Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2014

Đền Cậu Tây Thiên


Đền Cậu Tây Thiên

Lê Kim Thuyên
         
          Trên đưòng bước lên đền Thượng thờ Quốc Mẫu Tây Thiên trên núi Thạch Bàn, sau khi đã vượt qua suối Chùa Rọ ( suối sau đền Thỏng), qua bãi suối Đá Liền, qua suối Đôi ( tức suối Tối) đến suối Trường Sinh (hoặc còn gọi là khe Trường Sinh) là bước tới đền Cậu, một ngôi đền nhỏ nhắn nhưng đầy bí ẩn và linh thiêng trong trong sự huyền bí về di tích và sự tích. Linh thiêng bởi không ai giải thích được ngôi đền có xuất xứ vì đâu, cũng như vị thần được thờ có sự tích là như thế nảo để mỗi vị khách khi hành hương không thể không vào đền lễ bái dâng nén tâm hương. Vì vậy khách và khói hương cứ nườm nượp hoà quyện với nhau, níu kéo nhau, như gọi mời, mở đầu cho các cuộc cầu “Tài”, cầu “Lộc”, cầu “Tự”, cầu “ Duyên” lên đến đền Thượng.
          Chưa ai được rõ ngôi đền xuất hiện và có từ danh “đền Cậu” từ bao giờ. Chỉ mang máng trong kí ức đời nọ truyền đời kia khi lên lễ trên đền Thượng thì đều có rẽ vào đền Cậu dâng hương. Chũ “Cậu” khiến hình dung là vị thần được thờ ở đây là còn nhỏ tuổi lắm, ở cái tuổi vừa ấu thơ, vừa công tử, vừa nũng nịu khó chiều.
          Vậy ra là ngôi đền Cậu, được gắn với sự tích ngôi đền Thượng thờ bà Quỗc Mẫu không biết có từ bao giờ. Phải chăng Cậu là con sinh của bà Quốc Mẫu?
           Điều đó chưa một ai dám chắc, chưa từng là một điều ai dám suy tư, nhưng có điều chắc chắn trong ý tưởng là ở đâu có hình tượng về Mẫu thì gần như ở đó có bóng dáng của Cậu ( và Cô) như biểu trưng một sự sinh thành.
          Theo những tìm hiểu ban đầu, thì Cậu ngự ở đây từ buổi đầu hoang vắng chỉ với một hòn đá và một bát hương, một ngôi di tích phi kiến trúc và một tự khí chỉ giản đơn, nhưng đã thu hút biết bao xu hướng tâm linh đổ về. Sự thiêng liêng buổi đầu thường chỉ gằn bó giản đơn như vậy.
          Một hòn đá, một bát hương, đó là những dấu tích cổ xưa về tục thờ đá của người Việt cổ, nay không chỉ gặp ở dãy Tam Đảo với tên núi Thạch Bàn (bàn đá), mà còn ở Lập Thạch (đá dựng), Tam Triệt Thạch (đá ba roi) …rải rác trong các làng quê Việt tỉnh Vĩnh Phúc.
 Theo lời truyền lại đã thành huyền thoại thì nơi thờ tự này có từ thế kỉ 17, thời mà ngôi đền Mẫu và ngôi chùa Tây Thiên ở vào thời kì hưng thịnh theo như nội dung các văn bia còn được bảo tồn đến ngày nay. Đến khoảng các năm 1986 – 1988 đã tiến lên thành ngôi miếu thờ Sơn thần (thần núi), như vậy là đã có kiến trúc.
Từ khi người Sán Dìu di cư đến lập làng bản ở vùng chân núi Tam Đảo thì tục thờ đá cử người Việt cổ cũng dễ hoà đồng với tục thờ Cúi của cộng đồng người này. Vì “ Cúi” bao hàm một nghĩa rộng chỉ tất cả các vị thần thánh ma quỷ trên đời. Trong thế giới “Cúi” đó, người Sán Dìu có niềm tin đặc biệt vào đá. Biểu hiện cụ thể là họ thường chọn một hòn đá nào đó để gửi con mình để được hòn đá bảo hộ. Đứa bé nhận hòn đá làm bố nuôi, ngày tết thì phải sắm sửa lễ vật đến cúng, đến tuổi trưởng thành mới làm lễ tạ, “ Cởi khoá” và thay tên. Với quan niệm của người Sán Dìu đó thực chất là các hòn đá “bản mệnh” của các câu bé, vì vậy mà họ dễ tiếp thu  từ danh “đền Cậu” để rồi cùng với người Kinh bảo lưu và phát triển.
Mở rộng ra, một cộng đồng cư dân từ bên ngoài đến nhập cư là người Dao ở bản Thành Công xã Lãng Công huyện Sông Lô cũng có tục thờ đá. Trong tín ngưỡng thờ cúng của người Dao thì cúng “Miếu” là nghi lễ hết sức quan trọng. “ Miếu” đặt ở trong núi, nơi kín đáo yên tĩnh. Chỉ gồm kê ba hòn đá. Đá phải chọn đá dưới lòng suối, loại cứng nhất: “ không sợ lửa. không sọ kim khí, không sợ mưa nắng”. Đó là giá trị đích thực, cũng là giá trị văn hoá. Mỗi hòn đá ấy là biểu tượng của một “ông vua”, phải có lễ “nhập hồn”, tức là hòn đá phải dược thổi linh hồn trở thành “đá thiêng”. Ba hòn đá được bài trí dưới một gốc cây cổ thụ trong rừng già bên bờ suối không có kiến trúc. Chỉ có một bát hương và một mô đất sơ sài làm ban đặt lễ.
Xét ra như thế thì tục thờ đá có ở nhiều miền và là tín ngưỡng của nhiều đân tộc.
Trở lại ngôi đền Cậu Tây Thiên, có truyền thuyết cho rằng nơi đây Cậu đã tập trung và nuôi quân trước khi đưa quân lên trình Mẫu. Còn với hệ thống các di tích thờ Mẫu được định vị như hiện có thì Cậu hẳn có nguồn gốc từ tục hệ thờ sinh thực khí của người Việt cổ mà bây gìơ quen gọi với thuật ngữ Linga - Yôni. Nói thực ra là giống đực và giống cái, hai mặt đối lập hợp thành trong nguồn gốc của sự sinh sôi. Khi Nho giáo phát triển thì được đổi gọi là âm dương, hai nguyên khí “ sinh lưỡng nghi, sinh tứ tượng


“để rồi ‘biến hoá vô cùng”, ấy là vũ trụ.
Ngôi đền được ban quản lí và nhân dân chung sức tu sửa lại năm i993, sau 02 năm khu di tích danh thắng Tây Thiên được cấp bằng công nhân là di tích Lịch sư- Văn hoá cấp quốc gia. Từ xa xưa đến nay vẫn là điểm đánh dấu sự khởi nguồn tốt nhất cho mạch cảm xúc “Về với Mẫu” của mỗi người khi đến với Tây Thiên.
Ngôi đền Cậu ngày nay, qua lớp đắp của thời gian, lại đã trở thành một ban của hệ Mẫu Tứ phủ. Với danh xưng là Cậu Quận hoặc Cậu Bé Hoàng., đó đều là các cậu bé thánh ở tuổi rắt ngựa, chăn trâu. Có tất cả 12 Cậu trong bốn ban Tứ phủ công đồng, và thường chỉ có Cậu Ba là hay về đồng, là giá đồng cuôí cùng trong 12 giá thường xuyên được thỉnh về.
Trong đền, thờ hai pho tượng nhỏ đặt trong khám. Tượng đứng gồm 01 tượng nam, 01 tượng nữ, hình tượng ở tuổi ấu thơ. Nam, đầu chí khăn cuốn vòng, ở hai bên phía tai có hai bông hoa rủ xuống, mình mặc áo chẽn thắt đai vàng. Nữ, đầu đội khăn cuốn vòng mầu xanh cũng có bông hoa rủ xuông.Mình mặc áo chẽn màu xanh, áo choàng màu xanh.
Về tính cách của Cậu, thường được thể hiện qua lời văn của bài hát chầu khi thỉnh cậu về đồng gồm các đoạn:
Tục truyền tháng 8 hội Cha
Tháng 3 hội Mẹ gần xa nức lòng.
Cậu Bé Hoàng giục ngựa qua sông
Hèo hoa Cậu vác, thương đồng Cậu phải đeo
Mấy núi cũng chèo, thương đồng mấy núi Cậu cũng chèo
Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua
… Niệm chữ Di Đà, lâm dâm niệm chữ Di Đà
Vào chùa Non nước Cậu hái hoa đem về….
Cậu bé vào rừng nhặt đá ném hươu
Khi Cậu lội qua suối
Nhặt quả thiều biêu ném con gà rừng.
Cậu di săn tiếng súng đì đùng
Cậu đi bắn các cửa rừng vào ra.
Hươu nai vô số hằng hà
Thượng cầm hạ thú cũng phải ra hàng đầu.
Đêm xuiân đốt đỉnh nhang trầm
Khói bay nghi ngút, tuyết sang xuân thổi vào
Về đồng, Cậu Bé Hoàng mặc quần áo lố lăng, chít khăn đầu rìu, múa cây gậy hèo. Trong giá đồng, Cậu tỏ ra rất nghịch ngợm mang tính cách của mục đồng chan trâu dắt ngựa cho các quan. Nói nhiều, lại còn đánh bạc nữa.
          Trong 25 giá đồng thường về hầu ở điên Mẫu, Giá đồng Cậu vui nhộn nhất, giửi toả được những căng thẳng mệt mỏi củ các con nhang đệ tử trong suốt quá trình hầu đồng.
 Tước toà thượng điện, hiện treo hai đôi câu đối mới được đưa vào của thời nay.
Câu thứ nhất:
五色祥雲延聖御
功高扶國萬年長
Ngũ sắc tường vân diên thánh ngự
Công cao phù quốc vạn niên trường.
 Nghĩa là:
Mây lành năm sắc, nơi mời thánh ngự
Công cao giúp nước, vạn năm còn mãi.
Câu thứ hai có lẫn chữ Nôm;
Vũ đắc tường vân duyên thánh ngự
Cây cao phù quốc vạn niên trường.
Nghĩa là:
Nước mưa từ đám mây năm sắc, ấy là duyên từ nơi ở của đức thánh
Như cây cao giúp nước, vạn năm còn dài.
Thế là từ khởi đầu ngôi miếu nhỏ phi kiến trúc thờ Cậu trong tín ngưỡng phồn thực dân gian, qua thời gian của lịch sử cùng với sự bồi đắp của tâm thức dân gian trở nên ngôi đền thờ thanh: Thánh Cậu, có công với nước, với dân.
 Sự giao thoa văn hoá trong tín ngưỡng diễn ra ở ngôi đền Cậu là như vậy. Chắc chắn là còn có nhiều tiến trình lí thú hơn nữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét