông minh, tài năng vượt trội. Đến tuổi trưởng thành, lập làm Hoàng thái tử để nối ngôi lớn, đặt làm Hùng Vĩ Vương. 

Khi Bà mãn hạn dưới trần gian theo lệnh Ngọc Đế về giời, nhân dân nhớ ơn mới lập lên ngôi chính điện thờ bà ở nơi vua Chiêu vương lập đàn câu Tiên làm nơi thờ cúng. Về sau gọi là Đền Thượng Tây Thiên.

Ở đó về sau, nơi ấy có rất nhiều cặp vợ chồng hiếm con đến cầu tự. Trở thành một chốn thiêng liêng cầu đường tử tức.

Bởi vây, theo sau Vua Hùng thứ 07, có hai vợ chồng ông Trương Bang, người hương Gia Cát ( nay là khu đầu cầu Việt Trì thuộc phường Bạch Hạc) do hiếm hoi, đã bơi thuyền ngược dòng sông Đáy, lên cầu tự ở đền Tây Thiên. Rồi sinh được con trai là Trương Định Xá, khi lớn lên trở thành vị Tả tướng quân chỉ huy sứ dưới triều vua Hùng Duệ thứ 18. Là người lập làu kén rể cho vua Duệ, để công chúa Ngọc Hoa con gái vua sánh duyên cùng với chàng Tản Viên, rồi lại cùng với Tản Viên có công trong cuộc chiến tranh Hùng Thục. Được phong thực ấp ở khu Tây, nay là 02 làng Tây thượng xã Liên Hoà và làng Tây Hạ xã Bàn Giản huyện lập Thạch. Nay 02 làng vẫn thờ cúng ông.

Ngày 10 tháng 02 năm Ất hợi (năm 555) Triệu Việt Vương Quang Phục cùng với 02 tướng thân tín là Trương Hống, TRương Hát, sau trận đánh ở thành Ô Diên( làng Hạ Mỗ huyện Từ Liêm Hà Nội),cũng đã ngược dòng sông Đáy lên Tây Thiên làm lễ tế cáo trời đất, cầu bình yên. Nay còn di tích thờ cúng ở miếu Bì La xã Đồng Ích có thần tích làm minh chứng.

Cưôi thế kỉ XIV, có ông bà Trần Án, hậu đuệ băng Hồ tướng công Trần Nguyên Đán, tể tướng triều vua Trần Nghệ tông ( 1370-1372) là Trần Án cũng từ ấp Đông Sơn ( nay là xã Sơn Đông huyện Lập Thạch), do muộn đường tử tức, cũng đã lặn lội lên Tây Thiên cầu tự. Rồi về sinh ra Trần Nguyên Hãn. Lớn lên trở thành bậc khai quốc công thần dưới triều vua Lê Thái tổ, được phong tả tướng quốc, nay còn đền thờ ở xã Sơn Đông.

Tiền sử, vào thời hoang sơ di tích chỉ là bệ cúng trong chùa Tây Thiên. Về sau trở thành ngôi miếu do xã Sơn Đình phụng sự. Đến triều Lê, cùng với đợt tu sửa chùa Tây Thiên thì được mở mang thêm. Vì lâu đời như thế nên nhiều chỗ đổ nát. Trong khi ấy, nhân dân xã Sơn Đình không có lực để tu sửa. Bởi vậy vào năm Bảo Đại thứ 12 ( năm Đinh sửu 1937) có một gia đình hiếm con ngưòi xã Liễn Sơn huyện Lập Thạch là Hà Trọng Tuy đã xin với dân để tập phúc sửa chữa lại. Chữa theo lối mới, lợp ngói Hương Canh( song cầu). Được ngôi thượng điện, làm đền và chùa liền nhau ( chung đốc). 

Trong thượng điện có 03 pho tượng.Bài trí trên long ngai cùng pho tượng Mẫu của dân xã thờ thì sơn son, có viết hàng chữ thánh tâm. Toạ bên phải có pho tượng bằng đồng của ông Đặng Đình Thiêm người xã Vân Nhưng huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên cung tiến. Pho tượng gỗ toạ ở bên trái chưa sơn, là của xã Đại Lữ cung tiến thì đều không có chữ “ thánh tâm”. Đó là các tự khí trong thượng điện theo kiểm kê vào năm 1938. 

Đến năm 1991,là năm khu di tích danh thắng Tây Thiên được xếp hạng, đón bằng di tích cấp Quốc gia , tại trước thượng điện trong đền đã có bức hoành 03 chữ Hiển Thánh Tích (sự tích vị thánh có danh vọng) cùng đôi câu đối:

東 之 兩 睿 世 南 邦 吾 國 母

仙 而 聖 扶 雄 滅 蜀 顯 神 功

Đông chi lưỡng Duệ thế, Nam bang ngô Quốc Mẫu.

