Thứ Sáu, 14 tháng 3, 2014

ĐỀN THỎNG TÂY THIÊN

          
 Còn gọi là đền TRÌNH 呈vì trước khi trèo núi, băng rừng, vượt suối lên đền Thượng Tây Thiên lễ Mẫu, mọi người đều vào một ngôi đền toạ lạc ở chân núi Thạch Bàn thuộc điạ phận thôn Khổn Thông, xã Sơn Đình tổng Quan Ngoại, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Yên xưa ( nay thuộc xã Đại Đình huyện Tam Đảo) làm lễ với ý nghĩa là một sự trình báo trước về việc “đăng sơn”, vốn có nguồn gốc cổ xưa là nơi cử hành lễ mở cửa rừng của những người xoan tràng và những phường săn trước khi vaò rừng khai thác. Đó là một sự “giữ lễ”.
Vì Quốc Mẫu ngự ở ngôi đền cao trên lưng chừng núi Thạch Bàn, cách xa nơi cửa rừng chừng 6 – 7 cây số đèo dốc hiểm trở nên một nhu cầu “ chắc chân mạnh tay” để cuộc đi được hanh thông là niềm ước vọng, mong sao cho suốt cả một cuộc đường dài. Đó là niềm tin được gửi gắm.
Lại nữa, muốn vào nơi cửa Mẫu ở trên núi cao, đường vào là “độc đạo” ( chỉ có một đường) qua hai thôn của xã Sơn Đình 山亭là Lan Thông 闌通và Khổn Thông 閫通. Viết theo tự dạng chữ Hán, chữ “Lan” nghĩa là “ Cánh cửa”, cũng có nghĩa là sự cách trở. Chữ Lan Thông có nghĩa là qua cửa lớn (cửa có cánh). Chữ “Khổn” có nghĩa là cửa buồng, giới hạn trong cửa nơi ở của giới nữ. Lan Thông và Khổn Thông có nghĩa là để tới được cửa Mẫu phải qua hai lần , cửa ngoài thoáng rộng và cửa trong kín đáo. Qua cửa thì phải “ Trình” cho có phếp tắc. Bởi vậy ngôi đền ở thôn Khổn Thông có nghĩa là đền Trình là do vậy.
Lại theo sách “ Nam Việt Thần Kì Hội Lục” 南越神衹會錄 chép vào đời Lê Cảnh Hưng  năm thứ 24 ( 1763) thì nơi đây còn mang địa danh là “ Sơn Khổn”, với nghĩa là “ cửa núi”, cũng tức là “ cửa rừng” nghĩa như nhau, còn mang dấu tích của tục lệ “lễ mở cửa rừng” vào dịp khai thác đầu năm. Chữ “ Trình” còn có ý nghĩa là như vậy.
 Ngôi đền này cũng có tục danh là đền “THỎNG” (Xem văn bản có ở Viên Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội AJ 1/11), (Trong một số văn bản hành chính ở tỉnh Vĩnh Phúc chép là “Đền THÕNG” là phiên âm sai.) vì theo như lời khai của lí dịch xã Sơn Đình năm 1938 thì “đời xưa có thôn Lan Thông nên gọi là đền THỎNG”. Lan Thông thời kì đó bao gồm cả thôn Khổn Thông đời sau. Ngôi đền có hai tên gọi với hai ý nghĩa khác nhau.
* Gọi là Đền Trình, với khách hành hương lên núi lễ Mẫu.
            * Gọi là đền Thỏng là dựa vào ý nghĩa địa hình.
Đền Thỏng ngày nay
Đền Thỏng ngày nay


Ngày nay thôn này vẫn còn gọi là Khổn Thông, ở phia trước có cánh đồng làng mang địa danh là Đồng Thỏng.
Cũng theo văn bản kiểm kê cũ, thì “Đền Thỏng thôn Sơn Đình thờ vị TAM ĐẢO SƠN TRỤ QUỐC MẪU 三島山柱國母”, là một trong 54 danh sách thờ cúng bà ở tỉnh Vĩnh Phúc. Trong đền có một bản thần tích vị Tam Đảo Sơn Trụ Quốc Mẫu sao lại của đền Long Đậu xã Định Trung vào năm Bảo Đại năm thứ 12 (1937), gồm có 06 tờ (tờ đúp) chữ viết mỗi mặt 08 hàng.
           Về kiến trúc, đền xưa là một cái nhà có 02 gian thờ dọc không có đục chạm gì đẹp, nhưng làm đã lâu đời , xếp vào hàng cổ tích. Câu đầu có đề hàng chữ “Giáp tuất niên trùng tu”甲戌年重修, nhưng chưa rõ là Giáp tuất nào. Trên ban thờ có một cỗ long ngai đặt pho tượng Thánh Mẫu.
          Đền cũ đã mất, nay được xây dựng lại mới trên cũ vào năm 1998, có cấu trúc lối chữ “đinh”, gồm toà đại bái 03 gian, mái lợp 02 tầng theo lối 04 mái; phần hậu cung gồm 01 gian hai chái chồng diêm hai tầng 08 mái, trên ban đặt cỗ long ngai có pho tượng Quốc Mẫu.
           Nhà đai bái, có bức hoành 04 chữ TÂY THIÊN QUỐC MẪU 西天國母, cùng đôi câu đối:
          國 母 威 靈 財 祿 至
          愿 求 得 意 子 尋 來
          Quốc Mẫu uy linh tài lộc chí
          Nguyện cầu đắc ý tử tầm lai.
Nghĩa là:
          Quốc Mẫu oai linh tài lốc đến
          Nguyện cầu được ý con dân tìm đến.
          Cũng còn 04 đôi câu đối nữa được treo ở đây.

Câu 01.
          福等河沙作福自然得福
          功垂萬世興工便見成功
          Phúc đẳng hà sa, tác phúc tự nhiên đắc phúc.
          Công thuỳ vạn thế, hưng công tiện kiến thành công.
Nghĩa là:
          Phúc nhiều như cát sông, làm phúc tự nhiên được phúc.        
          Công ơn bao khắp muôn đời, khởi công sẽ thấy thành công.
Câu 02.
南國太平心慈善
母靈留史度眾生
          Nam quốc thái bình tâm từ thiện
          Mẫu linh lưu sử độ chúng sinh.
Nghĩa là:
          Nước Nam thái bình , lòng từ thiện.
          Mẫu linh thiêng lưu sử sách, cứu vớt chúng sinh.

Câu 03.
石路傅西天靈地存名仙降
高山登扶儀古臺記為西天
          Thạch lộ phó Tây thiên, linh địa tồn danh Tiên giáng.
          Cao sơn đăng Phù Nghì, cổ đài kí vị Mẫu nghi. 
Nghĩa là:
 Đường đá tới Tây thiên, đất thiêng còn ghi việc Tiên giáng
 Núi cao lên chùa Phù Nghì, đài xưa con ghi “ Mẫu Nghi Thiên Hạ”

Câu 04.
八節四時尊奉事
三朝黎阮敕頒封
          Bát tiết tứ thời, tôn phụng sự
          Tam triều Lê Nguyễn, sắc ban phong.
Nghĩa là:
          Bốn mùa tám tiết, đều được tôn thờ, thờ cúng.
          Ba triều Lê Nguyễn, có sắc ban phong.
Đó đều là các đôi câu đối của ngày nay, do tấm lòng chân thành mà cung tiến sau năm dựng lại đền.
          Phần dưới toà thượng điện (hạ ban) bài trí các ban thờ về Mẫu Tứ Phủ như ban CÔ, ban CẬU, ban Mẫu Thoải, ban Mẫu Sơn Trang, ban Ngũ Hổ. các loại nón thờ, rắn thờ. Là những thiết chế thờ tự thuộc về điện Mẫu Tứ Phủ.
Trong toà tiền tế còn treo quả chuông có tên là “ Phù Nghì Tự Chung” 扶儀寺鐘 nghìa là chuông chuà Phù Nghì, của chùa Phù Nghì trên núi Phù Nghì, do ngôi chùa đã đổ nát, nên người dân đã di về và đặt tại đây. Chuông được đúc vào đời vua Nguyễn Hiến Tổ, niên hiệu Thiệu Trị năm thứ 02 (1842). Trong đền cũng còn có chiếc khánh đồng có ghi hàng chữ Tam Đảo Sơn 三島山 ở mặt trước, mặt sau ghi ngày 13 tháng giêng năm thứ 02 nhưng không ghi rõ về đời vua nào. Có lẽ là ngày tạo lập, Nội dung chiếc khánh chủ yếu là ghi danh sách các hội chủ ở các nơi về cung tiến.
Ngoài sân đền có tấm bia đá 04 mặt, có nội dung
* Mặt 01 có tên bia “Tam Đảo Linh Sơn”三島靈山, ghi về hình thế cảnh quan núi Tam Đảo, viết vào năm Bảo Thái thứ 05 đời vua Lê Dụ Tông (1723).
          * Mặt 02 có tên bia “Thạch Lập Bi Kí” 立石碑記, nội dung chép về công việc dựng tấm bia đá này, được viết vào ngày tốt lành hạ tuần tháng 04 năm giáp thìn, niên hiệu Bảo Thái năm thứ 05 (1723).
* Mặt 03 có chữ đề “Tây Thiên Thiền Tự” 西天禪寺 là những dòng viết về chùa Tây Thiên trên núi Thạch Bàn 石磐. Đó là nơi cổ tích danh lam đứng đầu nước Nam, linh ứng hiển hiện, cầu được ước thấy.
Bia tứ diện ở Tây Thiên



* Mặt 04 có chữ đề “ Thập Phương Hội Chủ” 十方會主 là ghi chép về danh sách những người có công đứng ra tu tạo Trong đó thấy có nhiều danh sách các vị họ Lăng, là họ của người Kinh trong khu vực này, ( Cũng nên chú ý là dân tộc Sán Dìu không có họ Lăng. Họ Lăng của người Sán Dìu ở thôn Đông Lộ hiện nay là từ họ Diệp đổi sang theo họ của Quốc Mẫu.) cùng khắp nơi trong cả nước tổng cộng khoảng 400 người cùng nhau đóng góp công đức tiếp tục tu sửa chùa. Trong đó hàng hoàng gia có cả Đệ nhị công chúa Lê Thị Ngọc Ản, hiệu chùa là Diệu Thụy.
          Đó tấm bia chùa Tây Thiên nay đặt ở đây, là các di sản thời trung cổ còn lại ở sân đền Thỏng Tây Thiên rất quý giá.
Trong khu vực đền Thỏng còn có tấm bia đá có tên “Đồi Rộng Thôn Chung” , nhưng tiếc rằng chỉ còn lại thác bản lưu giữ ở thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội.
          Theo điều tra của Học viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp năm 1938, thì ngôi đèn Thỏng là “ Hữu Thần Cung”, một trong 03 thần cung thờ về Quốc Mẫu Tây Thiên núi Tam Đảo.
Trước cửa đền có cây đa 09 cội phát triển từ những thân rễ mà thành, tạo cho ngôi đền thêm sự huyền bí thiêng liêng nơi cửa Mẫu. Là linh khí trong các trong huyền tích về “Thần cây đa” của làng xã Việt Nam. Đó còn là hình ảnh của cây “Dung thụ”. Cây “Mẹ” của “Phật đá trắng” chép trong sách “Lĩnh Nam chích quái” ở thế kỉ 15 tạo thành các Phật “ Phấp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện” trong tín ngưỡng cầu mưa dân gian Việt.
                                                               Lê Kim Thuyên-  Tháng 06 năm 2013.