Thứ Ba, 14 tháng 4, 2015

VỀ CAC NHÀ KHOA BẢNG TỈNH VĨNH PHÚC Danh số 86 hay 88 vị ?

Lê Kim Thuyên

Khởi đầu ở tỉnh Vĩnh Phúc từ triều Lí (1010 – 1125) đã có người đỗ đại khoa gọi là khoa thi “Thái học sinh”, (tương đương khoa thi TS triều Lê) lấy đỗ được 5 người. Ông Phạm Công Bình người xã An Lạc, huyện An Lạc đỗ danh sách thứ nhất một khoa thi, tương đương học vị Trạng nguyên đời Trần - Lê về sau (Nay là thôn Yên Lạc xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc), mở ra nền khoa bảng của tỉnh Vĩnh Phúc, tính đến nay đã khoảng ngoài 800 năm.
Cho đến khoa thi năm Kỉ sửu niên hiệu Thành Thái I (1889), là khoa thi Đình cuối cùng có người Vĩnh Phúc thi đỗ là ông Phan Duy Bách người xã Kiên cương, nay là thôn Kiên Cương xã Ngũ Kiên huyện Vĩnh Tường. Tổng số thành đạt được 88 vị có khoa bảng tính từ học vị Phó bảng tới Trạng nguyên, là học vị đỗ cao nhất ở khoa thi Đình.
Tuy nhiên có sách chép dừng lại ở con số 86. Đó là sự tồn nghi về 2 vị là Đặng văn Bảng và Hoàng Hữu Tài. Xin kể ra như sau:

ĐẶNG VĂN BẢNG 鄧文榜
(1818 - ?)

Thi đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ khoa Quí Sửu năm Tự Đức thứ 6 – 1853 1 đời  vua Anh Tông Duệ hoàng đế. Só lấy đỗ là 7 người, gồm có 2 người đỗ Đệ nhất giáp TS cập đệ đệ tam danh (thám hoa), 1 người đỗ Đệ nhị giáp TS xuất thân (hoàng giáp),  4 người đỗ Đệ tam giáp Đồng TS xuất thân. Còn lấy thêm 6 người cho đỗ Phó bảng.
Ông Đặng Văn Bảng đỗ hàng đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân danh sách thứ nhất. Bia văn miếu Huế ghi về ông: Cử nhân, sinh năm Mậu dần (1818), thi đỗ năm 36 tuổi, Người xã Vân Cốc (雲穀), tổng Nhật Chiêu, huyện Bạch Hạc tỉnh Sơn Tây. (Xem bia số 16, Văn miếu Huế. Thác bản No. 16482 viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội). Còn sách “Quốc triều khoa bảng lục” 2 chép “làm quan đến Án sát 3 tỉnh Nghệ An” (hàm chánh tứ phẩm).

HOÀNG HỮU TÀI
(1828 - 1871)
Thi đỗ Phó bảng khoa Nhâm tuất năm Tự Đức thứ 15 (1862). Sử “Đại Nam thực lục” của Quốc sử quán triều Nguyễn chép về khoa thi này: “ Cho 2 người đỗ đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân. Bốn người đỗ đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân – lấy đỗ hàng Phó bảng 5 người”.
Hoàng Hữu Tài đỗ phó bảng danh sách thứ 5. “Cho bọn …..Phó bảng là Phạm Xuân Trạch, Nguyễn Duy Tân, Trần Doãn Đạt, Phạm Huy Lượng, Hoàng Hữu Tài”. Sách còn ghi rõ quê quán về ông: “Hữu Tài người ở Vân Cốc, Sơn Tây4.
Còn sách “Quốc triều khoa bảng lục”  chép ông “Sinh năm Mậu tí (1828) đỗ cử nhân khoa Ất mão (1855) đỗ Phó bảng năm 35 tuổi”.
Ông làm quan trải các chức tri huyện Trực Ninh (Chánh lục phẩm), rồi tri phủ Diễn Châu tỉnh Nghệ An (tòng ngũ phẩm). Sau được điều về kinh đô (Huế) giữ chức trưởng quan Vũ học đường (chánh ngũ phẩm) sung chức Khâm sai bổ vụ . Năm Tự Đức 24 (1871) ông đem quân đi dẹp loạn ở vùng Quán Tỉnh huyện Đông Ngàn (từ năm 1876 về sau là huyện Đông Anh), hi sinh tại mặt trận. Được truy tặng chức Thị giảng học sĩ. Đến năm Tự Đức thứ 33 (1880) được thờ thêm vào “đền Trung nghĩa” lập ra ở ở phía đông nam sông Hương phía mặt trước kinh thành Huế từ năm Tự Đức thứ 11 (1858), trong danh số 1532 người 5 của đợt này. Như vậy là 2 ông Đặng Văn Bảng và Hoàng Hữu Tài cùng sinh trong một làng quê là xã Vân Cốc, tổng Nhật Chiêu, huyện Bạch Hạc tỉnh Sơn Tây đời vua Tự Đức. Tức là phần đất cuả  tổng Nhật Chiểu  từ năm thành lập tỉnh Vĩnh Yên (ngày 29 tháng 12 năm 1899) là thuộc về huyện Yên Lạc cuả tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay.
Tuy nhiên hiện không còn thấy địa danh xã Vân Cốc trên bản đồ tỉnh Vĩnh Phúc nữa, Vậy  Vân  Cốc xã, Nhật Chiêu tổng, Bạch Hạc huyện thời vua Tự Đức (1848 – 1883) nay thuộc về đâu? Điều đó khiến tôi băn khoăn và tìm về nơi có địa danh Vân Cốc xã.
Trước hết, địa danh Vân Cốc thấy xuất hiện trong sử sách từ năm 1741 (niên hiệu Lê Cảnh Hưng năm thứ 2)  là do sách có chép đến “bến đò Cốc6, (bến đò ngang sang huyện Phúc Thọ tỉnh Sơn Tây cũ) ở mép tả ngạn sông Hồng nơi có bãi Vân Cốc dài tới 11 km, từng có trận thủy chiến giữa quân của triều đình với bại tướng Nguyễn Diên vốn là cháu của các thủ lĩnh khởi nghĩa nông dân là Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ. Nhớ đến sự kiện này danh sĩ Cao Bá Quát (1809 – 1854) có câu viết: “Vân Cốc, Hà Dương cổ chiến trường…” (chiến trường xưa) trong một bài thơ viết về núi Tam Đảo.
Đến đầu đời Nguyễn, xã Vân Cốc thuộc tổng Nhật Chiêu chép trong sách “Các tổng xã danh bị lãm”, bộ địa danh thời Gia Long 7 ghi địa danh các làng xã Việt Nam đầu thế kỉ 19 thì tổng thuộc huyên Bạch Hạc (thời đó, sau là huyện Vĩnh Tường, nay là thuyện Yên Lạc) gồm 10 xã là: Nhật Chiêu, Vân Cốc, Đại Tự, Cẩm Tuyền, Ái Vũ, Cẩm Khê, Cẩm Viên, Cổ Nha, Quất Lệ và Miêu Cốc (tức Dương Cốc đời Đồng Khánh do kiêng húy chữ “Miêu” là tiểu tự vua Thiệu Trị nên đổi thành “Dương Cốc”).   
Tên xã Vân Cốc còn được ghi trên quả chuông đồng “Vĩnh Tường văn miếu chung” (chuông Văn miếu phủ Vĩnh Tường), tạo năm Thiệu Trị thứ nhất triều Nguyễn – 1841 chép về việc xã Vân Cốc cùng xã Đại Tự….. cung tiến 2 sào ruộng vào Văn miếu 8 .
Đến đời Đồng Khánh (1886-1888), theo sách “Đồng Khánh địa dư chí” 9 , tổng Nhật Chiêu huyện Bạch Hạc vẫn có 10 xã gồm: Xã Nhật Chiêu, xã Cẩm Viên, xã Cẩm Trạch, xã Cổ Nha, xã Đại Tự, xã Cẩm Khê, xã Ái Vũ, xã Vân Cốc, xã Quất Cốt (cũng gọi là Duật Cốt nay là thôn Cẩm La xã Hồng Châu huyện Yên Lạc), xã Dương Cốc.
Đó là kể về văn bản chính thống ở thế kỉ 19, miền đất này vẫn bình yên.
Về thư tịch địa phương, tổng Nhật Chiêu thấy chỉ chép có 8 xã  trong sách “Vĩnh Tường phủ địa dư chí” 10 ,được viết vào khoảng sau đời Đồng Khánh gồm có các xã: Nhật Chiêu (tục gọi làng Rau), xã Cổ Nha, xã Cẩm La (tên cũ là xã Duật Cốt),  xã Cẩm Viên, xã Cẩm Trạch, xã Cẩm Khê (tức phường Trí Thủy), xã  Đại Tự  (Trí Thủy phường) “phường sông nước”, xã Ái Vũ (vô nhân- không người ở), không thấy có tên xã Dương Cốc và Vân Cốc. Như vậy là vùng đất này đã có biến động lớn cùng xuất hiện với “Trí Thủy phường” là phường sống trên sông nước. (nguyên văn chữ “Trí Thủy nghĩa là “nước chảy thông minh” ) chú giải ở 2 xã Đại Tự và Cẩm Khê. Chữ “Phường” là khối dân cư cùng làm một nghề, ở đây có thể là nghề thuộc về sông nước.
Gần đây nhất là cuốn “Địa chí tỉnh Vĩnh Yên” 11 viết năm 1939, khi kể về địa danh các làng xã  chỉ chép tổng Nhật Chiêu huyện Yên Lạc cũng chỉ có 8 xã: Nhật Chiêu, Đại Tự, Cẩm Trạch, Cẩm Viên,Trung Yên, Cổ Nha, Cẩm Hà, và Từ Hạ. Không còn thấy tên 3 xã cũ là Vân Cốc, Dương Cốc và Ái Vũ nữa !
Vì sao lại như vậy ?
Theo nhiều nguồn thông tin từ địa phương, vào khoảng các năm từ Tự Đức 33 (1880),  trở về sau, do có biến động về địa lí, bờ sông Hồng bị lở về phía  nam, bồi thổ về bờ hữu sông Hồng ( Dòng sông bên lở, bên bồi), tạo thành miền đất bãi mênh mông. Nhân dân miền này đã bồi đắp lập thành 3 xã mang tên Vân: Vân Phúc, Vân Nam, Vân Hà trong đó xã Vân Nam có thôn Vân Cốc mang “hồn” của quê Vân Cốc xưa bên bờ tả sông Hồng. Nay là đất huyện Phúc Thọ tỉnh Sơn Tây cũ.
Trong vụ lở đất kinh hoàng này, không chỉ toàn bộ làng Vân Cốc bị mất đất, còn có các làng ven sông như Dương Cốc (Miêu Cốc) cũng mất đất, dân chúng phải chuyển dời vào lập quê mới ỡ xóm Trại xã Lí Hải huyện Yên Lãng đem theo cả các đình chùa của làng này (đã xếp hạng Di tích LS – VH cấp Tỉnh-Thành phố), nên thường gọi là “Trại Cốc”, nay trở thành thôn Dương Cốc xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên là lấy lại tên cũ. Còn xã Ái Vũ (Cát Vũ) kề bên cũng chỉ còn lại 4-5 hộ dân cư (vẫn có 1 Lí trưởng), sau sáp vào xã Nhật Chiêu, để nay là 1 thôn trong 4 thôn của làng Nhật Chiêu (thôn Đông, thôn Thượng, thôn Trung và thôn Ái Vũ) xã Liên Châu huyện Yên Lạc.  Vì vậy năm 2012, khi biên soạn cuốn “Địa chí Vĩnh Phúc” 12, do TW HĐND UBND tỉnh chủ trì, ghỉ địa danh các thôn như: Nhật Chiêu (có 7 thôn mới thuộc xã Liên Châu), cùng các thôn của xã Đại Tự (có 6 từ thôn 1 đến thôn 6), thôn Cẩm Nha, Cẩm Trạch, Cẩm Viên đều thuộc xã Đại Tự, mà không thấy có tên 3 xã cũ là Vân Cốc, Dương Cốc và Ái Vũ (tức Cát Vũ). Cũng không thấy địa danh “phường Trí Thủy”.
Kết quả của sự “thiên di” đó nên khi viết sách “Quốc triều khoa bảng lục” cụ Cao Xuân Dục, một vị quan đại thần của triều đình nhà Nguyễn, ghi lại tên họ, quê quán của tất cả những thí sinh thi đỗ các khoa thi Đình dưới thời nhà Nguyễn từ khoa Nhâm ngọ (Minh Mạng thứ 3- 1822) đến khoa cuối cùng là năm Kỉ mùi (Khải Định thứ 4-1919), cụ Cao đã ghi quê quán của 2 ông khi thi đỗ là “xã Vân Cốc, huyện Bạch Hạc, tỉnh Sơn Tây” là quê gốc. Nhưng ở dòng cuối cụ lại chua chữ là “kim sáp Phúc Thọ” (今插福壽), nghĩa là nay Vân Cốc “Đặt” vào, "cắm, cấy" vào huyện Phúc Thọ, (mà không phải là "sáp nhập" (gộp vào) là năm cụ viết sách “Quốc triều khoa bảng lục” – năm 1893-, tức là huyện đối ngạn với xã Vân Cốc của huyện Bạch Hạc trước đó qua bến đò Cốc, thuộc bờ bên kia sông Hồng không cùng địa giới (còn cách cả con sông Hông). Chữ “sáp” của Cụ Cao dùng là để về sau có địa chỉ  còn  tìm hiểu, không phải là quê gốc gác của các “ông nghè”.
Dù sao, cũng do chữ “Sáp” từ đó về sau, trong nhiều sách viết về 2 ông, có chú giải về địa danh Vân Cốc khác nhau, khiến có kiến giải về quê quán hiện nay của 2 ông khác nhau.
Điển hình gần đây nhất là sách “Các nhà khoa bảng Việt Nam” 13 của các tác giả thuộc viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội, đã quy đổi quê quán của 2 ông là “xã Vân Cốc huyện Phúc Thọ tỉnh Hà Tây” (Đặng Văn Bảng), hoặc “thôn Vân Cốc xã Vân Nam huyện Phúc Thọ tỉnh Hà Tây” (Hoàng Hữu Tài). Bởi vậy khi lên Vĩnh Phúc nghiên cứu và viết sách “Truyền thống hiếu học và hệ thống Văn miếu Văn từ Văn chỉ ở Vĩnh Phúc” 14 TS Nguyễn Hữu Mùi đã không ghi danh 2 ông vào mục các vị “Danh mục đỗ đại khoa ngạch văn”, tức là không xếp 2 ông vào hàng khoa bảng của tỉnh Vĩnh Phúc. Cũng sau đó, khi viết sách "Địa chí Vĩnh Phúc" cũng TS Nguyễn Hữu Mùi lại "quên" tên 2 ông. Bởi vậy số các nhà khoa bảng mới chỉ được đề danh trên 17 bia Văn miếu tỉnh Vĩnh Phúc chỉ là 86 vị. Trong sách "Địa chí Vĩnh Phúc" do TW - HĐND - UBND Tỉnh Vĩnh Phúc chủ trì, NXB KHXH Hà Nội ấn hành năm 2012 không ghi tên 2 ông vào phần Văn hóa  Xã hội là một khiếm khuyết. 
Gần đây (ngày 02 tháng 4 năm 2015), trong mục “Đất và Người”, của “cổng Thông tin điện tử huyện Phúc Thọ” công bố trang “Những danh nhân tiêu biểu trên quê hương Phúc Thọ” có đề danh 10 vị (trong tổng số 12 vị)  là các bậc đại khoa gồm cả Đặng Văn Bảng và Hoàng Hữu Tài quê Vân Cốc (trong văn bản ghi là Hoàng Hàm Tài, có lẽ là vào máy nhầm) có thể cũng từ những thông tin này là một thông tin hồ đồ..
Vậy có thể thấy phần đất xã Vân Cốc của TS Đặng Văn Bảng và Hoàng Hữu Tài bị lở chôi đi và dân chúng trong làng khì tản đi trở thành “Sáp Phúc Thọ” (đã di sang nhập huyện Phúc Thọ ?), Điều nghi vấn này chưa thấy có thông tin  xác nhận;  Hoặc cũng có thể di vào trong cùng với dân thôn xã Đại Tự lập thành các “trại” từ trại 1 đến trại 6; “Trại Dưới”, (gồm Trung Anh + Cẩm Viên), “Trại Giữa” và “Trại Trên” như thống kê của huyện Vĩnh Lạc (Vĩnh Tường + Yên Lạc) vào những năm 1992. Để đến nay xã Đại Tự huyện Yên Lạc gồm có 16 thôn gồm Tam Kì từ 1 đến 6, Đại Tự  cũng từ 1 đến 6, cùng các thôn có tên trùng với các văn bản cổ là Cẩm Nha (tức Cổ Nha), Cẩm Trạch, Cẩm Viên và Trung An chép trong sách “Địa chí Vĩnh Phúc” do TW-HĐND-UBND tỉnh Vĩnh Phúc chủ trì biên soạn. Hiện nay dễ nhận thấy trên bản đồ huyện Yên Lạc có 3 xã nằm kề mép sông Hồng là Đại tự, Liên Châu (thôn Nhật Chiêu) và Trung Hà.
Lại thấy các làng  Vân Nam, Vân Phúc, Vân Hà đều là địa danh xuất hiện sau năm bờ tả sông Hồng bị lở năm 1888, nghĩa là sau năm TS Đặng Văn Bảng thi đỗ và ra làm quan làm quan là 70 năm, khi này ông đã 106 năm tuổi (thi đỗ năm 36 tuổi), còn PB Hoàng Hữu Tài đã hi sinh ngoài mặt trận  tới 17 năm,– 1871- là 22 năm hưởng dương 43 năm tuổi. Vậy thì chỉ thể có hòn đất trôi giạt Vân Cốc “xưa” nay được “cắm” vào địa giới  huyện Phúc Thọ, còn “Phần Hồn” với “Phần Cốt” (thịt xương) của 2 ông thì vẫn còn nằm lại ở nơi làng quê Vân Cốc từ khi sinh ra, đến khi thành đạt, cũng như khi lìa cõi trần thế về với tổ tiên.  
Sao lại bảo các ông là người của huyện Phúc Thọ được ?
  Nỡ nào các nhà nghiên cứu ngày nay lại dễ dãi “gắn” các vị đã trở thành “thiên cổ” lưu du ra khỏi nơi nguyên quán quê mình ?
Kết luận: TS Đặng Văn Bảng cùng PB Hoàng Hữu Tài mãi mãi là các nhà khoa bảng của tỉnh Vĩnh Phúc, đề danh các vị vào xã Đại tự huyện Yên Lạc là hợp lí nhất. Tạo thành con số 88 các nhà khoa bảng của miền đất 1000 năm Văn hiến Thăng Long.
 