Tiên nhi thánh phù Hùng, diệt Thục hiển Thần công.

Nghĩa là:

Chủ ở thời hai lần vua Duệ, cõi nam ta có bà Quốc Mẫu.

Là Tiên, cũng là Thánh, giúp nhà Hùng, diệt nhà Thục công thần rõ ràng.

Gọi là hai lần vua Duệ vì khi về già, vua nhường ngôi cho con trưởng là Kinh vương. Được 06 năm thì Kinh vương mất, lại truyền ngôi cho con rể là Tản Viên. Tản Viên làm vua 10 năm, bèn trả lại ngôi cho Duệ Vương. Duệ Vương có 02 lần mà vua ( phục vị) nên gọi là “lưỡng Duệ”.

Do ngôi đền lập năm 1937 với quy mô kiến trúc đơn giản, đã xuống cấp nghiêm trọng, nên đến tháng 11 năm 2009 ngôi đền được UBND tỉnh Vĩnh Phúc đầu tư lớn, xây dựng lại trên nền cũ rất bề thế, khang trang bằng chất liệu xi măng bê tông kiên cố. Cùng toạ lạc trên cùng một độ cao, cùng với chùa Tây Thiên và các công trinh mới có như Tháp mộ các nhà sư, miếu Sơn thần, đền Mẫu Thượng hoàng thiên tạo thành một quần thể di tích có một không hai trong dãy núi Tam Đảo.

Do có bề dầy công đức với nước với dân, tình nghĩa ân sâu ngày càng được thể hiện qua từng ý, từng chữ trong các bức hoành phi, câu đối cung tiến thêm lên mới đây có ở đền.

Trong đền có các bức hoành phi ca ngợi công đức Quốc Mẫu như:, 

國 母 靈 祠

Quốc Mẫu linh từ. 

Nghĩa là: Đền thiêng Quốc mẫu.

天 聖 降 塵

Thiên thánh giáng trần.

Nghĩa là: Thánh trên trời xuống trần.

母 儀 千 古

Mẫu nghi thiên cổ.

Nghĩa là: Có dáng làm Mẹ từ ngàn xưa.

西 天 靈 祠

Tây Thiên linh từ.

Nghĩa là: Đền thiêng Tây Thiên.

山 柱 大 王

Sơn trụ đại vương

Nghĩa là: Đại vương cây cột của núi.

西 天 國 母

Tây Thiên Quốc Mẫu.

Nghĩa là: Quốc Mẫu ở Tây Thiên.

金 枝 演 派

Kim chi diễn phái.

Nghĩa là: Thuộc về lá ngọc cành vàng.

玉 葉 流 芳

Ngọc diệp lưu phương.

Nghĩa là: Cành vàng lá ngọc để lại tiếng thơm.

Tượng Quốc Mẫu Tây Thiên

Cùng các đôi câu đối ngợi ca: 

為 僊 為 佛 為 國 王 生 化 三 身 留 事 跡

有 洞 有 湖 有 天 帝 江 山 一 帶 表 奇 觀

Vi Tiên, vi Phật, vi Quốc vương, sinh hoá tam thân lưu sự tích

Hữu động, hữu hổ, hữu Thiên đế, giang sơn nhất đái biểu kì quan.

Nghĩa là:

Bởi Tiên, bởi Phật, bởi vua, sinh hoá ba lần thân còn dấu.

Vừa hồ, vừa động, vừa vua trời, non sông một giải lạ lùng.

Trong điện tượng là một bà dáng vóc quyền quý, mặt hoa da phấn, cổ cao ba ngấn, đầu đội “vương miện”, toạ trong long ngai, tay trái đặt lên gối, tay phải cầm quạt tiên trong dáng “thiết triều” của bậc “chính hoàng phi”.

Xứng với các đôi câu đối:

聖 母 靈 通 天 本 降 塵 權 第 一

皇 天 敕 命 地 靈 顯 聖 帝 無 雙

Phiên âm: 

Thánh Mẫu linh thông thiên bản giáng trần quyền đệ nhất.

Hoàng thiên sắc mệnh địa linh hiển thánh đế vô song.

Nghĩa là:

Thánh Mẫu linh thông vốn giời xuống trần quyền bậc nhất.

Giời cao sắc mệnh đất thiêng hiển thánh đế không hai.


退 敵 助 神 功 南 國 山 河 猶 所 在

安 南 留 聖 德 雄 朝 苗 裔 到 于 今

Phiên âm.

Thoái địch trợ thần công, Nam quốc sơn hà do sở tại.

An Nam lưu thánh đức, Hùng triều miêu duệ đáo vu kim.

Nghĩa là: 

Công thần giúp làm giặc lui, sông núi nước Nam là ở đó.

Ơn Thánh cõi Nam còn lại, dòng dõi triều Hùng đến nay.


國 泰 民 安 心 積 善

母 儀 世 度 史 留 傳

Phiên âm.

Quốc thái dân an tâm tích thiện

Mẫu nghi thế độ sử lưu truyền.

Nghĩa là:

Quốc thái dân yên nhờ lòng tích thiện

Mẫu nghi cứu giúp đời, lịch sử còn truyền.


西 天 繼 世 安 邦 榮 國 母

先 而 扶 雄 滅 蜀 顯 神 功

Phiên âm.

Tây Thiên kế thế an bang vinh Quốc Mẫu

Tiên nhi phù Hùng diệt Thục hiển thần công.

Nghĩa là:

Tây Thiên nối đời nước được yên, vẻ vang Quốc Mẫu

Trước giúp nhà Hùng, diệt nhà Thục công thần rõ ràng. 

Trong một năm, ở đền Thượng Tây Thiên nói riêng và ở xã Sơn đình nói chung (gồm 02 thôn Lan Thông và Khổn Thông) có 04 ngày tiệc lệ sự thần. 

- Ngày 15 tháng 02.

- Ngày 28 tháng 02.

- Ngày 01 tháng  03.

- Ngày 14 tháng 05.

    Từ lâu lắm rồi, ngày 15 tháng 02 trở thành ngày lễ hội truyền thống ở Tây Thiên hàng năm, gọi là lễ hội chính. Còn riêng thì ngày nào cũng vậy, cứ vào tháng giêng, tháng 02, tháng 03 khách thập phương lên lễ đền đông lắm. Mọi người từ các tỉnh xa nườm nượp đến lễ đền Thượng Tây Thiên. Cầu tự , cầu lộc, cầu tài cho bản thân và cho gia đình trong năm. 

     Ngày nay, khu di tích lịch sư- văn hoa Tây Thiên gồm 04 khu vực đền Trình (đền Thỏng), đền Cậu, đền Cô đền Thượng Tây Thiên có ban Quản lí riêng trực thuộc UBND huyện Tam Đảo điều hành. Lễ hội truyền thống ngày 15 tháng 02 do UBND huyện Tam Đảo tổ chức trong 04 ngày. Ngày 15 khai mạc cuộc lễ. Trung tâm lễ hội đặt ở trước cửa đền Thỏng. Nghi lễ gồm có: Rước kiệu Văn khởi từ đền Mâũ Sinh thôn Đông Lộ, khi qua đền Ngò, thôn Lan Thông hợp với kiệu Thánh Quốc Mẫu thành đoàn rước lớn tiến vào trung tâm lễ hội với đầy đủ các loại cờ hội, đồ lỗ bộ, chiêng trông và phường nhạc bát âm. Điều hành cuộc mít tinh khai mạc là do UBND huyện Tam Đảo tổ chức. Sau nghi lễ mít tinh, là tổ chức các trò hội dân gian của 02 dân tộc Kinh và Sán Dìu cho tới ngày kết thúc lễ hội.

     Tháng 11 năm 2009 ngôi đền được đầu tư lớn, xây dựng lại rất khang trang bề thế. Bên cạnh đền Thượng còn có cùa Tây Thiên cũng mới đước xây dựng, cùng các ngôi đền miếu mới xuất hiện là miếu Sơn Thần, đền Mẫu Thượng Hoàng Thiên (đền Địa Mẫu), tháp mộ ba vị Thiền sư, tạo thành một quần thể di tích trên lưng chừng núi Thạch Bàn.

     Đền Thượng thờ Quốc Mẫu Tây Thiên tới đây ở giai đoạn 02 sẽ được tu bổ Phủ Mẫu thờ Tam Toà Thánh Mẫu và Mẫu Liễu Hạnh, sẽ xây dựng mới hoàn toàn với kết cấu bê tông giá gỗ, trên diện tích 120m2, mặt bằng chữ “Đinh” 05 gian. Hình thức kiến trúc giá chiêng chồng giường, một tầng mái dao mác. Đồng thời triển khai quy hoạch với một số nhân tố mới như nhà tả hữu mạc, lầu thiêu hương, hoá vàng. Có cảnh quan sân vườn đẹp đẽ. 



Sơn Đông tháng 4 năm 2014.

LKT

Địa chỉ: Thôn Quan Tử xã Sơn Đông huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc.

ĐT: 02113828069.

DĐ: 0984550547.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét