Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

QUAN ÂM DI PHỤ MẪU THƯ. 觀音貽父母書



         
QUAN ÂM DI PHỤ MẪU THƯ.

       觀音貽父母書

Nênh nỗi chân bèo khách địa
Phận phù sinh liền mấy kiếp thiêu hơi.
Ngậm ngùi gốc tử cố hương
Nhời vĩnh quyết theo cùng dòng mặc lệ.
Khuất mặt gọi để sau làm dấu
Khấu đầu vâng dẫu chước càn thương.
Thưở thác sinh vào chốn hoa thôn
Phận sử mĩ dám lòe hương hiếu kính.
Khi tác hợp nhờ tay nguyệt lão
Bạn lương nhân bao rẽ mực chinh chuần.
Nghĩ một bề trọn đạo nghi gia
Để hai đức đành lòng nguyện thất.
Duyên kết tóc mới nên nhời nguyền ước
Chỉ hồng lá thắm trăm năm
Nỗi cắt râu ai giắt mối oan khiên
Cầu thước sông ô đôi bến.
Cầu ngọc đã đành ngang khúc lượn
Lầu hồng thêm để thẹn gương loan.
Mai chia cành chạnh nỗi phu thê
Chếch méch phòng duyên nghìn dặm nguyệt.
Dâu ngã bóng cảm tình phụ mẫu
Dở dang cửa đức một chồi hoa.
Hẳn sinh xưa chưa vẹn đường tu
Nên nợ cũ còn theo quả kiếp.
Hương mật đảo luống trông vời Bắc đẩu
Tiếng quyên đứt nối buổi tàn canh
Nước Giải Oan còn khơi suối Tây Thiên
Giấc bướm đi về nơi Lạc Thổ
Đã li biệt lỗi cùng nhất nhật
Phải tu hành độ lấy tam sinh.
Tưởng duyên xưa mình vẫn một mình
Cả lòng quyết thay xiêm đổi áo.
Tới cành la bước đường nửa bước
Bạch Thầy xin thắp nến dâng hương.
Mặt vâng chữ Tín là tên
Tài lắng lời răn để dạ.
Bèo bọt chôi về bể Thích
Biết thân này đã biết Phật hay Tiên.
Sồng nâu ngã xuống mầu Thiền
Dành quả ấy phải nguyền non với nước.
Khuyên con trẻ vui về thú tính
Hoa trời già sót đến niềm chay.
Ngẫm cảnh nhà khi chân nhạn khua sương
Hiếu nghĩa đôi đường còn tủi tí
Lắng tiếng kệ thưa chầy Kình nện nguyệt
“Sắc” “Không” hai chữ sẽ nguôi dần.
Thiện căn hằng khuya sớm vun trồng
Phúc ấm hoa mai sau trọn vẹn.
Dưa muối vốn ưa người với cảnh
Dám để hơi trần chướng lọt vào.
Giăng hoa khen nhà khéo sinh con,
Bỗng đem mối phong tình buộc lại.
Nghiệp còn nặng thuyền từ khôn nhẽ chối
Tình có ngay mắt tục dễ ai tin
Phép công hổ tiếng tiều tăng
Giọt nước cành dương bao rửa bụi.
Khoáng cũ nặng lòng sư trưởng
Đoá mây đỉnh Thíu cũng tuôn sầu.
Giắp vạch sòng cho tỏ mặt nhân gian
Song tu chót kẻo thẹn lòng thượng giới.
Rê chân bụi dạn dày sâu tình địa
Rã chiều già dựa mái tam quan
Vốn lòng Thiền chẳng đặng đến chân hương
Niệm Phật bái vào ngôi cửa “tự”.
Bể khổ chìm bao được nỗi Nợ trần trả chửa hai xong
Nhai sương ngâm tuyết chị cho ai
Ngoài chín tháng đôi tau con nhện mọn.
Dãi gió dầm mưa liền mấy kiếp
Rong sáu thu một xác cái ve gầy.
Phôpi pha bao quản cửa Già lam
Tười héo khôn nài cơ tạo hóa.
Cảnh vắng nào Thầy nào Tiểu
Giọt nước đồng thánh thót thưở trăng khuya.
Đèn tàn bên mộ bên con
Mồ hôi đã đầm đìa cơn gió thoảng.
Giấc trần mộng nằm lâu cũng mỏi
Hạn kim sinh biết thế là thôi.
Lỗ sinh nên phải bước bèo mây
Đôi gánh cù lao dồn lại nặng.
Vụng hóa chưa tròn duyên lỗi chốn
Một thư thề oán gửi về không
Đã quen kiếp ấy chốn song ân
Báo biết thân sau vào cửa phúc
Hồn hồ điệp từ nay muôn kiếp
Nước non diệu vợi biết con đâu
Nghĩa minh linh cũng gọi một ngày
Hương khói mai sau đành cháu đấy.
Tình dài ngắn thêm rầu khúc vượn
Đường xa xôi xin mượn cánh hồng.
Lược thuật.
Bài này của tác giả là cụ Nguyễn Mẫn Chi. Theo sách “Địa chí tỉnh Vĩnh Phúc” ( NXB KHXH Hà Nội năm 2012 trang 608 và 801) thì Nguyễn Mẫn Chi sinh năm 1762 dưới thời vua Cảnh Hưng triều Lê, người xã Thụ Ích huyện Yên Lạc, nay là thôn Thụ Ích xã Liên Châu huyện Yên Lạc.
Theo trong gia phả thì cụ Chi (Còn có tên là Liêm) là con trai của cụ Nguyễn Bình Cách thi đỗ Cử nhân đời vua Cảnh Hưng (1740-1786). Vì gia đình có 11 đời khoa bảng liên tiếp nên được nhà vua ban cho bốn chữ: “Gia hương thập thế”. Khi cụ thân sinh mất đi lúc đó cụ Chi mới 27 tuổi, gặp lúc Hoàng đế Tây Sơn Nguyễn Huệ ra Bắc, bạn của cụ lúc đó là cụ Ngô Thì Nhậm tâu với vua Quang Trung tiến cụ lên làm Thượng thư bộ Lễ , nhưng cụ nhất quyết không chịu nhận, chỉ một lòng trung thành với nhà Lê. Rồi cụ tìm nơi lẩn tránh lên làng Vĩnh Mỗ mở trường dạy học, đặt tên trường là “Lạc Trai” 樂齋( vui trong chay tịnh), đồng thời viết bài thơ này để tự ví vào việc cụ Nhậm tiến cử cụ cho vua Quang Trung cũng như cô Thị Mầu buộc cho bà Thị Kính là thông gian.
Bài thơ được truyền tụng qua nhiều người và được khen là hay. Cũng có nhiều ý kiến phê bình. Chỉ duy có cụ nghè Bột người Thanh Hóa (Tức cụ Lê Huy Du sinh năm 1757, người xã Bột Thượng huyện Hoằng Hóa, nay thuộc xã Hoằng Vinh huyện Hoằng Hóa, thi đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân khoa Đinh mùi niên hiệu Chiêu Thống I đời vua Lê Mẫn Đế.1787) có lời phê là xác đáng nhất.
Câu thứ nhất của cụ nghè Bột phê ở đoạn:
Hồn hồ điệp từ nay muôn kiếp
Nước non diệu vợi biết con đâu.
Phê: Thị tử tưởng bất khởi hĩ! 是 子 想 不 起 矣 Nghĩa là: Con đáy biết đến bao giờ. Nhưng âm “Tử” còn có một chữ nữa, viết là “Tử” , chữ này nghĩa là “Chết”, quả nhiên không được mấy ngày thì ông Mẫn Chi ra đi.
Câu phê thứ hai là ở đoạn:
Nghĩa minh linh cũng gọi một ngày
Hương khói mai sau đành cháu đấy.
Phê: Hậu thế kì phục hưng hồ! 後 世 其 復 興 乎 Nghiã là: Đời sau sẽ có nổi lên. Quả nhiên con trai cụ là Nguyễn Văn Thứ thi đỗ Tú tài đời nhà Nguyễn khai khoa ở đời vua Gia Long (1802- 1819). Cháu nội của cụ là Nguyễn Văn Ái thi đỗ Tiến sĩ ở khoa Kỉ tị (1869) đời vua Tự Đức; Chắt của cụ là Nguyễn Văn Chí thi đỗ cử nhân khoa Canh tí (1900) đời vua Thành Thái.
Vì trong sách “Địa chí Vĩnh Phúc” mới xuất bản tháng 12 năm 1912 có giới thiệu ở mục “Nhân vật-lịch sử” giới thiệu về Nguyễn Mẫn Chi, nay tôi giới thiệu tiếp văn phẩm của Cụ để bạn đọc rõ về tư tưởng và phẩm hạnh của cụ, cũng là việc làm có ý nghĩa.
Sơn Đông. Ngày tháng 06 năm 2013.
    LÊ KIM THUYÊN
Hội viên Hội VHNT tỉnh Vĩnh Phúc
   Sưu tầm và giới thiệu.
* Địa chỉ liên hệ:
Thôn Quan Tử, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch.

DANH NHÂN VĨNH PHÚC THỜI MẠC


BÀI THAM LUẬN DỰ HỘI THẢO KHOA HỌC
 Nhà Mạc và hậu duệ trên đất Vĩnh Phúc.
----------------------
DANH NHÂN VĨNH PHÚC THỜI MẠC
                  
           Lê Kim Thuyên
        Nhà nghiên cứu Lịch sử địa phương
        Hội viên Hội Khoa học Lịch sử Vĩnh Phúc.
                                 Hội viên Hội Văn học-Nghệ thuật Vĩnh Phúc.

          Nhà Mạc chính thức có ngôi Hoàng đế với 05 đời vua từ Mạc Đăng Dung niên hiệu Minh Đức năm thứ nhất 1527 đến Mạc Mậu Hợp niên hiệu Hồng Ninh thứ 02 (1592) thì kết thúc. Cộng là 66 năm, không lúc nào không có những nhân vật người tỉnh Vĩnh Phúc đứng trong bộ máy chính trị phò tá. Tuy hiện nay chưa tìm được những danh thần võ tướng có công lao đặc biệt giúp cho các vua nhà Mạc trong thời ổn định 12 năm ở 02 vua đầu là Mạc Đăng Dung và Mạc Đăng Doanh (1527 – 1540) cũng như những năm sau ở thời Nam Bắc triều Lê - Mạc. Nên trong những con người thuộc tỉnh Vĩnh Phúc phục vụ cho triều Mạc chỉ còn tìm thấy danh sách trong nền khoa bảng triều Mạc, chép trong các sách “Đăng khoa lục” triều Lê và tư liệu trong bi kí cũng như phả lục các họ còn ở địa phương làng xã Vĩnh Phúc mà ở hội nghị này chúng tôi tính vào hàng “Danh nhân Vĩnh Phúc thời Mạc” theo đặt hàng của Ban tổ chức.
Phải thừa nhận rằng, ở triều Mạc thời vua nào cũng tổ chức được các kì thi đại khoa để kén chọn người tài năng phục vụ cho triều đại mình. Từ năm Mạc Đăng Dung lên nắm quyền cai trị đất nước mở khoa thi đại khoa đầu tiên vào năm Minh Đức thứ 03 (1529) đến năm Mạc Mậu Hợp tổ chức khoa thi cuối cùng vào năm Hồng Ninh thứ 02 (1592) trong vòng 64 năm đã tổ chức được 22 khoa thi TS, số lấy đỗ được là 483 người, trong đó có những nhân tài kiệt suất như TN Nguyễn Bỉnh Khiêm, TN Giáp Hải.  Đáng kể nhất là ở thời của vua Mạc Mậu Hợp (1562 – 1592), tuy phải bôn ba khắp chốn ngoài kinh thành để tranh chấp về chính quyền và quân sự với các vua Lê là Anh tông và Thế tông nhà Lê ở vào thế ngày càng mòn mỏi, nhưng ông cũng đã tổ chức được 10 khoa thi, số lấy đỗ là 177 người. Cho nên có thể nói, nhà Mạc noi theo quy chế thi cử của nhà Lê và giữ rất đều đặn các khoa thi Hội trong các năm “thìn, tuất, sửu, mùi”, trong khi ấy nhà Lê khoa cử bị đứt đoạn dài tới 29 năm từ 1526, tới năm 1554 dưới triều vua Lê Trung tông Vũ Hoàng đế mới lại tổ chức được khoa “chế khoa” đầu tiên, số lấy đỗ được 13 người.
Tổng số người thi đỗ đại khoa dưới triều Mạc là 16 người.
Người Vĩnh Phúc thi đỗ TS đầu tiên là ông Hà Sĩ Vọng mà các sách ĐKL chép là người xã Bình Sơn huyện Lập Thạch. Thực ra, ông vốn là người xã Tuy Phúc huyện Lập Thạch, có nhà ở xã Bình Sơn. Nay Bình Sơn thuộc về thôn Sơn Cầu xã Như Thụy huyện Sông Lô. Có đôi câu đối ở từ đường họ Hà:
Bách thế lưu truyền, tông tổ thanh bồi lai dã viễn
Nhất đường ca tụng, tử tôn diệc diệp Vĩnh chi Tuy.
Ông thi đỗ năm 22 tuổi khoa Ất mùi niên hiệu Đại Chính năm thứ 06 đời vua Mạc Đăng Doanh (1535). Xuất thân làm quan tới chức Hữu thị lang bộ Lễ (tương đương chức thứ trưởng thứ hai), phẩm trật ở hàng “tòng tam phẩm”. Được phong tước “bá”, lấy một chữ trong tên quê hương ông, đặt là Tuy Lộc bá. Tên ông hiện còn được ghi trên bia TS huyện Lập Thạch “Lập Thạch huyện Văn từ TS bi” (Xem thác bản số 15503, kho bia Viện NCHN Hà Nội).
Người có khoa bảng cao nhất là ông Phạm Du, thi đỗ Bảng nhãn (Đệ nhị giáp TS cập đệ Đệ nhị danh) khoa Đinh mùi niên hiệu Vĩnh Định năm đầu (1547) đời vua Mạc Phúc Nguyên, năm 29 tuổi. Làm quan tới chức Tả thị lang bộ Binh (tương đương thứ trưởng thứ nhất), hàm tòng tam phẩm. Được vinh phong tước “bá”, đặt là Nghi Tuyền bá. Tên ông có trong bia “Bản huyện tiên hiền tính danh khoa thứ kí” là bia TS huyện Yên Lạc dựng năm Minh Mệnh 15 (1834) triều Nguyễn. (Xem thác bản số 14894, kho bia Viện NCHN Hà Nội) đặt trên xứ Đồng Đậu. Ông người xã Tiên Mỗ huyện Yên Lạc, nay thuộc về thị trấn huyện lị huyện Yên Lạc.
Thi đỗ ở hàng Hoàng giáp có 03 người, là các ông Bùi Hoằng, Lê Dĩnh và Dương Đôn Cương.
Đặc biệt có ông Bùi Hoằng người xã Thượng Trưng huyện Bạch Hạc nay là huyện Vĩnh Tường. Ông vốn là di duệ Hoàng tộc nhà Lê, là con trai của Thủ Chính, tên chữ là Thủ Ước, tên hiệu là Đức Trai, cháu nội của Bùi Thủ Chân, vị sơ tổ của họ Bùi ở Thượng Trưng. Theo bản “Tông tộc Bùi gia bảo” còn lưu giữ ở xã Thượng Trưng, thì Thủ Chân là con trai của Cung Vương Lê Khắc Xương, chính là Lê Thủ Chân. Câu truyện về Thủ Chân hơi dài dòng một chút. Số là, vua Lê Thái tông (con Lê Thái tổ húy Lợi) có 04 bà phi:
- Bà cả là Chiêu Nghi Dương Thị Bí sinh ra Lê Nghi Dân.
- Bà hai là Bùi Thần phi sinh ra Lê Khắc Xương.
- Bà ba là thần phi Nguyễn Thị Anh sinh ra Lê Bang Cơ.(vua Lê Nhân tông).
- Bà tư là Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao, sinh ra Lê Tư Thành. (vua Lê Thánh tông).
Năm Nhâm tuất (1442), vua Lê Thái tông băng hà đột ngột tại Lệ Chi viên. Lê Bang Cơ lúc đó mới lên 02 tuổi, được lên ngôi Hoàng đế, đặt miếu hiệu là Nhân tông, bà Anh buông rèm cầm quyền chính, quyết định việc nước. Vì là dòng đích mà không được lên ngôi vua nên mùa đông năm Kỉ mão (1459) Lê Nghi Dân đã giết vua Lê Nhân tông và Thái hậu Nguyễn Thị Anh, tự lập làm vua đặt niên hiệu là Thiên Hưng, phong cho Lê Khắc Xương làm Cung Vương, Lê Tư Thành làm Gia Vương. Các triều thần nhà Lê lúc đó cho là việc phản nghịch, nên đã xướng suất cùng nhau giáng Nghi Dân xuông tước “hầu”, rồi giết chết. Cứ lí thì Lê Khắc Xương đáng lên ngôi vua, nhưng lại có ý kiến muốn đón Tư Thành để lên ngôi. Nhưng rồi lại e cái lỗi bỏ anh lập em như vụ Bang Cơ, Nghi Dân, nên cuối cùng các triều thần cũng đến đón Cung Vương Lê Khắc Xương để lập làm vua, nhưng Lê Khắc Xương đã từ chối. Cuối cùng mới đón Lê Tư Thành lập làm Hoàng đế tức là vua Lê Thánh tông. Rồi do không hài lòng về việc này, nên Lê Thánh tông đã bức hại một số triều thần, lại bức hại cả anh trai mình. Nhân nghĩ đến chuyện xưa, khi Vua Thái tông mới lên 03 tuổi thì bà mẹ sinh là Phạm Thị Ngọc Trần mất, được giao cho  viên giám quan là Bùi Cầm Hổ nuôi dạy. Khi đã là Hoàng đế, Thái tông đã lấy con gái của Bùi Cầm Hổ để trả ơn. Thái tông và Bùi Quý phi sinh ra Lê Khắc Xương ngày 04 tháng 05 năm Canh thân (1440). Bởi vậy Lê Thánh tông mới cho Khắc Xương mang họ Bùi là họ ngoại cũng là việc trả ơn nghĩa, nhưng thực chất là loại bỏ anh trai ra khỏi họ “Hoàng tộc”. Con trai của Khắc xương là Thủ Chân mang họ Bùi từ đó và gọi là Bùi Thủ Chân, trở thành một vị “Hoàng tộc chân đất”.  Bùi Thủ Chân mang mẹ trở về xã Thượng Trưng, huyện Bạch Hạc, trở thành vị sơ tổ của họ Bùi xã Thượng Trưng. Cũng theo “Tông tộc Bùi Gia bảo” kể trên thì ở Thượng Trưng, Thủ Chân sinh 03 con trai là Đức Vĩnh, Thủ Chính, Từ Hạnh. Rồi Thủ Chính sinh ra Đức Trai, tức là Bùi Hoằng vào năm Kỉ tị (1505). Việc một ông dòng dõi “Hoàng tộc”  nhà Lê lại ra thi và làm quan với triều Mạc do đó cũng là việc dễ hiểu. Sau khi thi đỗ ở khoa thi Mậu tuất niên hiệu Đại Chính năm thứ 09 đời vua Mạc Đăng Doanh (1538), Bùi Hoằng được làm quan tới chức Tán trị Thừa chính sứ Thừa tuyên sứ ti trấn Hưng Hóa, phong hàm Gia Hạnh đại phu, ban tước “bá”: An Thủy bá. Dòng họ ông thờ bức hoành phi 03 chữ “hàn mặc hương” cùng đôi câu đối:
Tần tảo chi gia bồi hậu thực
Thư điền vô thuế tử tôn canh.
Đúng là phong vị nhà Nho thanh bần, trong sạch.
Cùng thi đỗ một khoa với ông, còn có Lê Dĩnh, cũng quê xã Thượng Trưng, cùng thi đỗ ở bảng Hoàng giáp (Đệ nhị giáp TS xuất thân) ở danh sách thứ 08 trong bảng năm 27 tuổi. Làm quan đến chức  Thừa tuyên sứ ở trấn Hưng Hóa, phẩm trật hàng tòng tam phẩm. Được vinh ban tước “bá”: Đằng Giang bá. Về trí sĩ, được tặng chức thiếu bảo.
Trong hàng Hoàng giáp còn có Dương Đôn Cương, người xã Vĩnh Mỗ huyện Yên Lạc. Thi đỗ ở khoa cùng với BN Phạm Du năm 22 tuổi, làm quan tới chức Hữu thị lang bộ Hình, hàm tòng tam phẩm. Được phong tước “bá”, đặt là Đam Giang bá. Là cháu nội của Dương Tĩnh TS đời Hồng Đức.
 Cũng ở khoa bảng triều Mạc, thuộc tĩnh Vĩnh Phúc còn có 12 vị nữa thi đỗ ở hàng Đệ tam giáp ĐTS xuất thân, có danh sách như dưới đây:
1. Hà Sĩ Vọng. Như đã kể ở trên.
2. Nguyễn Hoằng Xước. Người xã Lí Hải, nay là thôn Lí Hải xã Phú Xuân huyện Bình Xuyên. Thi đỗ khoa Mậu tuất niên hiệu Đại Chính thứ 09 đời vua Mạc Đăng Doanh (1538). Làm quan tới chức Đề hình Giám sát Ngự sử 13 đạo.
3. Vũ Doãn Tư. Người xã Sơn Đông huyện Lập Thạch, nay là thôn Quan Tử xã Sơn Đông huyện Lập Thạch. Thi đỗ khoa Tân sửu niên hiệu Quảng hòa năm đầu đời vua Mạc Phúc Hải, làm quan tới chức Tả thị lang bộ Lại.
4. Phạm Phi Hiển. Người xã Tĩnh Luyện huyện Lập Thạch, nay là thôn Tĩnh Luyện xã Đồng Tĩnh huyện Tam Dương. Thi đỗ khoa Tân Sửu niên hiệu Quảng Hòa năm đầu (1541) đời vua Mạc Phúc Hải. Làm quan tới chức phó Đô Ngự sử.
5. Tạ Hiển Đạo. Người xã Đinh Xá huyện Yên Lạc, nay là thôn Đinh Xá xã Nguyệt Đức huyện Yên Lạc. Thi đỗ khoa Giáp thìn niên hiệu Quảng Hòa thứ 04 (1544) đời vua Mạc Phúc Hải. Làm quan đến chức Hiến sát sứ, tước Quảng Xuyên bá.
6. Lê Hiến. Người xã Thụ Ích huyện Yên Lạc, nay là thôn Thụ Ích xã Liên Châu huyện Yên Lạc. Thi đỗ khoa Canh tuất niên hiệu Cảnh Lịch năm thứ 03 (1550) đời vua Mạc Phúc Nguyên. Làm quan tới chức Tả thị lang kiêm Đông các Đại học sĩ.
7. Đào Thái (có sách chép là Đào Thái Nhiệm). Người xã Liễn Sơn huyện Lập Thạch, nay là xã Liễn Sơn huyện Lập Thạch. Thi đỗ khoa Canh tuất niên hiệu Cảnh Lịch thứ 03 (1550) đời vua Mạc Phúc Nguyên. Làm quan tới chức Hiến sát sứ ở Hiến ti.
8. Nguyễn Công Phụ. Người xã Lí Hải huyện Yên Lãng, nay là thôn Lí Hải xã Phú Xuân huyện Bình Xuyên. Thi đỗ khoa Tân mùi (1571) niên hiệu Sùng Khang thứ 06 đời vua Mạc Mậu Hợp. Làm quan tới chức Thị lang. Sau khi nhà Mạc mất, ông quy thuận nhà Lê, làm quan tới chức Tham chính.
9.  Hà Nhiệm Đại. Người xã Bình Sơn huyện Lập Thạch, nay là thôn Sơn Cầu xã Như Thụy huyện Sông Lô. Thi đỗ khoa Giáp tuất niên hiệu Sùng Khang thứ 09 (1574) đời vua Mạc Mậu Hợp. Làm quan đến chức Thượng thư bộ Lễ, hàm tòng nhị phẩm.
10. Vũ Hoằng Tổ. Người xã Vân Ổ huyện Yên Lạc, nay là thôn Vân Ổ xã Vân Xuân huyện Yên Lạc. Thi đỗ khoa Canh thìn niên hiệu Diên Thành thứ 03 (1580) đời vua Mạc Mậu Hợp. Khi nhà Mạc mất, ông quy thuận nhà Lê, làm quan đến chức Tham chính.
11. Nguyễn Thế Thủ. Người xã Lí Hải huyện Yên Lãng, nay là thôn Lí Hải xã Phú Xuân huyện Bình Xuyên. Thi đỗ khoa Bính tuất niên hiệu Đoan Thái năm thắ 02 (1586) đời vua Mạc Mậu Hợp. Khi nhà Mạc mất, ông quy thuận nhà Lê, làm quan đến chức Tham chính.
12.Dương Tông. Người xã Linh Quang huyện Bình Tuyền phủ Phú bình trấn Thái Nguyên, nay là thôn Cao Quang xã Cao Minh thị xã Phúc Yên. Thi đỗ khoa Kỉ sửu niên hiệu Hưng Trị năm thứ 02 đời vua Mạc Mậu Hợp. Nhà Mạc mất, ông quy thuận nhà Lê, làm quan đến chức Thị lang.
Kể trên là các nhà khoa bảng triều Mạc, trong đó có 04 vị quy thuận về nhà Lê và đều được nhà Lê cho có quan chức, chứng tỏ khoa bảng nhà Mạc cũng trân trọng như nhà Lê vậy.
Riêng Hà Nhiệm Đại, là một vị TS có tài năng. Ông là nhà thơ có tập “Khiếu vịnh thi tập” lưu hành ở đời là tập thơ “vịnh sử” về nhà Lê, nên còn có tên “Lê triều khiếu vịnh thi tập”. Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội còn có lưu trữ. Về phẩm hạnh, ông và anh trai là Hà Sĩ Vọng khi nhà Mạc mất, các ông trở về quê quán ẩn dấu. sau vì giữ khí tiết, hai anh em ông đã đi trầm chu ở bến đò trên sông Lô, nơi xã nhà. Nay theo người dân địa phương còn lưu truyền rằng những đêm trăng thanh, gió lặng vẫn thấy hình bóng “thuyền Rồng” của các quan dưới đáy sông. Chỗ ấy nay gọi là “Vực Tơm” xã Như Thụy.
                             Sơn Đông. Ngày 27 tháng 7 năm 2012.
                                                  L. K. T.
Tài liệu tham khảo:
* Bài kí đề tên TS khoa Kỉ sửu niên hiệu Minh Đức năm thứ 03 1529).
* Đỉnh khế Đại Việt lịch triều đăng khoa lục.
* Đại Việt sử kí toàn thư. Bản khắc in năm Chính Hòa 18 (1697)
* Bản huyện cựu Lê đại khoa chư tiên sinh qua tước tính danh . Thác bản 16185.
* Lập Thạch huyện văn từ TS bi. Thác bản 15503.
* Bản huyện tiên hiền tính danh khoa thứ kí. Thác bản 14894.
* Tư liệu điền dã địa phương.

Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

NÚI SÔNG TỈNH VĨNH PHÚC.-Đôi điều về góc nhìn Địa văn hoá.


                                      

                   NÚI SÔNG TỈNH VĨNH PHÚC.
                                      Đôi điều về góc nhìn Địa văn hoá.
                             …………………………..
                            
                                                          LÊ KIM THUYÊN.
          Tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay, có 09 đơn vị hành chính cấp huyện bao gồm thành phố Vĩnh Yên thủ phủ, thị xã Phúc Yên, các huyện Bình Xuyên, Lập Thạch, Sông Lô, Tam Dương, Tam Đảo, Vĩnh Tường và Yên Lạc.
          Xét về nguồn gốc, đất đai tỉnh Vĩnh Phúc hầu hết là đất đai thuộc về phủ Tam Đái thừa tuyên Sơn Tây lập năm 1469 đời vua Lê Thánh Tông gồm các huyện Yên Lạc, huyện Lập thạch và huyện Vĩnh Tường. Cùng với huyện Bình Xuyên tách sang từ phủ Phú Bình tỉnh Thái Nguyên năm 1890; Huyện Tam Dương phủ Đoan Hùng cắt sang phủ Vĩnh Tường năm 1831 và một góc huyện Kim Anh nhập vào từ phủ Bắc Hà tỉnh Bắc Ninh năm 1901.
          Đó là một góc của xứ Đoài xưa.
          “ Xứ Đoài” là tên gọi về Sơn Tây thừa tuyên, tên Sơn Tây có từ đó. (1469).- (đổi thành “xứ” năm 1490. “trấn” năm 1514 và “tỉnh” năm 1831),là một trong “ tứ trấn” trọng yếu bao bọc lấy kinh thầnh Đông Đô – Hà Nội làm trung tâm.
- Xứ Bắc, nay là hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. ( Hà Bắc)
          - Xứ Nam, nay là các tỉnh Hà Đông thuộc Hà Nội mở rộng, trước kia gọi là Sơn Nam Thượng; Hà Nam, Hưng Yên, Nam Định Thái Bình, gọi là Sơn Nam Hạ.
          - Xứ Đông, nay gọi là Hải Dương và Hải Phòng. Sự diên cách thay đổi mỗi đời đại loại là như vậy.
          - Xứ Đoài, tức là Sơn Tây, nay là 03 tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ cùng tỉnh Sơn Tây cũ, sau sáp nhập với tỉnh Hà Đông thành tỉnh Hà Tây, nay đều thuộc Hà Nội mở rộng.
          Nếu lấy ngã ba sông Bạch Hạc làm trung gian thì:
          Góc tây – tây bắc là tỉnh Phú Thọ.
          Góc nam – tây nam là tỉnh Sơn Tây cũ.
          Và tỉnh Vĩnh Phúc là miền đất về phía đông – đông bắc của xứ Đoài, góc cận kề “thanh giáo” với kinh thành Thăng Long văn hiến xưa.
          Tuy nhiên, do là vùng trung du trước núi nên địa hình sinh thái (thời chưa có kênh đập thuỷ lợi ) xưa vãn chỉ là đa phần có cuộc sông thực:
          Chẳng đâu như tỉnh xứ Đoài
          Ăn cơm là ít, ăn khoai là nhiều.



          Đời Hán, ( 206 – 220 ) miền đất tỉnh Vĩnh Phúc da phần là đất của hai huyện Mê Linh và Chu Diên. Đời Tuỳ Đường (  581 – 907) là châu Phong, huyện Bạch Hạc,Vĩnh Tường ngaỳ nay là đất trung tâm của Châu Phong ấy.
          “Kể từ Hùng Lạc bấy lâu
          Tả hà vẫn đất Phong Châu còn truyền.”
                             ( Bài ca phong cảnh xã Thượng Trưng – Vĩnh Tường. )
Hay như:
          “18 đời công đức giời Nam, trải Đinh, Lê, Lí, Trần, Lê cho đến bản triều, hương khói ngạt ngào đền Cổ Tích.
          Bốn ngàn năm non Rồng nước cũ, kìa giữa Lô, Đà, Thao, Đảo, quay về Bạch Hạc, khí thiêng phảng phất cuối châu Phong.”
                             ( Câu đối đền Hùng Vương – Phú Thọ).
          Đền Cổ Tích tức là đền Thượng núi Nghĩa Lĩnh xã Hi Cương.
                                                      
   *
         
 Tỉnh Vĩnh Phúc, xét về cấu tạo địa chất, có 03 vùng địa hình:
-                     * Địa hình núi: Dãy Tam Đảo xuyên suốt phía bắc và đông bắc huyên Lập Thạch, Tam Đảo, Bình Xuyên thị xã Phúc Yên.
 * Vùng trung du và đồng bằng trước núi (đồng băng nhỏ dọc theo núí đồi), vốn là thềm của núi Tam Đảo, cũng xuyên suốt 04 huyên kể trên.
          Lênh đênh quán sót, đường ngang,
          Trở về gò Điệu, lại sang gò Đường.
                             (Ca dao xã Đạo Đức huyện Bình Xuyên )
hoặc như:
          Đồn rằng kẻ Gốm thâm vai,
          Cao Phong leo dốc l…dài tám gang.
                             ( Ca dao vùng nam Lập Thạch )
          Thâm vai vì gánh chợ hàng sáo.
Vùng đồng bằng châu thổ, diiển hình là hai huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc và nam phần huyện Bình Xuyên.
* Địa hình núi.
          Núi Tam Đảo là chủ sơn của tỉnh Vĩnh Phúc, là tính vượt trội trong diện mạo cảnh quan có 55 km độ dài từ địa đầu huyện Lập Thạch đến thị xã Phúc Yên thộc sơn phận tỉnh Vĩnh Phúc. Đó là con đường biên tự nhiên ngăn cách với hai tỉnh Tuyên Quang và Thái Nguyên.
          Thuộc về địa phận xã Đại Đình huyện Tam Đảo, có 03 ngọn chót vót



nổi lên. “Sách Địa chí tỉnh Sơn Tây” chép: “ Trung vi Thạch Bàn, tả vi
Thiên thị, Hữu vi Phù Nghì, cố danh Tam Đảo”. ( Ngọn ở giữa là Thạch Bàn ngọn bên trái là Thiên Thị, bên phải là Phù Nghì. Nhân thế mà có tên Tam Đảo)
          Ngày nay đo dược độ cao:
- Thạch Bàn : 1420 m ( giữa )
- Thiên Thị : 1585m ( bên trái )
-  Phù Nghì : 1250 m ( bên phải ).
                             (Đinh Xuân Vịnh. “Sổ tay địa danh Việt Nam”.)
Tam Đảo thuộc hệ núi trẻ, cao trung bình, độ tuổi tiền Cambri, khoảng 500 – 570 triệu năm về trước. ( “Phân vùng kiến tạo miền Bắc Việt Nam”. Tài liệu của A. E. Dovjileov-Liên Xô) thuộc đới sông Lô, là một mặt phẳng có độ chia cắt sâu, uốn nếp dài theo hình chẽ ngón tay dài ra đến vịnh biển Hạ Long.
Từ thế kỉ XIX, danh sĩ Cao Bá Quát, đã nhận biết điều đó:
“Địa khống tam biên hoành nhất đái
Sơn liên thất huyện nhất tiên bàn”.
                             ( Cao Chu Thần thi tập)
(Đất chắn ba bề ngang một dải
Núi liền bảy huyện nhấp nhô bàn”.
          Còn sách “ Nhĩ hoàng di ái lục” lại miêu tả “…liên sơn luỹ chướng,
uyển diên bàn bạc lâm vu” (núi liền lớp lớp, rõ ràng dài rộng biết bao nhiêu). Các suối chảy từ vách núi dựng đứng rót xuống tao nên cảnh quan đẹp, như ở độ cao 1000m, ngon Thạch Bàn có thác nước với góc dựng đứng 80 độ cao trên đền lên đền Tây Thiên, bên khu nghỉ mát thị trấn Tam Đảo có suối Thác Bạc nổi tiêng.
          Tam Đảo cũng là miền nền bán bình nguyên, càng về phia đông càng lộ rõ, nên đã hình thành ở khu Máng Chì một thị trấn nghỉ mát Tam Đảo núi nổi tiếng ở xứ Bắc Kì lập năm 1904 và nay có cột tháp thu hình và khuếch đại thuộc hệ thống vô tuyến truyền hình Việt Nam ở độ cao 1250m, cao 95m nặng tới200 tấn.
          Kể từ thời xa xưa, Tam Đảo là dãy núi đã dược gọi là miền “danh sơn” của Bắc Bộ, thần núi được chép vào tự diển thờ cúng, thuộc về “hạo khí anh linh” của đất Việt. Mở đầulà dãy núi có vị thế rất quan yếu từ thời lập nước. Các bản ngọc phả Hùng Vương đều đã chép: Mạch núi từ bên trái núi Lôi Hà, theo mạch về đến các huyện Đong Lan,Sơn Dương, Đương Đạo, Tam Dương, chót vót nổi lên ba ngọn làm cung tiên con rồng bên trái, thông



đến xứ Kinh Bắc, Hải Dương, Đông Triều, núi Yên Tử, đến tận tám xã ở
giữa biển Đồ Sơn làm đầu rồng chầu về. Bên phải, từ sông Hán, sông Nhĩ Hà, sông Lô, sông Thao theo mạch mà chạy đến mười châu ở Tuyên Quang, Hưng Hoá, Nguyên Thanh, sông Bạn, sông Đà đến huyện Bất Bạt chót vót nổi lên ngọn Tản Viên làm cung tiên bên phải ( bạch hổ ). Đến Sơn Nam, Ái Châu, cửa biển Thần Phù lấy đảo Trà Sơn, Trà Lí ngoài biển làm đầu hổ chầu về. Sông Bạch Hạc làm “nội minh đường”, sông lớn ở Nam Xương( Lí Nhân Hà Nam) làm “ trung minh đường”, Nam Hải, Tượng Sơn làm “ngoại minh đường”; Nghìn núi cùng ngoảnh lại, van dòng đều chảy theo dòng nước chính, tất cả đều đổ về núi Nghĩa Lĩnh là núi Tổ, vẽ lên hình thế :
          Tây hưởng vu thiên: Tản, Đảo, Thao, Lô hợp tác nhất thiên vũ trụ.
          Nam tổ kì quốc : Đinh, Lê,Trần, Lí trường lưu ức tải dư đồ.
          Nghĩa là:
          Trời đất miền Tây: Tản, Đảo, Thao, Lô cùng họp một trời vũ trụ
          Nước tổ phương Nam: Đinh, Lê, Trần, Lí dài lâu muôn dặm dư đồ.
          Tam Đảo - Tản Viên ( chính xác là Ba Vì), hai ngọn đối nhau, hai đầu biên của “bộ chủ” Văn Lang, một trong 15 bộ của nước Văn Lang, có kinh đô Văn Lang, đời sau gọi là thành Phong Châu, thành Gia Ninh đều ở thôn Việt Trì, xã Bạch Hạc, huyện Bạch Hac, phủ Tam Đái thuộc Sơn Tây thừa tuyên đời Hồng Đức (1469).
          Sách “An Nam chí nguyên” chép về núi Tam Đảo: “…hữu tam phong đột khởi, kì cao tế thiên, dữ Tản Viên Sơn giác vọng tương lập, Giao chỉ chi danh sơn dã”. ( Ba ngọn nổi lên chót vót, cao đến tận trời. Cùng với núi Tản Viên, hai bên đối nhau, đều là danh sơn của Giao Chỉ).
          Tuy nhiên, giữa hai ngôi danh sơn này cũng có những dị biệt,
1.     Đối với dãy Tam Đảo.
Ngôn từ của các sách địa chí là “tam phong tủng bạt” nghĩa là ba ngọn chót vót cao tuột lên, rồi lại “ uyển diên bàn bạc lâm vu” ( rõ ràng dài rộng biết bao nhiêu). “Kiến văn tiểu lục” của tác giả Lê Quý Đôn ghi chép tỉ mỉ hơn “ ba ngọn cao vót đến tầng mây…phía sau núi vách đá dựng đứng, đỉnh núi thì đất đá lẫn lộn, cây cối rậm rạp xanh tươi…sườn núi có chùa cổ Tây Thiên, trúc xanh thông biếc, cảnh sắc thanh nhã rộng rãi…”.
Lại nữa : “Sơn thượng chi Vân Tiêu am, Song Tuyền am, Lưỡng Phong am, Bộ Vân thê, Đái Tử kiều chi loại, giai kì tuyệt. Nam Giao danh thắng chi địa, loại thử thượng đa”.
                   ( An Nam chí nguyên – sách đã dẫn)
( Trên núi có am Vân Tiêu, am Song tuyền, am Lưỡng Phong, thang



Bộ Vân, cầu Đái Tử, cảnh đẹp phương Nam có đâu hơn thế ).
          Như vậy là Tam Đảo có cảnh, có tình, có vật, có linh.
- Có cầu Đái Tử là cầu ôm con.
- Có thang Bộ Vân là cầu bước trên mây.
Các chữ Vân Tiêu nghĩ là “trên mây”, Song Tuyền là “ hai ngọn suối cùng chảy song song nhau”, Lưỡng Phong là “ hai chỏm núi”- cảnh trí được mô tả, được tư duy đến như thế là cung, tạo nên một cảnh sắc riêng của Tam Đảo. Công việc là làm sao tái hiện bằng ngôn ngữ sắc mầu của hội hoạ, của âm nhạc. của thi ca là việc làm của các văn nghệ sĩ.
2.     Đối với núi Ba Vì ( Tản Viên )
Cũng các sách địa chí chép; “ Tam phong tủng tú, hình như trương tản , cố danh”. Nghĩa là : Ba ngọn cao đẹp, mở ra như cái tán, nhân thế mà thành tên. Hoặc là: “ Ba ngọn cao vót, hình tròn như cái tán, cảnh sắc xanh tươi, hình thế cao cả, như trấn giữ đất nước, ngọn giữa rất cao…bốn mặt có sông bao bọc, cây cối um tùm, hình thế sáng đẹp”
                                               “Đại Nam nhất thống chí”
Rõ ràng  về cấu trúc hình thể và cảnh sắc, hai núi hoần toàn khác nhau. Sự khác nhau ấy, kể cả đến môi trường sinh thái, đến cái không gian văn hoá xứ Đoài.
“Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm”
(Baì thơ “ Tây tiến” của Quang Dũng. Dẫn theo cố Giáo Sư Trần)

Mây Tam Đảo- mây Ba Vì- mây của xứ Đoài trong không gian tâm linh Việt, trường tồn với non sông nức Việt. “ Nước cũ bởi vì đâu, giang sơn xây dựng quên nao, nào Hán,Tống, nào Nguyên ,Minh, công cuộc tang thương, đất Việt vững bền ơn Thánh Tổ ; Khí thiêng còn lại đó, lăng miếu ngạt ngào hương khói, này Thao, Lô, Tản, Đảo bức tranh sơn thuỷ, Châu Phong in đậm dấu Thần Tiên.” (Câu đối đền Hùng Vương).
* Địa hình sông:
Nếu nói Tam Đảo tạo nên miền núi và trung du sinh thái “ làng đồi” của tỉnh Vĩnh Phúc, mà thành phố Vĩnh Yên hiện tại là bậc thềm đồi cuối,
Cùng huyện Tam Dương cũng là một bản sắc “ làng đồi” ( lị sở tỉnh Vĩnh Yên năm 1899 ở trên núi Yên Sơn – nay là cơ quan tỉnh Đảng bộ Vĩnh Phúc) :
          “ Huyện Tam Dương có ba con dê, đứng núi đá trông về Lập Thạch”
                                                ( một vế ra đối chưa dược đối )
thì tỉnh Vĩnh Phúc còn một nửa là sông.. Hay nói đúng hơn là nửa phần đất, nửa phần nước cách nay 6000năm, về sau tạo thành vùng “ tiểu châu thổ”



Vĩnh Tường, Yên Lạc, Yên Lãng cũ trong cái “đại châu thổ” đồng bằng Bắc Bộ của hệ thống sông Hồng ( Lô – Đà – Thao ) và sông Thái Bình ( Cầu – Thương - Lục Nam ), trong đó có hai sông Thiên Đức và Nguyệt Đức là những mạch nối.
          Đỉnh của tam giác châu “ tiểu đồng bằng” và “đại đồng bằng” đó, đều là Việt Trì - Bạch Hạc.
          Bạch Hạc xã - Bạch Hạc huyện từ năm 1945 là huyện Vĩnh Tường đã được chép vào sách “ Lĩnh Nam chích quái” ở thế kỉ XV:
          “Ở đất Phong Châu đời thượng cổ có một cây lớn, gọi là  chiên đàn cao hơn “ nhận” (đơn vị đo lường đời cổ) cành lá rập rạp, có chim hạc làm tổ ở trên, cho nên gọi đất ấy là Bạch Hạc (chim hạc trắng), cây đó sống đã lâu, không biết mấy nghìn năm”.
          Sử “Toàn thư” xác nhận, năm 1469 vua Lê Thánh Tông chính thức lấy địa danh làng Bạch Hạc ( nơi có cây chiên đàn) đặt thành địa danh cấp huyện thuộc phủ Tam Đái xứ Đoài ( Sơn Tây ). Đó là miền “ khí thiêng sông núi”, “hạo khí anh linh” nơi đất tổ vua Hùng. Hình tượng con chim lạc –con cò – ( có người bảo là “ lạc”) trên các trống đồng Ngọc Lũ, là hình tượng của loài chi nửa đất, nửa nước hẳn có nguồn gốc từ đây.

          Hãy bắt đầu đi tìm các con sông của Vĩnh Phúc.
 1.Sông Bạch Hạc.
Đoạn sông Hồng bắt đầu từ ngã ba Việt Trì - Bạch Hạc đén địa đầu thủ đô Hà Nội cũ, ôm lấy tỉnh Vĩnh Phúc về phía tây nam.Con sông nổi tiếng về lưu lượng phù sa, là con sông chủ lực tạo nên đồng bằng châu thổ Bắc Bộ, thường gọi là châu thổ sông Hồng. Đoạn sông ấy có tên chép trong các sách địư chí cổ là “ sông Bạch Hạc”. “Bạch hạc giang, hoặc xưng Tam Kì giang, hoặc xưng Tam Giang, tại Bạch Hạc, Bạch Hạc xã. Nãi Thao Lô hợp lưu, chí Hà Nội tỉnh vi Nhĩ Hà”.(Xem “ Sơn Tây tỉnh chí”)
( sông Bạch Hạc, còn gọi là sông Tam Kì, hoặc gọi là Tam Giang, ở xã Bạch Hạc, huyện Bạch Hạc, là chỗ hợp dòng của sông Thao, sông Lô, đến tỉnh Hà Nội gọi là sông Nhĩ Hà).
Sách “Đại Nam nhất thống chí” chép: Sông Bạch Hạc, từ ngã ba Bạch Hạc đến Hà Nội làm sông Nhị. Có tên nữa là Tam Giang, thời thuộc Minh đặt phủ Tam Giang, tên thành Tam Giang là gốc từ đấy.
                                        (Xem mục Sơn Xuyên - tỉnh Sơn Tây)
Việt sử thông giám cương mục thì cho rằng:
Sông Bạch Hạc ở địa phận huyện Bạch Hạc tỉnh Sơn Tây. Sông này phía trên giáp với sông Thao, sông Đà, phía dưới thông với sông Phú Lương.
                                        (chính biên, quyển VII)
Xưa hơn, là sách An Nam chí nguyên ở thế kỉ XV chép:
“ Bạch Hạc giang, tại Tam Đái Châu - Thượng hữu Thao giang, Đà giang, Tuyên giang, tam thuỷ hợp lưu vu thử. Hạ thông Lô giang”.
                                       (mục Sơn Xuyên)
( Sông Bạch Hạc, ở châu Tam Đái. Trên có sông Thao, sông Đà, sông Tuyên, ba dòng hợp lưu ở đấy. Dưới thông với sông Lô).
Hãy xem sách “Nhĩ hoàng di ái lục”. Giải thích về sông Nhĩ Hà: “ nhất danh Lô giang, nhất danh Phú Lương giang, tại Đại La thành chi tả…”.
( Có một tên là sông Lô, một tên là sông Phú Lương, ở về bên trái thành Đại La).
Thành Đại La nay thuộc vào thành phố Hà Nội. Như vậy, con sông Lô thời thuộc Minh (1406-1427) về trước là sông Nhĩ Hà, nơi mà Nguyễn Thuyên ở đời Trần đọc bài “tế Lô giang ngạc ngư văn” (văn tế cá sấu ở sông Lô) là ở bên trái thành Thăng Long -bờ sông hồng hiện nay. Còn sông Lô thời nay, thời ấy gọi là sông Tuyên, chỉ đoạn sông từ thị xã Tuyên Quang về đến ngã ba Phú Hậu xã Sơn Đông ( phía trên cầu Việt Trì).
Vậy là, sông Bạch Hạc, con sông chính của tỉnh Vĩnh Phúc – con sông được liệt vào hàng “đại xuyên” (sông lớn), thần sông được liệt vào tự điển thờ cúng, chép vào sử sách. Cũng như sông Thao, tức sông Hồng đoạn chảy từ Yên Bái đến ngã ba Việt Trì là sông chính của tỉnh Phú Thọ.
Vua Lê Thánh Tông (1460-1497) từng có cảm nhận khi qua lên miền tây – Tôi muốn giới thiệu bài BẠCH HẠC GIANG TRUNG:
Chỉ cái can trường sinh thiết thạch
Khởi tương đầu giác oán hi nga
Thử hành trần thế quan tâm thiểu
Duy hữu đông lưu cảm khái đa.
Dịch:
Trên sông Bạch Hạc
Chỉ quý lòng son như sắt đá
Há vì tài mọn oán trời cao
Chuyến này việc thế quan tâm ít
Cuồn cuồn dòng sông cảm khái nhiều.
                                    (Lời dịch của Mai Xuân Hải- Viện nghiên cứu                                     Hán Nôm- Hà Nội)
Dòng sông cuồn cuộn chảy bồi thổ nên đồng bằng tỉnh Vĩnh Phúc bên tả ngạn, tạo nên một nửa phần tỉnh Vĩnh Phúc về đất đai, tạo nên nguồn nội lực - sức mạnh nội sinh cho toàn tỉnh. Hơn thế, còn tạo nên tích cách người Vĩnh Phúc, diện mạo văn hoá cộng đồng lòng đồng bằng Vĩnh Phúc.
Chẳng chua cũng kể là chanh
Chảng ngon cũng thể cam sành chín cây
Muốn cho có đó có đây
Sơn lâm chưa dễ một cây nên rừng.
                                          ( Ca dao cổ xứ Đoài)
2.Sông Cà Lồ (Nguyệt Đức)
Địa danh thường chép trong thư tịch. Người Vĩnh Phúc quen gọi là sông Cà Lồ, một tên Nôm trăm phần, chưa rõ nguồn gốc. Đó là phân lưu của sông Bạch Hạc có cửa phát nguyên từ xã Trung Hà huyện Yên Lạc, chảy qua các huyện Yên Lạc, Yên Lãng đến tỉnh Bắc Ninh thì đổ vào sông Lục Đầu.
                                                                       ( Sơn Tây tỉnh chí)
Ở thời chưa có đê, thì nước sông Nguyệt Đức thường năm vẫn tải phù sa trải đều cho đồng ruộng châu thổ của Vĩnh Phúc, tăng bổ cho sự trù phú vốn có của miền này, từng được ghi nhận vào hồn thiêng sông núi quê hương:
“Tước lĩnh dục anh linh, thông minh nhi nhất.
  Đức giang lưu khải trạch, cao hậu vi tam”.
          (Câu đối đền Hạ làng Can Bi, huyện Bình Xuyên, thờ vị nữ tướng thời Hai Bà Trưng)
Sông Nguyệt Đứccoa một chi lưu là sông Sơn Tang mà sách Đại Nam nhất thống chí chép là: “Khe huyện Yên Lạc”: ở cách huyện lị 25 dặm về phía tây bắcphát nguyên từ địa phận xã Long Trì, thuộc tổng Đạo Tú huyện Tam Dương, chảy quanh co về phía Nam, qua xã Tây Quan đến địa phận huyện Bạch Hạc lại chảy bẻ sang phía đông, vòng quanh huyện hạt 74 dặm, đến địa phận xã Thịnh Kỉ huyện Yên Lãng rồi đổ vào sông Nguyệt Đức. Cũng còn gọi là sông Phan.
Huyện lị Yên Lạc đời Nguyễn nay gọi là thị trấn huyện, ở xã Minh Tân, thủ phủ của huyện.
Lại xét, Địa chí huyện Kim Anh (“ Kim Anh huyện dư địa chí”) thì sông Nguyệt Đức mang địa danh Bình Lỗ, nơi mà Lê Hoàn đắp thành Bình Lỗ chống quân xâm lược Tống năm 981. Là đoạn sông chảy qua huyện Yên Lạc cũ đến huyện Kim Anh, từ xã Đa Phú đến xã Lương Phú, xã Yên Phong, xã Phương La, cùng với sông Nguyệt Đức ( người Phúc Yên cũ hay địa danh Cà Lồ) hợp với sông Cầu ở ngã ba Sa.
Sông này, đã được đào vét từ đời Lí (1010-1225), đến năm Thái Hoà thứ 7 (1449), vua Nhân Tông nhà Lê cho đào vét thêm một đoạn. Sử toàn thư chép: “Sai tư khấu Lê khắc phục đem người các cụ Bách Tác, quân vệ Thiên Quan, Tứ Sương và quân dân trấn Thái Nguyên (cũ) đào lại sông Bình Lỗ, từ Lãnh Canh đến Phù Lỗ (nay thuộc về Hà Nội-LKT) dài 2500 trượng (khoảng 10km. LKT) thông với sông Bình Than (tức sông lục Đầu ở bến Bình Than-LKT) để tiện việc đi lại với trấn Thái Nguyên”.
                                                     (Bản Kỉ - quyển XVI)
3.Sông Loan (Loan giang)
Chữ “Loan” có nghĩa là nước chảy vòng, là vụng sông.
Con sông này còn dấu tích ở thôn Đông xã Minh Tân huyện Yên Lạc, trước núi Biện (Biện sơn), nay đặt chùa Biện (Biên sơn tự).
Đền Gia Loan (Gia loan từ )là bến đò sông Loan xưa, thời xứ quân Nguyễn Khắc Khoan.
Con sông đã tắt dòng, nhưng vẫn còn trong từ chương, còn với văn hoá:
Tú dục Loan giang khai đạo mạch
Anh chung Biện lĩnh xuất Nho khoa
          ( câu đối từ đường họ Dương – thôn Đông)
(Đẹp đẽ dòng Loan, khơi mạch đạo
Thiêng liêng núi Biện, phát khoa Nho)
Hoặc:
          Loan thuỷ lưu phương ngư hiến ngọc
Biện sơn dẫn mạch địa chung linh
                                     ( câu đối đền Gia Loan)
(Thơm nức dòng Loan, cá dâng ngọc
Mạch về núi Biện, đất ngời thiêng)
Sông Loan, núi Biện cùng với một thời chứng tích về sứ quân Nguyễn Khắc Khoan, tạo nên cảnh quan một vùng đựpc gọi là Nguyễn Gia Loan:
“Nhất danh Độc nhĩ sơn, nhất danh Biện sơn, tại An Lạc huyện: Vĩnh Mỗ xã địa phận. Bình địa đột khởi thổ đồi, hình như phục tượng. Hạ lâm thâm trạch, Nguyễn sứ quân cứ Tam Đái, đô vu thử, nhân danh Nguyễn Gia Loan”.
                                   ( Sơn tây tỉnh chí)
(Một bên là núi Một tai, một bên là núi Biện, ở địa phận xã Vĩnh Mỗ, huyện Yên Lạc giữa đất bằng nổi lên đồi đất, hình như voi quỳ. Dưới có đâmd sâu, Nguyễn Sứ quân chiếm Tam Đái, đóng đô ở đấy, vì thế có tên là Nguyễn Gia Loan).
Loan giang – cùng với bạch Hạc giang - Nguyệt Đức giang tạo nên Tam Đái - trở thành địa danh lịch sử từ thời Sứ quân (966-968), một “tiểu triều đình” tạo nên bởi ba dải sông (nguyên nghĩa chữ “đái” là cái đai), nên sự trù phú:
“Nhất Tam Đái, nhì Khoái Châu”.
Năm 1469, vua Lê Thánh Tông thành lập phủ Tam Đái gồm 6 huyện: Bạc Hạc, Lập Thạch, Phù Ninh, Tiên Phong, Yên Lạc và Yên lãng, là cốt cán phủ Vĩnh Tường năm 1822 đời Minh Mệnh, mà Yên Lạc – nơi thủ phủ - là một huyện nổi danh:
“Nam Châu, bắc Dũng, đông Kì, tây Lạc”.
Nghĩa là bốn huyện nổi tiếng về của cải giầu có, cư dân đông đúc (nhân đa vật thịnh): huyện Châu Ninh tỉnh Nam Định; huyện Yên Dũng tỉnh Bắc Giang, huyện Tứ Kì tỉnh Hải Dương ở xứ đông, huyện Yên Lạc ở Sơn Tây (xứ Đoài).
Vậy xứ Đoài, điểm “tụ thuỷ” TAM GIANG (Đà -Thao – Lô ở Bạch Hạc) để dẫn đến điểm “tụ nhân” Việt Trì - Bạch Hạc, mở ra không gian Việt, định hình quốc gia Văn Lang Việt Trì thì TAM ĐÁI điểm tụ thuỷ, tụ nhân làm nên cảnh quan làng đồng bằng – văn hoá làng đồng bằng tỉnh Vĩnh Phúc:
Đầu đình có giếng phong quang
Có cây cổ thụ, có hàng nghỉ ngơi
Chợ Dưng mồng 6 tiệc vui
Bốn phương náo nức đến chơi Chợ làng.
                 ( Ca dao xã Tứ Trưng huyện Vĩnh Tường)
Hoặc như:
Đừng về đường ấy mà xa
Đi về Đinh Xá với ta cho gần
Đinh Xá có giếng rửa chân
Có sông tắm mát lại gần chợ phiên
Chợ Lồ một tháng sáu phiên
Ngày tư ngày chín là phiên chợ Lồ.
                                   ( Ca dao huyện Yên Lạc)
Để tạm dừng, xin có một thông tin thay cho lời kết:
Tam Đảo – Tam Đái, một nửa núi - một nửa sông.
(51 điểm thờ cúng thần Tam Đảo – 51 điểm thờ cúng thần sông Bạch Hạc chép vào tự điển bộ lễ triều Lê – có lẽ trong dân gian sẽ không “ công bằng” như thế) đã tạo nên:
-Không gian tỉnh Vĩnh Phúc.
-Lãnh địa tỉnh Vĩnh Phúc.
-Trường sinh thái môi sinh – văn hoá tỉnh Vĩnh Phúc, là cốt lõi tâm linh nguồn cội người Vĩnh Phúc.
Đó là những gì thuộc về núi sông tỉnh Vĩnh Phúc – non nước ngàn năm.
L.K.T



Về một vị thầy giáo trường làng

                   VỀ MỘT VỊ THẦY GIÁO TRƯỜNG LÀNG. 

                                        Lê Kim Thuyên 

     Đó là vị Thầy giáo triều Trần, tên đầy đủ của Ông là Đỗ Khắc Chung. Ông sinh ngày 24 tháng giêng năm Đinh mùi (năm 1247) (có thuyết nói năm Nhâm ngọ- 1222) ở làng Cam Lộ, huyện Giáp Sơn, nay thuộc tỉnh Hải Dương. Phụ thân ông là Đỗ Nhuận, mẹ là Vũ Thị Hương đều cùng người làng Cam Lộ, đều vốn hành nghề thầy thuốc. 

    Là một thanh niên hiếu học, sớm trở thành một Nho sinh túc học, Ông rất quan tâm đến sách vở và dạy bảo học trò. Trong một lần đi du lãm đến làng Gốm tức là ấp Đông Sơn, lộ Tam Đái (nay là thôn Quan Tử xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Phúc), nhận thấy nhân dân nơi đây rất chất phác, nết na hiền lành, mà lại hay làm, phong tục lại thuần hậu nhưng còn ít học hỏi về chữ nghĩa; Đồng thời nơi đây lại có cảnh quan sông núi, hình thế tươi đẹp, giao thông thuận tiện trên bến dưới thuyền, có thể thông suốt từ kinh thành Thăng Long, qua miền ngã ba Bạch Hạc lên tới đầu nguồn Tuyên Quang, Hà Giang, nên Ông mới bảo nhân dân mở lớp, dạy bảo con em trong làng học chữ.  

    Thần tích miếu làng Quan Tử (nơi thờ ông) “Sơn Đông xã đại vương phả lục” soạn năm Hồng Phúc thứ nhất (1572) (Tài liệu nhà Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc BTVP 461 CHVT. Sử T. S.01) còn ghi, dịch theo nguyên thư: “ Ông thấy ở trang Sơn Đông, huyện Lập Thạch, phủ Tam Đái, đạo Sơn Tây nhân dân chất phác, học hỏi ít. Nhưng ở đây phong cảnh non sông lại đẹp, nước quanh co vòng lượn, có sông Lô là nơi phong cảnh hữu tình. Ông bèn bảo nhân dân dựng trường học, dạy cho chữ nghĩa. Được một năm dân ấy có phong tục tốt, lại học hỏi tinh thông, trở thành nơi có lễ nghĩa. Ai cũng mến phục ông. ” Sự tích ấy lại được khẳng định lại trong bản khai Thần tích-Thần sắc của làng Quan Tử, tổng Đông mật, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Yên năm 1938 như sau: “Làng chúng tôi thờ hai vị Thành hoàng, Một vị gọi thường là quan hành khiển, tên húy là Đỗ Khắc Chung…..Nguyên là người xứ Giáp Sơn, Hải Dương (sinh ngày 24 tháng giêng). Lúc ít tuổi có tài văn võ, học hành rất thông minh; Lúc chưa hiển đạt, có đi chơi đến làng chúng tôi…thấy nhân dân phong tục thuần hậu, mà ít kẻ học hành, ngài mới lập trường dạy dân học tập. Nhờ đó nhân dân học tập thông thái, thành ra một làng biết lễ nghĩa”. ( Xem TT-TS FQ4o 18/13 từ trang 1193 Viện TT KH XH Hà Nội). Chọn thế đất trong làng có hình cảo “đông bình – tây bảng” là thế đất phong thuỷ phát về văn học, Ông cho dựng trường. Tương truyền, ngôi trường toạ trên quả gò là ngọn của ngòi bút (bút lông), đang nhúng vào khay mực, là một cái ao tròn như ô đựng mực mà cán bút là con đường làng trực diện đi vào. 04-05 ao xung quanh đều có hình thể như các ô định sẵn: Ô là khay đựng nước mài mực, ô là khay đựng thỏi mực, ô là ngăn gác bút, ô là ngăn nước rửa bút…cùng trong một chiếc nghiên mà dấu tích nay còn nhận biết rất rõ trên thực địa và trên đồ bản của Sở Địa chính Bắc Kì. (Service du cadastre du Tonkin

    Một đôi câu đối còn ở cổng di tích đã mô tả về hình tượng nơi đây: 

   Tháp ảnh nguyệt lung lô mộ bạch 

   Hương yên vân đậu đảo triêu thanh. 

   Nghĩa là: 

  Bóng tháp lồng dưới bóng trăng, nơi đây tối rồi trời vẫn tỏ 

  Sáng ra khói hương quanh quất, đảo tươi xanh. 

  Chỉ khoảng thời gian 06-07 năm sau Ông truyền thụ, dân tục nơi đây đã trở nên tốt đẹp, nền học vấn được mở mang, trở thành một vùng dân có lễ nghĩa, ai ai cũng đều mến phục Ông. Sau đó, Ông mới về triều đình đi thi và đã đỗ, rồi gia nhập giới sĩ phu triều Trần vao đời vua Thánh tông ( 1258-1272 ). Khi ấy ông vừa 28 tuổi. 

  Lại một đoan nữa TT-TS ghi tiếp: “Trong nước thời bấy giờ thái bình, ngài phụng mệnh đi tuần thú các nơi, có đến chơi ở trường dạy học cũ ở trang Sơn Đông,bấy giờ phụ lão nhân dân vừa là học trò cũ, nay thấy ngài là thầy hiển đạt có đức vọng, xin làm thần tử và xin tên hèm để thờ, ngài ưng cho, chọn lấy 20 người làng cho đi theo hầu làm đầy tớ thân và cho 05 lạng vàng để làm đền thờ. Từ đấy phụng sự, dân nhờ được linh ứng, các triều đều có sức phong và ngày trước gặp kì Hương thí, học trò thường hay làm lễ cầu khoa ở đền này”. 

   Đó là lí do để Ông Đõ Khắc Chung được nhân dân trang Sơn Đông thờ ngay từ lúc còn sống. (Thành hoàng sống). Và sau lần đó thì không có lần nào Ông quay trở lại trang Sơn Đông nữa. 

   Theo như các sách “Đăng khoa lục” hiện đang còn được lưu trữ, thì dưới triều vua Thánh tông, nhà Trần tổ chức được 02 khoa thi Thái học sinh ( tương đương học vị Tiến sĩ triều Lê và về sau). Đó là các khoa năm Bính dần niên hiệu Thiệu Long thứ 09 (năm1266) số lấy đỗ được 47 người; Khoa Ất hợi niên hiệu Bảo Phù năm thứ 03 (năm 1275), số lấy đỗ là 24 người. Các sách Đại Việt Đăng khoa lục cũng chỉ ghi danh số về khoa này vẻn vẹn có một câu: “Ất hợi. Bảo Phù tam niên. Đại tỉ thủ Thái học sinh nhị thập tứ danh ( tứ tam khôi tam danh, hoàng giáp dĩ hạ nhị thập nhất danh. Tiền nhị khoa phân Kinh, Trại trạng nguyên, chí thị phục mệnh vi nhất”. Nghĩa là: Mở khoa thi lớn lấy đỗ Thái học sinh. Tam khôi là 03 người. Còn từ hàng Hoàng giáp trở xuống là 21 người. Trước kia chia ra Kinh, Trại trạng nguyên, đến đây hợp lại làm một. Sách ghi rõ Trạng nguyên là ông Đào Tiêu, người huyện Đông Sơn, tra ra sau là xã An Hồ, huyện La Sơn, nay thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Danh sách thứ 02 là ông Quách Nhẫn người xã Song Khê huyện Yên Dũng nay thuộc tỉnh Bắc Giang thi đỗ Thám hoa. Để khuyết tên người đỗ danh sách Bảng nhãn. 

   Theo điều tra điền dã tại địa phương xã Sơn Đông thì Đỗ Khắc Chung sau thời kì dạy học 06 – 07 năm ở địa phương rồi mới ra thi, và danh sách Bảng nhãn của khoa thi năm 1275 là đề danh Ông. Bằng chứng là trong số 04 đạo sắc phong trièu Lê Cảnh Hưng hiện còn, đạo đề ngày 26 tháng 5 năm thứ 02 (1741) có câu: Ngao đồ vĩnh điện tôn an, kí trưng thần tích chi hưu, hạp cử bao phong chi điển. ( Xem trong Sắc phong VĨnh Phúc toàn tập. Sở VH- TT & DL xuất bản tháng 02 năm 2012, trang 213). Nghĩa là: Đầu Ngao xây dựng bền lâu, có trong thần tích để về sau, sao chẳng bao phong theo điển lệ

   Chữ “ ngao đầu” là chỉ về một loài rùa biển lớn ( có sách gọi là con Trạnh), được khắc trên tấm bia đá đặt trước thềm điện nhà vua. Theo lệ xưa, mỗi khoa thi Đình, người đỗ trạng nguyên được quan bộ Lễ dẫn lên đứng bên đầu ngao, coi thế là một ân vinh quốc điển trọng đại (thứ bậc của hàng tam khôi chỉ có 03 danh hiệu học vị là trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa). Vì thế, có chữ “ngao đồ” hoặc “ngao đầu” để chỉ học vị trạng nguyên. Đỗ Khắc Chung đỗ trong hàng tam khôi, ở bậc bảng nhãn cũng là Á trạng nguyên. 

    Lại nữa trong một bài văn tế tiệc về Ông ở miếu Quan Tử còn có câu viết như sau: Cầu dực nhất khoa tính tự minh sử sách chi côn hoàng (Một lần thi đỗ , tên họ ghi rõ ràng trong sách sử của nhà vua) khẳng định về khoa bảng của Ông. Từ đó, với học vị bảng nhãn Ông đủ theo quy chế hiện thời ra nhận làm quan với một chức ở Chi hậu cục, tức chức quan chuyên chọn hàng Bảng nhãn cho làm. Ông đứng đầu ở cơ quan Chi hậu cục( chi hậu cục thủ) bên cung Thánh từ, (cung của Thượng hoàng làm việc) luôn theo Thái thượng hoàng hầu về việc văn thư bút mực. Đó là chức quan bé nhỏ chép trong sách Đại Việt sử kí toàn thư năm 1280, mà vua Trần Nhân tông ví như là “ngưạ xe kéo muối”. Nguyên văn từ chữ Kì Kí sa diêm chép vào năm 1285 trong sách “Đại Việt sử kí toàn thư” và sáh “Khâm Định Việt sử thông giám cương mục”

    - Từ năm 1289 (Trần Anh tông năm Hưng Long thứ 06), ông từ chức Ngự sử đại phu được cho làm Đại an phủ sứ ở Kinh sư. (Kinh đô Thăng Long). Đây là chức quan ngoài.    

    - Năm 1303 (Anh tông năm Hưng Long thứ 11), được phong làm Nhập nội Hành khiển. Do ông là người ngoài Hoàng tộc vào làm quan trong triều nên có chữ “nhập nội” để phân biệt. Vì công trạng của ông cũng nổi bật lên từ đời vua Trần Anh tông, nên sách thần tích về ông còn ở miếu Quan Tử mới có câu mở đầu “Trần Anh tông thời…”, nghĩa là vào đời vua Trần Anh tông. 

    - Năm 1307 (Anh tông năm Hưng Long 15) , được phong làm Nhập nội Hành khiển Thượng thư tả bộc xạ.

    - Năm 1313 (Anh tông năm Hưng Long 21), được phong chức Tả phụ, tước Quan phục hầu. Đến tháng 10 năm ấy được là Á quan nội hầu. - Năm 1321 (Minh tông năm Đại Khánh 08) phong tước Quan nội hầu. 

    - Năm 1326 (Minh tông năm Khai Thái 03) từ chức Hành tả ti lang trung cho làm Thiếu bảo hành Thánh từ cung,Tả ti sự gia hàm Đông trung thư môn hạ bình chương sự, tức là chức quan tể tướng thứ hai. 

   - Năm 1330 (Hiến tông năm Khai Hựu 02), Ông chết. Được triều đình tặng chức thiếu sư. Cộng lại, cuộc đời Ông trải làm quan tới 05 triều vua, thời gian là 55 năm với các đời vua như sau: 

    - Trần Thánh tông. Từ 1275 đến 1280. 

   - Trần Nhân tông. Từ 1280 đến 1293. 

   - Trần Anh tông . Từ 1293 đến 1314. 

   - Trần Minh tông. Từ 1314 đến 1329. 

   - Trần Hiến tông. Từ 1329 đến tháng 07 năm Canh ngọ (1330) thì mất, hưởng thọ 84 tuổi. Mộ táng tại núi Phượng Hoàng nơi quê nhà. 

    Đây là một chút nhắc nhở về cống hiến của Ông ở phương diện quốc gia, căn nguyên để Ông được nhà vua ban ân điển mang họ vua: Từ họ Đỗ đổi sang họ Trần là Trần Khắc Chung năm 1289. khi Ông có công lao lớn “sang sứ” biện luận với tướng Nguyên là Ô Mã Nhi về hai chữ “Sát Thát”. 

   Một sự thật hiển nhiên là từ khi Ông từ giã đất Sơn Đông ra làm quan thì không một lần quay trở lại. Bằng cứ là còn đôi câu đối ở cổng ngôi di tích thờ Ông đã viết: 

    Đài quán y huy vân tứ hạ 

   Nhân dân phi thị Hạc trùng lai. 

  Nghĩa là: 

   Đài quán rực rỡ như xưa, bốn mùa mây buông xuống 

   Nhân dân nào thấy tuổi Hạc quay trở lại

   Ý nhắc đến ngôi trường làng xưa kia nay trở thành đền miếu nguy nga, còn người sáng lập thì không thấy một lần quay trở lại. 

    Ông được thờ cúng như vị Thành hoàng làng bởi là người Thầy đã truyền dạy chữ nghĩa, lễ giáo và mở mang trí tuệ cho dân làng, mở ra một hướng mới: hướng đầu tư vào học nghiệp của cả làng, có truyền thống hơn 700 năm nay. 

    Đến nay, dù thời gian đã xã xôi, nhân dân vẫn giừ tục lệ kiêng tên húy Thành hoàng. Không được đặt tên con khi sinh trùng tên Thành hoàng, khi phát ngôn có chữ “Chung” đọc chệnh sang âm “Chong”, hoặc “Trong”. Lại tránh cả tên húy công chúa Huyền Chân tương truyền là người tình của Ông thờ ở đền làng Hòa Loan nay thuộc xã Lũng Hòa huyện Vĩnh Tường. Các chữ khi viết hoặc khi đọc có chữ “Chân” đều đổi gọi là “Chinh” hoặc “Trinh”. 

    Về tục lệ giao hiếu, Hương lí làng Quan Tử-Sơn Đông còn khai tiếp trong TT-TS: “ Duy có làng Hòa Loan, tổng Mộ Chu huyện Bạch Hạc (nay thuộc xã Lũng Ngoại, huyện Vĩnh Tường. LKT) đối với làng Quan Tử chúng tôi, lễ giao hiếu rất là thân mật. Số là xã Hòa Loan thờ bà Huyền Chân công chúa; Nguyên bà ấy là con vua nhà Trần ( Trần Nhân Tông.LKT), trước gả cho vua nước Chiêm Thành. Gặp khi vua nước ấy băng hà, theo tục nước ấy người vợ vua yêu quý phải nhẩy vào đàn hỏa táng để chết theo chồng, hay là tuẫn táng. Vua nhà Trần thương con gái, mới sai ông Đỗ Khắc Chung sang sứ mượn cớ đi thăm quốc tang, rồi lập mưu đem được công chúa về nước. Bởi thế lễ giao hiếu hai làng không thể bỏ được, vì bỏ sợ hai làng không được yên. Còn sự giai gái hai làng muốn lấy nhau cũng được”. 

    Về việc này còn có tục lệ cổ là ngày có tiệc làng, đoàn nước nghĩa làng Hòa Loan lên dự tiệc ở Quan Tử khi về xin chiếc chiếu “đọc chúc” (chiếu thứ nhất trong bốn chiếu tế) mang vê làm “hèm” giải ở đền thờ bà Huyền Chân. Ngược lại, ngày tế tiệc làng Hòa Loan, đoàn nước nghĩa làng Quan Tử xin chiếc nồi đất cũng là vật phẩm tế mang về. Tục cũ tuy bỏ, nhưng quan hệ “ nước nghĩa” nay vẫn vẹn nguyên. 

     Cũng theo trong kê khai TT-TS của xã Quan Tử trong năm có hai ngày tiệc 24 tháng giêng (tiệc ngày sinh), 24 tháng 11 (tiệc khánh hạ) có tục lệ “hèm húy” về vật dâng cúng “có giã bánh dày trắng và cỗ nem là hèm húy của thần”. “Đó là đồ tế lễ riêng hèm thần làng chúng tôi phải sửa lễ bánh dày trắng và cỗ nem”. Công việc sửa cỗ rất là hệ trọng. 

    Trong hai tiệc ấy, làng “chia ra làm bốn giáp (đông, tây, nam, bắc), cắt giai dân trai giới, chọn gạo để giã bánh dày thờ, cắt dân đinh đong cỗ gạo đấu…, mỗi tiệc mỗi giáp đều phải sửa riêng một con lợn”. Thịt lợn ấy chọn lấy ba loại thị ngon nhất gồm phần mỡ tinh trần qua nước sôi cho cứng rồi dùng dao sắc thái nhỏ như sợi chỉ; Thịt nạc để sống rồi cũng thái nhỏ, còn phần bì lợn thì chỉ lạc lấy phần bì tinh, luộc chín kĩ, cũng thái nhỏ. Cả ba thứ ấy trộn đều rồi ướp gia vị, cuối cùng là trộn đều với bột thính gạo, Phân đều thành từng quả như cái chén nhỏ, rồi bọc lá ổi tươi, cuối cùng gói vuông lại bằng lá chuối khô, bên ngoài buộc lạt đỏ, kiểu chữ thập. Cốt sự thành kính. Cỗ ấy sau khi tế lễ xong phần lớn dùng để biếu sén các chân sắc mục trong làng đương thứ. Mỗi phần là một cái bánh dày với quả nem, đó là sự kính trọng thượng phẩm. 

     Về ý nghĩa của hèm tục này, theo điều tra điền dã địa phương, bánh dày hình tròn “tượng trời”, thuộc dương; Quả nem hình vuông “tượng đất” thuộc âm, đây là một khái niệm về “âm dương lưỡng hợp”, một ý thức về sự vuông tròn trong tình duyên và sự sinh nở, đã được nâng theo quan điểm Nho giáo. Ăn nhật với tục lệ trao đổi chiếu cúng và nồi đất vẫn còn nhớ đến ngày nay. 

    Từ năm Cảnh Trị thứ 03 đời vua Lê Huyền tông ( 1665), làng đã dựng ngôi miếu thờ Ông với sự tôn thờ Thầy Vạn đại chiêm ngưỡng (chữ của bức hoành phi treo trước thượng điện hiện đang còn, nghĩa là Vạn đời còn trông theo) còn nhiều dấu tích đến ngày nay, và đổi tên làng từ Sơn Đông sang Quan Tử: Làng con quan , khẳng định là làng học – làng quan, ước vọng chân chính của giới Nho sinh vào đời. 

     Bởi đã có thực tế trong 02 triều Lê sơ và triều Mạc trong vòng 88 năm từ Lê Nhân tông khoa Quý dậu (năm1453) đến Mạc Phúc Hải khoa Quảng Hoà Tân sửu (năm 1541) làng đã có 12 vị tiến sĩ đỗ đạt ở bậc đại khoa, hiện đứng danh sách thứ nhất trong tỉnh Vĩnh Phúc và xếp hàng thứ 20 trong danh sách đỗ đạt trong cả nước. Thời kì đó cho đến năm Thành Thái Quý mão (1903) là khoa thi Hương triều Nguyễn, cuối cùng làng còn có người đỗ cử nhân là ông Hoàng Mậu Lâm, chứng tỏ làng này không nhà nào là không có họ hàng anh em con cháu nhà quan. “Lúc ấy khoa mục thịnh hành, hương cống sinh đồ nhà nào cũng có, nên mới đặt tên là Quan Tử, lấy nghĩa là con cháu nhà quan”. (TT-TS xã Quan Tử).             Năm 1939, là năm Kỉ mão, có đợt tu sửa cuối cùng, làng đã cho di chuyển tấm bia đá Tiê n hiền liệt vị ghi danh sách 12 vị tiến sĩ Nho học từ văn chỉ của làng lập năm Tự Đức Mậu dần (năm 1878) đặt vào gian cạnh chính điện, nên di tích có thuộc tính vừa là di tích Nho giáo, vừa là di tích Nho học, duy nhất có ở tỉnh Vĩnh Phúc rất đặc biệt theo như dạng thức thờ tự ở Văn miếu Quốc tử giám Hà Nội. 

     Về kiểu dáng kiến trúc có những đặc diểm khác với các ngôi đền miếu thông thường. Trên hai bên đỉnh nóc của nhà tiền tế có lắp hai cấu kiện là hai chiếc nậm rượu đặt trên đế hai hình tượng sao Khuê có tám cánh đang chiếu tỏa, miệng bình hình tháp bút chọc thẳng lên trời như đang “viết lên trời xanh”. Trong tòa tam quan đền có ba bức phù điêu bằng gỗ đục bong, chạm nổi hình tượng “tứ linh”. Đặc biệt ở bức gian giữa có cảnh chạm nổi hình thể mang hình tượng “Cha rồng dạy con” (Phụ long giáo tử), miêu tả về thực thể thầy trò quấn quýt như là đang truyền dạy chữ nghĩa. 

     Trong khuôn viên bề thế về kiến trúc, ngôi di tích thờ Ông đã được xếp hạng, cấp bằng di tích Lịch sử-Văn hoá cấp quốc gia theo quyết định số 937/QĐ-BT-1993. Đó như là sự báo đền: Mùng 01 tết ở nhà Cha Mùng 02 nhà Mẹ Mùng 03 tết Thầy. 

                       Sơn Đông. Ngày 12 tháng 4 năm 2012.

                                             L K T. 

Liên hệ: Nhà Nghiên cứu Lịch sử địa phương. 

Hội viên Hội Khoa học- Lịch sử tỉnh Vĩnh Phúc. 

Hội viên Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc. 

ĐT: 02113.828.069. 

DĐ: 0984550547 

Email: thuyenlk@gmail.com