1. Xem bia Miếu văn thánh Huế “Hoàng triều Tự Đức lục niên, Quí Sửu Hội thi khoa Tiến sĩ đề danh kỉ”, No 16482.
 2. Quốc triều khoa bảng luc, Cao Xuân Dục. Bản VHv.640. tờ 17a.
 3 . Án sát: Chức quan cai trị cấp tỉnh, thiết lập năm 1831 thời Minh Mạng, chuyên trách về việc hình sự. Thời thuộc Pháp, chức quan này bị bãi bỏ ở Nam Kì, nhưng vẫn được duy trì ở Bắc Kì và Trung Kì
4. Xem: Đại Nam thực lục – Bản dịch, NXB Giáo Dục. Hà Nội năm 2007. Tập 7 trang 1196.
5. Đại Nam thực lục.  Sđd tập 8 trang 396.
6 .Xem Việt sử thông giám cương mục. bản dịch. Tập 18. NXB Sử học Hà Nội năm 1960. Trang 10.
7. Bản dịch của Dương Thị The và Phạm Thị Hoa.NXB KHXH Hà Nội  năm1981.
8. Chuông hiện tàng ở phòng Văn hóa – Thông tin huyện Vĩnh Tường.
9. Bản dịch của nhóm biên tập Ngô Đức Thọ, Nguyễn Văn Nguyên, Philippe Papin.
NXB Thế Giới Hà Nội năm 2003.
10. Tài liệu Viên nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội.  A.1868.
11. Sách giáo khoa giảng dậy dùng trong các trường Pháp Việt. Nhà in Thụy Kí Hà Nội ấn hành năm 1939
12. Nhà XB KHXH Hà Nội ấn hành năm 2012. Xem trang 147
13. NXB Văn Học,  Hà Nội. năm 1993. Các trang 845 và 856.
14. Sở  Văn hóa Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc. Năm 2011,xem từ trang 49.

3 nhận xét:

  1. http://nhakhoavietnam.net/ Chuyên cung cấp dịch vụ làm web, seo, marketing dành riêng cho nha khoa
    http://nhakhoavietnam.net/
    Hotline: 093 9393 077

    Trả lờiXóa
  2. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa