Thứ Năm, 1 tháng 5, 2014

TÔ THẾ HUY



TÔ THẾ HUY

蘇 世 輝
 (1666    -   ?)

Lê Kim Thuyên
I. Quê quán.

Bia TS Văn miếu Hà Nội (Bia số 54 trong số 82 bia còn hiện nay) có bia danh là “ Chính Hòa thập bát niên Đinh sửu khoa Tiến sĩ đề danh ký” (Có thác bản No,1336). Có chép một danh sách là Tô Thế Huy, người thôn Bình Đắng, huyện Bạch Hạc.
Các sách “Đăng khoa lục” Việt Nam, chép không thống nhất về địa danh làng này. Như: Bình Đăng, Bằng Đắng. Đến sách “Đồng Khánh địa dư chí”, bộ sách địa chí cổ cuối cùng của triều Nguyễn Việt Nam chép là thôn Bình Đắng (平 墱) , tổng Đồng Phú, huyện Bạch Hạc, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Sơn Tây. Là thôn duy nhất trong số 12 xã thôn trực thuộc tổng. Sách “Địa chí tỉnh Vĩnh Yên” của Nha học chính tỉnh Vĩnh Yên biên soạn và ấn hành năm 1939 chép là xã Bình Trù, tổng  Đồng Phú là một địa danh mới.
Sách “Địa chí tỉnh Vĩnh Phúc”, nhà XBKHXH năm 2012 chép là thôn Bình Trù xã Cao Đại huyện Vĩnh Tường ngày nay.
Về họ Tô  - là một họ của Việt nam.
Thấy xuất hiện đầu tiên trong sử sách là Tô Lịch chép trong sách “Việt điên u linh” ở thế kỉ 14. (Năm 1329) là năm Khai Hựu thứ nhất đời vua Trần Hiến Tồng. Nguyên ủy là vị “thần sông” Tô, con sông nhánh chảy vào thành Đại La từ phía tây bắc, quấn quanh phía nam, ôm lấy thành Đại La, rồi lại chảy ra sông Cái, (Sông Hồng ngày nay).
Rồi đến thế kỷ 15, được chép lại trong sách “Lĩnh Nam chích quái” của Vũ Quỳnh và Kiều Phú. Vê sau Tô Lịch được vua Lý Thái Tổ phong làm Thăng Long Thành hoàng đại vương năm 1010.
Họ Tô trong quốc gia Đại Việt, thấy có Tô Hiến Thành, danh thần đời vua Lý Anh tông (1138- 1175).
Họ Tô ở tỉnh Vĩnh Phúc, thấy có Tô Thế Huy.
Bình Đắng là một làng tọa lạc bên trái, bậc thềm sông cổ của đồng bằng châu thổ sông Hồng, đời xưa có địa danh là Phong Châu (峰 洲). Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” của Ngô Sĩ Liên chép là Kinh đô của các vua Hùng, ở thôn Việt Trì xã Bạch Hạc, huyện Bạch Hạc. Nay là khu Bến Gót phường Thánh Miếu, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Nơi về sau, trong sách “”Đại Nam quốc sử diễn ca” của Lê Ngô Cát ở thế kỉ 19 có câu:
Bà Trưng quê ở Châu Phong
Là một làng nông nghiệp thuần túy, của một huyện có học, và có phần văn nhã.

II. Đi thi và thi đỗ.

Tô Thế Huy thi đỗ tiến sĩ ở khoa Đinh sửu đời vua Lê Hi Tông, niên hiệu Chính Hòa thứ 18 ( năm 1697).
Về thời sự của khoa thi này, bài ký bia văn miếu (bia số 54) viết rằng: Mùa đông năm Đinh sửu niên hiệ Chính Hòa thứ 18, bủa lưới cầu hiền, mở trường thi tài kén kẻ sĩ. Bấy giờ các cống sĩ các nơi dồn về như mây hợp, số ứng thí tới 3000 người. Qua trường bốn, chọn được hạng ưu tú 10 người”.
Đây là viết về kì thi Hội.
Thi Hội là khoa thi của triều đình do bộ Lễ tổ chức 03 năm một lần vào các năm “Thìn, Tuất, Sửu, Mùi”.
Để đỗ được ở khoa thi này các cống cử phải qua 04 ngày thi, gọi là “Kỳ”.
- Kì nhất: Ngày thứ nhất thi “Nghĩa”, giải nghĩa các câu hổi về sách “Ngũ Kinh” gồm Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Nhạc, Kinh Xuân Thu. Cùng những câu hỏi về sách “Tứ Thư” gồm Đại học, Trung dung,Lluận ngữ, Mạnh Tử, đều là các sách giáo khoa thư của Nho học. Gọi chung là “Thi nghĩa- Thư nghĩa”.
Sau đó các bài thi được đem chấm, loại bỏ bớt các bài kém , rồi lập danh sách vào ngày thi thứ hai, gọi là trường nhì (Nhị trường).
- Kì nhị: Ngày thứ hai. Mõi cống sĩ phải làm một bài Chiếu, bài Chê, bài Biểu là các thể văn hành chính.
Sau đó lại thu quyển đem chấm, rồi chọn lọc lấy các bài cho vào trường ba. (tam trường).
- Kì tam: Ngày thứ ba, mỗi cống sĩ phải làm một bài thơ, một bài phú do ban giám khảo ra đề, hạn vận. Để thử tài ứng tác của từng thí sinh.
Rồi lại thu quyển đem bình chấm. Chọn lọc lấy số quyển đạt phân số điểm vào trường bốn, gọi là “tứ trường”.
- Kì tứ: Ngày thứ tư. Mỗi cống cử phải làm một bái văn sách, gọi là “sách vấn” trả lời, luận về thời sự, kế sách của người xưa.
Sau bốn lần đãi lọc như thế, mới chọn các bài có số điểm cao, xứng đáng cho vào thi Đình, thì được gọi là “trúng cách thi Hội”, mà chưa có học vị gì. Người đứng đầu danh sách gọi là “Hội nguyên”. Có 10 người “trúng cách” trong số 3000 người dự thi, tỉ lệ đạt là 1/300.
 Tháng 12 năm ấy tổ chức thi Đình, gọi là “Đình thí”. Ở kì thi này đích thân nhà vua ra đê bài, và cũng đích thân làm chủ khảo. Ngày thi tổ chức ở sân điện của nhà vua, nên còn gọi là “Đế Đình”. Đề bài “sách vấn” kì này hỏi về “môn học tâm linh của con người”.
Các quan trong hàng ngũ khảo quan thay nhau đứng đọc các quyển văn, bình điểm, nhà vua quyết định cuối cùng, rồi xếp loại cho đỗ. Lấy thứ tự từ các quyển có số điểm cao nhất, đến cuối cùng. Ở kì thi này theo quy chế, không loại bỏ quyển văn nào, người đã “trúng cách thi Hội” coi như đã cầm bằng tiến sĩ trong tay, chỉ chờ xếp thứ tự cao thấp mà thôi.
Có ba bậc xếp loại:
- Cao nhất là hàng Đệ Nhất giáp tiến sĩ cập đệ, có ba người gồm Đệ nhất, Đệ nhị, Đệ tam danh, thường gọi là trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa.
- Thứ hai là hàng Đệ nhị giáp tiến sĩ, thường gọi là hoàng giáp, tức chính bảng (giáp bảng).
- Thứ ba là hàng Đệ tam giáp đồng tiến sĩ, tức là hàng phụ bảng (ất bảng).
Tất cả đều cho “xuất thân”, tức là được bổ nhiệm quan chức.

Văn bia đề danh tiến sĩ khoa Đinh Sửu niên hiệu Chính Hòa năm thứ 18 (1697)


Ông Tô Thế Huy thi đỗ danh sách thứ hai trong số 08 người ở hàng Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Khoa thi này không lấy đỗ hàng tiến sĩ cập đệ, chỉ có 02 người đỗ ở bảng giáp mà thôi.
(Xem bia số 54, thác bản No. 1336 viên nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội).
Năm này ông Tô Thế Huy ở tuổi 32, tức là đã ở độ tuổi đủ chín để vào đời “tam thập nhi lập”, so với độ tuổi của các tiến sĩ khác người Vĩnh Phúc như các ông Ngô Miễn, Nguyễn Quang Luân (22 tuổi), cha con ông Nguyễn Duy Thì (27 tuổi), Trần Doãn Hựu (27 tuổi) thì có muộn hơn nhưng do ông có một số năm làm chức quan Huấn đạo, là chức “học quan” ở cấp phủ, huyện, phẩm trật ở vào hàng “chánh cửu phẩm văn giai”), rồi mới ra thi.

III. Ảnh hưởng của Tô Thế Huy với quê hương.

Ở quê hương làng Bình Đắng trước Tô Thế Huy chưa có người thành đạt về Nho học. Điều này được minh chứng trong bài kí văn của tấm bia Hậu đình làng Bình Đắng tạo năm Minh Mệnh thứ 13 triều Nguyễn – 1831- (nay còn đặt trong sân nhà bà Nguyễn thị Nghệ, một vị dâu của họ Tô – vợ của Tô Thế Long) có đoạn đầu: ...我邑文獻之鄉英雄世出自蘇進士開科之後人才輩出道學顯行其文章位望足為天下之範模道統之傳從來遠矣. (Ngã ấp văn hiến chi hương, anh hùng thế xuất tự Tô tiến sĩ khai khoa chi hậu, nhân tài bối xuất, đạo học hiển hành kì văn chương vị vọng, túc vi thiên hạ pham mô, đạo thống chi truyền tòng lai viễn hĩ): Ấp Ta trở thành làng có văn chương và người hiền tài, đời xuất anh hùng từ sau khi họ Tô đỗ tiến sĩ. Người tài lũ lượt ra đời,, đạo học rõ ràng, văn chương có tiếng, đủ để cho thiên hạ lấy làm khuôn phép, mối chính của Nho học được truyền lại đến nay đã xa lắm vậy. (Thác bản No.14231).
Quả có vậy, sau ông,  làng Bình Đắng có 12 danh sách thi đỗ Hương tiến (Cử nhân triều Nguyễn) trong đó họ Tô đạt 10 danh sách, và 03 vi thi Hội trúng “tam trường” là các ông Tô Thế Đôn, Tô Thế Huân, Tô Thế Áng. Các vị đều àlà di duệ Tô Thế Huy.

IV. Xuất thân ra làm quan. Con đường họan lộ.

Ông làm quan ở cấp Bộ, chức Hữu thị lang ( tương đương chức thứ trưởng thứ 02), nhưng không thấy ghi ở bộ nào.
Tháng 6 năm Canh tí đời Vĩnh Thịnh  16 (1720), vua Lê Dụ tông ban cho ông và 03 người nữa tước “Hầu” (Công, hấu, bá, tử, nam) trong một kí ban ơn.
Năm Bảo Thái thứ 02 (1721), ông được cử giữ chức phó sứ đoàn sang nhà Thanh  tuế cống. Trở về, ông được tiến cử vào hầu trong phủ chuá Trịnh Cương (1709-1729), giữ chức quan Bồi tụng phủ đường (đặt năm Hoằng Định thứ 02 -1601- đời vua Lê Kính tông, dưới chức Tham tụng đứng đầu), thường một lúc có 3-4 viên đều giữ bản chức mà mang hàm để dự vào chính sự nơi phủ đường. Rồi lại thăng lên chức Tả thị lang bộ Lễ, tước Công: Cảo quận công.
Rồi đến năm Bảo Thái thứ 06 (1725) đời vua Lê Dụ tông, giữ chức tả thị lang bộ Công, tra khám những vụ kiện ở Công phiên, về các việc chế tạo, ban tứ (vật phẩm nhà vua ban xuống) thì đều chiếu theo điều lệ mà làm (Xây dựng, kĩ nghệ). Tháng 12 năm ấy bị truất xuống chức hữu thị lang. Về chức thì kém tả thị lang một bậc, nhưng vè phẩm hàm thì vẫn ở hàng “tòng tam phẩm”.
Nguyên nhân vì có nhiều viên quan trưng thu tiền thuế, đã tham nhũng ẩn lậu. Chuá Trịnh Cương biết việc ấy, mới sai các quan ở Công phiên tính toán lại, biết rõ được sự tình. Tuy nhiên, những người  này vẫn tự bào chữa một cách gượng gạo, đuối lí. Tô Thế Huy lấy tư cách là Tả thị lang bộ Công làm việc phúc thẩm. Ông không những không khép án, lại tha tội cho bọn chúng, đó là việc làm “thất suất” (nghĩa là kết án nhẹ kẻ phạm tội nặng). Triều thần dem ra xét xử lại bản án, đã tha tội cho bạn tham nhũng, nhưng còn Tô Thế Huy thì bị giáng chức vì xử không đúng về hình phạt.
Sau đó, ông lại được thăng làm tả thị lang bộ Lễ, vào hầu tòa Kinh diên. (Kinh diên gỉảng quan), nơi giảng nghĩa sách cho nhà vua trong nội điện, tùy theo từng việc mà dâng điều hay, bày điều dở và tra xét những việc tố cáo của các xã dân tùy thuộc nội điện.
Đến tháng 5 năm Nhâm tí (1732), Uy vương Trịnh Giang cùng một số đại thần ngấm ngầm bàn định phế vua Lê Duy Phường, để lập vua Lê Thần tông. Ông Thhế Huy lúc này đang làm việc trong tòa Kinh diên, họ mới tìm cách cô lập ông và nhà vua bằng cách nói vu cho ông làm bầy tôi giảng dụ (hầu giảng cho nhà vua) mà chỉ biết dựa dẫm phụ họa, không biết giúp đỡ vua về mặt đạo đức. Số là Tô Thế Huy là người thông hiểu về khoa “chiêm tinh” (phương pháp xem sao để suy đoán việc lành dữ của người – A stropge), nên mới thường dâng sách âm dương cho vua Duy Phường. Nên Trịnh Giang và một số triều thần cho răng muốn truất vua Duy Phường thì phải tìm cách loại bỏ Tô Thế Huy. Bởi vậy nên triều đình biếm chức ông cho ra làm quan ngoài, chức Thừa chính sứ ở Yên Quảng (Quảng Ninh ngày nay), phẩm trật ở vào hàng tòng tam phẩm.
Về việc này, sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” Của Quốc sử quan triều Nguyễn chép rõ: “ Tháng 05. Biếm chức Tô Thế Huy, tả thị lang bộ Lễ, làm thừa chính sứ ở Yên Quảng”.
Giải thích rõ: Lúc ấy, Thế Huy giữ việc ở Kinh Diên, họ bèn vu cho Thế Huy là làm bầy tôi giảng dụ vua mà chỉ dựa dẫm phụ họa, không biết giúp dỡ vua về mặt đạo đức, nên biếm chức Thế Huy. ( Quyển 37,tờ 24)
Về cuối đời, ông được về trí sĩ nơi quê nhà. Năm ấy ông đã ngoài 70 tuổi. Hai con trai của ông đều hiển đạt. Một người làm quan chánh Hiến sứ, một người làm qua phó Hiến sứ. Sau khi ông mất được tặng phong chức thượng thư bộ Công.
Có các đôi câu đối thờ ông ở nhà từ đường thờ ông:
Câu 01.
國忠臣家好子天下完人
文進士武郡公朝廷顯宦
Quốc trung thần, gia hiếu tử thiên hạ hoàn nhân
Văn tiến sĩ, võ quận công, triều đình hiển hoạn.
(Bề tôi trung của nước, con hiếu của gia đình, ông là người trọn vẹn trong thiên hạ
Văn đỗ tiến sĩ, võ tới quận công, là vị quan vinh hiển chốn triều đình)

Câu 02.
傺席十三年輔德渥心高得悅
使軺千萬里重朝安社弼如遼
Sế tịch thập tam niên, phụ đức ốc cao tâm đắc duyệt
Sứ dao thiên vạn lí, trùng triều an xã bật như liêu.
Câu đối vua Lê Hi tông ngự ban sau khi đi sứ về.
(Ngồi chiếu 13 năm, giúp việc đức thấm lòng được lên cao, vui hớn hở
Đi sứ nghìn vạn dặm, mấy triều yên ổn nhờ sự giúp đỡ từ ông)

Câu 03.
北底遺思當正在
南人宰是御書香
Bắc để di tư đương chính tại
Nam nhân tể thị ngự thư hương
Câu đối này do triều đình nhà Thanh tặng ông.
(Văn tự Bắc triều nhớ để lại chốn cung đình còn đó
Tể tướng người Nam thấy rõ nền nếp nhà Nho).

V. Thơ văn để lại.

Ông không chỉ người có tài học giỏi, thi đỗ cao, là vị quan cần mẫn mà còn là người có nhiều văn phẩm để lại cho đời. Có 03 tác phẩm nay còn lưu giữ được.
1. Bài kí văn bia 奉祀羅公生祠碑記 Phụng tự La công sinh từ bi kí  là bia sinh từ họ La ở xã Đức Thắng huyện Hiệp Hòa tỉnh Bắc Giang.
2. Bài tựa viết cho sách 群賢賦集 Quần hiền phú tập vào năm Bảo Thái thứ 10 (1728). (Xem A.505 viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội).
3. Bài trướng mừng tiến sĩ Nguyễn Bá Lân thi đỗ  古都尚書官登進士賀集 Cổ Đô thượng thư quan đăng tiến sĩ hạ tập  chép trong sách 百僚詩文集. ( Xem  A. 421 viện nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội).

VI. Công trình sưu tập.

Thời về trí sĩ, ông có lập trong vườn nhà ở Bình Đắng một thư viện (Vân đài) lưu giữ các bản ngọc phả ở các đình đền miếu ở vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ, khi ông làm quan ở bộ Lễ với chức danh “Quản giám Bách thần tri điện Hùng lĩnh thiếu khanh”. Đây là công trình sưu tập lịch sử và văn hóa rất có giá trị. Về lưu trữ này, nay còn được ghi lại trong một số bia thần tích một số làng, sách Thần tích một số làng, cũng như trong một số sách Xã chí (kho AJ. Viện nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội).
Ông mất ngày 24 tháng 4, (không rõ năm), dân thôn cúng giỗ tại đình. Còn ngôi nhà để sách thì Nguyễn Danh Phương trong một đêm cho quân dỡ về dựng “Quán Tiên”. Chừng khoảng  những năm đầu thế kỉ XX, khi vị trưởng họ Tô là Tô Thế Tân chết rồi, thấy nói con cháu đã đem Thần tích lên gửi ở đền Hùng xã Cổ Tích.
Di tích còn lại ở đầu thế kỉ XX bằng hiện vật là 04 đạo sắc triều Lê phong cho vị thần Lí Nhã Lang thờ ở đình Bình Đắng, do chính tay họ Tô sao lại của đình làng Chu Quyến Sơn Tây, lưu giữ ở đền Bình Đắng. Một cỗ kiệu, một con hạc thờ ở đình và 02 cái miệng giếng đá.
Đến năm 1937, thì con cháu lưu lạc nhiều nơi, ở làng chỉ còn có 04 đnh. Chỗ nền nhà của ông thành ruộng.
Thông tin theo kiểm kê của trường Viễn đông Bác cổ năm 1937. (AJ 1/30).

Sơn Đông. Tháng 03 năm 2014.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét